tập cho học sinh
2.3.2.1. Sử dụng thơ Tố Hữu để xây dựng đoạn tường thuật
Trong dạy học lịch sử, tường thuật nhằm tái hiện cho học sinh hiểu về những biến cố quan trọng với đầy đủ tính cụ thể và gợi cảm của nó. Tường thuật bao giờ cũng có chủ đề, tình tiết nhất định nhằm kích thích trí tưởng tượng về hình ảnh quá khứ. Cấu tạo của bài tường thuật lịch sử được xây dựng trên cơ sở sự kiện chính xác, cơ bản nhưng mang kịch tính. Nó gồm những phần: mở đầu; tình tiết phát triển; tình tiết phát triển lên đến đỉnh cao; sự căng thẳng trong kết cấu; tình tiết giảm đi và kết thúc. Thơ Tố Hữu có thể hỗ trợ để nội dung tường thuật của giáo viên được sinh động và hấp dẫn hơn. Nếu như trong tường thuật, giáo viên không sử dụng thêm tài liệu tham khảo thì bài tường thuật sẽ trở nên khô khan, kém đi sự mềm mại và sức truyền cảm, làm cho mục tiêu của bài học không đạt hiệu quả cao.
Ví dụ, khi giảng về diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ở mục II – phần 2_“Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)”, giáo viên có thể tường thuật diễn biến trận Điện Biên Phủ theo nội dung sau:
Hoàn cảnh lịch sử
Diễn biến chính của chiến dịch
Kết quả và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Khi nói tới kết quả và ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là phần kết thúc của bài tường thuật, giáo viên có thể sử dụng đoạn thơ sau:
“Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy …
Rực đất trời Điện Biên toàn thắng!”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.87] Với việc sử dụng đoạn thơ trên, hoạt động tường thuật của giáo viên có sức cuốn hút và sinh động hơn, gây hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời
vẫn đảm bảo mục tiêu cơ bản của tiết học. Các em vẫn nắm được kết quả vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm thấy tự hào và vui sướng cùng với niềm vui của dân tộc, bên cạnh đó, các em cũng phát triển khả năng tư duy, tưởng tượng qua những ngôn từ mềm mại nhưng vẫn rất gần gũi với lịch sử dân tộc. Việc sử dụng đoạn thơ trên làm cho bài tường thuật của giáo viên có kết thúc hoàn chỉnh nhất. Lời kết thúc đó có thể thay cho mọi ngôn từ và để lại những ấn tượng mạnh mẽ, âm vang sâu lắng.
2.3.2.2. Sử dụng thơ Tố Hữu kết hợp miêu tả
Miêu tả là trình bày cụ thể những đặc trưng của một sự vật, một sự kiện lịch sử để nêu lên những nét đặc trưng, bản chất chủ yếu, cấu tạo bên trong cũng như hình dạng bên ngoài của nó. Miêu tả không có chủ đề mà chỉ có đối tượng cụ thể để trình bày.
Ví dụ trong mục III – phần 1_“Hội nghị Giơnevơ”, khi giảng về vị thế của nước ta khi được mời tham dự hội nghị Giơnevơ, giáo viên có thể sử dụng đoạn thơ sau:
“Đồng chí Phạm Văn Đồng …
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát xít” Đã tàn rồi!”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.88] Qua đoạn thơ trên, giáo viên có thể miêu tả cho học sinh về cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt của đoàn đại biểu nước ta ở bàn đàm phán trong Hội nghị Giơnevơ. Tin chiến thắng Điện Biên Phủ đã giúp vị thế của nước ta được nâng cao. Dù không được chứng kiến tận mắt không khí cuộc họp nhưng qua đoạn trích trên, học sinh cũng hình dung khá đẩy đủ về sự kiện này. Rõ ràng, thơ Tố Hữu có tác dụng rất lớn trong việc miêu tả sự kiện, hiện tượng lịch sử.
2.3.2.3. Sử dụng thơ Tố Hữu để nêu đặc điểm sự kiện và nhân vật lịch sử
Nêu đặc điểm giúp cho học sinh ghi nhớ kiến thức một cách cụ thể, có hình tượng, từ đó tác dụng lên nhận thức của học sinh. Việc nêu đặc điểm có ý nghĩa quan trọng, tích cực trong việc khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh. Khi sử dụng nêu đặc điểm trong bài giảng của mình, giáo viên có thể dùng xen kẽ vào tường thuật nhằm cụ thể hóa một sự kiện, hiện tượng hay nhân vật lịch sử nào đó.
Ví dụ ở mục II – phần 2_“Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)”, khi giáo viên tường thuật diễn biến trận Điện Biên Phủ, giáo viên miêu tả về những người anh hùng đã quyết tâm chiến đấu hy sinh để làm nên chiến thắng :
“Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.86] Qua việc sử dụng đoạn thơ trên, giáo viên giúp học sinh xây dựng được hình tượng người chiến sĩ cộng sản quyết hi sinh vì Tổ quốc, dù cho vẫn còn rất trẻ nhưng họ không tiếc tuổi xanh, không tiếc hi sinh bản thân mình vì Tổ quốc được độc lập. Từ đây, các em đánh giá được sự kiện và có thái độ đúng đắn đối với sự hi sinh cao cả đó. Bằng cách này sẽ giúp học sinh hiểu đúng, khái quát bản chất và ý nghĩa của các loại hiện tượng, quy luật phức tạp đang học.
2.3.2.4. Sử dụng thơ Tố Hữu để giải thích bản chất, ý nghĩa sự kiện, hiện tượng lịch sử
Giải thích là biện pháp “được sử dụng để tìm hiểu sâu hơn bản chất, ý
nghĩa của những hiện tượng phức tạp nằm trong những khái niệm, các quy luật nhằm làm cho học sinh có quan điểm khoa học về sự phát triển của xã hội loài người, từ những mối liên hệ nhân - quả giữa các hiện tượng”[24;tr.37].
Trong bài giảng, giáo viên phải xác định rõ những vấn đề nào cần giải thích cho học sinh, tránh tình trạng giải thích thừa hoặc thiếu khái niệm. Thơ Tố Hữu khi được vận dụng vào giải thích, sẽ làm cho khái niệm cần giải thích đơn giản và dễ hiểu hơn đối với học sinh.
Ví dụ, khi giáo viên giảng về nguyên nhân của chiến thắng Điện Biên Phủ thì một nguyên nhân quan trọng là sự chi viện to lớn cho chiến trường, sự chuẩn bị chu đáo của toàn đảng, toàn dân ta trong mục II – phần 2_“Chiến dịch lịch sử
Điện Biên Phủ (1954)”, giáo viên đọc đoạn thơ sau: “Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.86] Trước khi đọc thơ, giáo viên đưa ra câu hỏi cho học sinh “Bằng kiến thức
lịch sử của mình và đoạn thơ sau, em hãy cho biết Tố Hữu đã nói tới nguyên nhân nào làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta?”.
Để có được chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không chỉ có công sức của lực lượng bộ đội ngoài chiến trường mà còn cả dân quân ngày đêm chi viện cho tiền tuyến. Nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, từng đoàn dân công tham gia mở đường, thồ hàng. SGK lịch sử chỉ nói tới công tác này bằng các số liệu khô khan, đơn giản, nếu chỉ dừng lại tại đây thì học sinh chỉ biết được số lượng chi viện ra chiến trường rất lớn, xong nếu giáo viên sử dụng thơ Tố Hữu như trên thì bức tranh chi viện, công tác hậu cần sẽ được khắc họa trước mắt học sinh, từ đó các em sẽ hiểu hơn về sự đóng góp công sức của nhân dân cả nước và hiểu tại sao ta lại làm nên được chiến thắng này.