Quan điểm về dân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 30)

đến cuối thế kỷ XIV

Khi bàn về những tiền đề lý luận cho sự hình thành tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi, bên cạnh sự ảnh hưởng trực tiếp của quan điểm “dân vi bang bản” của Nho giáo, thì những quan niệm về dân của các nhà tư tưởng Việt Nam mà trực tiếp là tư tưởng về dân thời Lý – Trần cũng là một yếu tố tác động tới quá trình hình thành tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi.

Đối với một nước đất không rộng, người không đông vừa thoát ra khỏi ách đô hộ hơn một nghìn năm của kẻ thù phương Bắc như Việt Nam thì việc được lòng dân là một điều rất quan trọng. Nó chính là chìa khóa để tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Nhận thức sâu sắc điều đó, những người đứng đầu triều đình nhà Lý luôn coi trọng đến “ý dân”, “lòng dân”. Vì vậy, ngay khi lên ngôi Lý Công Uẩn đã xá thuế ba năm, nghiêm trị những kẻ thu lạm thuế và định rõ mức thuế, lao dịch. Cũng vì thuận theo “mệnh trời” và “ý dân” mà sau khi lên ngôi ông đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn giải thích rằng quyết định của ông “là vì mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi”. Chính vì biết gắn quyền lợi của dòng họ với ý nguyện của nhân dân cho nên khi được hỏi về quyết định của mình, các triều thần đều cho rằng “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”[14, tr.259].

Còn theo Lý Thường Kiệt, một bậc đại thần của vương triều Lý, để đạt được sự ổn định của xã hội thì người cầm quyền phải biết chăm lo tới dân, biết nuôi dân bởi “Trời sinh ra dân, vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân” [31, tr.45]. Khi tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, ông cũng nhấn mạnh “Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân” nên “ta nay ra quân cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm (...), phải quét sạch hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu hưởng tháng Thuấn thanh bình” [33, tr.50].

Đến nhà Trần, chính quyền trung ương vẫn tiếp tục ổn định triều chính thông qua quá trình khuyến khích nhân dân lao động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn này tư tưởng “dân là gốc nước” tiếp tục được phát triển và đỉnh cao chính là tư tưởng “khoan thư sức dân” của Trần Quốc Tuấn.

Năm 1300, trước lúc Hưng Đạo Vương sắp mất, vua Trần Anh Tông ngự giá tới thăm và hỏi rằng “chẳng may chết, giặc phương Bắc lại lại xâm lấn thì kế sách làm sao?”. Trả lời câu hỏi này Trần Hưng Đạo đã nêu ra những nhận định mang tính tổng kết và vạch ra quy luật của chiến tranh giữ nước của dân tộc là “giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là việc thường của binh pháp (...). Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước” [14, tr.548 - 549].

Khi đưa ra kết luận này, Trần Hưng Đạo đã nhận thấy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp giữ nước, muốn giữ nước trước hết phải giữ được lòng dân, để giữ được lòng dân và duy trì sự ổn định của vương triều thì không có cách nào tốt hơn là phải nới lỏng chế độ thuế khóa, lao dịch cũng như phải nương nhẹ hình phạt thì lúc đó mới thu phục được lòng dân.

Trần Quốc Tuấn cũng khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự phát triển tài năng của các vị anh hùng. Theo ông, những vị anh hùng kiệt xuất sở dĩ làm nên nghiệp lớn là nhờ ở sự giúp đỡ và ủng hộ của quần chúng nhân dân, nếu thiếu sự giúp đỡ ấy thì người anh hùng sẽ không thể làm nên

nghiệp lớn. Bởi theo Hưng Đạo Vương: “Chim hồng hộc bay được cao là nhờ ở sáu cái lông cánh, nếu không có sáu cái lông cánh ấy thì cũng như chim thường thôi” [14, tr.503 - 504]. Tư tưởng trọng dân của Trần Hưng Đạo còn thể hiện ở việc ông luôn biết trọng dụng và tiến cử người tài cho triều đình như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu...

Như vậy, muốn giữ nước phải giữ được lòng dân là một bài học quý báu để các vương triều duy trì được sự tồn tại của mình. Bài học đó đã được chứng minh khi nhà Hồ phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, ít có cuộc khởi nghĩa nào lại thất bại nhanh chóng như cuộc khởi nghĩa của nhà Hồ. Câu trả lời cho thất bại đó có thể gói gọn trong câu nói của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ giặc, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Mặc dù tư tưởng “dân là gốc” đã được các nhà tư tưởng Việt Nam trước thời Nguyễn Trãi đề cập tới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tư tưởng rời rạc, chưa mang tính hệ thống và còn nặng về cái nhìn của người bề trên nên còn nhiều hạn chế. Những hạn chế đó đã được khắc phục trong hệ tư tưởng của Nguyễn Trãi sau này.

Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định rằng tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi là sự kết hợp của các yếu tố: thực tiễn xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIV, dầu thế kỷ XV; những nét tích cực trong tư tưởng thân dân của Nho giáo nguyên thủy, của các nhà tư tưởng Việt Nam trước thời của ông và những truyền thống quý báu của gia đình cũng như thiên tài của Nguyễn Trãi.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w