Thuận lợi và khó khăn

Một phần của tài liệu quan hệ kinh tế giữa vương quốc anh với việt nam từ năm 1991 đến nay (Trang 46 - 50)

7. Bố cục của luận văn

2.2.1. Thuận lợi và khó khăn

2.2.1.1. Thuận lợi

Vương quốc Anh và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 11/9/1973. Quan hệ hai nước chỉ thực chất phát triển, đạt được nhiều thành tựu lớn vì lợi ích của hai quốc gia kể từ thập kỉ 90 đến nay là nhờ những điều kiện khách quan và chủ quan hết sức thuận lợi.

*Điều kiện khách quan

Tình hình khu vực và thế giới trong những thập niên cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI tạo ra điều kiện khách quan hết sức thuận lợi cho quan hệ kinh tế Vương quốc Anh và Việt Nam phát triển. Đó là xu thế đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tự do hóa quan hệ thương mại. Mỗi quốc gia muốn tồn tại và phát triển thì phải thiết lập quan hệ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới nhằm tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Quan hệ kinh tế giữa Vương quốc Anh và Việt Nam từ năm 1991 đến nay cũng nằm trong trào lưu chung ấy. Do đó, Chính phủ hai nước cũng đã thi hành những chính sách và biện pháp tốt nhất để thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhau trên tất cả các lĩnh vực nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế mỗi bên.

*Điều kiện chủ quan

Về phía Việt Nam

Đường lối đối ngoại đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ Đại hội VI, được bổ sung và hoàn thiện qua các Đại hội VII, VIII, IX đã đem lại nhiều thành tựu to lớn cho Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại, đưa Việt Nam thoát khỏi thế bị bao vây, cấm vận, từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia

một thị trường quan trọng và là thị trường bổ sung vào cơ cấu kinh tế của những nước có trình độ phát triển cao hơn, trong đó có Vương quốc Anh. Đây chính là những tiền đề quan trọng và cần thiết để Việt Nam thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và toàn diện với Vương quốc Anh.

Xác định vai trò, vị thế ngày càng lớn mạnh của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Vương quốc Anh. Đây là một tiền đề cần thiết để đưa Việt Nam tiến tới thâm nhập vào thị trường EU và với các khu vực trên toàn thế giới. Một nước Việt Nam đổi mới thành công, dồi dào về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, có tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế đã và đang trở thành một đối tác ngày càng quan trọng với Vương quốc Anh. Trên cơ sở đó cùng với việc triển khai chính sách láng giềng thân thiện với các nước trong khu vực, khai thông quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế lớn trên toàn thế giới, Việt Nam đã và đang nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt là quan hệ kinh tế với Anh quốc lên một tầm cao mới.

Về phía Vương quốc Anh

Đến đầu thập niên 90, quan hệ EU – Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. EU đánh giá ngày càng cao vai trò khu vực châu Á –Thái Bình Dương trong quan hệ quốc tế nên EU đã thay đổi chính sách của mình đối với khu vực này và Việt Nam. Ngày 22/11/1990, EU chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh cũng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Năm 1994, EU thực hiện chính sách “hướng tới một chiến lược mới đối với châu Á”. Các nước thành viên EU như: Pháp, Đức đưa châu Á lên vị trí cao hơn trong chính sách đối ngoại của họ, tăng cường quan hệ hợp tác với khu vực này. Xu hướng này thúc đẩy Anh cần phải quan tâm nhiều hơn đến châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, nơi mà Anh có ảnh hưởng lâu đời ở một số nước vốn là thuộc địa cũ của mình. Những điều kiện ấy giúp quan hệ Vương quốc Anh và Việt Nam phát triển. Vương quốc Anh đánh giá cao Việt Nam vì những lý do chủ yếu sau:

Một là, Việt Nam nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực được dự báo là có nền kinh tế phồn thịnh nhất thế giới vào thế kỉ XXI, do đó Việt Nam không chỉ có thể là một đối tác kinh tế quan trọng của Vương quốc Anh, mà còn là một địa bàn thuận lợi để họ đứng chân khi tiến vào khu vực này. Việt Nam sẽ là cửa ngõ giúp Anh mở rộng quan hệ với các nước Đông Dương, Đông Nam Á, châu Á cũng như các tổ chức khu vực và thế giới.

Hai là, Việt Nam là thành viên của ASEAN, APEC, và ASEM, đặc biệt quan hệ giữa EU và ASEAN đã có từ lâu và ngày càng trở nên chặt chẽ và thu được nhiều thành tựu lớn. Nếu Anh quan hệ tốt với Việt Nam thì Anh sẽ tăng cường vai trò của mình trong các khối kinh tế trên và ở cả khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Vương quốc Anh đánh giá cao và muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam. Vương quốc Anh đã dành cho Việt Nam những ưu đãi như qui chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP để Việt Nam có điều kiện thuận lợi mở rộng buôn bán với Anh.

Vương quốc Anh muốn có một vị trí ngày càng lớn trên thế giới và để làm được việc đó, Vương quốc Anh cần tìm được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam là một thị trường còn nhiều tiềm năng với dân số đông, tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lao động dồi dào, giá rẻ, người lao động cần cù, chịu khó; nền chính trị ổn định, đang thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa. Trước đây Việt Nam còn đóng cửa và kinh tế kém phát triển nên các nguồn lực được khai thác chưa nhiều và sức tiêu thụ còn hạn chế. Nay nhờ chính sách mở cửa, đổi mới nên các nhà đầu tư Anh quốc hy vọng có thể khai thác nguồn lực như tài nguyên dầu khí, dịch vụ du lịch, sức lao động rẻ và đáp ứng yêu cầu tiêu dùng đang tăng tại Việt Nam.

Vì những lý do trên, Chính phủ Anh đánh giá cao vai trò của Việt Nam và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thiết lập quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực mà quan trọng nhất là hợp tác kinh tế.

Trong hoàn cảnh ấy, những cuộc viếng thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước cũng tạo nên những điều kiện chủ quan thuận lợi cho quan hệ kinh tế hai nước phát triển. Các doanh nghiệp Anh cảm thấy yên tâm hơn khi hợp tác kinh tế với Việt Nam.

Tháng 7/1993, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thăm Anh. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam sang Anh. Tháng 4/1994, ngoại trưởng Anh Doglas Hurd đã tới thăm Việt Nam. Các chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo hai nước tạo nên những cơ hội mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước [46, tr.121].

Như vậy, bước vào thập niên 90 của thế kỉ XX, quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam có nhiều điều kiện khách quan và chủ quan hết sức thuận lợi để phát triển. Điều quan trọng nhất là hai nước có những điều kiện kinh tế bổ sung lẫn nhau, Chính phủ hai bên đều xem nhau là những đối tác tiềm năng và đều mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Sự gặp gỡ giữa hai đường lối của hai nhà nước xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của chính bản thân mỗi nước đã

góp phần thúc đẩy quan hệ song phương toàn diện đặc biệt là quan hệ kinh tế lên một tầm cao mới. Quan hệ kinh tế hai nước chuyển từ giai đoạn thăm dò thị trường sang giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại đôi bên cùng có lợi, đáp ứng lợi ích nguyện vọng của hai Chính phủ, hai quốc gia và nhân dân hai nước.

2.2.1.2. Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi ấy, quan hệ kinh tế Vương quốc Anh và Việt Nam từ năm 1991 đến nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về tình hình quốc tế

Xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia. Nhưng cũng chính sự tiến triển của quá trình này trong bối cảnh các nền kinh tế không có cùng trình độ như Vương quốc Anh và Việt Nam có thể có tác động ngược lại gây khó khăn cho quan hệ kinh tế giữa hai nước. Một số khó khăn cơ bản trong quan hệ kinh tế hai nước là:

Thứ nhất, để tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế, chúng ta phải giảm dần thuế quan tiến tới dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ làm cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài tràn vào thị trường nội địa ồ ạt, cạnh tranh các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Điều đó dẫn đến các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ phá sản.

Thứ hai, do hội nhập kinh tế quốc tế mà mọi chấn động tiêu cực của hệ thống kinh tế toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam và Anh quốc. Các tác động này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam.

Khó khăn từ phía Vương quốc Anh

Sang đầu thập kỉ 90, nước Anh lại lâm vào đợt suy thoái mới. Mức tăng trưởng kinh tế năm 1990 chỉ đạt 0,6%, hai năm 1991 – 1992 giảm xuống còn 0,3%. Bắt đầu từ năm 1993, kinh tế Anh có dấu hiệu phục hồi với tỷ lệ tăng trưởng 1,9%, năm 1994 đạt 3,3%. Sau khi phục hồi kinh tế, nền kinh tế Anh vẫn phát triển chậm chạp. Sự suy thoái của nền kinh tế Anh không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh mà còn ảnh hưởng không tốt đến quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam.

Ngoài ra thị trường Anh là một thị trường có sức tiêu thụ mạnh và rất ổn định tuy nhiên đây là một thị trường rất khó tính và luôn đưa ra những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam vốn không sở hữu những công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất của thế giới sẽ gặp

phải rất nhiều khó khăn khi muốn thâm nhập và giữ vững vị trí của mình trong thị trường này.

Khó khăn từ phía Việt Nam

Mặc dù từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã phát triển rộng mở hơn so với giai đoạn trước đây nhưng nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Một là, Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp nghèo, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, lạc hậu, năng suất và hiệu quả thấp, cơ sở vật chất và trình độ công nghệ còn thấp so với các nước trong khu vực, tiềm lực vốn và nhân lực còn yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Hai là, lĩnh vực tài chính ngân hàng còn nhiều bất cập, chất lượng tín dụng chưa cao, kinh nghiệm huy động vốn còn nhiều hạn chế chưa đủ làm động lực thu hút đầu tư nước ngoài.

Ba là, hệ thống pháp luật về kinh tế đang trong quá trình hoàn thiện nên còn thiếu đồng bộ. Cải cách hành chính còn chậm và thiếu kiên quyết nên bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, hiệu lực thấp.

Bốn là, Việt Nam mới chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần nhưng hệ thống thị trường của nước ta chưa hoàn thiện và phát triển, do đó chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư từ Anh.

Năm là, Việt Nam gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh trong quan hệ kinh tế với Vương quốc Anh. Các nước đang phát triển khác ở khu vực Đông Nam Á cũng có những điều kiện thuận lợi như Việt Nam về nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức lao động dồi dào giá rẻ, một số nước còn có hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất tốt hơn Việt Nam. Các nước này cũng có chiến lược phát triển kinh tế tập trung xuất khẩu. Do đó, Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với những quốc gia này trong việc thu hút đầu tư từ Anh cũng như quan hệ thương mại song phương với Anh.

Như vậy, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì quan hệ hợp tác kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam từ thập niên 90 còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước những khó khăn đó, Chính phủ hai bên đã có những biện pháp phát huy tối đa những thuận lợi và khắc phục tối thiểu những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Một phần của tài liệu quan hệ kinh tế giữa vương quốc anh với việt nam từ năm 1991 đến nay (Trang 46 - 50)