Bối cảnh khu vực:

Một phần của tài liệu Quan hệ văn hóa việt nam nhật bản giai đoạn 1992 2013 (Trang 29 - 34)

7. Kết cấu luận văn

1.2.2 Bối cảnh khu vực:

 Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Trước những biến cố lớn của thế giới, vào những năm 90, Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên như một khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Các nước Đông Nam Á, trong đó có các nước Đông Dương vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, có những biến đổi lớn trong phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, trong ổn định an ninh chính trị, trở thành trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Địa vị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nổi bật trong kinh tế, chính trị thế giới. Sau Chiến tranh lạnh, tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương tương đối ổn định. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng đáng kể, vượt xa các khu vực khác trên thế giới như Bắc Mỹ, Tây Âu, châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.

Có thể nói xu thế chủ yếu của châu Á – Thái Bình Dương hiện nay là xu thế hoà bình và phát triển ổn định. Nhưng do tính chất đa dạng về chế độ chính trị, văn hoá, tôn giáo cùng với sự phát triển không đều của các quốc gia trong khu vực cũng

24

như còn tồn tại nhiều vấn đề do lịch sử và chiến tranh để lại, châu Á – Thái Bình Dương được xem là khu vực chứa đựng nhiều mâu thuẫn phức tạp, rất dễ dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ khu vực.

Mặt khác, Châu Á – Thái Bình Dương là nơi mà các nước lớn tranh giành thế lực, muốn khẳng định vị thế và sức mạnh của mình. Trong thời gian sau Chiến tranh lạnh, các cường quốc lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác ra sức điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với điều kiện phát triển mới, tận dụng cơ hội để tăng cường mở rộng ảnh hưởng, tìm kiếm vai trò mới về mặt chính trị. Tương lai của nền kinh tế Mỹ gắn liền với châu Á nên Mỹ coi châu Á – Thái Bình Dương là "chìa khoá của sự phồn vinh kinh tế Mỹ". Từ thập kỷ 80 Mỹ đã thực hiện khẩu hiệu "quay trở lại châu Á". Mỹ tăng cường ảnh hưởng đối với châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục duy trì sự có mặt về quân sự, chủ yếu bố trí ở Nhật, Hàn Quốc và trên các chiến hạm ở Tây Thái Bình Dương. Một mặt Mỹ duy trì mối quan hệ chiến lược song phương với các đồng minh Nhật, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Đài Loan và ủng hộ diễn đàn khu vực. Mặt khác Mỹ vẫn kiềm chế Nhật Bản, còn Trung Quốc nổi lên thách thức vị trí lãnh đạo trong khu vực. Nhật Bản vẫn phải dựa vào Mỹ để ổn định và phát triển hơn nữa nhưng cũng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Vì mặc dù xét về kinh tế, Nhật Bản có thể cạnh tranh với Mỹ, nhưng về quân sự Nhật chưa thực sự đủ mạnh để tạo được thế cân bằng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế mà Nhật Bản đang mở rộng ảnh hưởng từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực chính trị, quân sự; còn Trung Quốc sau thắng lợi lớn trong cải cách kinh tế, không thoả mãn với địa vị trước đây, đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, quân sự ở khu vực, đặc biệt là tham vọng chiếm phần lớn biển Đông.

 Khu vực Đông Nam Á

Chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với diễn biến của tình hình quốc tế nói chung, tình hình chính trị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là ở khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều biến chuyển, phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đông Nam Á luôn xảy ra các cuộc xung đột gay gắt và phân chia thành hai phe đối địch nhau. Sau chiến tranh, tình hình thế giới và khu

25

vực có những thay đổi rõ rệt, cùng với vấn đề Campuchia được giải quyết, quan hệ giữa các nước ASEAN và Đông Dương được cải thiện mạnh mẽ. Xu hướng đối đầu kéo dài hơn 10 năm giữa hai nhóm nước ASEAN và Đông Dương không còn nữa, thay vào đó là xu thế hợp tác và phát triển. Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra triển vọng mới cho sự hợp tác khu vực. Xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa các nước Đông Nam Á thời gian này là sự tìm kiếm hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì sự phát triển trong hòa bình và ổn định. Các quốc gia trong khu vực đều nhận thấy tầm quan trọng của mối liên kết toàn diện, đa phương và sự phụ thuộc lẫn nhau về an ninh, kinh tế ngày càng tăng, bất chấp sự khác biệt về chế độ chính trị.

Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, các nước ASEAN đã nhận định phải sớm tìm kiếm các hình thức hợp tác kinh tế - chính trị mới có hiệu quả để đối phó với những thách thức, khó khăn mới nảy sinh. Bước đầu tiên trong việc hợp tác liên kết kinh tế ASEAN là thiết lập khu vực mậu dịch tự do AFTA với công cụ chính để thực hiện là thỏa thuận về ưu đãi thuế quan. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác kinh tế nội bộ, các nước ASEAN cũng tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các nền kinh tế lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật và các nước công nghiệp hóa mới. Vì vậy ASEAN ngày càng có thái độ tích cực và chủ động hơn trong hoạt động hợp tác kinh tế khu vực.

Hơn nữa, nhà nước của các quốc gia Đông Nam Á là những nhà nước thức thời, biết nhìn nhận, đánh giá, vận dụng và đối phó kịp thời các tình hình kinh tế mới, có đường lối và chính sách phù hợp. Đồng thời chính phủ cũng khuyến khích đầu tư trong nước vào các khu vực tư nhân và thực hiện chiến lược thúc đẩy tích cực các ngành công nghiệp hướng theo xuất khẩu. Thêm vào đó các nỗ lực của chính phủ mở đường cho sự phát triển còn có các điều kiện bên ngoài tạo được nhiều thuận lợi như viện trợ, đầu tư trực tiếp, chuyển giao công nghệ giữa các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tạo ra một hình mẫu phát triển hết sức năng động.

Ngoài ra trong lĩnh vực an ninh chính trị ASEAN cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Để đối phó với những thách thức an ninh mới, các nước ASEAN

26

cũng thấy rằng, cần phải xây dựng một số cơ chế an ninh với sự tham gia của tất cả các nước lớn trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc khi nước này chưa trở nên quá mạnh và không thể kiểm soát nổi. Do đó, ASEAN đã tăng cường các cuộc đối thoại với bên ngoài về vấn đề an ninh thong qua các hội nghị bộ trưởng ngoại giao. Các nước ASEAN cũng liên tục tổ chức các hội thảo về vấn đề Biển Đông, về hợp tác ASEAN – Liên Hiệp Quốc, hội thảo về văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, củng cố bản sắc khu vực, thực hiện các chương trình hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và cán bộ khoa học ASEAN, truyền bá và phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học thông tin phục vụ cho mục đích phát triển của ASEAN.

Có thể nói, sau Chiến tranh lạnh, song song với việc củng cố địa vị chính trị, tăng cường sức mạnh về kinh tế, đẩy mạnh quan hệ trong và ngoài khu vực, ASEAN được xem là một khu vực rộng lớn có đủ khả năng cạnh tranh với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Đứng trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, Việt Nam và Nhật Bản ắt hẳn phải có những thay đổi về quan điểm, đường lối cũng như cách nhìn nhận về xu hướng phát triển của nước mình. Tình hình hai nước cũng có những biến chuyển quan trọng cụ thể như sau:

 Việt Nam

Trong bối cảnh Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu gần như sụp đổ hoàn toàn, Việt Nam mất đi những đồng minh chiến lược, những bạn hàng lớn và cả những thị trường truyền thống, đặc biệt là các nguồn viện trợ chủ yếu cũng bị cắt giảm. Tình hình Việt Nam lúc này vô cùng khó khăn, đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Dưới đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và nhà nước, Việt Nam đã có những nhận thức mới, đổi mới tư duy để thoát hẳn khỏi ảnh hưởng của Chiến tranh lạnh, tập trung vào sản xuất và phát triển kinh tế, chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại mở rộng hơn, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại cả về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội,…với tất cả các nước đặc biệt là với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhịp cầu hội nhập khu vực đã được kết nối và sau đó tiến độ hội nhập của Việt Nam vào khu vực trở nên nhanh chóng và vững chắc. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả 9 nước trong khu vực, sau khi gia nhập vào ASEAN mối quan

27

hệ Việt Nam – ASEAN phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên nhiều bình diện. Cũng từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã phối hợp với các nước ASEAN trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác Á – Âu, Diễn đàn hợp tác châu Á- Thái Bình Dương,…Lúc này mối quan hệ chính trị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản hầu như không còn trở ngại gì, điều này tạo điều kiện cho sự phát triển không ngừng về mọi mặt trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Các chuyến thăm cấp cao của chính phủ hai nước diễn ra liên tục với những tầm cao mới.

 Nhật Bản

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nhật Bản mặc dù vẫn được coi là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ nhưng đất nước gặp nhiều khó khăn cả về kinh tế lẫn chính trị, nền kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái vào kéo dài gần như suốt thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Địa vị của Nhật Bản ở khu vực tuy có cao hơn trước nhưng đang bị thách thức bởi nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là việc phải đối mặt với Trung Quốc, Ấn Độ là những cường quốc lớn đang phát triển mạnh về kinh tế, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và nước Nga đang có tiềm lực rất lớn về mọi mặt. Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản sẽ không thể thay đổi được lập trường thân Mỹ của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, Nhật Bản cũng đang tìm kiếm cho mình một vị thế mới tích cực mở rộng từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị và đứng vào hàng ngũ các cường quốc hàng đầu giải quyết các vấn đề chính trị toàn cầu và khu vực. Tất cả tình hình đó đã tác động mạnh mẽ tới thái độ của Nhật Bản với ASEAN và với Việt Nam. Sau Chiến tranh lạnh tham vọng của Nhật Bản là muốn vươn tới vị thế một quốc gia có vai trò trung tâm, một quốc gia tác động đến sự ổn định và phát triển của thế giới, trở thành một cực của giới đa cực và là đầu tàu ở khu vực Đông Á. Nhật Bản muốn tăng cường hơn nữa vai trò của mình ở Đông Nam Á (vốn là thị trường truyền thống của Nhật Bản), trong đó quan tâm đến Đông Dương và Châu Á nói chung, cạnh tranh với Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc tại thị trường này. Nhật Bản cũng muốn giành vai trò chủ đạo trong đối thoại an ninh và xây dựng cơ chế an ninh khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế kinh tế mở của khu vực ngày càng phát triển. Do vậy, quan hệ với ASEAN trở thành nước cờ quan trọng của Nhật Bản.

28

Tóm lại, bước vào thập kỷ 90, cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài trên 40 năm đã kết thúc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng khoa học – công nghệ đã mở ra một cục diện mới trong tình hình quốc tế cũng như khu vực. Thế giới có sự thay đổi lớn, quan hệ quốc tế lấy đối đầu chính trị - quân sự là chủ yếu đã không còn phù hợp. Trong khi đó phương thức lấy phát triển và cạnh tranh về kinh tế làm chính ngày càng thu được nhiều thành tựu. Các nước đều thi hành chính sách mở cửa, quan hệ quốc tế trở nên năng động, linh hoạt hơn. Xu thế đa dạng hóa quan hệ trở thành xu thế phổ biến của các quốc gia. Điều này tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nói riêng.

Một phần của tài liệu Quan hệ văn hóa việt nam nhật bản giai đoạn 1992 2013 (Trang 29 - 34)