7. Bố cục của luận văn
2.2.5. Lĩnh vực du lịch
Trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa hiện nay, phát triển du lịch không còn là chuyện riêng của mỗi nước, mà cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ trên bình diện khu vực và toàn cầu. Du lịch đã trở thành một ngành có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội. Bởi vì nó không những đem lại một nguồn thu nhập đáng kể về tài chính, giải quyết khối lượng việc làm lớn mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, là nhịp cầu hữu nghị giữa các nước. Từ những năm 90 đến nay cùng với sự đổi mới đất nước, ngành du lịch Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành quả ban đầu rất quan trọng. Nhờ Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách phù hợp, như chỉ thị của Ban bí thư trung ương Đảng khoa vụ (1994) đã khẳng định: Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế, xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, du lịch Việt Nam không ngừng mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác quốc tế với mọi đối tác, trong đó phải kể đến EU, trong đó có Vương quốc Anh, một trong những đối tác trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như những điều kiện khách quan thuận lợi, ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến vững chắc và đã thu hút được nhiều du khách đến Việt Nam, trong đó có du khách Anh. Từ năm 2000 – 2004, trung bình mỗi năm có khoảng 25.000 khách du lịch Anh vào Việt Nam. Năm 2004, có 70 nghìn lượt khách du lịch từ Anh đến Việt Nam. Năm 2005 khách Anh đến Việt Nam đạt 82.909 lượt tăng 16,3% so với năm 2004, trong 10 tháng đầu năm 2006 lượng khách đến từ thị trường Anh đạt 67.831 lượt tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Chương trình hành động du lịch quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 đã khẳng định, vai trò của du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Theo các chuyên gia dự đoán khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 17,4% trong năm 2008 và tăng 11,6% năm 2009, hiện 50% lượng khách đi du lịch nước ngoài hàng năm đến Việt Nam là khách từ châu Âu. Trong đó Anh và Đức là hai nước có lượng khách đi du lịch lớn nhất thế giới, trong thời gian qua lượng khách châu Âu đến Việt Nam ngày càng tăng trong đó lượng du khách Anh đến Việt Nam tăng khá nhanh và ổn định.
Trong các ngày từ 7 – 10/11/2011, Tổng cục du lịch Việt Nam và gần 30 doanh nghiệp trong nước đã tham gia Hội chợ Du lịch Thế giới (WTM) tại London (Vương quốc Anh). Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch Thế giới hàng năm ngoài mục đích quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam, thì một trong những điểm mới của đoàn Việt Nam dự hội chợ WTM năm 2011 đó là Hàng không Việt Nam giới thiệu và quảng bá đường bay thẳng giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với London. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào đầu tháng 12 tới. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), cho biết đường bay thẳng giữa Việt Nam và Anh có thể là một lý do khiến những đối tác của Anh và châu Âu quan tâm tới thị trường Việt Nam đến tìm hiểu thông tin nhiều hơn năm trước. Nhiều hãng du lịch lớn như Thomas Cook, Carlson Wagonlit đã đến làm việc với Tổng cục Du lịch và đặt vấn đề hợp tác xúc tiến tuyên truyền du lịch Việt Nam. Trong 4 ngày diễn ra hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực lữ hành, khách sạn cũng đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các công ty du lịch của Anh và thế giới nhằm giới thiệu, thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam, cũng như mở rộng thị trường du lịch ra nước ngoài. Trung bình mỗi doanh nghiệp có khoảng 10 – 15 cuộc tiếp xúc với các bạn hàng để giới thiệu các sản phẩm, chương trình du lịch cho những danh lam thắng cảnh và văn hóa Việt Nam. Năm 2011, lượng du khách Anh đến Việt Nam là 105 nghìn người.
Năm 2012, theo báo cáo của the UK Post Office Travel Money của Anh, doanh số tiền Việt Nam đồng mà công ty này bán cho du khách Anh năm 2012 tăng 106%, tăng gấp đôi so với năm 2011 là 68%. Điều này đã chứng tỏ du khách Anh ngày càng đến Việt Nam nhiều hơn vàViệt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho du khách Anh trong những kỳ nghỉ của họ [131, tr.2].
Nguyên nhân của sự gia tăng lượng khách du lịch Anh tới Việt Nam gần đây được lý giải bằng một số lý do sau:
Thứ nhất, Tổng cục Du lịch Việt Nam xác định Anh là thị trường tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam tại khu vực Tây Âu, chỉ sau Pháp và Đức vì thế từ ngày 8/12/2011, Vietnam Airlines chính thức mở đường bay thẳng Việt Nam – Anh (từ cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sang Anh) bằng máy bay Boeing 777, dự kiến sẽ khai thác 7 chuyến/tuần vào năm 2014. Sân bay London Gatwick được lựa chọn để khai thác các chuyến bay đến/đi từ Anh. Tuyến đường bay này làm giảm hành trình từ Anh sang Việt Nam xuống 7 giờ so với trước đây khiến cho lượng du khách Anh đến Việt Nam tăng nhiều.
Thứ hai, dịch vụ du lịch của Việt Nam trong thời gian gần đây có sự biến chuyển tốt, chất lượng phục vụ được nâng cao hơn và giá cả hợp lý hơn đáp ứng nhu cầu cao của du khách người Anh. Gần đây, Việt Nam đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng cao như, đạt chuẩn quốc tế như Anantara Mũi Né chính thức mở cửa vào tháng 4 năm 2012; InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort đã khai trương vào tháng 6 năm 2012; Chuỗi khách sạn quốc tế dự kiến sẽ mở tại Việt Nam trong tương lai gần, trong đó có khách sạn Hilton Đà Nẵng, có kế hoạch để chào đón vị khách đầu tiên của mình vào năm 2013, và Movenpick Hotels & Resorts Quy Nhơn sẽ mở cửa vào năm 2015 [131, tr.3].
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Việt Nam nhận được đánh giá tốt của nhiều du khách lần đầu đến Việt Nam và tỉ lệ khách du lịch Anh quay trở lại Việt Nam khá cao, đặc biệt là với khách có mục đích du lịch nghỉ dưỡng. Còn theo khảo sát của hãng lữ hành nổi tiếng Hayes & Jarvis, trong số 10 điểm đến ở nước ngoài được người Anh ưa thích nhất, Việt Nam đứng thứ 7. Trong khi đó, tạp chí du lịch uy tín Wanderlust của Anh cũng vừa công bố kết quả bầu chọn những điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới năm 2013, theo đó, phố cổ Hội An của Việt Nam đứng đầu hạng mục những thành phố hấp dẫn nhất trong số 976 thành phố được bầu chọn [130, tr.2]. Trang du lịch Skyscanner thì đánh giá Mũi Né (Việt Nam) sở hữu những bãi cát trắng tuyệt vời nhất Đông Nam Á.
Thứ ba, Vương quốc Anh và Việt Nam ngày càng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực du lịch. Những thành tựu trong quan hệ giữa hai nước làm cho người Anh dần quan tâm và có cảm tình nhiều hơn đến Việt Nam bằng chứng là họ ngày càng du lịch đến Việt Nam nhiều hơn và qua lĩnh vực hợp tác du lịch thì quan hệ kinh tế hai nước được tăng cường rất nhiều.
Như vậy qua đó chúng ta thấy hiệu quả ngành du lịch đem lại cho nền kinh tế đất nước là rất lớn, trong đó lượng khách đến từ Anh nói riêng và châu Âu nói chung là rất quan trọng. Điều mà ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm là đưa ra các giải pháp nhằm thu hút hơn nữa lượng khách đến từ Anh và châu Âu vì đây là thị trường rất có tiềm năng trong lĩnh vực du lịch.
Tiểu kết chương 2
Dựa trên những thành tựu đạt được trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, du lịch như đã được nêu trong chương 2 ta thấy quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam từ năm 1991 đến nay đã có bước phát triển dài. Quan hệ kinh tế hai nước chuyển từ thăm dò tìm hiểu thị trường của nhau sang hợp tác chặt chẽ đôi bên cùng có lợi,
Anh trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam năm 2010. Sau khi trở thành đối tác chiến lược, quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển lên một tầm cao mới, quan hệ thương mại song phương đạt 3,5 tỷ USD năm 2013, phấn đấu đạt hơn 4 tỷ USD năm 2014; đầu tư Anh vào Việt Nam năm 2012 gần 3 tỷ USD, Anh là một trong ba nhà đầu tư EU lớn nhất tại Việt Nam; đến năm 2013, Anh là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam trong EU, Anh cũng là nước đầu tiên cam kết ODA cho Việt Nam đến năm 2016, là nước đầu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam bằng phương thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách và trả nợ quốc tế cho Việt Nam, Anh cũng là nhà tài trợ điều phối trong lĩnh vực chống tham nhũng tại Việt Nam, thay cho Thụy Điển [150, tr.1]. Có thể thấy từ năm 1991 đến nay, quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam chuyển từ hình thái mang tính chất chính trị ngoại giao, viện trợ phát triển sang hình thái hợp tác kinh tế thương mại đôi bên cùng có lợi, đáp ứng nhu cầu kinh tế của mỗi bên. Anh và Việt Nam đang trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau trong sự nghiệp phát triển kinh tế
Chương 3. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VỀ QUAN HỆ KINH TẾ GIỮA VƯƠNG QUỐC ANH VỚI VIỆT NAM
TỪ NĂM 1991 ĐẾN NAY 3.1. Đặc điểm
Quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam là một trong những mối quan hệ kinh tế Đông – Tây được xác lập trên các nguyên tắc chung của quan hệ quốc tế. Quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam từ 1991 đến nay, theo chúng tôi, mang ba đặc điểm sau:
Thứ nhất, quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam là quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia vừa có những tương đồng vừa khác biệt. Tương đồng ở chỗ là Chính phủ hai bên cùng ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế trên tinh thần hiểu biết tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng hai bên cùng có lợi. Lãnh đạo Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Vương quốc Anh, xem việc tăng cường quan hệ với Vương quốc Anh là một cơ sở quan trọng để Việt Nam triển khai thành công chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước, là bạn, là đối tác tin cậy là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chính phủ Anh muốn thiết lập quan hệ với Việt Nam vì Việt Nam là thị trường đầy hấp dẫn, thiết lập quan hệ tốt với Việt Nam còn giúp Anh đứng vững ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, Anh muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh những điểm tương đồng đó, quan hệ Vương quốc Anh và Việt Nam vẫn mang nhiều điểm khác nhau:
Về chế độ chính trị: Anh là nước TBCN với nền chính trị quân chủ lập hiến theo mô hình Luật án lệ. Việt Nam là nước XHCN với vai trò lãnh đạo duy nhất của ĐCS Việt Nam. Về trình độ phát triển kinh tế: Anh có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển nhất thế giới, có nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, kinh tế chậm phát triển, còn nghèo nàn, lạc hậu với xuất phát điểm thấp.
Thứ hai, quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam không chỉ trong khuôn khổ song phương mà cả trong khuôn khổ đa phương. Anh thuộc EU, còn Việt Nam thuộc ASEAN, ASEM... Trong quan hệ với Anh, Việt Nam không chỉ là một quốc gia độc lập có chủ quyền mà còn là thành viên của ASEAN, ASEM. Các quan hệ với ASEAN, ASEM bổ sung và mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa Anh và Việt Nam giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trong quan hệ với Anh.
Thứ ba, quan hệ kinh tế Vương quốc Anh với Việt Nam từ năm 1991 đến nay diễn ra và thu được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: thương mại song phương, đầu tư của Anh vào Việt Nam, viện trợ phát triển của Anh dành cho Việt Nam và du lịch. Anh trở thành một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Mặc dù đã đạt những thành tựu to lớn như vậy nhưng quan hệ kinh tế hai nước trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn và hạn chế.
Quan hệ kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam trong hơn 40 năm qua (1973 – 2013) là quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia có ý thức hệ, chế độ chính trị, trình độ phát triển khác nhau nhưng hai bên đã vượt qua những khó khăn, trở lực, rút ngắn khoảng cách để xích lại gần nhau hơn. Anh và Việt Nam đều đánh giá cao những lợi ích mà mối quan hệ mang lại và mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ với tiêu chí bình đẳng, cùng có lợi với tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
3.2. Thành tựu và hạn chế
3.2.1. Thành tựu
Từ khi Vương quốc Anh và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ giữa hai nước cũng có những lúc thăng trầm nhưng nhìn chung diễn ra theo hướng tốt đẹp. Sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới (1986), ban hành Luật đầu tư nước ngoài (1987) và rút quân hoàn toàn ra khỏi Campuchia (1989) thì quan hệ giữa Anh và Việt Nam dần ấm lên. Đặc biệt vào đầu thập kỉ 90 của thế kỷ XX khi quan hệ hai nước được khai thông và rộng mở trên nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hoá – giáo dục... thì quan hệ kinh tế giữa hai nước bắt đầu phát triển mạnh do những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi. Quan hệ kinh tế hai nước từ năm 1991 đến nay thu được nhiều thành tựu to lớn.
3.2.1.1. Lĩnh vực thương mại
Từ năm 1991 đến nay, quan hệ thương mại song phương hai nước có những bước tiến lớn, Anh từ một thị trường tiềm năng trở thành thị trường lớn thứ hai của Việt Nam trong EU. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước từ con số khiêm tốn là 11,6 triệu USD năm 1991 đến năm 2010 đạt 2,1 tỷ USD. Xác định quan hệ thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ song phương hai nước, Chính phủ Anh và Việt Nam đã không tiếc công sức để tăng cường mối quan hệ này. Kể từ sau khi hai nước ký Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, hoạt động thương mại phát triển hết sức sôi động, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đã đạt mức 4 tỷ USD vượt mức kế hoạch là 4 tỷ USD trong
năm 2013. Từ những số liệu trên ta có thể thấy trao đổi thương mại giữa Anh và Việt Nam ngày càng tương xứng với tiềm năng mỗi nước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Anh là giày dép, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ… Những mặt hàng khác như thuỷ sản, hạt điều, cao su, chè, hạt tiêu, than đá là những mặt hàng truyền thống đang tiến vững chắc trên thị trường Anh. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Anh là các thiết bị công nghiệp.
3.2.1.2. Lĩnh vực đầu tư
Từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới đến nay, đầu tư của Anh vào Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng cơ sở hạ