Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Trang 118 - 121)

NHNN cần hoàn thiện văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động bao thanh toán, cần sửa đổi một số điều bất hợp lý, bổ sung quy định để tạo điều kiện cho bao thanh toán phát triển tại Việt Nam, sau đây là một vài kiến nghị cụ thể:

- Khái niệm bao thanh toán một cách rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhấn mạnh được vào bốn chức năng chủ yếu của bao thanh toán.

- Bổ sung quy định về chuyển giao quyền đòi nợ từ người bán hàng sang đơn vị bao thanh toán.

- Bổ sung quy định về việc bao thanh toán đối với các khoản phải thu hình thành trong tương lai.

- Cần có quy định tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động bao thanh toán kín, bao thanh toán điện tử.

- Cần phân biệt rõ quan hệ bao thanh toán với quan hệ tín dụng.

- Trong trường hợp đơn vị bao thanh toán có quyền truy đòi lại số tiền đã ứng trước cho bên bán, bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên không chậm trễ. Nếu bên bán mất khả năng hoàn trả, đơn vị bao thanh toán có quyền đối với tài sản của người bán tương ứng với số tiền bên bán chưa hoàn trả.

- Cần có quy định đảm bảo an toàn hoạt động bao thanh toán. Quy định tỷ lệ trích lập dự phòng, quy định cụ thể việc giải quyết các khoản tiền ứng trước cho các khoản phải thu khi cả bên mua và bên bán không có

khả năng thanh toán cho đơn vị bao thanh toán (trong trường hợp bao thanh toán có truy đòi) và khi bên mua không có khả năng thanh toán (trong trường hợp bao thanh toán miễn truy đòi).

- Cần có quy định cụ thể về giới hạn đối với quyền khấu trừ của người mua. Điểm a khoản 2 Điều 25 và điểm đ khoản 1 Điều 13 Quy chế bao thanh toán quy định người mua có nghĩa vụ xác nhận về việc đã nhận được thông báo về hợp đồng bao thanh toán và cam kết về việc thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán. Vấn đề đặt ra là tuy có cam kết như vậy nhưng người mua có quyền khấu trừ khoản tiền phải thanh toán cho đơn vị bao thanh toán hay không, và nếu có thì giới hạn của quyền khấu trừ này là đến đâu để vẫn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị bao thanh toán.

- Hiện nay Quy chế bao thanh toán không có quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Mặt khác, khoản phải thu không là đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm theo Nghị định 08/2000/NĐ-CP hiện hành vì vậy cần có quy định rõ ràng, thống nhất của các văn bản pháp luật về vấn đề này vì trong hoạt động bao thanh toán các khoản phải thu chính là tài sản đảm bảo cho các khoản tiền ứng trước cho bên bán. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm cho các khoản phải thu trong hợp đồng bao thanh toán có thể xác định quyền ưu tiên thanh toán cũng như cảnh báo cho các bên có các giao dịch liên quan đến khoản phải thu đó, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD cung ứng hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam. Một hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch rõ ràng là cơ sở tốt cho các NHTM có thể phát triển bao thanh toán một cách thuận lợi.

Ngân hàng Nhà nước cần kiện toàn Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của NHNN. Việc kiện toàn CIC sẽ giúp cho các NHTM có được thông tin chính xác và đáng tin cậy. Vấn đề then chốt là mở rộng quy mô kho cơ sở dữ liệu, rút ngắn thời gian cung cấp thông tin. Thông tin minh bạch sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và nghiệp vụ Bao thanh toán nói riêng.

Hiện nay CIC là cơ quan duy nhất chuyên cung cấp thông tin cho các NHTM và thu thập thông tin từ những nơi này. Song cho đến nay, CIC vẫn chưa trở thành nơi tin cậy cung cấp những thông tin chắc chắn và đầy đủ cho việc phòng ngừa rủi ro hoạt động ngân hàng. Do đó cần phải có những biện pháp tích cực để hoàn thiện các dịch vụ của CIC, có thể kể đến một vài biện pháp như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phải nộp cho CIC báo cáo tài chính hàng năm có kiểm toán để CIC cung cấp thông tin chính xác cho các ngân hàng và doanh nghiệp.

Thứ hai CIC phải là nơi đăng ký theo pháp định tài sản thế chấp các khoản cho vay, tài trợ của các ngân hàng để tránh trường hợp một tài sản đem thế chấp nhiều nơi và để cho các NHTM có thể cập nhập được các thông tin này.

CIC không chỉ là cơ quan cung cấp và thu thập thông tin đơn thuần mà còn phải chịu trách nhiệm về những thông tin sai lệch do mình cung cấp. Nếu thông tin sai lệch, chậm trễ dẫn đến rủi ro, CIC phải chia sẻ một phần trách nhiệm bằng cách chịu bồi thường một tỷ lệ nhất định trên các khoản vay hay tài trợ. Ngược lại CIC cũng có quyền được hưởng một mức phí thỏa đáng tùy theo dịch vụ mình cung cấp. Sự thúc đẩy bằng lợi ích vật chất này sẽ có tác dụng làm tăng hiệu quả cho hoạt động của CIC.

Hơn nữa, NHNN có nhiều quan hệ với hệ thống ngân hàng thế giới cần phải là một đầu mối liên hệ giúp cho công tác đào tạo nghiệp vụ bao thanh toán cho các NHTM.

NHNN cần có chính sách sử dụng linh hoạt công cụ tỷ giá nhằm khuyến khích xuất nhập khẩu. Công cụ tỷ giá là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Khi tỷ giá tăng, đồng nội tệ mất giá, điều đó sẽ kích thích xuất khẩu tăng lên và ngược lại. Vì vậy bất kỳ một sự thay đổi về tỷ giá nào cũng tác động đáng kể tới hoạt động xuất- nhập khẩu nói chung và các doanh nghiệp xuất- nhập khẩu nói riêng qua đó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động liên quan như bao thanh toán. Việc điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định của nền kinh tế là điều kiện tốt cho cả hoạt động xuất- nhập khẩu và hoạt động bao thanh toán.

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Trang 118 - 121)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w