Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay và các nhân tố cấu thành

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 56 - 59)

Ở Việt Nam, khái niệm “Hệ thống chính trị” được Đảng ta sử dụng lần đầu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa

VI (3/1989) và đến Đại hội VII thì khái niệm này được sử dụng một cách phổ biến.

Trong công trình do giáo sư Nguyễn Đức Bình và Trần Ngọc Hiền chủ biên đã đưa ra khái niệm “Hệ thống chính trị là một chỉnh thể bao gồm nhà nước, các đảng phái chính trị hợp pháp, các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp, nhưng ưu thế cơ bản và vai trò chủ đạo thuộc về các thiết chế của giai cấp cầm quyền để tác động vào các quá trình kinh tế - xã hội nhằm củng cố, duy trì và phát triển chế độ xã hội đương thời”. Cũng trong công trình này các nhà khoa học đã chỉ rõ “Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là một chỉnh thể bao gồm Nhà nước chuyên chính vô sản, Đảng Cộng sản cùng các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp và mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố đó, nhằm bảo đảm quyền lực của nhân dân” [8, tr.47].

Từ những khái niệm trên có thể hiểu hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp khác được thành lập, hoạt động trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, thực hiện và bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” [28, tr.9]. Xét về vị trí và vai trò, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng “lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” [24, tr.89].

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công – nông – trí thức. “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền là chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống âm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” [28, tr.9].

Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa các tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền [28, tr.11].

Tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước dựa trên cơ sở của Hiến pháp và pháp luật, theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” [23, tr.45].

Cùng với Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” [28, tr.11]. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “là bộ phận của hệ thống chính trị”, là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” và là nơi “thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” [78, tr.204].

Các đoàn thể chính trị - xã hội, mà nòng cốt là Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam – “được thành lập trên cơ sở tự nguyện”, tuỳ theo tính chất, tôn chỉ và mục đích hoạt động của mình (được Hiến pháp và pháp luật cho phép) mà “đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên, hội viên của tổ chức mình”, đồng thời phải “cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” [28, tr.12]. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần tích cực vận động các hội viên của mình tham gia vào các hoạt động giám sát và quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng thân dân của nguyễn trãi vào hoàn thiện hệ thống chính trị ở việt nam hiện nay (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w