Tư tưởng gắn trực tiếp nhân nghĩa với an dân

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 38 - 49)

Nhân nghĩa là một vấn đề trung tâm của Nho giáo. Nói đến nhân nghĩa là chúng ta nói đến mối quan hệ đạo đức giữa con người với con người trong xã hội.

Khi bàn về vấn đề “nhân” tùy vào hoàn cảnh, thời điểm mà Khổng Tử có những lý giải khác nhau về chữ “nhân”. Khi trả lời Nhan Uyên, Khổng Tử cho rằng “khắc kỷ, phục lễ, vi nhân” [13, tr.180], nhưng khi trả lời Phàn Trì thì ông lại cho rằng “Cư xử cung, chấp sự kinh, dữ nhơn trung. Tuy chi Di địch, bất giả khí giả” (nghĩa là khi ở nhà, mình giữ gìn dung mạo cho khiêm cung, khi ra làm

việc, mình phải thi hành một cách kính cẩn; khi giao thiệp với người mình phải giữ dạ trung thành. Dẫu có đi đến các đoàn rợ phương Đông và phương Bắc, mình cũng chẳng bỏ ba hạnh cung, kính và trung ấy; như vậy là người có đức nhân) [13, tr.206 - 207].

Đến Mạnh Tử thì “nhân” được bàn đến trong mối quan hệ với “nghĩa”. Theo Mạnh Tử “Vị hữu nhân nhi di kỳ thân giả giã. Vị hữu nghĩa nhi hậu kỳ quân giả giã” (chưa hề có người quý điều nhân mà lại bỏ bê cha mẹ bà con mình. Chưa hề có người trọng điều nghĩa mà lại coi việc vua việc nước nhẹ hơn việc riêng tư của mình) [13, tr.8 - 9].

Tuy được giải thích dưới nhiều cách khác nhau, song nhân nghĩa trong học thuyết Khổng - Mạnh đều nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội, hay nói cách khác nhân nghĩa là phương tiện để nhà cầm quyền sử dụng nhằm duy trì kỷ cương xã hội và sự tồn tại của vương triều mình.

Nhưng khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam thì cùng với nó phạm trù

nhân nghĩa cũng được người Việt tiếp nhận qua lăng kính của văn hóa Việt. Khi vào nước ta, nhân nghĩa không còn là công cụ để bảo vệ ngôi vị của bậc vương giả nữa, mà nó đã trở thành một quy chuẩn đạo đức trong mối quan hệ cộng đồng giữa người với người.

Nguyễn Trãi là một nhà nho, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Nho giáo, bản thân ông cũng tâm niệm rằng “lòng hãy cho bền đạo khổng môn”. Cho nên “tôi cũng lấy đạo nhân nghĩa, hết lòng kính thờ triều đình” [86, tr.109]. Nhưng bản thân Nguyễn Trãi lại là một người dân Việt, thấm nhuần tư tưởng đạo đức Việt, nên nhân nghĩa của ông cũng mang đậm tinh thần nhân nghĩa của văn hóa Việt. Vì vậy, điểm khác biệt trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi so với Nho giáo Khổng - Mạnh là ở chỗ: nhân nghĩa trước hết là để “yên dân”.

Trong các văn thư gửi cho tướng giặc và dụ hàng các thành, Nguyễn Trãi đề cập rất nhiều tới vấn đề này. Theo đó khi gửi thư cho Liễu Thăng, Nguyễn Trãi cho rằng “Quân của Vương giả chỉ có dẹp yên mà không đánh chém. Việc

làm nhân nghĩa cốt để yên dân” [86, tr.160]; trong thư dụ hàng tướng sĩ ở thành Bình Than ông lại viết “đại đức thích cho người ta sống, thần vũ không hay giết người, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để yên dân” [86, tr.153]; tiếp đó khi gửi thư dụ hàng thành Xương Giang, Nguyễn Trãi đã lý giải tại sao nghĩa quân Lam Sơn lại giành được thắng lợi: “kể ra, thích cho người ta sống mà ghét việc giết người, là một người tướng có nhân nghĩa; xét biến thời cơ mà biết lượng sức mình là người tướng có trí thức. Ta kính vâng mệnh trời, lấy đại nghĩa chuyên việc đánh dẹp. Nghĩ đến tổ tông bị nguy đổ, thương nỗi nhân dân phải lầm than, đánh thành lấy đất không giết một người. Cho nên đánh đông dẹp tây, không nơi nào không phục” [86, tr.155]; trong biểu tiến cống, tâu trình tạ tội gửi cho vua Minh, Nguyễn Trãi tiếp tục nhấn mạnh “Đánh kẻ có tội cứu vớt nhân dân, là thánh nhân làm việc đại nghĩa, dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt là vương giả có lòng chí nhân” [86, tr.187].

Có thể thấy rằng đường lối cứu nước bằng nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đề ra ngay từ khi dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi là đường lối hoàn toàn khác so với nhân nghĩa của Nho giáo truyền thống. Nhân nghĩa phải thực sự gắn với nhân dân, phải vì nhân dân và cho nhân dân. Điều đó cũng được Nguyễn Trãi khẳng định:

“Quyền mưu vốn là để trừ gian ác

Nhân nghĩa thì giữ gìn cho thế nước yên ổn” [86, tr.291]. Trong lời mở đầu của Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi nhấn mạnh:

“Việc nhân nghĩa cốt để yên dân,

Quân cứu nước trước cần trừ bạo” [86, tr.77].

Như vậy đường lối cứu nước bằng nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đề xuất trong cuộc chiến tranh giữ nước chính là sự kết hợp giữa nhân nghĩa với an dân. Cuộc sống của nhân dân, hạnh phúc của nhân dân chính là cơ sở để thực thi nhân nghĩa. Đó cũng là lí do và mục đích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Điều

này cũng lí giải tại sao khi Lê Lợi và Nguyễn Trãi phất cờ hiệu triệu cuộc khởi nghĩa thì dân chúng bốn phương đều tụ hội về giúp sức.

Nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đề cập tới hoàn toàn khác với thứ “nhân nghĩa” mà hàng ngày quân xâm lược vẫn rao giảng về lí do đưa quân sang nước ta để chinh phạt họ Hồ, khôi phục lại vương triều nhà Trần. Chính cuộc chiến tranh mà quân nhà Minh gây ra đã đẩy cuộc sống của biết bao người dân Việt Nam rơi vào tình cảnh:

“Thui dân đen trên lò bạo ngược, Hãm con đỏ dưới hố tai ương. (...)

Vét thuế khóa, chằm núi chẳng còn tí gì.

Khai mỏ vàng, thì xông pha lam chướng, phá núi đãi vàng; Mò ngọc trai thì mặc giao long, giòng dây quẳng biển. Nhiễu dân đào hầm bẫy hươu đen.

Hại vật, chăng lưới bắt chim trả.

Cỏ cây sâu bọ, không loài nào được thỏa sống còn. Quan quả khốn cùng, chẳng một ai được yên ổn”

Thứ “nhân nghĩa” mà quân Minh mang đến để cứu giúp người dân Việt Nam là thứ nhân nghĩa mà:

“Hút máu sinh linh, quân tham ác miệng răng nhờn béo Ra công xây dựng cho nguy nga những dinh thự công tư”. Để đến nỗi: “Nơi châu lý bao tầng sưu dịch,

Trong làng xóm lặng lẽ cửi canh” [86, tr.77 - 78].

Nguyễn Trãi đã nêu tội ác của giặc Minh gây cho nhân dân ta hết sức nặng nề, thảm khốc. Tội ác ấy đến cả “nước Đông hải không đủ rửa hết vết nhơ”, “trúc Nam sơn chẳng đủ ghi hết tội”. Dưới những chứng cứ xác đáng, Nguyễn Trãi đã lột bỏ bộ mặt giả nhân giả nghĩa của kẻ thù, đồng thời cũng nêu lên giá trị cốt lõi của nhân nghĩa mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mang lại đó là

“lấy đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo” [86, tr.79]. Chính việc dùng nhân nghĩa để thắng cường bạo là sức mạnh để cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và đi đến thắng lợi.

Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa trước hết là để “yên dân”. Mà trong bối cảnh đất nước đang phải chịu cảnh chiến chinh, nhân dân đang phải oằn mình dưới tội ác của kẻ thù, thì an dân trước hết phải đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Vì vậy, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; quân cứu nước trước cần trừ bạo” và “quyền mưu vốn là để trừ gian ác; nhân nghĩa thì giữ gìn cho thế nước được yên” trở thành phương châm cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Như vậy, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi “yên dân” là mục đích của “nhân nghĩa”, còn “trừ bạo”, “trừ gian” là phương tiện để thực hiện nhân nghĩa. “Bạo”, “gian” ở đây chủ yếu và trước hết là quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước cầu vinh. Vì vậy trừ bạo thực chất là tiến hành cuộc chiến tranh cứu nước, cứu dân.

Cũng vì mục đích an dân mà khi cuộc chiến tranh đang trên đà thắng lợi, Nguyễn Trãi đã nghĩ đến việc kết thúc chiến tranh làm sao để giữ được “nền thái bình muôn thuở” [86, tr.82]. Thông thường sau cuộc chiến tranh, những người đứng trên thế thắng bao giờ cũng tự cho mình cái quyền định đoạt đối với những kẻ bại trận. Nhưng với Nguyễn Trãi lại khác, ông là người đã chứng kiến quá nhiều biến cố trong cuộc đời, đã từng phải nương mình nơi nhân dân, sống và lắng nghe những nỗi khổ cực của người dân mất nước, nên ông hiểu rất rõ giá trị của hai chữ “hòa bình”.

Là người đề xướng đường lối cứu nước bằng nhân nghĩa, nên Nguyễn Trãi không lấy việc chém giết làm vui, không coi việc đánh thành mà thỏa. Có chăng đó cũng chỉ sự lựa chọn bất đắc dĩ mà thôi. Chính vì thế khi gửi thư cho tướng giặc Vương Thông, Nguyễn Trãi nhấn mạnh “Cổ nhân có nói: “giặc đến nước cùng, chớ nên đuổi bức”. Nay ta định đem ba bốn mươi vạn quân vây lấy bốn thành của ngươi, chỉ e chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ, cho nên ta không

đem quân toàn thắng cùng quân tất tử để tranh thắng với lũ trẻ con vậy. Tuy nhiên, dù tiểu địch giữ vững, vẫn bị đại địch bắt được. Kể lấy sức mạnh ngàn cân đè lên trứng chim, thì chưa hề có trứng nào không vỡ nát. Cái chuyện đánh thành hãy gác một bên. Hoặc giả buông lỏng cho bè lũ ngươi, không để ý đến, ta hãy cởi giáp nghỉ binh,vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa sang khí giới, luyện tập binh tượng, dạy cho những phương pháp ngồi, dậy, tiến, lui, lại lấy nhân nghĩa mà hun đúc, khiến ai ai cũng lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng, lấy đấy mà ứng phó với địch, kẻ nào theo ta thì sống, kẻ nào trái ta sẽ chết, phàm ta trông cậy là thế mà thôi” [86, tr.141 - 142].

Với Nguyễn Trãi nhân nghĩa phải gắn liền với an dân, mà muốn nhân dân thoát khỏi cảnh loạn lạc đao binh thì chỉ có một con đường duy nhất đó là phát động cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng ngay cả khi cuộc chiến đã đi đến giai đoạn cuối có lợi cho ta, Nguyễn Trãi cũng không vì thế mà đắc chí. Bởi ông hiểu rằng nếu cuộc chiến kết thúc bằng một thắng lợi vang dội của nhân dân ta thì lúc đó nhà Minh sẽ rơi vào cảnh “chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ” ắt lại dấy binh thêm một lần nữa nhằm lấy lại uy danh của một nước lớn, đến lúc đó nhân dân lại chính là những người phải gánh chịu nổi thống khổ của cảnh binh đao. Vì thế Nguyễn Trãi muốn giữ cho kẻ thù một con đường thoát trong danh dự, cũng là để nhân dân được ngơi nghỉ nên ông đã chủ trương hòa ngay trên thế thắng:

“Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước, Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh. Sửa hòa hiếu cho hai nước, Tắt muôn đời chiến tranh.

Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh” [86, tr.87].

Tư tưởng này của Nguyễn Trãi cũng được Lê Lợi đồng tình khi ông nói “Phục thù báo oán, đó là thường tình của người ta. Không thích giết người, đó là bản tâm của kẻ nhân giả. Vả người ta đã hàng mà lại giết, thì không còn gì

không lành hơn nữa. Để hả mối giận một sớm, mà mang tiếng giết hàng muôn đời, thì sao bằng để sống ức vạn người mà hết mối chiến tranh cho hậu thế, khiến sử xanh ghi chép, nghìn thuở lưu thơm, như thế chẳng là lớn sao!” [86, tr.69].

Việc lựa chọn con đường hòa hiếu khi cục diện của cuộc chiến tranh đang có lợi cho ta là một bước đột phá của Nguyễn Trãi, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Nhưng sự lựa chọn “tưởng cũng xưa nay chưa từng thấy được” của Nguyễn Trãi đều xuất phát từ khát vọng an dân của ông, từ tấm lòng nhân nghĩa của ông [86, tr.81].

Cuộc kháng chiến kết thúc, “xã tắc do đó được yên”, “non sông do đó đổi mới” và “nền thái bình muôn thuở” đã được mở. Lúc này Nguyễn Trãi hăm hở bắt tay vào thực hiện chủ trương xây dựng một chính quyền vì dân, an dân nhằm “để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu”.

Để thực hiện lý tưởng của mình, sau khi đất nước giành được chiến thắng trước quân Minh, Nguyễn Trãi chủ trương xây dựng một xã hội theo đường lối “văn trị” để nhân dân được ngơi nghỉ và dẹp cảnh binh đao. Với ông:

“Biển Bắc năm xưa đã diệt kình Yên rồi còn nghĩ luyện nhung binh” Cho nên:

“Lòng vua muốn để dân ngơi nghỉ

Văn trị nên xây dựng thái bình” [86, tr.289].

Nguyễn Trãi cũng nhấn mạnh rằng để xây dựng một xã hội thịnh trị theo đường hướng “văn trị”, nhà cầm quyền cần chăm lo tới đời sống của nhân dân, phải không ngừng làm cho người dân được có “hằng sản”:

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương” [86, tr.453].

Là người luôn quan tâm tới vấn đề yên dân, Nguyễn Trãi cho rằng để nhân dân được yên ổn làm ăn và sống trong cảnh thanh bình thì những người có

trách nhiệm “chăn dân” cần phải “trừ độc trừ tham trừ bạo ngược” [86, tr.440], phải biết “vì dân lo trước dạ không nguôi” [86, tr.335].

Từ những trăn trở, những ưu tư làm thế nào để nhân dân luôn được sống trong cảnh yên ấm và no đủ với “một tấm lòng son, nóng hừng như lò lửa luyện thuốc đơn” [86, tr.345], Nguyễn Trãi đưa ra và phấn đấu xây dựng mẫu hình xã hội:

“Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn

Dường ấy ta đà phỉ thửa nguyền” [86, tr.420].

Trong các sáng tác của mình Nguyễn Trãi đã nhiều lần đề cập tới xã hội Nghiêu Thuấn. Trong bài thơ “Trần tình”, Nguyễn Trãi viết:

“Cày ruộng cuốc vườn dầu hết khỏe

Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu” [86, tr.410]. Trong “Gươm báu răn mình” Nguyễn Trãi lại nhấn mạnh:

“Nuôi con mới biết lòng cha mẹ

Thấy loạn thì hay đời Nghiêu Thuấn” [86, tr.441].

Trong “Biểu tạ ơn” khi được Lê Thái Tông vời ra làm Gián nghị đại phu kiêm Tri tam quán sự, Nguyễn Trãi không giấu được hoài bão của mình khi ông viết “chuyên đọc Điển Phần, chí những muốn việc cổ nhân đã muốn để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo”; “Đế Nghiêu là thánh là thần, biết người rất rõ; Đại Thuấn thích nghe thích xét, đãi chúng lấy khoan” [86, tr.204 - 205].

Xã hội Nghiêu Thuấn mà Nguyễn Trãi muốn hướng tới là một xã hội có vua sáng tôi hiền. Trong xã hội đó, vua quan phải luôn quan tâm tới nhân dân, phải không ngừng chăm lo tới đời sống của nhân dân và phải là tấm gương sáng để nhân dân noi theo. Trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, bậc quân vương phải là người “Thờ trời đất phải nghĩ hết thành; thờ tôn miếu phải nghĩ hết hiếu. Cùng anh em phải thân mến, đối tôn tộc phải thuận hòa. Cả đến coi trăm quan, trị muôn dân, không việc gì là không hết đạo. Chớ biến đổi thành pháp của tiên

vương; đừng làm lãng quên cách ngôn của tiền triết. Chớ gần thanh sắc và tham tiền của; chớ tham chơi săn và thích dâm dật; chớ nghe sàm nịnh mà bỏ lời trung thực; chớ dùng tân tiến mà bỏ kẻ cựu thần. Bảo rằng trời khó tin, mệnh không thường, nghĩ sửa trị ở khi chưa loạn; bảo rằng công khó thành, việc dễ hỏng, nghĩ giữ nước từ lúc chưa nguy. Ở cảnh yên vui, nghĩ đến nghiệp gian nan từ ngày trước; hưởng điều sung sướng, nghĩ đến công tích lũy của tổ tông. Phải cẩn thận lúc trước để tính lúc sau; phải làm nên việc lớn từ việc nhỏ. Phải hiểu chí trước mới giữ được nghiệp trước; phải thuận lòng trời mới hợp được lòng người. Theo thời thế mà thuận cơ vi; đừng thờ ơ cũng đừng bỏ việc” [86, tr.201].

Người cầm quyền là người phải biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, phải yêu cái dân yêu và ghét cái dân ghét; phải yêu nuôi dân như con “để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu”. Chính vì thế một người được xem là minh quân phải là người “chớ thưởng bậy vì tư ân, chớ phải bừa vì tư nộ. Đừng thích của tiền mà luông tuồng xa xỉ; đừng gần thanh sắc mà bừa bãi hoang dâm. Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 38 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w