Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Thực trạng - Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Tổng công ty Thương mại Hà Nội trong bối cảnh kinh tế hiện nay (Trang 37 - 39)

* Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp

Là một yếu tố tổng hợp phản ánh sức mạnh của doanh nghiệp thông qua khối lượng nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể huy động vào kinh doanh, khả năng đầu tư có hiệu quả nguồn vốn. Một số chỉ tiêu cơ bản thường được dùng để phản ánh tiềm lực tài chính của một doanh nghiệp là: tỉ lệ vốn chủ sở hữu - vốn huy động, tỷ lệ tái đầu tư về lợi nhuận, tỷ lệ về khả năng sinh lợi, khả năng trả nợ ngắn hạn và dài hạn…Các công ty có tiềm lực tài chính mạnh thường được tin cậy hơn, họ có khả năng thu gom được khối lượng hàng hoá lớn, có điều kiện đầu tư đổi mới trang thiết bị cũng như công nghệ hiện đại do đó sẽ thiết lập được nhiều mối quan hệ làm ăn hơn và dễ dàng kí kết được các hợp đồng xuất khẩu lớn hơn, lợi nhuận cao hơn.

* Tiềm năng con người

Trong kinh doanh con người là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo thành công. Con người với trí tuệ, khả năng và kinh nghiệm của mình sẽ sử dụng

có hiệu quả hơn các công cụ khác như: vốn, tài sản, công nghệ... Vì vậy việc đánh giá và phát triển tiềm năng con người trong mỗi doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

* Trình độ tổ chức quản lý.

Mỗi doanh nghiệp là một hệ thống được cấu thành bởi nhiều mối liên kết chặt chẽ và cùng hướng tới một mục tiêu. Muốn đạt được thành công về lâu dài thì mỗi doanh nghiệp cần phải đạt tới một trình độ tổ chức quản lý tương ứng với sức mạnh tài chính của mình. Trình độ tổ chức quản lý ở đây là nói đến sự hoàn hảo của cấu trúc tổ chức, tính hiệu quả của hệ thống quản lý, khả năng giám sát và phát huy được tối đa sức mạnh mỗi cá nhân trong doanh nghiệp.

* Cơ sở vật chất kỹ thuật.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phản ánh nguồn tài sản cố định trong mỗi doanh nghiệp: thiết bị, nhà xưởng, kho bảo quản lưu trữ… Nếu doanh nghiệp có cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại thì khả năng nắm bắt thông tin cũng như việc thực hiện các qui trình kinh doanh xuất khẩu sẽ thuận tiện và đạt hiệu quả cao hơn.

* Hoạt động Marketing

Đối với hoạt động xuất khẩu thì việc tiếp thị, tìm đầu ra cho sản phẩm là hết sức quan trọng và chức năng này thuộc về các hoạt động Marketing. Hoạt động này bao gồm: nghiên cứu thị trường, xác định thị phần, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và xúc tiến sau bán hàng... Vì khách hàng là người nước ngoài nên việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm là rất tốn kém, việc tìm hiểu thói quen tiêu dùng…lại phức tạp và tốn nhiều thời gian, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có sự đầu tư nhiều hơn về nhân lực cũng như tài chính cho hoạt động này.

* Hoạt động thu mua, tập trung hàng cho xuất khẩu

Hoạt động thu mua nông sản là một qui trình bao gồm: tìm kiếm nhà cung cấp, tổ chức kho tàng bến bãi, vận chuyển và bảo quản hàng chuẩn bị cho xuất khẩu. Trong giao dịch xuất khẩu, ngoài việc đảm bảo chất lượng còn phải đảm bảo tiến độ thu mua để kịp giao hàng đúng thời hạn. Sự chậm trễ trong giao hàng sẽ khiến nhà xuất khẩu không chỉ mất uy tín mà còn có thể phải đền bù thiệt hại rất lớn cho bên đối tác, vì vậy cần phải xem xét kĩ khả năng thu mua, tập trung hàng trước khi kí kết một hợp đồng xuất khẩu nông sản.

Một phần của tài liệu Thực trạng - Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Tổng công ty Thương mại Hà Nội trong bối cảnh kinh tế hiện nay (Trang 37 - 39)