Một số giải pháp khác

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Trang 115 - 118)

Từ tất cả các phân tích ở trên, một số kiến nghị được đưa ra sau đây sẽ giúp cho Navibank thuận lợi trong việc phát triển hoạt động bao thanh toán:

Thứ nhất, Navibank cần tham gia vào tổ chức bao thanh toán quốc tế FCI để tận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của quốc tế từ đó áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam và có điều kiện học hỏi các NHTM Việt Nam đã tham gia vào tổ chức này và đã triển khai hoạt động bao thanh toán là NHTMCP Á Châu, NHTMCP Sài Gòn Thương tín, NHTMCP Kỹ thương VN, NHTMCP Phương Đông. Điều đó sẽ giúp Navibank học hỏi được các kinh nghiệm thành công, rút ra các bài học và thường xuyên trao đổi tình hình hoạt động bao thanh toán với các ngân hàng này.

Thứ hai, Navibank cần có kế hoạch cụ thể trong cả ngắn hạn và dài hạn để phát triển hoạt động bao thanh toán. Kế hoạch là bước đầu tiên cho sự hiện thực hóa nhu cầu phát triển hoạt động bao thanh toán của ngân hàng. Kế hoạch được xây dựng nhằm định hướng cho quá trình triển khai và hoàn thiện hoạt động bao thanh toán vì vậy kế hoạch phải được xây dựng một cách tỉ mỉ, có cơ sở. Kế hoạch phải quy định rõ ràng tiến độ thực hiện công việc cũng như khối lượng công việc một cách cụ thể, rõ ràng; quy định trách nhiệm của những người thực hiện…Kế hoạch không chỉ được xây dựng cho quá trình triển khai hoạt động mà còn phải có kế hoạch dài hạn cho việc hoàn thiện hoạt động sau khi triển khai. Bên cạnh xây dựng các kế hoạch dài hạn, điều cần thiết là phải các kế hoạch ngắn hạn nhằm có những bước đi cụ thể phù hợp với từng giai đoạn cũng như đề ra giải pháp phát triển kịp thời, phù hợp với những biến động trong ngắn hạn để hướng tới mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Đây là điều kiện cần và đủ cho sự triển khai hoạt động bao thanh toán.Một kế hoạch chi tiết, rõ ràng, khả thi sẽ giúp cho việc triển khai bao thanh toán đi đúng hướng, dễ dàng và thuận lợi hơn.

Thứ ba, sự phát triển hoạt động bao thanh toán phải phát triển qua từng bước từ thấp tới cao. Kinh nghiệm của các NHTM đã thực hiện bao thanh toán cho thấy bước đi phổ biến là trước hết đóng vai trò đại lý bao thanh toán cho

ngân hàng nước ngoài, mở rộng quan hệ đại lý với nhiều ngân hàng và dần dần hoàn thiện hoạt động bao thanh toán tại ngân hàng mình. Ví dụ điển hình là trường hợp của bốn ngân hàng NHTMCP Á Châu, NHTMCP Sài Gòn Thương tín, NHTMCP Kỹ thương VN, NHTMCP Phương Đông trước hết thực hiện bao thanh toán quốc tế với tư cách là đại lý cho Ngân hàng Far East National Bank – Sino Pac. Quá trình thực hiện bao thanh toán lần lượt từ đơn giản tới phức tạp: thực hiện từ bao thanh toán truy đòi tới bao thanh toán miễn truy đòi, từ có tài sản bảo đảm tới không có tài sản bảo đảm, thực hiện từ bao thanh toán nội địa tới bao thanh toán quốc tế, thực hiện từ bao thanh toán công khai để hướng tới bao thanh toán kín. Đối với các hợp đồng bao thanh toán lớn Navibank nên phối hợp với các tổ chức tín dụng khác để đồng bao thanh toán.

Thứ tư là Ngân hàng phải tiếp tục xây dựng thương hiệu mạnh cho ngân hàng. Quá trình xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, nhiều thử thách và chỉ khi thương hiệu của Ngân hàng được khẳng định trên thị trường việc phát triển thêm các hoạt động mới suôn sẻ thuận lợi, khả năng thành công cao. Xây dựng thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc thiết kế được logo, khẩu hiệu, đồng phục, các loại giấy tờ giao dịch, mặt tiền trụ sở, không gian giao dịch và các loại vật phẩm tiếp thị quảng cáo khác… mà còn phải tạo được tính chuyên nghiệp trong hoạt động, chất lượng hoạt động, dịch vụ cao, tạo ra sự khác biệt vượt trội về hoạt động, dịch vụ so với các ngân hàng khác. Muốn vậy bên cạnh việc phát triển các hoạt động mới Navibank phải không ngừng phát triển các hoạt động sẵn có. Đó mới là nòng cốt của việc xây dựng thương hiệu.

Một phần của tài liệu Phát triển hoạt động bao thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Trang 115 - 118)