học tập cho học sinh
Nguyên tắc trực quan là một nguyên tắc cơ bản của lý luận dạy học nhằm tạo cho học sinh những biểu tượng và hình thành các khái niệm trên cơ sở trực tiếp quan sát hiện vật hay đồ dùng trực quan minh họa sự kiện. Vì vậy, đồ dùng trực quan góp phần tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh. Đồ dùng trực quan là
“chỗ dựa để hiểu sâu sắc bản chất của sự kiện, lịch sử, là phương thức rất có hiệu lực để hình thành các khái niệm lịch sử quan trọng nhất, để giúp học sinh nắm vững được các quy luật phát triển của xã hội”[21;tr.127]. Thực tiễn đã
chứng minh rằng, việc dạy học bằng trực quan không dừng lại ở lĩnh vực cảm tính mà tiến tới lĩnh vực tư duy.
Như vậy, nếu giáo viên sử dụng đồ dùng trực quan vào bài giảng thì hiện thực lịch sử và biểu tượng lịch sử cần truyền thụ cho học sinh sẽ được cung cấp dễ dàng hơn. Mặt khác, khi được kết hợp sử dụng cùng tài liệu thơ tham khảo, hiệu quả của đồ dùng trực quan và hiệu quả bài học cũng được nâng cao hơn.
2.3.3.1. Sử dụng thơ Tố Hữu kết hợp bản đồ lịch sử
Bản đồ lịch sử là một đồ dùng trực quan quan trọng được sử dụng phổ biến trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay có tác dụng “giúp học
sinh xác định thời điểm, địa điểm, diễn biến của những sự kiện đời sống xã hội”[20;tr.136]. Bản đồ lịch sử thường được sử dụng dưới dạng phản ánh diễn
viên. Khi tường thuật diễn biến, giáo viên sử dụng lược đồ để minh họa và cụ thể hóa kiến thức đang cần diễn đạt cho học sinh.
Đối với sử dụng thơ Tố Hữu kết hợp với lược đồ lịch sử, giáo viên sau khi cho học sinh quan sát lược đồ sẽ đưa ra một số câu hỏi gợi mở cho học sinh trả lời, qua đó giúp học sinh nhận thức vấn đề một cách cụ thể hơn.
Ví dụ, khi dạy học mục II – phần 2_“Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
(1954)”, giáo viên sử dụng “Lược đồ diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)” trình bày về diễn biến chính của chiến dịch. Sau khi trình bày xong diễn
biến, giáo viên đưa ra cho học sinh câu hỏi “Dựa vào câu thơ sau, em hãy cho
biết các cứ điểm tiêu diệt giặc quan trọng của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ?”:
“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.86]
Qua việc sử dụng thơ kết hợp cho học sinh quan sát lược đồ đó, học sinh phần nào biết được một số địa danh quan trọng ở Điện Biên Phủ, đây đều là các cứ điểm diễn ra các trận đánh quan trọng của quân ta. Như vậy, không cần nhắc đi nhắc lại về địa điểm, chỉ bằng hai câu thơ, học sinh đã có ấn tượng với các địa điểm đó và ghi nhớ chúng được lâu.
2.3.4.2. Sử dụng thơ Tố Hữu kết hợp tranh ảnh lịch sử
“Tranh ảnh lịch sử là loại đồ dùng trực quan tạo hình dùng hình tượng nghệ thuật để khôi phục lại những hình ảnh điển hình, cụ thể về một sự kiện lịch sử, nó gây cho học sinh những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc về quá khứ lịch sử”[20;tr.133]. Tranh ảnh lịch sử dùng trong trường phổ thông gồm hai loại:
tranh nghệ thuật lấy chủ đề lịch sử và tranh giáo khoa lịch sử. Trong đó, tranh nghệ thuật lấy chủ đề lịch sử là tác phẩm nghệ thuật thể hiện khá rõ tư tưởng, tính cách của nghệ sĩ nhưng vì lấy đề tài là lịch sử nên phản ánh một mặt hoặc một số mặt nào đấy của sự kiện lịch sử khách quan. Còn tranh giáo khoa minh họa hiện thực lịch sử bằng hình tượng chân thực giúp học sinh thu nhận dễ dàng và hứng thú kiến thức đang học; tranh giáo khoa lịch sử ngoài là công trình khoa học thì nó còn là một tác phẩm nghệ thuật.
Theo tinh thần đổi mới, hiện nay SGK lịch sử, trong đó có lịch sử lớp 12 được cung cấp nhiều kênh hình dưới dạng tranh ảnh lịch sử. Vì vậy, khi giáo viên sử dụng thơ Tố Hữu vào mục đích minh họa cho tranh ảnh nhằm gây hứng thú học tập, giáo viên trước tiên cho học sinh quan sát tranh, đưa ra câu hỏi xung quanh bức tranh rồi mới đưa thơ Tố Hữu vào minh họa. Qua đây, kiến thức lịch sử sẽ được cung cấp vừa cụ thể vừa sinh động cho học sinh.
Ví dụ, khi giảng về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trong mục II – phần 2_“Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)”, giáo viên khai thác bức ảnh
“Biểu tượng chiến thắng Điện Biên Phủ” trong SGK để minh họa cho kết quả
đợt 3 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lúc 17 giờ 30 phút ngày 7 – 5 – 1954, khi quân ta tấn công vào Sở chỉ huy quân Pháp và bắt sống tướng Đờ Caxtơri. Sau khi giới thiệu về bức ảnh, giáo viên đọc cho học sinh nghe đoạn thơ của Tố Hữu để khắc họa sâu hơn sự kiện này:
“Trông: Bốn mặt, lũy hầm sụp đổ Tướng quân bay lố nhố cờ hàng”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.87] Hay khi dạy mục III – phần 1_“Hội nghị Giơnevơ”, giáo viên khai thác cho học sinh về bức ảnh chụp “Toàn cảnh hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông
Dương”, sau đó minh họa thêm sự kiện này bằng câu thơ: “Đồng chí Phạm Văn Đồng …
Đã tàn rồi”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.87-88] Qua việc khai thác bức tranh trong SGK kết hợp sử dụng thơ Tố Hữu như trên, giáo viên cung cấp cho học sinh về diễn biến phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán ở Đông Dương. Cuộc đàm phán chỉ đi tới hồi kết khi ta chiến thắng ở trận Điện Biên Phủ. Chiến thắng này cổ vũ lớn tinh thần kiên quyết đấu tranh của đoàn đại biểu nước ta ở hội nghị.
2.3.4.3. Sử dụng thơ Tố Hữu kết hợp phim tư liệu lịch sử
Giống như tranh ảnh, phim tư liệu lịch sử cũng “khôi phục lại sự kiện lịch
sử một cách sinh động bằng sự phối hợp của hình ảnh, âm nhạc, diễn xuất, lời nói, màu sắc. Nó tác động mạnh mẽ đến học sinh, nâng cao chất lượng và bề sâu của kiến thức lịch sử”[20;tr.134]. Khi sử dụng phim tư liệu vào giảng dạy,
giáo viên cần phải chọn lọc nội dung phim chính xác, khoa học. Đối với một giờ học, phim tài liệu được sử dụng chủ yếu dưới dạng phim ngắn, trình bày ngắn gọn, cô đọng nội dung cần khai thác. Ở đây, giáo viên sử dụng thơ Tố Hữu kết hợp sử dụng phim tư liệu lịch sử phải đảm bảo thời lượng kiến thức, thời gian tiết học. Giáo viên lựa chọn nội dung kiến thức sử dụng phim, trước khi chiếu phim sẽ sử dụng câu hỏi và thơ Tố Hữu để tập trung nhận thức của các em.
Trong bài 20 “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc
(1953 – 1954)” có nhiều nội dung có thể khai thác sử dụng phim tư liệu lịch sử:
công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, diễn biến trận Điện Biên Phủ, hội nghị Giơnevơ… Cụ thể, khi dạy mục II – phần 2_“Chiến dịch lịch sử Điện
Biên Phủ (1954)”, giáo viên cho học sinh theo dõi đoạn phim tư liệu về công tác
san lấp núi, mở đường, công tác đào hào công sự của nhân dân và các chiến sĩ ta ở chiến trường Điện Biên Phủ, sau đó đọc cho các em nghe đoạn thơ:
“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non
Gan không núng Chí không mòn”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)[38;tr.85]
Sau khi học sinh xem phim và nghe thơ, giáo viên đưa ra câu hỏi: “Sau
khi xem phim và nghe thơ Tố Hữu, em có suy nghĩ gì về việc làm này của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ?”. Khi học sinh trả lời xong, giáo
viên chốt lại ý cho học sinh: Qua đoạn phim và thơ Tố Hữu chúng ta thấy được sức mạnh phi thường của con người Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng quyết tâm giành độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Như vậy, bằng việc sử dụng biện pháp này, giáo viên đã cụ thể hóa sự kiện một cách trực quan cho học sinh. Qua đây, việc lĩnh hội kiến thức của học sinh đơn giản hơn, từ đó hứng thú học tập được nảy sinh trong học tập của các em.