Tình hình thế giới và khu vực

Một phần của tài liệu quan hệ kinh tế giữa vương quốc anh với việt nam từ năm 1991 đến nay (Trang 33 - 38)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1.Tình hình thế giới và khu vực

2.1.1.1. Tình hình thế giới

Thập niên 90 của thế kỉ XX, thế giới chuyển sang thời kì hậu Chiến tranh lạnh. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này là trật tựhai cực đối đầu đã kết thúc, thế giới chuyển sang giai đoạn trật tự đa cực. Mỹ có lợi thế tạm thời là cực duy nhất còn lại đã ra sức củng cố vị trí siêu cường, mưu đồ bá chủ thế giới. Thế nhưng sức mạnh kinh tế Mỹ trong tương quan so sánh với EU, Nhật Bản đã có sự suy giảm, vai trò siêu cường độc nhất của Mỹ ngày càng bị thu hẹp. Các mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ... bộc lộ thành xung đột gay gắt mà không thể giải quyết nhanh chóng. Chủ nghĩa dân tộc và sự phân biệt dân tộc, sắc tộc tăng lên tạo nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển các thế lực tôn giáo.

Các nước đều điều chỉnh chiến lược đối nội và đối ngoại của mình nhằm giành lấy vị trí tốt nhất trong quan hệ quốc tế. Sự điều chỉnh này xuất phát từ lợi ích dân tộc của bản thân mỗi nước nhưng đều bị chi phối bởi những nhân tố chung. Thứ nhất, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, Mỹ trở thành một siêu cường duy nhất, nhưng các nước đồng minh của Mỹ đều muốn vươn lên cạnh tranh và giảm bớt sự ràng buộc vào Mỹ. Nhân tố này thúc đẩy sự điều chỉnh chiến lược của các nước theo hướng đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Thứ hai, sự đối đầu về ý thức hệ giảm, diễn ra dưới những hình thức khác nhau, mang ít tính bạo lực hơn: đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ, đa nguyên, đa đảng... Thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại, các nước vừa đấu tranh, vừa hợp tác, vừa kiềm chế lẫn nhau trong cùng tồn tại hòa bình. Thứ ba, kinh tế thế giới đã trở thành một thể thống nhất cùng với nền khoa học công nghệ không ngừng phát triển được tổ chức lại theo hướng liên kết khu vực hóa, toàn cầu hóa các hoạt động thương mại, đầu tư, làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trở nên phổ biến và trở thành một yêu cầu khách quan của mỗi nước.

Như vậy, sau khi trật tự thế giới hai cực kết thúc, quan hệ quốc tế diễn ra theo xu hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp từng quốc gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, chú trọng phát triển kinh tế, tăng cường cạnh tranh và chạy đua kinh tế. Hầu hết các quốc gia trước đây có nền kinh tế kế hoạch tập

trung bao cấp thì nay đều tích cực chuyển sang nền kinh tế thị trường để có thể phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Cải cách kinh tế và mở cửa đất nước để phát triển vì thế đã xuất hiện như một xu thế tại nhiều nước trên thế giới. Về đối nội, các nước này tích cực đẩy mạnh các chương trình “chấn hưng kinh tế”, “cải tổ”, “cải cách mở cửa”. Để đẩy mạnh cải cách kinh tế và hiện đại hóa đất nước, một số nước đã tiến hành cải cách chính trị. Về đối ngoại, họ đi vào hòa hoãn cải thiện quan hệ song phương và đa phương, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Cũng sau thời kì Chiến tranh lạnh, sự toàn cầu hóa đã có bước phát triển mới, trở thành một xu thế khách quan và tất yếu thu hút hầu hết các quốc gia trên thế giới tham gia vào quá trình này. Nhiều nước trở thành thành viên của các tổ chức tài chính, thương mại thế giới (WB, IMF, WTO, APEC, AFTA...). Do vậy, quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế thế giới, tạo điều kiện cho các nước có những bước nhảy vọt trong sự nghiệp phát triển kinh tế và đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là những nước đang phát triển, vừa có những cơ hội vươn lên phát triển kinh tế nếu biết tận dụng ưu thế của toàn cầu hóa nhưng vừa đối mặt với nguy cơ là tụt hậu xa hơn về kinh tế so với thế giới [123, tr.24].

Những thay đổi của tình hình thế giới trong những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI đã hình thành nên những xu hướng phát triển lớn trong quan hệ quốc tế như sau:

Thứ nhất, quá trình toàn cầu hoá và quốc tế hoá trở thành xu thế khách quan, lôi cuốn các nước vừa hợp tác vừa cạnh tranh và phụ thuộc và kiềm chế lẫn nhau. Người ta đã ví toàn cầu hóa như là “một trận đấu, ai thông minh sáng suốt thì được nhiều hơn mất; ai dại khờ sơ hở thì mất nhiều hơn được, nhưng hầu như không thể được hết hoặc mất hết. Chỉ có một tình huống chắc chắn mất hết đó là thu mình lại, đóng cửa, cự tuyệt toàn cầu hóa, khước từ hội nhập”. Các nước, nhất là những nước đang phát triển, làm sao để tồn tại và đi lên, không bị tụt hậu và bị đẩy ra ngoài vòng chơi lớn. Trong cuộc đua này không ai có thể đứng một mình mà có thể phát triển. Hợp tác quốc tế vì vậy trở thành vấn đề sống còn của các quốc gia.

Thứ hai, sự phát triển cao của nền kinh tế thế giới, với sự tự do hoá của thương mại, đầu tư dịch vụ, chuyển dịch công nghệ, lao động trên phạm vi toàn cầu đã thúc đẩy các quan hệ giao dịch song phương, đa phương và tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia, các khu vực trên toàn thế giới.

Thứ ba, toàn bộ nền kinh tế thế giới trong những thập niên đầu thế kỉ XXI chịu sự tác động chi phối của làn sóng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ

sinh học, làm xuất hiện các phương thức kinh doanh và quản lý mới, buộc các nền kinh tế phải thích ứng với một giai đoạn phát triển mới là nền kinh tế tri thức, làn sóng tự do hoá kinh tế, sự gia tăng thương mại, đầu tư quốc tế. Sự gia tăng của liên kết kinh tế quốc tế diễn ra theo chiều sâu của các khối kinh tế – thương mại trên thế giới [43, tr.5].

Thứ tư, tất cả các quốc gia đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển đất nước và tập trung mọi sức lực vào phát triển kinh tế, lấy kinh tế làm trọng tâm, trọng điểm. Kinh tế trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong quan hệ quốc tế. Cạnh tranh bằng sức mạnh tổng hợp quốc gia thay thế cho chạy đua vũ trang đã trở thành hình thức chủ yếu trong cuộc đọ sức giữa các cường quốc. Xu thế phát triển kinh tế thị trường xuất hiện ở khắp các châu lục, các nước dù lớn hay nhỏ muốn khôi phục và phát triển kinh tế thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận và đẩy mạnh kinh tế thị trường. Thế giới đang chuyển mạnh từ tranh giành quyền lực sang cạnh tranh về kinh tế, chiếm lĩnh các thị trường quan trọng nhất [123, tr.24].

Thứ năm, xu thế xây dựng quan hệ bạn bè chiến lược ổn định lâu dài giữa các nước lớn. Các cường quốc trên thế giới đã điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, xây dựng khuôn khổ quan hệ mới lâu dài, xác lập các điều kiện quốc tế có lợi hơn. Các nước lớn đều tìm kiếm biện pháp thông qua đối thoại, thoả hiệp và tránh xung đột, tồn tại song song giữa hợp tác và cạnh tranh, giữa mâu thuẫn và hài hoà, tiếp xúc và kiềm chế, cùng có một mục đích chung là phát triển kinh tế đất nước.

Như vậy, trong quan hệ quốc tế ngày nay sự tập hợp lực lượng diễn ra rất đa dạng và linh hoạt, chủ yếu dựa trên sự trùng hợp về lợi ích dân tộc trên từng vấn đề, từng lúc, từng nơi. Các nước dù lớn hay nhỏ đều ra sức mở rộng quan hệ quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội khác nhau, không câu nệ đối tượng, với tất cả những ai có khả năng hợp tác hiệu quả, việc xác định bạn hay thù, hình thức và mức độ quan hệ rất linh hoạt.

Các xu thế chính trong cục diện quốc tế ngày nay tác động trong mối quan hệ qua lại với nhau, vừa có tính độc lập tương đối lại mang tính nhân quả. Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế vì thế đã trở thành yêu cầu khách quan bức thiết của quá trình phát triển các quốc gia dân tộc trên thế giới. Chiều hướng phát triển đó đặt ra yêu cầu khách quan của quá trình hợp tác quốc tế nói chung và quan hệ hợp tác kinh tế Vương quốc Anh – Việt Nam nói riêng.

Thập niên 90 của thế kỉ XX, tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng có nhiều biến đổi sâu sắc. Điều đáng chú ý của khu vực này là vấn đề phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sự chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường thành công ở các nước kinh tế chuyển đổi. Trong 20 năm từ 1974 đến 1993, nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của các nước khu vực Đông Á là 7,5%. Chính vì thế trong số 25 cường quốc xuất khẩu của thế giới năm 1973 chỉ có hai nước thuộc châu Á thì đến năm 1995 đã tăng lên 7 nước và vùng lãnh thổ, gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia. Đông Á và một số nước khu vực Đông Nam Á trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu trên thế giới; một số quốc gia và vùng lãnh thổ vươn lên trở thành những “con rồng”, “con hổ mới” về kinh tế, xuất hiện nhiều nền kinh tế mạnh hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc...đặc biệt là sự trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc [9, tr.321].

Đối với khu vực Đông Nam Á, lần đầu tiên trong lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Nam Á trải qua một thập niên phát triển năng động trong cuộc hành trình vào thiên niên kỷ mới với những bước tiến triển mới đầy hứa hẹn. Với việc ký Hiệp định Paris về Campuchia tháng 10/1991, quan hệ giữa hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương thay đổi cơ bản, chuyển từ trạng thái đối đầu sang đối thoại thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Các nước trong khu vực phấn đấu hiện thực hóa ý tưởng biến Đông Nam Á thành khu vực phi vũ khí hạt nhân, thống nhất trong đa dạng, hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển đồng đều, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước ngoài khu vực. Thập niên 90, trong khi phần lớn các nước thành viên EU lâm vào tình trạng suy giảm kinh tế từ mức trung bình 3,5% năm 1989 xuống 0,9% năm 1992 thì các nước Đông Nam Á vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 7%. Mặc dù vào cuối những năm 1990, các nước Đông Á đã lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng, gây nhiều bất lợi cho các nước trong khu vực trước thềm thiên niên kỷ mới, song đây vẫn là khu vực rộng lớn, đông dân nhất thế giới, với nguồn nhân lực cần cù, sáng tạo, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, nằm trên trụcđường giao thông quan trọng bậc nhất thế giới, vẫn được coi là khu vực đầy tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các khu vực khác và không ngừng lớn mạnh. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, năm 1997 mức tăng trưởng của khu vực là -7,1% sang năm 1999 bắt đầu phát triển năng động trở lại đạt mức tăng trưởng từ 0,5 – 6% [9, tr.322].

Đầu thế kỉ XXI, dù phải đối phó với nhiều khó khăn như tác động của cuộc chiến tranh Irac, nạn đại dịch toàn cầu SARS, nhưng nền kinh tế châu Á vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Trung Quốc duy trì tốc độ đứng đầu thế giới đạt 8,5% (2003), các nước ASEAN đạt 4,5 % (2003), Việt Nam đạt 7,24% (2003) và 7% (2004).Các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều có nguyện vọng cùng tồn tại trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển. Sự hợp tác ngày càng ở nhiều tầng, nhiều nấc và dưới nhiều hình thức, như Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM), Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC)… cùng một loạt hợp tác tam giác, tứ giác phát triển khác ra đời. Rõ ràng, sự liên kết khu vực là một nhân tố quan trọng làm cho sự phát triển kinh tế của châu Á mang tính bền vững. Nhận định về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Đảng Cộng Sản Việt Nam đánh giá “khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động và tiếp tục phát triển với tốc độ cao” [24, tr.77]. Các quốc gia trong khu vực đều muốn mở rộng thị trường, phối hợp các nguồn nhân lực, tài lực, kết cấu hạ tầng và nguồn tài nguyên trong khả năng và điều kiện của từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ để phát triển kinh tế mỗi nước. Các nước đều điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chiến lược đối ngoại của mình cho phù hợp các xu thế chung đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực tuy còn nhiều vấn đề trục trặc song nhìn chung vẫn nằm trong khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau nhưng tránh đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản ấy, châu Á còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực chưa thật vững chắc, vẫn còn tiềm ẩn một số nhân tố có thể gây mất ổn định. Đại hội IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định: “khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương, sau khủng hoảng tài chính kinh tế, có khả năng phát triển năng động nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định” [25, tr.14]. Trong nội bộ một số nước và giữa các nước với nhau còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột về kinh tế, chính trị, xã hội, sắc tộc, tôn giáo, biên giới trên đất liền, hải đảo và trên biển, đặc biệt là cuộc tranh chấp ở biển Đông. Quan hệ giữa các nước trong khu vực và sự can thiệp từ bên ngoài có thể gây nên không ít phức tạp cho khu vực này. Châu Á vẫn còn nhiều điểm nóng và nhiều nguồn có thể gây ra xung đột. Các xung đột và mâu thuẫn ở châu lục này phức tạp và có nguồn gốc lâu đời, không thể giải quyết một sớm một chiều ví dụ như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề eo biển Đài Loan, vấn đề

biển Đông, sự phân hoá giàu nghèo ở đây quá lớn. Nếu châu Âu về cơ bản là lục địa giàu chia đều, châu Phi là lục địa nghèo chia đều thì châu Á và Mỹ Latinh là hai lục địa có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất [9, tr.322].

Một vấn đề khác liên quan đến hoà bình và phát triển của châu Á trong thế kỉ XXI là quan hệ giữa các nước lớn đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật và Nga kiềm chế lẫn nhau không để cho một nước nào vươn lên làm bá chủ khu vực này nhằm đảm bảo lợi ích của mỗi nước ở châu lục này. Các nước này ngoài việc kiềm chế lẫn nhau còn hợp tác để giải quyết những vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Mẫu số chung của sự hợp tác Mỹ – Trung – Nhật là lợi ích chung, điều đó không cho phép họ xung đột lẫn nhau, mà phải hợp tác với nhau để giải quyết các bất đồng, tranh chấp, xung đột trong khu vực, hạn chế chúng trong phạm vi nhỏ nhất có thể được, ngăn cản không cho xung đột trở thành chiến tranh khu vực.

Một phần của tài liệu quan hệ kinh tế giữa vương quốc anh với việt nam từ năm 1991 đến nay (Trang 33 - 38)