Các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển hoạt động bao thanh toán tại NHTM

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Trang 32 - 39)

Trong quá trình phát triển hoạt động, cuối mỗi giai đoạn phát triển hoặc sau một thời kỳ hoạt động (tháng, quý, năm), NHTM tiến hành đánh giá hoạt động toàn diện trên cả mặt tích cực và hạn chế, theo cả chiều rộng và chiều sâu nhằm xác định sự phát triển của hoạt động, xây dựng kế hoạch phát triển cho giai đoạn, thời kỳ tiếp theo. Quá trình đánh giá đó cần phải có một hệ quy chiếu tập hợp một loạt các chỉ tiêu làm cơ sở cho sự đánh giá,

sau đây là một số chỉ tiêu cơ bản đánh giá sự phát triển hoạt động bao thanh toán tại NHTM.

1.2.2.1 Tăng trưởng doanh thu bao thanh toán

Doanh thu là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh trong một thời kỳ và tăng trưởng doanh thu bao thanh toán là một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu phản ánh sự phát triển hoạt động bao thanh toán. Doanh thu từ hoạt động bao thanh toán bao gồm hai bộ phận: doanh thu từ lãi và doanh thu ngoài lãi. Doanh thu từ lãi của hoạt động bao thanh toán là tiền lãi thu được từ việc NHTM ứng trước tiền hàng cho khách hàng (bên bán). Doanh thu ngoài lãi là những khoản phí NHTM thu được từ việc cung cấp các dịch vụ khác ngoài việc ứng tiền trước cho hoạt động bao thanh toán. Bộ phận doanh thu từ lãi thường lớn hơn nhiều so với bộ phận doanh thu ngoài lãi.

Trong giai đoạn đầu phát triển hoạt động, tốc độ tăng trưởng doanh thu qua các năm thường lớn, có thể gấp mấy lần, mấy chục lần thậm chí hàng trăm lần so với năm trước đó, con số này càng cao cho thấy hoạt động được triển khai có sức cạnh tranh so với hoạt động của các đối thủ cạnh tranh, hoạt động hiệu quả, có sức thu hút với khách hàng, chiếm lĩnh thị trường. Tới giai đoạn sau, khi thị phần ổn định, tốc độ tăng trưởng doanh thu đi vào ổn định. Doanh thu khi đó chỉ tăng đột biến do một vài nguyên nhân đặc biệt như có sự ra đời của các dịch vụ mới, tiện ích làm hoạt động bao thanh toán của NHTM trở nên hấp dẫn hơn hoặc có những điều kiện hấp dẫn được NHTM đưa ra nhằm thu hút thêm khách hàng. Để đánh giá chính xác sự phát triển của hoạt động cần phải xét trong một giai đoạn nhất định, thường là 3 tới 5 năm. Trong giai đoạn đó doanh thu hoạt động bao thanh toán phải tăng trưởng dương, đều đặn, ổn định. Để có đánh giá

chính xác hơn, bên cạnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu cần xét thêm một số chỉ tiêu bổ sung sau:

- Số dư hoạt động bao thanh toán;

- Tỷ lệ doanh thu hoạt động bao thanh toán trong tổng doanh thu.

Doanh thu năm sau cao hơn năm trước song số dư hoạt động bao thanh toán không tăng thậm chí giảm cho thấy việc tăng doanh thu là do sự tăng của lãi suất và phí bao thanh toán. Sự gia tăng này sẽ chỉ duy trì được trong ngắn hạn, khi khách hàng cảm thấy chi phí cho việc bao thanh toán tại NHTM quá đắt họ sẽ không sử dụng dịch vụ này, số dư hoạt động bao thanh toán giảm dần và kéo theo sự sụt giảm về doanh thu. Như vậy, sự tăng trưởng doanh thu chỉ ổn định khi có sự hỗ trợ của tăng số dư bao thanh toán qua các năm, điều đó cho thấy dịch vụ của ngân hàng có tính cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với nhu cầu và được khách hàng ưa thích sử dụng dịch vụ.

Bao thanh toán là một hoạt động nằm trong tổng thể các hoạt động của NHTM do vậy không thể bỏ qua sự đánh giá sự phát triển của hoạt động này so với các hoạt động khác. Điều này được thể hiện qua chỉ tiêu tỷ lệ doanh thu hoạt động bao thanh toán trong tổng doanh thu. Sự tăng lên của chỉ tiêu này cho thấy hoạt động bao thanh toán đang được phát triển tốt và còn có tiềm năng phát triển so với các hoạt động khác của NHTM.

1.2.2.2 Tăng trưởng lợi nhuận bao thanh toán

Chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động bao thanh toán, là cơ sở để sinh lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên, điều các nhà quản trị ngân hàng quan tâm nhất sau mỗi giai đoạn hoạt động là lợi nhuận hoạt động đó mang lại cho ngân hàng. Để có được lợi nhuận, NHTM

không chỉ quản lý tốt doanh thu mà còn quản lý chi phí tiết kiệm, hợp lý. Các khoản chi phí bắt buộc là chi phí cho nhân viên, chi phí quản lý sổ sách, theo dõi các khoản phải thu, chi phí marketing cho hoạt động… Các chi phí này có thể giảm do tận dụng lợi thế quy mô. Ngoài ra, một bộ phận chi phí cần thiết khác là chi dự phòng. Khoản chi phí này tăng theo số dư hoạt động bao thanh toán. Tuy khoản chi phí này không bắt buộc theo luật định, các NHTM vẫn phải trích dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động do bao thanh toán là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vấn đề đặt ra với các nhà quản trị ngân hàng là trích lập dự phòng theo tỷ lệ bao nhiêu cho hợp lý. Như vậy, chỉ tiêu lợi nhuận phản ánh tổng hợp hiệu quả quản lý hoạt động của ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngày càng cao cho thấy hiệu quả hoạt động bao thanh toán ngày càng tốt. Bên cạnh đó, so sánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bao thanh toán với tốc độ tăng trưởng doanh thu bao thanh toán cho ta cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả hoạt động bao thanh toán. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tuy đạt mức cao song vẫn thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng doanh thu cho thấy hoạt động bao thanh toán vẫn chưa thực sự hiệu quả do vấn đề quản lý chi phí còn lãng phí, tốn kém. Trái lại, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu, trong đó khoản chi dự phòng vẫn duy trì ở mức an toàn, hợp lý cho thấy hoạt động bao thanh toán đã được phát triển đáng kể tại NHTM đó. Từ đó có thể kết luận, sự phát triển hoạt động bao thanh toán có thể đánh giá đáng kể qua chỉ tiêu lợi nhuận bao thanh toán và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bao thanh toán.

Mở rộng thị trường, tăng thị phần là tiêu chí quan trọng thứ hai trong đánh giá phát triển hoạt động bao thanh toán. Cũng giống như các hoạt động, dịch vụ, khi phát triển hoạt động bao thanh toán, mỗi NHTM đều xác định cho mình một thị trường nhất định và lấy đó làm cơ sở cho việc đạt được các mục tiêu của mình. Để tăng cường sức mạnh của mình trước các đối thủ cạnh tranh khác, không những NHTM phải mở rộng được thị trường mà còn phải tăng tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường (tăng thị phần) so với các đối thủ cạnh tranh đó. Điều này tạo điều kiện để NHTM tăng doanh thu hoạt động bao thanh toán và đó cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy hướng đi đúng đắn trong việc phát triển hoạt động bao thanh toán của NHTM .

Thực tế, để mở rộng thị trường và tăng thị phần có thể thực hiện thông qua hai con đường: thôn tính thị phần của các đối thủ cạnh tranh hoặc tạo ra thị trường mới. Hoạt động bao thanh toán là một hoạt động mới ở đa số các quốc gia đang phát triển, thị trường còn rộng lớn, các NHTM sớm phát triển bao thanh toán có khả năng chiếm lĩnh thị trường, các NHTM phát triển sau bên cạnh mở rộng, phát triển những mảng thị trường mới còn phải cạnh tranh và chiếm lĩnh mảng thị trường của đối thủ cạnh tranh để tăng thị phần. Tới giai đoạn khi hoạt động bao thanh toán được nhiều NHTM phát triển việc mở rộng thị trường mới sẽ trở nên khó khăn hơn và các NHTM cần tập trung vào việc tăng thị phần thông qua tăng khả năng cạnh tranh của dịch vụ trên thị trường. Các chỉ tiêu này có thể được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu:

- Sự gia tăng tỷ lệ doanh thu bao thanh toán của NHTM trong tổng doanh thu bao thanh toán của quốc gia.

- Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, tỉnh thành, quốc gia được NHTM phát triển bao thanh toán.

- Sự gia tăng số ngành, lĩnh vực bao thanh toán.

1.2.2.4 Mở rộng đối tượng khách hàng

Khách hàng chính là một trong những yếu tố quyết định tới thành công cho ngân hàng vì vậy khách hàng cần đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển hoạt động bao thanh toán và mở rộng đối tượng khách hàng trở thành một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của bất kỳ hoạt động nào, hoạt động bao thanh toán cũng không phải là một ngoại lệ. Sự duy trì được số lượng khách hàng hiện tại, thu hút khách hàng tiềm năng và lôi kéo được khách hàng từ phía đối thủ cạnh tranh luôn là mục tiêu của NHTM.

Duy trì một số lượng khách hàng trung thành với dịch vụ của ngân hàng, thu hút khách hàng từ đối thủ là việc rất khó khăn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt vì vậy bên cạnh đó các NHTM luôn nỗ lực tìm kiếm và phát triển đối tượng khách hàng tiềm năng. Muốn vậy, NHTM phải luôn tìm mọi cách hài lòng khách hàng. Khách hàng luôn mong muốn sử dụng dịch vụ với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, điều kiện thuận tiện, thời gian xét duyệt nhanh chóng, phương thức thanh toán linh hoạt, lãi suất và phí cạnh tranh, quản lý hiệu quả, tư vấn tận tình chu đáo. Tuy nhiên bao thanh toán là một hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro vì vậy để làm được những điều trên các NHTM phải không ngừng phát triển công nghệ, trình độ nhân viên ngân hàng, trình độ quản lý của cán bộ ngân hàng. Khi ngân hàng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, mang tới sự thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ bao thanh toán, khách hàng sẽ trung thành sử dụng hoạt động bao thanh toán và tạo điều kiện dễ dàng mở rộng đối tượng khách hàng. Đối tượng khách hàng có thể mở rộng từ một số ngành, nghề lĩnh vực sang đa dạng hóa các ngành nghề, mở rộng từ đối tượng khách hàng nội địa

sang khách hàng nước ngoài… Đối tượng khách hàng càng đa dạng khả năng phát triển hoạt động bao thanh toán càng rộng mở. Đó là cơ sở vững chắc cho sự phát triển hoạt động bao thanh toán tại ngân hàng.

1.2.2.5 Mức độ đa dạng hóa hình thức bao thanh toán

Mức độ đa dạng hóa hình thức bao thanh toán tỷ lệ thuận với sự phát triển của hoạt động bao thanh toán. Thông qua chỉ tiêu này, ta có thể đánh giá mức độ phát triển hoạt động bao thanh toán tại NHTM bất kỳ. Thường ở trong giai đoạn đầu mới phát triển chỉ một số hình thức bao thanh toán vì có những hình thức bao thanh toán rất khó phát triển như hình thức bao thanh toán kín hoặc có hình thức bao thanh toán mang nhiều rủi ro cho NHTM như hình thức bao thanh toán miễn truy đòi… NHTM càng cung cấp nhiều hình thức bao thanh toán phục vụ cho nhu cầu của khách hàng thể hiện mức độ phát triển càng cao. Nhu cầu của khách hàng luôn luôn biến đổi, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách hàng đã khó song phát triển hình thức mới, tạo nhu cầu cho khách hàng mới thực sự là thử thách đối với các NHTM. Phát triển thêm hình thức mới sẽ tạo được ưu thế cạnh tranh cho ngân hàng. Việc cung cấp toàn diện các hình thức bao thanh toán và phát triển thêm các hình thức hoàn toàn mới phù hợp và tạo được nhu cầu cho khách hàng cho thấy mức độ phát triển cao của hoạt động.

1.2.2.6 Độ mạnh yếu của thương hiệu hoạt động bao thanh toán

Sự phát triển của một dịch vụ ngân hàng bất kỳ đều phải hướng tới mục tiêu cao nhất là sự ưa chuộng của khách hàng và xây dựng được thương hiệu cho dịch vụ đó của ngân hàng. Chưa có một khái niệm chung về thương hiệu song có thể hiểu thương hiệu cho một dịch vụ của ngân hàng là

hình tượng về dịch vụ đó, là các dấu hiệu để phân biệt dịch vụ đó với các dịch vụ tương tự của các NHTM khác trên thị trường. Thương hiệu còn là những gì đọng lại trong người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ tại NHTM đó. Giống như bao dịch vụ khác của ngân hàng, khác với sản phẩm, khách hàng sử dụng dịch vụ bao thanh toán tại một NHTM không thể cầm, nắm hay cất chứa mà chỉ có thể cảm nhận bằng cách sử dụng dịch vụ. Thương hiệu cho hoạt động bao thanh toán tại một NHTM chỉ được khẳng định khi có nhiều người sử dụng, đánh giá tốt và phổ biến trên thị trường. Vì vậy quá trình xây dựng thương hiệu cho hoạt động bao thanh toán tại một NHTM là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nghiên cứu phát triển hoạt động không ngừng của ngân hàng. Khi xây dựng được thương hiệu, hoạt động bao thanh toán tại NHTM đó được đánh giá phát triển ở mức độ cao, ngân hàng đó đã khẳng định được đẳng cấp cho mình trong việc cung ứng dịch vụ đó. Độ mạnh yếu của thương hiệu phụ thuộc vào mức độ phát triển tiếp theo của hoạt động bao thanh toán.

Các tiêu trên dùng để đánh giá sự phát triển của bao thanh toán sau khi hoạt động đã được triển khai thành công tại các NHTM song trước đó trong giai đoạn triển khai tiêu chí duy nhất để mỗi ngân hàng có thể triển khai bao thanh toán là sự hội tụ đủ các điều kiện cần thiết.

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Trang 32 - 39)