Bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu quan hệ kinh tế giữa vương quốc anh với việt nam từ năm 1991 đến nay (Trang 100 - 105)

7. Bố cục của luận văn

3.3. Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, phát huy cao độ tinh thần độc lập dân tộc, tự cường trong quan hệ kinh tế với Anh, thường xuyên đổi mới tư duy đối ngoại, linh hoạt uyển chuyển phù hợp với tình hình cụ thể. Nghiên cứu và dự báo tình hình đối tác một cách nhạy bén, chủ động tìm khâu đột phá trong quan hệ để đem lại lợi ích thân thiết cho sự phát triển đất nước.

Thứ hai, Việt Nam và Anh có chế độ chính trị khác nhau nên trong quan hệ kinh tế, chúng ta phải biết giải quyết khéo léo nhiều vấn đề để không ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ và tình cảm của nhân dân hai nước. Dân chủ và nhân quyền là yếu tố trung tâm trong chính sách đối ngoại của Anh và được triển khai thường xuyên và nhất quán đối với tất cả các nước trên thế giới. Do khác nhau về chế độ chính trị mà giữa Việt Nam và Anh có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Anh ở mức độ khác nhau muốn thông qua dân chủ, nhân quyền tác động vào Việt Nam để chuyển biến Việt Nam theo mô hình phương Tây. Đây là vấn đề quan trọng ta cần xử lý đảm bảo an ninh chính trị, định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không để ảnh hưởng đến tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai bên, cũng như quan hệ Vương quốc Anh – Việt Nam.

Thứ ba, đối với Việt Nam, trong quan hệ với Anh chúng ta phải chú ý đến vấn đề phát triển kinh tế bền vững. Nếu chúng ta không chủ động thì việc thu hút vốn và công nghệ và đầu tư nước ngoài sẽ phải trả giá bằng sự cạn kiệt tài nguyên, tàn phá môi trường và gánh nặng nợ nước ngoài trong tương lai. Chính vì thế chúng ta phải cân nhắc khi lựa chọn các mục tiêu phát triển và hợp tác để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài cho tương lai đất nước.

3.3.1. Lĩnh vực thương mại

Căn cứ vào thực tiễn quan hệ thương mại với Anh thời gian qua, chúng tôi xin rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, tăng cường liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để có thể đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao và ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Anh.

Thứ hai, thị trường Anh cũng như thị trường EU nói chung thuộc loại thị trường khó tính, khó xâm nhập lại thường xuyên đưa những vấn đề không liên quan đến thương mại vào (ví dụ, các vấn đề nhân quyền, quyền của người lao động, quy định bảo tồn tài nguyên rừng và biển, môi trường…). Những việc này cùng với chế độ quản lý nhập khẩu liên tục đặt ra những quy chuẩn vệ sinh, tiêu chuẩn công nghệ theo những quy định chung của EU

hết sức phức tạp đã ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chế biến của Việt Nam vào thị trường Anh. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu được nhiều hàng hóa sang thị trường Anh cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm hiểu kỹ thị trường Anh, đánh giá đúng thị hiếu tiêu dùng của người Anh, khẳng định thương hiệu chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa cao, hiểu rõ quy cách làm ăn của người Anh, chắc chắn trong khâu ký hợp đồng và giao sản phẩm đúng thời hạn quy định. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể làm ăn lâu dài với người Anh.

Thứ ba, thiết lập quan hệ chặt chẽ với các công ty liên doanh, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm có nhiều tiềm năng. Chương trình này nhằm trợ giúp các doanh nghiệp nhận được nguồn vốn từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển khu vực để mở rộng khả năng sản xuất hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần năng động, nhạy bén để nhận được những nguồn vốn này nhằm tận dụng phát triển kinh tế. Nguồn ngân quỹ chủ yếu của chương trình nhận được từ sự trợ giúp của Chính phủ của cả hai bên thông qua Đại sứ quán, Vụ thương mại Anh, Vụ phát triển đầu tư và Thương mại, Vụ thương mại nước ngoài của Anh.

3.3.2. Lĩnh vực đầu tư

Qua thực tiễn đầu tư của Anh vào Việt Nam cũng như hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này để phát triển kinh tế của Việt Nam những năm qua, chúng tôi xin đưa ra một số bài học kinh nghiệm nhằm thu hút và sử dụng một cách có hiệu quả vốn đầu tư từ Anh quốc là:

Một là, thu hút đầu tư từ Anh cần phải hướng vào những lĩnh vực kinh doanh mới, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế, có tính cạnh tranh và có khả năng kết nối với mạng kinh doanh toàn cầu. Cần tập trung FDI vào những lĩnh vực chọn lọc, không tràn lan và cương quyết khước từ những dự án có thể gây tổn hại lâu dài cho nền kinh tế về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực con người.

Hai là, cần có những biện pháp cụ thể để thu hút các nhà đầu tư của Anh có tiềm năng lớn về công nghệ tiên tiến và thị trường, mặt khác cũng cần có những quy định pháp lý rõ ràng để ngăn chặn các luồng đầu tư không mong muốn. Muốn thực hiện điều này chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nhận diện được lợi ích thực thụ của nguồn vốn trong mỗi dự án đầu tư.

Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng vì cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài vì công nghệ kỹ thuật tiên tiến chỉ được phát huy trên một cơ sở hạ tầng hiện đại. Vì vậy việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng sẽ quyết định đến việc các nhà đầu tư của Anh tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài, cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các dịch vụ công có liên quan đến đầu tư nước ngoài. Nâng cao năng lực điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời chúng ta cần đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư của Anh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao của các nhà đầu tư Anh. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài. Nâng cấp các trường đào tạo nghề tương đương trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta cần giữ vững và tăng cường ổn định về chính trị xã hội nước ta bằng cách đổi mới hơn nữa về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia. Cùng với việc ổn định nền chính trị, chúng ta còn phải thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Để giữ vững và tăng cường ổn định chính trị ở Việt Nam thì yếu tố quyết định là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, kịp thời ngăn chặn âm mưu của các thế lực phản động, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, từng bước đi lên CNXH. Trong những năm qua, Việt Nam đã giữ ổn định chính trị – xã hội và được dư luận thế giới đánh giá cao. Đây là một lợi thế so sánh cần được phát huy.

Bốn là, Việt Nam cần sử dụng vốn đầu tư của Anh một cách hiệu quả nhất nhằm phát huy cao độ nội lực, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải gắn việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài với việc thúc đẩy tiến bộ xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế – xã hội Việt Nam về lâu dài.

Năm là, thông qua thu hút đầu tư, tăng cường khai thác thế mạnh của Anh quốc về vốn, công nghệ nguồn, kinh nghiệm quản lý để phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển

kinh tế Việt Nam… tương xứng với tầm của quan hệ hợp tác kinh tế Vương quốc Anh với Việt Nam.

3.3.3. Lĩnh vực viện trợ phát triển

Từ thực tế trong việc cung cấp ODA của Chính phủ Anh cho Việt Nam từ năm 1991 đến nay, chúng tôi xin rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, viện trợ phát triển Anh dành cho Việt Nam không chỉ đơn thuần là mục đích nhân đạo mà còn có cả mục đích kinh tế và chính trị cho nên khi tiến hành đàm phán cần phải chú ý đến việc đảm bảo lợi ích các bên, nhưng cũng cần phải giữ vững thể chế chính trị của Việt Nam. Việt Nam cần phải có những chính sách khôn khéo để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong khi vẫn giữ vững nền độc lập tự chủ của đất nước.

Thứ hai, trong việc thu hút ODA phải coi trọng cả chất và lượng trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng các dự án về mặt chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển các ngành và sản phẩm có sức cạnh tranh cao, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, vốn ODA là quan trọng nhưng vốn trong nước là quyết định. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, vốn ODA là cực kỳ quan trọng nhưng vốn ODA chỉ là chất xúc tác cho các nước đang phát triển nhằm khai thác những tiềm năng bên trong để phát triển. Như vậy, bài học thứ ba là chúng ta phải kết hợp chặt chẽ giữa thu hút và sử dụng ODA với việc phát huy nội lực nền kinh tế vì giữa chúng có quan hệ hữu cơ với nhau, bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

Thứ tư, Chính phủ cần phải có những chính sách hợp lý, quán triệt đến tất cả các cấp bộ ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, từ đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đạt hiệu quả cao trong tích lũy nguồn vốn trong nước vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ năm, Việt Nam phải xem việc thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn ODA là một bộ phận khăng khít của chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó ODA là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần đẩy mạnh hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tiếp tục quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và đem lại lợi ích của tăng trưởng kinh tế cho các bên đặc biệt là những thành phần dân cư có thu nhập thấp trong xã hội. Chuyển đổi kinh tế, hội nhập quốc tế và giảm nghèo bền vững cần phải đi liền với tiến trình và những cải cách trong một loạt các lĩnh vực lên quan đến quản lý như tòa án và pháp luật,

phân cấp, quản lý tài chính công, cải cách an sinh xã hội.

Như vậy, Việt Nam cần phải sử dụng vốn ODA mà Anh dành cho Việt Nam một cách có hiệu quả nhất phục vụ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nếu không chúng ta sẽ để lại gánh nặng lớn mà thế hệ tương lai phải trả.

3.3.4. Lĩnh vực du lịch

Những năm gần đây, lượng du khách Anh đến Việt Nam có xu hướng tăng nhưng so với các nước trong khu vực thì lượng khách đến Việt Nam vẫn còn là một con số khiêm tốn. Như vậy, trong lĩnh vực du lịch, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để có thể phát triển mạnh ngành này và đưa du lịch trở thành một trong những ngành mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước:

Xây dựng, bảo trì và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để du khách thực sự hài lòng khi đến Việt Nam và muốn quay trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Tăng cường thông tin giới thiệu, quảng cáo về những danh lam thắng cảnh, đất nước và con người Việt Nam ở Anh thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và nhiều cơ quan khác để người Anh hiểu rõ hơn về Việt Nam từ đó họ muốn đến Việt Nam nhiều hơn.

Thành lập văn phòng du lịch Việt Nam tại Anh để du khách có thể tìm hiểu về Việt Nam cũng như các thủ tục cần thiết để du lịch sang Việt Nam.

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch. Nguồn nhân lực tốt, chất lượng cao, làm việc có hiệu quả là một yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến ngành du lịch và có những chính sách, biện pháp có hiệu quả hơn để thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong tương lai. Có như vậy, ngành du lịch Việt Nam mới có thể hoạt động có hiệu quả nhất và ngày càng thu hút nhiều du khách quốc tế, trong đó có du khách Anh.

Một phần của tài liệu quan hệ kinh tế giữa vương quốc anh với việt nam từ năm 1991 đến nay (Trang 100 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)