Khái quát về hệ thống chính trị

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 54 - 56)

Để nghiên cứu về hệ thống chính trị, trước hết cần làm rõ khái niệm về chính trị. Thuật ngữ “Chính trị” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Politikós (Πολιτικός), có nghĩa là “nghệ thuật quản lý” nhà nước. Platon, nhà triết học Hy Lạp cổ đại, đã xem chính trị là “nghệ thuật cung đình liên kết trực tiếp các chuẩn mực của người anh hùng và sự thông minh; sự liên kết cuộc sống của họ được thực hiện bằng sự thống nhất tư tưởng và tinh thần hữu ái” [74, tr.7].

Nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864 - 1920) lại xem “chính trị” là khát vọng tham gia vào quyền lực hay ảnh hưởng đến sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia, bên trong quốc gia, giữa các tập đoàn người trong một quốc gia [74, tr.7].

Bàn về khái niệm này, V.I.Lênin cũng khẳng định “chính trị là quan hệ giữa các giai cấp”, là “mối quan hệ giữa các dân tộc” và đồng thời nó là “sự tham gia vào những công việc của nhà nước, là việc vạch hướng đi cho nhà nước, việc xác định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước” [79, tr. 404]. Không những thế, V.I.Lênin còn xem “chính trị là một khoa học và một nghệ thuật không phải từ trên trời rơi xuống”. Với tư cách là một khoa học, nó “buộc chúng ta phải tính đến tất cả các lực lượng, nhóm, đảng, giai cấp và quần chúng hoạt động trong nước, chứ không phải chỉ căn cứ theo nguyện vọng và chính kiến, trình độ giác ngộ và trình độ chuẩn bị đấu

tranh của một nhóm hay một đảng duy nhất mà quy định chính sách” [80, tr.80 - 81].

Như vậy, theo V.I.Lênin chính trị là toàn bộ các quan hệ giữa các tầng lớp, giai cấp và đảng phái trong xã hội nhằm tham gia vào quá trình hoạt động, hoạch định nội dung và định hướng đi của nhà nước, trong đó mối quan hệ về lợi ích kinh tế phải đứng ở vị trí trung tâm. Việc hình thành một quan điểm chính trị đúng về lĩnh vực kinh tế là điều kiện để giải quyết có hiệu quả những nhiệm vụ kinh tế. “Không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình, và do đó, cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực sản xuất” [81, tr.350].

Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng xác định “chính trị là toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước” [32, tr.478].

Cũng bàn về khái niệm này, các nhà khoa học trong cuốn sách Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới cho rằng: “Chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, giữa các quốc gia có liên quan tới vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước, là biểu hiện tập trung của kinh tế, là những phương hướng, những mục tiêu được quy định bởi những lợi ích cơ bản của giai cấp, của đảng phái; là hoạt động chính trị thực tiễn của các giai cấp, các đảng phái, các nhà nước để thực hiện hóa lợi ích cơ bản của mình trong mối tương quan với các chủ thể chính trị khác” [8, tr.38 - 39].

Có thể khẳng định rằng, tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu và cách tiếp cận mà khái niệm “chính trị” có thể được hiểu và trình bày ở những khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của mình, chúng tôi có thể khái quát chính trị là toàn bộ những hoạt động có mục đích giữa các chủ thể xã hội

(tầng lớp, giai cấp, đảng phái, dân tộc…) xoay quanh vấn đề giành, giữ và củng cố, phát huy quyền lực nhà nước nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.

Từ việc tìm hiểu khái niệm về chính trị, chúng ta có thể rút ra khái niệm về chính trị học. Theo đó, chính trị học là “khoa học nghiên cứu lĩnh vực chính trị nhằm làm sáng tỏ những quy luật chung nhất của đời sống chính trị, cơ chế tác động, cơ chế sử dụng cùng những phương thức, những thủ thuật chính trị để hiện thực hóa những quy luật chung đó. Vấn đề trung tâm của chính trị học là nghiên cứu quyền lực chính trị, phương thức giành quyền lực chính trị, các thiết chế và các hình thức tổ chức thực hiện quyền lực chính trị, các kiểu hệ thống chính trị đã có trong lịch sử và đang tồn tại trong thời đại ngày nay” [32, tr.479].

Trong mọi xã hội có giai cấp, quyền lực của giai cấp cầm quyền luôn được thực hiện bằng một hệ thống thiết chế và tổ chức chính trị nhất định. Đó là hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị là một phạm trù quan trọng trong lĩnh vực khoa học chính trị, bởi vì nó tổng hợp các vấn đề của thực tiễn chính trị, của đời sống chính trị. Hơn nữa những vấn đề liên quan đến chính trị và đời sống chính trị không tồn tại biệt lập mà liên hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể có tính hệ thống.

Tùy thuộc vào cách thức tiếp cận và lập trường khác nhau mà quan niệm về hệ thống chính trị hiện nay vẫn có những sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên hiểu một cách khái quát nhất, “Hệ thống chính trị” là một chỉnh thể các tổ chức chính trị hợp pháp trong xã hội, bao gồm các đảng chính trị, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội; củng cố, duy trì và phát triển chế độ chính trị phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w