Sự đan xen, xáo trộn các bình diện thời gian

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn ma văn kháng thời kỳ đổi mới.pdf (Trang 70 - 74)

Truyện ngắn Ma Văn Kháng thường có độ chênh lớn giữa độ dài thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Thời gian trần thuật có khi là vài năm, vài tháng (Vòng quay cổ điển, Mẹ già), có khi chỉ vài ngày (Bến bờ,

Quê nội), có khi chỉ một ngày (Ngày chủ nhật mưa ngâu, Thanh minh trời

trong sáng), thậm chí có khi chỉ một lúc (Mất điện, Mưa đêm) nhưng nó lại chứa đựng thông tin về thời gian của cả một đời người hay một chặng đường có ý nghĩa nhất của nhân vật. Chính tương quan này tạo ra kiểu thời gian nhiều bình diện và sự xáo trộn các bình diện thời gian.

Phần lớn truyện ngắn của Ma Văn Kháng thường bắt đầu bằng thời gian hiện tại rồi trở về quá khứ. Theo trật tự tuyến tính, thời gian của truyện phải đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Nhưng trình tự thời gian được trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thường có sự đan xen, xáo trộn, đó là trình tự hiện tại - quá khứ - hiện tại. Ta có thể thấy kiểu thời gian này trong các truyện Thím Hoóng, Thầy của chúng em, Gái có con, Miền an lạc vĩnh hằng, Tóc huyền màu bạc trắng, Bồ nông ở biển, Phép lạ thường ngày.

Nhà văn thường mở đầu truyện bằng một tình huống có vấn đề ở thời điểm hiện tại. Tình huống có vấn đề đòi hỏi nhân vật phải hồi tưởng về quá khứ để lý giải. Vì thế thời gian hồi tưởng dần dần hiện ra như không cố ý, ngỡ như vô tình song kỳ thực đều nằm trong dụng ý của nhà văn.

Truyện ngắn Thím Hoóng bắt đầu bằng một sự việc ở hiện tại: “Thím

Hoóng chết rồi”. Một sự thông báo bất ngờ về sự ra đi vĩnh viễn của một con

người. Âm hưởng “Thím Hoóng chết rồi” được lặp lại tới ba lần gieo vào lòng người đọc nỗi đau thương cho số kiếp con người. Sau mỗi lần thông báo

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 68

ấy, nhà văn lại hồi tưởng lại cuộc đời thím Hoóng. Phần tiếp theo là chuyện đứa con thím Hoóng nghe theo Hồng vệ binh về tạo phản, giành chính quyền. Cái Léng trở thành kẻ say mê cuồng tín không còn biết gì đến người thân, gia đình. Nó tuyên bố rằng: “Trái tim tôi không có chỗ cho cha mẹ”. Cái Léng đã ấn mẹ mình vào cái thống sành rồi đậy nắp lại cho chết. Thím Hoóng cả một đời cực khổ để rồi cuối cùng phải chết bởi đứa con gái ruột thịt của mình. Thật đau đớn xót xa. Câu chuyện là sự đan xen nhịp nhàng giữa thời gian hiện tại - quá khứ - hiện tại. Với sự đan xen kết hợp này, tác giả đã giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, số phận đầy bất hạnh của thím Hoóng.

Truyện Phép lạ thường ngày được mở đầu bằng một cuộc cãi cọ, xô xát giữa mẹ chồng và nàng dâu: “Chị quát ai thế, chị Đào! Bà Đồng giật giọng, hất một cái lườm lên mặt người con dâu vừa từ ngoài sân bước vào nhà”. Để rồi từ đó, nhà văn dẫn dắt người đọc trở về những thời gian trước đây. Tác giả kể những nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh hiện tại. Sau hai lần sinh nở và một lần nạo hút, Đào trở nên suy kiệt, thể trạng ốm yếu: “Cơ thể vào lúc suy kiệt giống như cái chuồng ọp ẹp không nhốt nổi nỗi đau buồn, cơn cáu giận, sự rối rắm lúc nào cũng ăm ắp trong người. Quẫn trí, lú lẫn, chuyện nọ xọ chuyện kia, nhà cửa lắm khi rối tinh rối mù một cách vô cớ”

[25,tr.640]. Bằng cách dẫn người đọc quay trở về quãng đời trước đây của gia đình Đào, tác giả đã giúp người đọc hiểu được căn nguyên của những cuộc cãi vã. Và tiếp đó tác giả lại đưa người đọc quay về thời điểm hiện tại. Với truyện ngắn Phép lạ thường ngày, nhà văn Ma Văn Kháng đã khai thác những vấn đề của đời sống gia đình. Qua những câu chuyện của ông, ta thấy nhà văn đã không hề né tránh thực tại, ông đi sâu khám phá và phát hiện những vấn đề ngóc ngách của mỗi gia đình. Qua truyện của ông, người đọc nhận thấy rằng: cuộc sống gia đình - nơi chỉ có những con người ruột thịt chung sống, vậy mà đâu có đơn giản.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 69

Hay trong truyện Tóc huyền màu bạc trắng, thời gian cũng được bắt đầu từ hiện tại. Truyện được mở đầu bằng một lời giới thiệu về ông Thại:

“Đó là một gương mặt đàn ông đẹp”. Nhân vật “tôi” với vai trò là người hàng

xóm đã kể về hoàn cảnh hiện tại của ông Thại. Ông sống một mình và hàng ngày vẫn thường nhờ bà giáo Loan mua hộ thức ăn. Từ đó tác giả dẫn người đọc trở về tìm hiểu quá khứ của ông Thại - một quá khứ đáng buồn. Ông bị bắt đi tù oan. Ông vào tù mà không biết mình phạm tội gì. Tiếp đó, mạch truyện quay trở về thời hiện tại. Người ta thấy trong nhà ông Thại có một bà sư trạc năm nhăm, năm sáu tuổi, bà có cặp mắt bồ câu, hay nhìn xuống, hơi buồn. Đó chính là bà Huyền - người yêu của ông từ hơn hai mươi năm về trước. Bằng cách đan xen, xáo trộn các bình diện thời gian, nhà văn đã kể lại toàn bộ cuộc đời ông Thại với cả hoàn cảnh hiện tại và những biến cố trong quá khứ.

Còn truyện Bến bờ là sự đan xen của hiện tại - quá khứ, hiện tại - tương lai. Sau bao nhiêu dằn vặt, dằng xé, ân hận, Nhâm quyết định về thăm mẹ. Trở về quê cũ sau 7 năm trời dằng dặc chị nhớ lại những kỉ niệm êm đềm thời xa xưa, những tình cảm yêu thương ruột thịt của anh chị em ngày thơ bé. Và trên hết chị nhận ra một điều: mẹ chị đang sống trong sự cô đơn, trống vắng và điều này đã làm cho chị không thể không lo lắng. Chị nghĩ đến tương lai của mẹ: mẹ chị sẽ chết trong sự cô độc và chị sẽ trở thành đứa con tệ bạc. Bằng cách đảo lộn các bình diện thời gian, phát huy tối đa thời gian hồi tưởng và thể hiện thời gian tương lai trong cùng hệ quy chiếu là thời hiện tại, Ma Văn Kháng đã làm nổi bật sự giằng xé, day dứt trong suy nghĩ và hành động của Nhâm.

Ở nhiều tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng thường sử dụng thủ pháp hồi cố để khơi dậy dòng ký ức của nhân vật. Thời gian hiện tại chỉ là bước khởi đầu để nhân vật người kể chuyện nhớ lại những chuyện đã qua và thời gian tâm trạng chiếm phần lớn số trang của truyện.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 70

Từng truyện ngắn của Ma Văn Kháng là dấu ấn về một mảng nhỏ của đời sống xã hội, với những mâu thuẫn nhân vật đa dạng. Điều đó cho thấy sự phong phú, vốn hiểu biết sâu rộng của tác giả về con người và xã hội.

Sự kết hợp đan xen và xáo trộn các bình diện thời gian không những không làm đơn điệu cách kể chuyện mà còn tạo sức hấp dẫn riêng, đánh dấu sự đổi mới của Ma Văn Kháng. Thủ pháp xáo trộn các bình diện thời gian làm cho truyện ngắn của Ma Văn Kháng có sức khái quát cuộc sống, khái quát số phận và tâm lý con người ở mức độ cao nhất.

Có thể nói, sử dụng thời gian làm phương thức chuyển tải nội dung là thế mạnh của ngòi bút Ma Văn Kháng. Từ thời gian gắn với những biến cố trong cuộc đời con người, thời gian tâm tưởng về với quá khứ đến sự đan xen xáo trộn các bình diện thời gian đã cho ta thấy tài năng nghệ thuật đặc sắc ở Ma Văn Kháng. Mải mê tìm tòi sáng tạo trên hành trình nghệ thuật, truyện Ma Văn Kháng ngày càng trở nên hiện đại mới mẻ và thể hiện được một phong cách riêng khó lẫn. Phải chăng vì thế mà truyện của ông luôn có sức hấp dẫn lớn với đông đảo bạn đọc.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 71

Chương 3

GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT

TRONG TRUYỆN NGẮN MA VĂN KHÁNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

3.1. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn ma văn kháng thời kỳ đổi mới.pdf (Trang 70 - 74)