Phân tích Ma trận SWOT

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp thực trạng và giải pháp phát triển thương hiệu HUDA của công ty bia huế (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG III MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU HUDA CHO CÔNG TY BIA HUẾ

3.1. Phân tích Ma trận SWOT

3.1.1 Điểm mạnh

Huda beer là một thương hiệu gắn liền với Công ty Bia Huế. Thương hiệu Huda ra đời cùng với sự ra đời của Công ty từ năm 1990. Do đó, thương hiệu này đã có một chỗ đứng vững chắc trên địa bàn Thừa Thiên Huế và miền Trung. Nó trở thành một “gu” thưởng thức bia riêng của người Huế. Nói cách khác, ở thị trường này, người tiêu dùng khá trung thành với thương hiệu Huda. Như vậy, có thể nói các sản phẩm bia khác khó có thể xâm nhập vào thị này.

Hiện nay, thương hiệu Huda chiếm gần 90% thị phần bia trên địa bàn Huế. Đây là thương hiệu chủ lực của Bia Huế, Mặt dù lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm không

bằng Festival nhưng sản lượng tiêu thụ hàng năm cao và không ngừng tăng lên nên mang lại doanh thu cũng như lợi nhuận lớn cho Công ty.

Các sản phẩm của Công ty Bia Huế đều được sản xuất với nguyên liệu tốt, chất lượng cao của các nhà cung cấp uy tín hàng đầu thế giới và áp dụng dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến của tập đoàn Carlsberg A/S Đan Mạch. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và Thế giới. Nguồn nước sử dụng để sản xuất bia được lấy từ nhà máy nước Vạn Niên (thượng nguồn sông Hương) đảm bảo các chỉ số kỹ thuật cho việc sản xuất bia.

Ngoài ra, do thương hiệu được xây dựng và phát triển sớm, đồng thời khai tốt thị trường chiến lược nên Công ty có một hệ thống đại lý rộng và mạnh. Đây là một cơ sở vững chắc cho việc phân phối sản phẩm và giữ vững thị trường, bên cạnh đó còn có thể phân phối sản phẩm mới.

3.1.2. Điểm yếu

Hương vị Huda có thể nói là rất quen thuộc với người Huế. Trước đây, Huda gần như chiếm tuyệt đối thị trường bia Huế. Từ khi có bia Festival, một phần thị trường chuyển qua sử dụng Festival. Theo đánh giá của khách hàng về hương vị của hai loại bia Huda và Festival, khách hàng nhận định hương vị của hai loại bia này không khác nhau là mấy, mặc dù Festival là thương hiệu cao cấp hơn. Tuy nhiên, có một số khách hàng cho là Festival thơm hơn Huda nhưng Huda vẫn hợp với những người tiêu dùng thích độ cồn mạnh hơn Festival. Bên cạnh đó, Festival phù hợp với nữ giới hơn do nó có độ cồn nhẹ hơn Huda.

Thị trường chủ yếu hiện nay của Huda vẫn là miền Trung, do đó, khó có thể mở rộng ra thị trường phía Bắc và phía Nam. Vì ở những thị trường này, hệ thống đại lý còn thiếu, chưa có độ bao phủ rộng. Chính vì những lý do này khiến cho việc triển khai thương hiệu mới cho các thị trường mới này bị hạn chế.

Do tiềm lực tài chính yếu nên việc đầu tư cho vấn đề phát triển thương hiệu cũng hạn chế. Tuy có những hoạt động quảng cáo trên tuyến như quảng cáo trên truyền hình, báo chí nhưng với tần suất thấp. Nội dung quảng cáo cũng chưa thật sự phong phú, ấn tượng. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự hay bộ máy phát triển thương hiệu chưa thật sự chuyên nghiệp, ít ỏi.

Bên cạnh đó, nhãn mác góp phần tạo nên giá trị cho những sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bao bì nhãn mác của thương hiệu Huda cũng chưa có sự đột phá lớn, mạnh dạng như bia Saigon. Nhãn mác khá là bình thường, chưa thật sự gây ấn tướng mạnh cho người tiêu dùng.

Lợi nhuận trên từng đơn vị sản phẩm khá thấp, thấp hơn so với bia Festival. Do đó, nếu càng đầu tư nhiều hoặc là thị trường đầu vào có biến động giá cả theo xu hướng tăng lên mà không nâng giá bán, tăng sản lượng tiêu thụ thì lợi nhuận trên từng đơn vị sản phẩm càng giảm hơn, tổng lợi nhuận cũng giảm theo.

3.1.3. Cơ hội

Thị trường bia Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt là phân khúc thị trường Mainstream và Mainstream plus. Riêng phân khúc Mainstream plus thì có rất ít sản phẩm, hay nói cách khác ở phân khúc này, đối thủ cạnh tranh chưa nhiều và chưa mạnh. Do đó, đây là một thị trường tiềm năng cho các thương hiệu mới của Huda.

Thị trường Huế là một thị trường khá bảo thủ nên việc giữ vững thị phần trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Có thể nói đây là sân nhà của Huda, là hậu phương vững chắc cho thương hiệu Huda phát triển ra các thị trường khác. Bởi vì, người dân Huế khó có thể thay đổi thói quen dùng bia của mình là thường sử dụng bia của Công ty Bia Huế, họ không khi nào quay lưng lại với Huda.

Công ty Bia Huế là một doanh nghiệp lớn của Tỉnh, là doanh nghiệp nộp ngân sách cho Tỉnh hàng năm ở mức rất cao. Đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của Tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, Công ty được sự khuyến khích của Tỉnh trong sản xuất kinh doanh.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng, nên đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm mang thương hiệu của Bia Huế được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, tốc độ phát triển công nghệ thông tin cũng ngày càng phát triên và tiến xa hơn, kéo theo đó là sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của lĩnh vực Thương mại điện tử. Đó là một cơ hội rất lớn cho các thương hiệu Bia Huế có thể quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới, xúc tiến việc bán hàng theo xu hướng hiện đại.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp thực trạng và giải pháp phát triển thương hiệu HUDA của công ty bia huế (Trang 72 - 75)