Ở nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, 10 năm gần đây sản xuất kinh doanh hoa kiểng đã phát triển khá mạnh. Sản xuất đa dạng nhiều chủng loại, với những vùng hoa kiểng rộng lớn như: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Sapa (Lào Cai), Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bình Định, Đà Nẵng, Đà Lạt, Đức Trọng (Lâm Đồng), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Đức, Quận 12, Gò Vấp, Củ Chi và Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách, Cái Mơn (Bến Tre),
Hiện nay, diện tích hoa kiểng cả nước đạt 15000 ha, tăng 7% so với năm 2004, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Lâm Đồng, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc. Do sản xuất hoa cho thu nhập cao, bình quân đạt khoảng 70 - 130 triệu đồng/ha, nên rất nhiều địa phương trên cả nước đang mở rộng diện tích hoa kiểng trên những vùng đất có tiềm năng. Diện tích hoa kiểng hiện nay không chỉ tập trung ở các vùng trồng hoa kiểng truyền thống mà đã mở rộng phát triển ở nhiều vùng khác, thậm chí ngay cả ở một số tỉnh Duyên hải miền Trung cũng bắt đầu phát triển sản xuất hoa cắt cành theo hướng hàng hóa, chủ yếu nhu cầu phục vụ tại chỗ, với chủng loại tương đối hạn chế. Hà Nội đã có xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm), xã này đã phát triển nghề trồng hoa từ năm 1995. Hiện hơn 330 ha đất canh tác của xã đã được chuyển đổi thành vùng chuyên canh hoa, thu nhập bình quân 130 - 150 triệu đồng/ha, đưa Tây Tựu trở thành làng hoa mới thay thế cho các làng hoa truyền thống của Hà Nội như Ngọc Hà, Nhật Tân đã bị đô thị hóa. Thành phố Hà Nội có kế hoạch mở rộng diện tích trồng hoa Tây Tựu lên 500 ha. Huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) có 230 ha trong tổng số 400 ha đất nông nghiệp chuyên canh hoa. Năm 2002, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cũng trồng thử 10 ha hoa hồng xuất sang Trung Quốc, năm đầu đạt 160 triệu đồng/ha, mở ra hướng phát triển nghề trồng hoa nơi đây.
Tại khu vực phía Nam, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích hoa và sản lượng hoa lớn nhất nước và là nguồn cung cấp hoa chủ yếu cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu có nhu cầu nhập khẩu hoa với số lượng lớn, với 35 – 40% tổng diện tích trồng hoa hồng, 25 – 30% hoa cúc, Việt Nam đang có cơ cấu hoa phù hợp với thị hiếu nhập khẩu của các nước này. Tuy nhiên, đây là những thị trường khó tính, đòi hỏi hoa phải có hình thức đẹp, chất lượng cao, cạnh tranh về giá.
Riêng về hoa cắt cành. Theo chương trình phát triển hoa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2010 sẽ xuất khẩu 1 tỷ cành hoa các loại, trong đó có tới 85% là hoa hồng, cúc và phong lan. Theo chương trình này, diện tích trồng hoa của cả nước sẽ đạt 8.000 ha (tăng gấp đôi diện tích hoa hiện nay) cho sản lượng 4,5 tỷ cành. Doanh thu từ việc xuất khẩu hoa đạt 60 triệu USD. Các vùng trồng hoa tập trung sẽ là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Lào Cai, Đà Lạt, Đức Trọng (Lâm Đồng), Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình…
Các tỉnh phía Nam, điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Quận 12, Thủ Đức… cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp là hoa và cây kiểng đáng kể. Tuy nhiên, các địa bàn này chỉ sản xuất chủ yếu một số loại hoa nhiệt đới (cúc móng rồng, cúc đại đóa, huệ, mai …). Lượng hoa cắt cành truyền thống (hồng, cúc, cẩm chướng, layơn, đồng tiền) sản xuất còn rất hạn chế và chất lượng chưa thật cao. [50, tr. 2-5]
So với hoa kiểng ở các nơi khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thì làng hoa kiểng ở Tân Quy Đông được xem là con chim đầu đàn về sản
xuất hoa kiểng, đặc biệt là hoa Tết. Hoa kiểng ở Tân Quy Đông đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước (phụ lục 25) và xuất khẩu trong, ngoài nước. Điều này đã tạo niềm phấn khởi đối với các nhà vườn, tạo điều kiện cho các nhà vườn phát triển các loại giống và đa dạng hóa các chủng loại hoa kiểng. Góp phần làm cho làng hoa Sa Đéc ngày càng nổi tiếng hơn, nhưng nếu so với hoa kiểng trên thế giới thì làng hoa kiểng Tân Quy Đông còn nhỏ lẻ, manh mún. Tuy diện tích trồng hoa kiểng ngày càng được mở rộng nhưng việc sản xuất còn theo hộ gia đình, trồng nhiều loại cây chưa trồng chuyên canh và tập trung theo kiểu trang trại. Bên cạnh đó, việc vận động bà con nông dân trồng hoa kiểng vào hợp tác xã hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008 trên địa bàn phường Tân Quy Đông đã thành lập hợp tác xã hoa kiểng, nhưng cuối năm 2008 vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đã giải thể. Do vậy, để làng hoa kiểng Tân Quy Đông ngày càng vươn xa hơn cùng với hoa kiểng của các nước trong khu vực và các nước trên thế giới đó là một chặng đường dài đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi phải có sự nổ lực rất nhiều của bà con ở địa phương và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền.