7. Kết cấu luận văn
1.3.1. Nét tương đồng
Việt Nam và Nhật Bản ở vào hai khu vực văn hóa khác nhau nhưng lại cùng chịu ảnh hưởng từ văn minh Trung Hoa nên có không ít những điểm tương đồng. Điều đó được thể hiện thông qua những tiêu chí sau đây:
Tiêu chí thứ nhất là xét về điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái: những nét tương đồng có thể thấy qua những đặc điểm mang tính hình thức như diện tích tự nhiên, địa hình, khí hậu đa dạng với đủ các vùng rừng núi, đồng bằng và duyên hải. Cả hai quốc gia đều phải đối phó với những thiên tai hiểm nghèo,….
Thứ hai là trên bình diện cư dân và đặc trưng văn hoá, cả Việt Nam và Nhật Bản đều thuộc chủng Mongoloid và có chung yếu tố Nam Á. Hai dân tộc đều có nền văn hoá truyền thống được hình thành trên nền tảng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước nên mang tính cộng đồng cao, coi trọng kinh nghiệm, tuổi tác. Sự tương đồng đó chính là sản phẩm của cả quá trình phát triển lâu dài hàng ngàn năm trên cơ sở cùng chia sẻ những giá trị chung bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa có tính quốc tế. Cho đến tận cuối thời Cận thế (trước 1868), Nhật Bản vẫn là một quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông dân chiếm tới 80% tổng dân số cả nước [72], gần giống với cơ cấu dân số ở Việt Nam vào những năm của nửa cuối thế kỷ XX. Trải qua hàng ngàn năm, những cư dân ở cả hai nước chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế. Qua bao đời, người Nhật và người Việt đều cùng sinh sống chủ yếu bằng việc
29
trồng lúa nước, đánh bắt cá; thực phẩm chính là lúa gạo, rau cá. Vì vậy, cách nghĩ, lối sống và cả tín ngưỡng từ xa xưa của cư dân ở hai nước cũng vì thế mà có nhiều nét khá giống nhau. Dù mỗi nước có những sắc thái độc đáo riêng nhưng đều có những đặc điểm của cư dân nông nghiệp. Và chính vì cùng chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa nên Nho giáo, Đạo giáo và nhiều chuẩn mực Trung Hoa có thể tìm thấy trong văn hoá cả hai nước.
Tiếp đến là xét về tôn giáo, tín ngưỡng. Mỗi một tôn giáo mới nào khi du nhập vào Việt Nam và Nhật Bản đều được kết hợp một cách nhuần nhuyễn với tín ngưỡng bản địa dể tạo ra sắc thái riêng của từng nước. Cuộc sống hàng ngày nói chung và đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp nói riêng phụ thuộc rất nhiều và điều kiện tự nhiên. Do đó cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều sùng bái tự nhiên là điều tất yếu từ trời đất, cây cối cỏ hoa,...Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam và Nhật Bản đều có mục đích chung là mong muốn có được sự bình yên, cuộc sống ổn định. Cả người dân Việt Nam và Nhật Bản từ xưa đều có tín ngưỡng đa thần, tôn thờ các lực lượng tự nhiên và tôn kính tổ tiên cũng như những vị anh hùng dân tộc.
Bên cạnh đó, hệ thống thần thoại của người Nhật Bản về cơ bản mang tính tương đồng với loại hình thần thoại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Đó là những câu chuyện thần thoại giải thích về nguồn gốc vũ trụ và tổ tiên giống nòi. Tâm thức vật linh giống như người Nhật, người Việt Nam cũng cho rằng vạn vật đều có linh hồn và tác động đến cuộc sống mỗi con người. Thêm vào đó là việc sùng bái tự nhiên như mây, mưa, sấm chớp,...hoặc sùng bái những người có công với đất nước, để tưởng nhớ đến những công lao đó cả Việt Nam và Nhật Bản đều tổ chức lễ hội dành riêng cho từng vị thần. Hay tín ngưỡng thờ cúng người đã mất, thờ cúng ông bà tổ tiên của gia đình, dòng họ đều có ở Việt Nam và Nhật Bản để tưởng nhớ về cội nguồn, thể hiện lòng biết ơn và mong muốn được phù hộ độ trì. Ngay cả khi tôn giáo từ Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây tràn vào và phát triển mạnh mẽ thì tục thờ cúng tổ tiên ở hai nước vẫn không vì thế mà bị lãng quên.
Cuối cùng sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản còn thể hiện ở việc tiếp thu văn hóa ngoại lai. Nếu như những quan hệ kinh tế giữa hai nước
30
chỉ được thấy bắt đầu quãng từ thế kỷ XV [1] thì những mối liên hệ về văn hóa giữa hai nước đã xuất hiện từ rất sớm trước đó thông qua việc cùng tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc cổ đại. Trước khi làn sóng xâm lược của thực dân phương Tây ào ạt đánh vào bờ các nước ven Thái Bình Dương khoảng giữa thế kỷ XIX, Trung Quốc là trung tâm của thế giới Đông Á. Nhật Bản được coi là có tiếp nhận văn hóa Trung Quốc rõ nét từ khoảng thế kỷ thứ IV thông qua Bán đảo Triều Tiên, Việt Nam do địa thế liền kề với Trung Quốc nên những giá trị văn hóa của nền văn minh vĩ đại này đã ảnh hưởng đến còn sớm hơn nhiều. Trước hết cả Việt Nam và Nhật Bản đều có lịch sử hóa thân mình bằng một công cụ văn hóa chung đó là chữ Hán. Sự ra đời của hai loại hình văn tự là chữ Nôm ở Việt Nam và chữ Kana (chữ Hiragana và Katakana) của người Nhật Bản là bước ngoặt đánh dấu sự đột biến của trí tuệ mỗi dân tộc. Việt Nam và Nhật Bản cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Mặc dù mỗi nước đều luôn ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhưng dù muốn hay không trong nền văn hóa của mỗi nước vẫn in đậm dấu vết của nền văn hóa Trung Quốc. Đặc trưng và địa lý là điều kiện tự nhiên khách quan cho phép hay buộc Việt Nam và Nhật Bản tiếp thu ảnh hưởng văn minh, văn hóa Trung Hoa theo những cách khác nhau, nhưng qua hàng trăm năm quan hệ giao lưu, hệ thống chữ Hán vẫn giữ một vai trò quan trọng ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Nếu chữ Nôm - loại chữ được tạo ra để ghi âm tiếng Việt được xây dựng trên các quy tắc của chữ Hán thì ở Nhật Bản, hệ chữ ghi âm Kana cũng được tạo ra trên cơ sở chữ Hán và việc thông thạo chữ Hán được coi là thước đo về trình độ giáo dục của tầng lớp trên. Một điểm giống nhau nữa là trong suốt một thời gian dài, ảnh hưởng của chữ Hán và rộng hơn là của văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam và Nhật Bản là ảnh hưởng một chiều mà không có chiều ngược lại.
Khi tiếp thu văn minh Trung Hoa, bên cạnh chữ Hán hai dân tộc Việt, Nhật đã cùng tiếp nhận những giá trị của Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo…để làm giàu và phát triển nền văn hóa cho riêng dân tộc của mình. Đặc biệt là ngay từ thời cổ đại, cả hai quốc gia đã cùng tiếp thu chữ Hán làm văn tự chính thống, cùng áp dụng những nguyên tắc của học thuyết Khổng giáo để xây dựng nền giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và tổ chức bộ máy xã hội.
31
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản còn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn minh phương Tây. Nếu như trong thời kỳ đầu Việt Nam và Nhật Bản đều đóng cửa trong quan hệ với nước ngoài khi cả hai nước đều thực thi chính sách "hướng nội" thì đến giữa thế kỷ XIX, cả hai nước buộc phải mở cửa với phương Tây. Điển hình là việc tiếp thu đạo Kito giáo và bảng chữ Latinh. Ở Việt Nam xuất hiện chữ quốc ngữ - một sự vận dụng công phu và khéo léo môn ngôn ngữ học phương Tây, còn ở Nhật Bản xuất hiện từ ngoại lai (gồm các từ và cụm từ trong tiếng Nhật mượn từ nước ngoài) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Có thể nói cho dù cách tiếp thu và phát triển những giá trị đó ở mỗi nước có những nét đặc thù, song không thể phủ nhận được rằng, chính những giá trị này đã hình thành nên những cơ sở ban đầu vô cùng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho những tiếp xúc văn hóa trực tiếp giữa hai nước trong những thời kỳ lịch sử về sau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ rất sớm người Việt Nam đã coi người Nhật Bản như những người anh em "đồng văn, đồng chủng, đồng châu”. Người Việt Nam và Nhật trong suy nghĩ, tình cảm có nhiều điểm giống nhau đặc biệt là trong văn hóa như tôn sự trọng đạo, coi trọng danh dự, coi trọng chủ nghĩa yêu nước và sự xả thân vì dân tộc, quan hệ làng xóm… Nhật Bản là đất nước khó khăn, điều kiện địa lý không thuận lợi hơn Việt Nam. Nhật Bản từng là đất nước nghèo khó, đồng bằng không phì nhiêu như Việt Nam, cũng không có nhiều tài nguyên thiên nhiên vì thế người Nhật Bản tiết kiệm, chắt chiu, cần cù, chịu khó, mẫn cán như người Việt. Chính vì những lẽ đó, người Việt Nam và người Nhật Bản, càng hợp tác, giao lưu càng tìm ra nhiều điểm tương đồng. Hơn thế nữa, càng làm sâu sắc thêm những nét tương đồng đó. Đây chính là nền tảng, là điều kiện thuận lợi để hai dân tộc, hai quốc gia đưa quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới. Chúng ta không thể phủ nhận những nét tương đồng về văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản vì cả hai đều được sinh ra và phát triển từ cái nôi văn hóa của Châu Á và nhất là đều chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa, nếu chúng ta xét kỹ hơn về các khía cạnh cụ thể sẽ thấy rõ hơn về nét tương đồng. Điều đó đã tạo tiền đề cho sự giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước. Ngày nay sự hòa nhập giữa hai nền văn hóa Việt – Nhật vẫn đang diễn ra một cách hài hòa, vượt qua mọi rào cản của không gian và thời gian được thể hiện qua nhiều hoạt động ngoại
32
giao giữa hai nước như giao lưu văn hóa, các chương trình trao đổi du học sinh, hợp tác cùng phát triển…