1. Đặc điểm kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh và các DNNQD
1.1. Tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc dải đất miền Trung, có tọa độ địa lý từ 17o53'50 đến 18o95'40 vĩ độ Bắc, 105o05'50 đến 106o30'20 kinh độ Đông. Độ cao trung bình ở đồng bằng so với mặt biển từ 2,6 đến 3,2 mét. Phía Bắc giáp huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên thành phố Vinh tỉnh Nghệ An bởi núi Thiên Nhẫn, sông Lam với chiều dài 130 km - là những vùng có điều kiện phát triển tương tự Hà Tĩnh, nhưng đã đạt được những thành tựu lớn trong quá trình phát triển kinh tế tỉnh. Đặc biệt có thành phố Vinh - là một thị trường tiêu thụ lớn cho sản phẩm sản xuất bởi các doanh nghiệp ở Nghệ An và Hà Tĩnh; phía Nam giáp huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình bởi Đèo Ngang, Hoành Sơn. Quảng Bình là tỉnh cũng mới được chia cắt như tỉnh Hà Tĩnh nhưng đã sớm có định hướng phát triển nền kinh tế vững chắc và đúng hướng đặc biệt về vấn đề bố trí vị trí các cơ quan hành chính sự nghiệp và các trung tâm thương mại, dịch vụ là lĩnh vực mà Hà Tĩnh cần học hỏi kinh nghiệm; Phía Đông giáp biển với chiều dài 137 km, là một nguồn tài nguyên thủy, hải
sản lớn, cho phép Hà Tĩnh phát triển loại hình doanh nghiệp này; phía Tây giáp với nước Lào bởi dãy Trường Sơn với chiều dài 170 km. Có cửa khẩu Cầu Treo mở ra cơ hội thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa với nước bạn Lào.
Hà Tĩnh có 2 thị xã và 8 huyện với tổng diện tích tự nhiên là 605.395 ha. Dân số tính đến nay đã vượt trên 1,3 triệu người, cung cấp lực lượng lao động lớn cho tỉnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Có đường quốc lộ xuyên Việt đi qua, có đường 8A, có cảng nước sâu Vũng Áng qua vùng Hương Khê sang nước Lào. Cùng với nhiều tài nguyên, khoáng sản đây là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn còn là một tỉnh nhỏ, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, công nghiệp chậm phát triển nếu có thì còn mang tính chất manh mún, tự phát. Lĩnh vực thương mại nhỏ lẻ, chưa có quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, đã có sự tăng lên ở mỗi năm nhưng vẫn còn chậm so với các tỉnh có cùng điều kiện phát triển. Chưa phát huy có hiệu quả nguồn lực lao động rất dồi dào với giá thuê nhân công rẻ mạt như hiện nay. Chính những khó khăn đó đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, từ đó tác động đến kết quả thu ngân sách, trong khi đó nhu cầu chi tiêu tăng lên đã dẫn đến thâm hụt ngân sách và hàng năm tỉnh Hà Tĩnh vẫn cần đến gần 80% trợ cấp trên tổng số chi từ ngân sách Trung ương.
Với mục tiêu giảm bớt tỷ lệ trợ cấp từ ngân sách Trung ương, phát huy nội lực, tăng nguồn thu trong tỉnh, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành liên quan cần có định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh, đồng thời tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trên toàn địa bàn tỉnh.