7. Cấu trúc luận văn
2.2.1 Vai trò quản lý Ni giới tại Huế
Ni viện Diệu Đức được Sư Bà Diệu Hương thành lập từ năm 1933, đó là ngôi trường Phật học Ni đầu tiên ở Huế và cả dãi đất miền Trung cũng là cơ sở hoạt động cho Ni giới Huế đến ngày hôm nay. Ni giới Huê ngày càng trẻ hoá, tuy mỗi vị đều phát tâm xuất gia, sơ tâm rất dũng mãnh, nhưng qua thời gian có những vị lại thối tâm, nhưng họ lại không chọn con đường hoàn tục, chính vì vậy, chư Ni luôn thao thức để có những phương án phù hợp cho các vị đó. Điều này, đòi hỏi mỗi bổn tự phải có sự kết hợp triệt để với Ni bộ, mới mong không bị ảnh hưởng đến tập thể. Lòng từ bi của Phật giáo luôn đồng hành với trí tuệ, nếu vì sự thương tưởng nhất thời mà không xử lý những trường hợp vi phạm đến trọng giới, thì đạo pháp không thể trường tồn lâu dài. Bên cạnh đó, Ni bộ cũng luôn tán thán những vị có thành tích tốt trong học tập cũng như trong các Phật sự dấn thân.
Suốt 30 năm nay, Ni bộ Huế hàng tháng đều có những kỳ họp chung vào ngày chủ nhật đầu tháng, để báo cáo cũng như thông tư các Phật sự quan trọng của Ni bộ và Giáo hội, giải quyết các vấn đề trong phạm vi Ni giới. Đây là kỳ họp bắt buộc, mỗi chùa phải cử một đại diện đến với buổi họp, sau đó về thông báo lại cho trú xứ của mình. Truyền thống họp Ni bộ hằng tháng chỉ mỗi Huế còn duy trì đến bây giờ và rất được xem trọng, buổi họp luôn tán dương những vị Ni tiêu biểu đã có nhiều hoạt động mang lại lợi lạc cho số đông qua các Phật sự để khích lệ những vị khác, bên cạnh đó cũng khiển trách một số vị chưa thực hiện được tinh thần của Phật giáo. Tất nhiên, mỗi một tổ chức đều có những ưu điểm và khuyết điểm, người nữ khi phát tâm xuất gia, không có nghĩa họ đã cởi bỏ được lớp áo trần tục liền trở thành thánh nhân, họ cũng có những sai phạm, những suy nghĩ bị lôi kéo bởi ngũ dục của thế gian, nên buổi họp luôn giành thời gian để sách tấn chư Ni trẻ và đề ra những hướng đi phù hợp cho thế hệ hậu bối.
Hàng năm Ni bộ có nhiệm vụ báo cáo lên Giáo hội thống kê danh bộ Ni giới để có kế hoạch quản lý một cách cụ thể và tạo điều kiện để Ni giới phát triển về mặt kiến thức cũng như các lĩnh vự chuyên môn khác. Tuy Ni bộ luôn tạo mọi điều kiện cho chư Ni có khả năng theo học các lớp thế học, nhưng cũng phải xét phẩm hạnh của vị đó có đủ điều kiện hay không, vì mỗi vị khi đi ra ngoài là mang cả hình ảnh của Ni bộ và Giáo hội, không thể vì cá nhân mà ảnh hưởng đến số đông.
Các chùa có nhiệm vụ trình lên Ni bộ (nay chuyển thành Phân ban đặc trách Ni giới) nhân sự tại bổn tự, tình hình hoạt động của các cơ sở xã hội như các lớp mầm non Phật giáo, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ sở dạy nghề, viện dưỡng lão…để Ni bộ báo cáo lên Tăng sự, góp phần giúp Giáo hội thuận tiện về mặt quản lý nhân sự, cách thức hoạt động, đồng thời để Giáo hội tri tường những điểm còn khiếm khuyết của Ni giới, để có những khen thưởng và điều chỉnh hợp lý, giúp cho các tổ chức ngày càng phát triển hơn nữa.