Giải pháp về nguyên liệu

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng sản phẩm Tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (Trang 81 - 83)

- Đảm bảo chất lượng nguyên liệu: Chất lượng nguyên liệu đưa vào chế biến là một yếu tố cơ bản liên quan tới chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Chính vì vậy, quản lý được chất lượng nguyên liệu đầu vào tức là doanh nghiệp đã đảm bảo được 50% chất lượng sản phẩm của mình. Hiện nay, chất lượng nguyên liệu còn chưa tốt và chưa đồng đều xuất phát từ khâu bảo quản, khâu xử lý, các chất kháng sinh có khả năng được sử dụng ngay trong khâu bảo quản do các đại lý thu mua không ý thức hết được tác hại của các hóa chất, kháng sinh bảo quản này. Chính vì vậy cần thực hiện một số biện pháp để nâng cao chất lượng nguyên liệu như sau:

+ Khắc phục vấn đề dư lượng kháng sinh, mà trước hết Công ty cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng hoá chất kháng sinh cấm trong nguyên liệu thuỷ sản, tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu, sơ chế, tàu cá, cảng cá, quan tâm đến kiểm tra các trại nuôi đối với

việc sử dụng thức ăn hoá chất, đại lý thu mua, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ kiên quyết không mua các lô nguyên liệu thiếu hồ sơ truy xuất. Công ty cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói chung, cần phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền đến ngư dân, chủ tàu cá, nậu vừa, cơ sở thu gom, thương lái, sơ chế nguyên liệu hải sản về tác hại của việc sử dụng kháng sinh cấm trong bảo quản nguyên liệu, không mua bán, sử dụng các hoá chất cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tự gửi mẫu kiểm tra kháng sinh đối với các lô hàng trước khi xuất khẩu.

+ Để kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thuỷ sản cần phải triển khai các chương trình như: Nhận diện mối nguy an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; quy trình thực hành nuôi tốt( GaqP) , quy tắc nuôi có trách nhiệm (CoC) trong thuỷ sản nuôi; kiểm soát chất lượng thuỷ sản sau thu hoạch tại cảng cá, đại lý thu mua nguyên liệu, chợ buôn bán thuỷ sản. Các mô hình ứng dụng GaqP vào nuôi tôm đạt hiệu quả bền vững. Thật vậy, tại các vùng nuôi này, tôm nguyên liệu phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất con giống, thả nuôi, thức ăn, thuốc thú y đến thu hoạch, vận chuyển bảo quản, chế biến đến khi xuất khẩu theo đúng yêu cầu của đối tác đặt ra.

+ Công ty khi xây dựng thêm nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu.

+ Công ty nên đẩy mạnh mua nguyên liệu trực tiếp từ người nuôi trồng và tự thực hiện bảo quản từ lúc đánh bắt về nhà máy, cố gắng giảm thiểu việc thu mua thông qua các đại lý, đầu nậu. Thực hiện việc ký kết các hợp đồng trực tiếp với các cơ sở nuôi thủy sản, Công ty cần thu thập đầy đủ thông tin như là nhật ký nuôi, thức ăn, dịch bệnh, thời gian sử dụng thuốc (nếu có),… của cơ sở nuôi, vùng nuôi trước khi ký hợp đồng. Đồng thời yêu cầu các cơ sở nuôi ký cam kết không sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi.

+ Mặt khác, Công ty cũng nên nghiên cứu đến đầu tư tự nuôi thủy sản để tăng khả năng kiểm soát đồng thời có thể chủ động hơn về nguyên liệu cho chế biến.

+ Đối với nguồn nguyên liệu khai thác tự nhiên, Công ty cũng cần tích cực công tác thu thập thông tin về tàu thuyền đánh bắt. Thu mua từ những nguồn đáng tin cậy. Nếu phát hiện ra chất bảo quản, kháng sinh từ đại lý, tàu thuyền nào cần khiêm khắc không mua hàng từ những nguồn này để tránh tái diễn.

Mặc dù nguồn nguyên liệu đánh bắt tự nhiên khá dồi dào tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao do người dân thiếu phương tiện, điều kiện bảo quản làm giảm chất lượng nguyên liệu. Công ty nên có chính sách hợp tác chặt chẽ với ngư dân, trợ giúp về mặt tài chính như ứng vốn, cho vay.

- Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian trái vụ thu hoạch Công ty có thể sử dụng giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ các nước xung quanh để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, các nhà máy chế biến thuỷ sản của Công ty đã được trang bị những dây chuyền chế biến hiện đại, trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, có thể ngang tầm khu vực và thế giới. Vì vậy, Công ty hoàn toàn có khả năng nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến và tái xuất các mặt hàng GTGT phù hợp với thị trường quốc tế nhằm khai thác triệt để tiềm năng thiết bị máy móc, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người lao động. Nếu chúng ta thực hiện được chiến lược nhập khẩu có chọn lọc và kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì đây cũng là một nguồn nguyên liệu bổ sung giúp ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng sản phẩm Tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (Trang 81 - 83)