7. Bố cục của luận văn
2.1.3. Tình hình Việt Nam
2.1.3.1. Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại
Đến đầu thập niên 90, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về đối nội và đối ngoại. Mặc dù chúng ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng bước đầu trong công cuộc đổi mới nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam vẫn bị Mỹ cấm vận, bao vây kinh tế. Hơn nữa, Liên Xô và Đông Âu suy yếu, chỗ dựa về kinh tế và chính trị của Việt Nam đã mất, thị trường truyền thống của Việt Nam bất ngờ bị thu hẹp, nguồn viện trợ cũng không còn. Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam phải tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, thiết lập quan hệ với tất cả quốc gia trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị vì:
Thứ nhất, sau khi Liên Xô và Đông Âu suy yếu, Việt Nam phải nhanh chóng tìm thị trường mới, nhằm đưa nền ngoại thương ra khỏi tình trạng mất đi thị trường tiêu thụ lớn.
Thứ hai, xu thế chung của thế giới là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại. Do đó để tồn tại và phát triển, Việt Nam phải tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, kể cả các quốc gia theo đường lối TBCN nhằm mục đích cuối cùng là tận dụng tất cả những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế đất nước.
Do đó, ĐCS Việt Nam chủ trương tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế và tư duy đối ngoại, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, thiết lập quan hệ kinh tế với tất cả các nước, phối hợp chặt chẽ với các nước để giải quyết những vấn đề quốc tế một cách sáng suốt, linh hoạt, mềm dẻo.
Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đề ra chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế nhằm có thêm bạn bè, tranh thủ thêm nguồn vốn, công nghệ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của nước ta. Văn kiện Đại hội VII nêu rõ: “chúng ta chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chủ động xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa Xã hội, bảo vệ tổ quốc, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị – xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng
tồn tại hòa bình”. Đại hội VII tiếp tục phát triển chủ trương “thêm bạn bớt thù” của Đại hội VI thành “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập phát triển”. Đại hội VII quán triệt việc đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế với mọi quốc gia, các tổ chức kinh tế trên thế giới [9, tr.323].
Đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng trong Đại hội VII tiếp tục được khẳng định lại ở Đại hội VIII (6/1996) với chủ trương “phải đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới” và “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới vì hoà bình hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế vì lợi ích tối cao của dân tộc; đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc khác của khu vực và toàn thế giới” [24, tr.55].
Đường lối đối ngoại phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới được tiếp nối trong Đại hội IX (4/2001) với chủ trương nâng tiến trình hội nhập kinh tế lên một bước mới, xem hội nhập về kinh tế là vấn đề chủ yếu của hội nhập quốc tế. Phương châm của Đại hội VIII được phát triển lên một bước tại Đại hội IX là “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” [25, tr.78].
Như vậy, điểm xuyên suốt nổi bật trong các Đại hội VII, VIII, IX của Đảng là đều chủ trương hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội trên nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện lập trường đổi mới và thiện chí của mình trong quan hệ kinh tế quốc tế, đó chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam từ năm 1991 đến nay phát triển.
2.1.3.2. Thành tựu của đường lối đổi mới tư duy đối ngoại
Từ đầu thập niên 90, tiếp tục đường lối đổi mới tư duy đối ngoại, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trong quan hệ đối ngoại.
Việt Nam bình thường hoá và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ năm 1995 và ký Hiệp định thương mại với Mỹ năm 2001 với điều khoản tối huệ quốc tạo thuận lợi cho hàng hóa ta thâm nhập vào thị trường Mỹ. Việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ góp phần củng cố uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và giúp Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trên thế giới.
Việt Nam đã từng bước gắn kết nền kinh tế của mình với nền kinh tế khu vực và thế giới. Mở đầu tiến trình đó, năm 1992 nước ta đã khai thông quan hệ chính thức với các tổ
chức tài chính, tiền tệ quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Năm 1994, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng hợp tác kinh tế lòng chảo Thái Bình Dương (PBEC). Năm 1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Năm 1996, Việt Nam gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tháng 3/1996, Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) với tư cách là một trong 25 thành viên tham gia sáng lập. Tháng 11/1998, Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực ngoại giao. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI tại Việt Nam, nâng cao vai trò tích cực của mình trong ASEAN, tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEM – 5 vào tháng 10/2004, chứng tỏ sự dày dạn, tự tin của Việt Nam đối với hoạt động của các tổ chức lớn [9, tr.367]. Việt Nam cùng Lào, Campuchia và Thái Lan đã đi đến thỏa thuận mới cùng nhau hợp tác khai thác và sử dụng lâu dài hạ lưu sông Mê Kông vì lợi ích phát triển các nước Đông Nam Á lục địa, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia hơn 20 tổ chức quốc tế và khu vực, ký gần 50 điều ước quốc tế đa phương trong các lĩnh vực khác nhau [9, tr.380].
Đến năm 2000, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam thiết lập quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới. Gần 70 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có nhiều công ty và tập đoàn có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ và tài chính. Kim ngạch mậu dịch của Việt Nam, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, viện trợ phát triển (ODA) của các vùng lãnh thổ, các nước và tổ chức trên thế giới dành cho Việt Nam trong 15 năm, tính tới năm 2000, đã tăng mạnh và nhanh, góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước [9, tr.374]. Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO sau nhiều năm đàm phán khó khăn và căng thẳng.
Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến những thập niên đầu thế kỉ XXI, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực đối ngoại, từ chỗ bị bao vây cấm vận, cô lập trong quan hệ quốc tế đến những năm 90 của thế kỉ XX, Việt Nam đã khai thông quan hệ với nhiều quốc gia, khu vực và các tổ chức lớn trên toàn thế giới. Đây là điều kiện khách quan thuận lợi cho Việt Nam thiết lập quan hệ kinh tế với tất cả các nước, trong đó có Vương quốc Anh.
Như vậy, trong những thập niên cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, nhận thức đúng những xu thế mới của thời đại, Đảng và Nhà nước ta đã đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, đổi mới tư duy đối ngoại, tập trung giải quyết các vấn đề mấu chốt, củng cố và mở rộng xây dựng quan hệ quốc tế mới có lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng đổi mới về nội dung và phương thức phù hợp với bối cảnh khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam có nhiều điều kiện khách quan và chủ quan hết sức thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh.