Trên thực tế, do điều kiện về nhân lực nên các cán bộ tín dụng của ngân hàng thường phải vừa kiêm nhiệm nhiệm vụ quan hệ khách hàng vừa phải thực hiện công tác thẩm định. Điều này gây ra một khối lượng công việc lớn cho cán bộ tín dụng dễ dẫn đến những thiếu sót trong công tác cũng như không tránh khỏi những gian lận trong quá trình thẩm định vì nhân viên tiếp nhận dự án lại vừa thẩm định dự án. Ngân hàng nên có sự bố trí sắp xếp công việc hợp lý cho nhân viên phù hợp với trình độ năng lực cũng như sở trường của nhân viên.
Ngoài ra để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, ban lãnh đạo có thể lập riêng một phòng thẩm định tạo nên sự chuyên môn hóa trong công việc, đồng thời tăng
cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, giám sát việc thực hiện và thời gian hoàn thành công tác thẩm định.
Nguồn thông tin là một nhân tố hết sức quan trọng góp phần trong công tác thẩm định. Thông tin đầy đủ nhiều khía cạnh với độ tin cậy sẽ giúp cho kết quả thẩm định đạt hiệu quả cao. Vì vậy ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn cung cấp thông tin thu được một cách hữu hiệu và triệt để nhất.
Đối với nguồn thông tin từ bên ngoài thì bên cạnh việc khai thác thông tin do chính khách hàng cung cấp, ngân hàng cần chú trọng khai thác triệt để nguồn thông tin qua những lần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Cán bộ thẩm định phải xuống tận cơ sở, đặc biệt phải có những chuyến đi đột xuất để thu thập được những thông tin đáng tin cậy hơn. Điều này sẽ đảm bảo được tính đúng đắn khách quan . Cán bộ thẩm định cần thu thập thêm thông tin từ các nguồn khác như: thông tin từ trung tâm phòng ngừa rủi ro thuộc NHNN, thông tin từ các tổ chức tín dụng khác mà DN có quan hệ tín dụng, thông tin từ các bạn hàng của DN, từ các phương tiện thông tin đại chúng...
Nếu xây dựng tốt hệ thống thông tin và đa dạng hóa nguồn thông tin, ngân hàng sẽ có được hệ thống thông tin tương đối đầy đủ và chính xác về dự án cũng như khách hàng của mình. Thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định.
Đối với công tác trang bị thiết bị công nghệ: ngân hàng cần triệt để khai thác các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào hoạt động của mình, đặc biệt là trong công tác thẩm định.
Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thẩm định, ngân hàng cần quan tâm mua sắm trang thiết bị cho cá nhân nối mạng và có những phần mềm chuyên dụng, sử dụng máy chủ lớn có khả năng lưu trữ, xử lý và truyền thông tin với tốc độ cao.
3.3. Một số kiến nghị
3.3.1. Đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
- Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính Phủ và NHNN cũng như trên cơ sở thực tế, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cần chỉnh sửa và bổ sung kịp thời các quy chế về cho vay phù hợp với tình hình hoạt động của toàn hệ thống. Triển khai kịp thời các văn bản này tới các Chi nhánh trên toàn quốc.
- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nên nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới tạo thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng; hướng dẫn và tạo điều kiện áp dụng cho toàn hệ thống.
- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nên thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ NH. NH ĐT&PT cần tạo điều kiện hơn nữa về thời gian và vật chất cho cán bộ tham gia các khoá học đào tạo trong và ngoài nước nâng cao trình độ.
3.3.2. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
NHNN Việt Nam cần hoàn thiện luật tín dụng và các văn bản pháp quy về hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động cho vay đối với các DNNQD nói riêng, các quy trình nghiệp vụ thống nhất, lãi suất cho vay, cơ chế cho vay phù hợp…Thông qua những biến động cũng như xu hướng của thị trường mà có những thay đổi nhằm bảo vệ quyền lợi cho NH và khách hàng, đảm bảo hoạt động đi theo đúng quỹ đạo. Việc tạo lập một khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ sẽ giúp các NHTM yên tâm hơn khi ra quyết định cho vay, mở rộng số lượng khoản cho vay, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.
NHNN cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động cho vay với các DNNQD trong đó qui định rõ về các loại sản phẩm, dịch vụ cho vay, đồng thời cũng ban hành các văn bản hỗ trợ khuyến khích đối với hoạt động cho vay này, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và đầy đủ. Qua đó tạo sự chủ động hơn nữa đối với các NH trong phát triển cho vay đối với các DNNQD.
NHNN cần đẩy mạnh công tác liên kết hợp tác giữa các NHTM trong và ngoài quốc doanh trong việc thành lập và phát triển hệ thống thông tin liên NH. Hệ thống này sẽ hỗ trợ các NH dễ dàng truy cập các thông tin kinh tế xã hội liên quan đến lĩnh vực NH, các thông tin về khách hàng một cách nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó tạo lập hoạt động đồng bộ giữa các NHTM, tạo điều kiện cùng nhau phát triển.
3.3.3. Đối với UBND Tỉnh Tuyên Quang
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên 5.870 km2, dân số trên 70 vạn người, kinh tế phát triển chậm tỷ trọng cơ cấu kinh tế, nông - lâm nghiệp chủ yếu chiếm trên 50% sản lượng công nghiệp – xây dựng chiếm 21%, còn lại là các ngành nghề khác.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 600 đơn vị gồm: Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần. Trình độ quản lý của các nhà sản xuất kinh doanh còn thiếu nhiều kinh nghiệm, sản xuất kinh doanh chưa ổn định, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp này còn hạn chế, hoạt động kinh doanh của họ còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn của các NH trên địa bàn. Do vậy, đề đạt được các mục tiêu kinh tế do Đảng bộ tỉnh đã đề ra Uỷ ban nhân dân tỉnh nên xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp quốc doanh và phi quốc doanh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là:
- Tạo lập môi trường ổn định, lành mạnh và thuận lợi cho hoạt động kinh doanh:
+ Tạo môi trường cho hoạt động kinh doanh
+ Định hướng điều tiết bằng kế hoạch, chiến lược và các chính sách vĩ mô + Hỗ trợ về vốn, đào tạo, thông tin..
+ Kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp.
- Cụ thế hóa các chính sách kinh tế vĩ mô đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Chính Phủ ban hành:
Hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng của một đất nước. Trong đó có chính sách đầu tư - tín dụng. Mục tiêu của chính sách này là tạo điều kiện thu hút tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài để hỗ trợ về vốn cho các DNNQD phát triển. Đối với doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước cần mở rộng hình thức cho vay không cần thế chấp, chỉ cần tín chấp và phải có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi nhất là ở vùng nông thôn. Việc quy định về lãi suất, thời hạn vay vốn... phải linh hoạt và bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phụ thuộc vào thành phần kinh tế. Cần có những quy định khung và các hình thức huy động vốn phi chính thức như hụi, họ..để các doanh nghiệp tự huy động vốn hoạt động nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của các bên có liên quan. Chấn chỉnh, củng cố và từng bước mở rộng hình thức tổ chức hợp tác xã tín dụng để dần dần thay thế hình thức hụi họ hiện nay. Một điều quan trọng trong chính sách đầu tư là phải tính đến việc bảo toàn vốn cho các doanh nghiệp. Chúng ta nên cho các doanh nghiệp bảo toàn vốn theo chỉ số lạm phát thực tế, hoặc để các doanh nghiệp được hưởng lãi suất NH cho nguồn vốn đã bỏ ra kinh doanh trong khi tính toán để đánh thuế lợi tức. Nên
cho phép các doanh nghiệp tăng nhanh thời gian khấu hao để tái đầu tư vào sản suất, kịp thời thay đổi trang thiết bị lạc hậu.
- Tăng cường công tác quản lý đối với các DNNQD:
Hoạt động của các doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng của NH. Việc tăng cường giám sát nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNQD là một biện pháp hữu hiệu để NH có thể mở rộng hoạt động tín dụng đối với loại hình doanh nghiệp này. Trong hoàn cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, năng lực sản xuất kinh doanh của các đơn vị còn yếu kém, ít có sức cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp hoạt động mang tích chất nhỏ lẻ, chụp giật đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có các giải pháp kịp thời. Để phát triển kinh tế có hiệu quả nên:
+ Thực thi tốt kế hoạch phát triển kinh tế tổng thể đã đề ra, có các chính sách ưu tiên ưu đãi với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành kinh tế mũi nhọn.
+ Ban hành và hướng dẫn chỉ đạo các ngành các cấp thực thi các điều luật đã và sẽ ban hành. Đối với các doanh nghiệp cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo đảm các doanh nghiệp thực thi đúng các điều luật đó.
+ Việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp mới, đặc biệt là các Công ty TNHH phải đảm bảo điều kiện về vốn, cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, cán bộ điều hành phải có đủ năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt.
KẾT LUẬN
Sau một thời gian thực tập tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tuyên Quang, được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ Chi nhánh Ngân hàng, em đã hoàn thành chuyên đề thực tập tốt nghiệp này. Quá trình nghiên cứu và viết chuyên đề đã giúp em có thêm những kiến thức về hoạt động của ngân hàng và các nghiệp vụ có liên quan đến hoạt động tín dụng.
Chuyên đề này đã hệ thống hoá vị trí, vai trò của DNNQD, sự cần thiết trong việc mở rộng tín dụng Ngân hàng đối với loại hình doanh nghiệp này, đánh giá việc mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp cùng với những kết quả ban đầu và những tồn tại cần xem xét. Sau đó là những giải pháp, kiến nghị đưa ra có thể sẽ giúp Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT tỉnh Tuyên Quang cùng các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt hơn việc mở rộng tín dụng đối với DNNQD trong thời gian tới.
Những năm qua trong công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế, DNNQD đã xuất hiện nhiều và ngày càng phát triển, đóng góp một phần không nhỏ vào việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế đất nước.
Sự phát triển của DNNQD dưới tác động của kinh tế chung, bên cạnh việc tự huy động vốn từ bản thân thì nguồn vốn tín dụng Ngân hàng đầu tư cho loại hình doanh nghiệp này cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hơn nữa, hoạt động cho vay đối với DNNQD không những thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển của chính hệ thống các NHTM. Các NHTM trong thời mở cửa sẽ phải luôn luôn
đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng... dần dần phục vụ khách hàng tốt hơn. Đó là điều mà các NHTM đạt tới nếu muốn tồn tại và phát triển. Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan, nhưng hoạt động mở rộng tín dụng Ngân hàng đối với DNNQD vẫn còn nhiều tồn tại và những vấn đề mới nảy sinh cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Do thời gian và kiến thức vẫn còn hạn chế nên chuyên đề vẫn còn nhiều khuyết điểm. Rất mong được sự góp ý của các thầy cô và ban lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Tuyên Quang để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn Ths. Nguyễn Đức Hiển và các cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Tuyên Quang đã giúp em hoàn thiện chuyên đề tốt nghiệp này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính Mishkin
2. Giáo trình Lý thuyết tài chính tiền tệ GS.TS Cao Cự Bội
3.Giáo trình Tiền tệ, tín dụng và ngân hàng GS.TS Lê Văn Tư, NXB Thống Kê 4.Giáo trình Ngân hàng thương mại TS.Phan Thị Thu Hà, NXB Thống kê
5.Giáo trình Marketing Ngân hàng TS.Nguyễn Thị Minh Hiền, Học viện Ngân
hàng
6.Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại Peter S . Rose, NXB Tài Chính 7.Giáo trình Tài chính doanh nghiệp PGS.TS Lưu Thị Hương
8.Giáo trình Thẩm định tài chính doanh nghiệp
9.Các tạp chí ngân hàng, thời báo ngân hàng, thời báo kinh tế 2006, 2007, 2008 10.Sổ tay tín dụng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2006)
10.Báo cáo tổng kết thường niên của chi nhánh ngân hàng ĐT&PT Tuyên Quang năm 2006,2007, 2008