* Hạn chế
- Chính sách tín dụng chưa thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Sự phân biệt khá rõ ràng giữa các doanh nghiệp nhà nước với DNNQD thể hiện rất rõ ràng trong điều kiện vay vốn. Các doanh nghiệp Nhà nước thì được vay với khối lượng lớn và có thể vay bằng tín chấp. Còn các DNNQD thì khi vay phải có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo đảm của bên thứ ba. Hơn nữa, cơ cấu cho vay theo kỳ hạn cũng chưa hợp lý. Đối với DNNQD, Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang chủ yếu cho vay ngắn hạn, tín dụng trung và dài hạn còn chưa cao, mặc dù đặc điểm của đa phần các DNNQD trên địa bàn hiện nay là quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu chỉ vay để bổ sung vốn lưu động, nhưng để phát triển mạnh và bền vững thì cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư cho lâu dài. Vì thế nếu Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang mở rộng hơn công tác cho vay trung và dài hạn với những dự án khả thi của DNNQD thì sẽ đem lại hiệu quả cho cả NH, doanh nghiệp và nền kinh tế.
- Hoạt động cung cấp tín dụng theo các ngành nghề của Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang còn rất hạn chế. Tổng số khách hàng là DNNQD là 150 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, kinh doanh những
mặt hàng đang được thị trường ưa chuộng. Đối với các ngành nghề khác như trang trí nội thất, dịch vụ, vui chơi giải trí thì chưa được quan tâm đúng mức mặc dù khả năng phát triển là rất lớn. Do đó các doanh nghiệp thì luôn luôn ở trong tình trạng thiếu vốn, còn NH lại chưa thực sự kinh doanh hiệu quả nguồn vốn của mình.
- Lãi suất cho vay cũng là cũng là một trở ngại không nhỏ đối với DNNQD. Các doanh nghiệp Nhà nước được vay với lãi suất ưu đãi hơn các DNNQD vì các doanh nghiệp này được xem là có độ rủi ro cao hơn. Nhưng thực tế chính các doanh nghiệp nhà nước được vay bằng tín chấp lại có độ rủi ro cao hơn vì khi họ không trả được nợ thì Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang chỉ còn cách chờ đợi phương án giải quyết từ NH cấp trên và Chính phủ. Chính mức lãi suất thiếu hợp lý trên đã làm hạn chế việc vay vốn của DNNQD.
- Thông tin tín dụng là một điều kiện không thể thiếu khi mở rộng tín dụng đối với DNNQD. Nhưng cho đến nay, khả năng nắm bắt thông tin của Trung tâm phòng ngừa rủi ro TPR-NHNN (tên gọi mới là CIC) là rất giới hạn do có nhiều nguồn cung cấp, nhiều số liệu của các tổ chức tín dụng rất khác nhau. Điều không thể phủ nhận là thông tin mà các tổ chức tín dụng cung cấp cho TPR đều không đầy đủ, chính xác và thiếu tính thời sự. Rõ ràng với nhiều kênh cung cấp, nhiều số liệu nhận được thì thông tin sẽ bị nhiễu, dễ gây nhầm lẫn. Vấn đề là cán bộ tín dụng và NH phải có đủ năng lực để chọn lọc xử lý thông tin một cách có hiệu quả trong việc thẩm định dự án cho vay.
- Chất lượng tín dụng: Đứng về phía NH thì điều này có thể đo bằng tỷ lệ nợ quá hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn đối với DNNQD trong những năm qua tại Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang là nhỏ, chỉ phát sinh nợ quá hạn mang tính thời điểm. Đây là một thành tích nổi bật của Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang nhưng với tỷ lệ dư nợ DNNQD thấp so với khả năng cung ứng thì con số này sẽ làm nản lòng những cán bộ tín dụng trong việc xét duyệt cho DNNQD vay vốn.
- Quy trình và chất lượng công tác thẩm định: Quy trình thẩm định do hạn chế về mặt thời gian nên đôi khi còn bỏ qua một số bước như đánh giá kỹ thuật của dự án đầu tư... hoặc là đã có những nghiên cứu không kĩ lưỡng, dẫn đến đánh giá thiếu chính xác, làm tăng rủi ro của dự án. Về công tác thẩm định chi phí của dự án, cán bộ tín dụng chỉ chủ yếu dựa vào hóa đơn mua bán hàng và mức giá trung bình của thị trường mà chưa quan tâm đến sự biến động giá cả trên thị trường. Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định dự án đầu tư. Cũng vậy đối với thẩm định năng lực tài chính của khách hàng, khả năng nắm bắt thông tin của Trung tâm phòng ngừa rủi ro là giới hạn, thông tin khách hàng cung cấp đôi khi không đầy đủ, chính xác và thiếu tính thời sự làm sai lệch các đánh giá của cán bộ tín dụng đối với năng lực của khách hàng.
Hoạt động cho vay đối với các DNNQD tại Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang còn tồn tại hạn chế là do:
* Nguyên nhân khách quan
Sự ra đời ồ ạt của các Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần nhưng chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện (đặc biệt là vốn tự có) nên dẫn đến hậu quả là hoạt động hiệu quả không cao, khả năng trả nợ cho NH chưa chắc chắn. Đặc biệt có một số doanh nghiệp không có khả năng quản lý, kiến thức pháp luật yếu kém, có doanh nghiệp khi đến vay NH khi chưa thể chứng minh rõ ràng rằng đồng vốn vay được sử dụng có hiệu quả. Điều này khiến các cán bộ cho rằng doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn khác. Mặt khác đã có nhiều bài học về việc các doanh nghiệp không trả nợ vì kinh doanh không đúng với mục đích đăng ký. Trong điều kiện kinh doanh khắc nghiệt và đây biến động, các doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giật, thành lập theo kiểu “phong trào” không trả được nợ NH không phải là không có.
Việc thực hiện chế độ báo cáo kế toán, thống kê của doanh nghiệp thường không tuân thủ theo đúng pháp lệnh, dẫn đến sự phản ánh lệch lạc kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cán bộ tín dụng thẩm định rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bị từ chối cho vay vì các sổ sách kế toán của họ hoặc không hợp lệ hoặc không rõ ràng. Sự thiếu minh bạch của các Báo cáo tài chính khiến NH nghi ngờ về tính hiệu quả và hợp pháp trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và không cho doanh nghiệp vay vốn.
* Nguyên nhân chủ quan
Một nguyên nhân khác cũng làm cho Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang chưa mở rộng được việc cho vay đối với khách hàng của mình là do công tác tuyên truyền quảng cáo, khuyếch trương của Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang chưa tốt. Việc giới thiệu về hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang chỉ mới được thực hiện trên phạm vị nhỏ hẹp, như hướng dẫn trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp đã có quan hệ vay vốn tại NH, còn trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài, tivi và các loại báo chí thì chưa được thực hiện. Vì thế rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân không biết các thông tin về lãi suất, thời gian và các thông tin có liên quan đến một khoản vay để so sánh với các NH khác, lựa chọn ra khoản vay phù hợp nhất. Phần lớn họ không nắm được các giấy tờ, hồ sơ cần thiết để vay vốn NH dẫn đến việc phải đi lại nhiều lần, mất thời gian và chi phí cho cả hai bên. Điều này đã làm cho khách hàng không thực sự thoải mái khi đến vay vốn NH.
Xét về quy trình tín dụng, tuy các cán bộ NH đều được phổ biến một cách cụ thể quy trình tín dụng nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đối với những dự án đã được vay vốn, sau khi giải ngân cán bộ tín dụng NH phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát vốn vay. Trên thực tế công tác này đạt hiệu quả chưa cao. Phương pháp kiểm tra kiểm soát không sâu sát cụ thể, một số chỉ mang tính hình thức, không phát hiện được những sai phạm hoặc có phát hiện được cũng chỉ để đấy, chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.
Bên cạnh đó, trình độ một số cán bộ còn nhiều bất cập. Tuy Chi nhánh NH ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Các kiến thức về một thị trường kinh tế đầy biến động và phức tạp chi phối đến hoạt động của từng doanh nghiệp hàng ngày hàng giờ chưa được cập nhật, nắm bắt kịp thời đầy đủ, khả năng tiếp nhận thông tin chưa cao. Điều này dẫn đến những sai sót trong điều tra nghiên cứu thẩm định dự án. Công tác thẩm định thường dựa vào số liệu do khách hàng cung cấp và tham khảo thêm một số thông tin thu thập từ bên ngoài. Nhưng nhiều khi công tác này được thực hiện chưa tốt dẫn đến việc đánh giá sai lệch về dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng dẫn đến không cho vay được hoặc cho các dự án thiếu tính khả thi vay vốn gây ra thất thoát vốn. Do đó công tác mở rộng tín dụng bị hạn chế, hiệu quả cho vay chưa cao.
- Tài sản thế chấp: Hầu hết các khách hàng vay vốn NH đều phải có tài sản thế chấp (TSTC). Trong công tác định giá, Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang thường định giá TSTC theo quy định chung có tham khảo thêm giá tài sản đó trên thị trường tại thời điểm định giá. Các tài sản thế chấp mà doanh nghiệp dùng để bảo đảm tiền vay chủ yếu là đất đai, nhà ở và các bất động sản khác. Mức giá của các loại tài sản này thường xuyên dao động mạnh nên việc định giá đúng là rất khó khăn. Đối với tài sản thế chấp, cầm cố là các loại hình máy móc, thiết bị thì theo quy định NH yêu cầu khách hàng phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Nhưng các loại máy móc đó trên thực tế thường được mua đi bán lại nhiều lần nên khó có thể có được giấy tờ sở hữu sử dụng tài sản đó. Việc cho vay không có đảm bảo chưa được áp dụng cùng với những khó khăn trong việc định giá tài sản thế chấp, cầm cố đã làm ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của NH.
Những phân tích trên đã phần nào cho thấy thực trạng tín dụng đối với DNNQD, những kết quả đạt được cũng như những tồn tại cần giải quyết của Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang. Qua đó cũng khẳng định được vai trò và những đóng
góp quan trọng của NH trong việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại trong hoạt động kinh doanh nói chung, mở rộng hoạt động tín dụng đối với DNNQD nói riêng, Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang cần có những giải pháp nhằm nâng cao và mở rộng hoạt động tín dụng đối với DNNQD tại tỉnh nhà để đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp phát triển đất nước.
CHƯƠNG III
GIẢI PHÁP MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG ĐẦU
TƯ VÀ PHÁT TRIỂN TUYÊN QUANG