CHỨC NĂNG THẨM MỸ

Một phần của tài liệu Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu (Trang 78 - 84)

Ẩn dụ tu từ là một trong những phương diện tạo nên tính thẩm mỹ văn chương nhờ tính đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật. Ý nghĩa lớn nhất của

nghệ thuật là khám phá và diễn tả thế giới phức tạp, đa chiều, thẳm sâu trong mọi ngõ ngách vô hình của tâm hồn con người.

Bằng cách sử dụng những hình ảnh đẹp, bóng bẩy, đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn, ẩn dụ tu từ đã đánh thức trong ta những cảm quan nghệ thuật hằng ấp ủ trong lòng. Cái đẹp của ẩn dụ được thể hiện trong vẻ đẹp của ngôn từ và cái đẹp của tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ gửi gắm trong thế giới nghệ thuật. Cách nói bóng gió như xa như gần của ẩn dụ có sức mê hoặc lạ kỳ. Nó đưa người đọc đi từ ngỡ ngàng này đến lạ lẫm khác trong những cái tưởng chừng quen thuộc kia.

Thơ Tố Hữu đã đảm nhiệm chức năng nghệ thuật ấy một cách xuất sắc. Những trạng thái, những cung bậc tình cảm: nhớ mong, giận hờn, trách móc, tiếc thương, sung sướng, khổ đau…được thể hiện vừa trực tiếp vừa ngầm ẩn. Biện pháp ẩn dụ này giúp cho tác giả diễn tả được những điều thầm kín, thậm chí những điều khó nói nhất, khó diễn đạt nhất bằng những hình tượng nghệ thuật vừa khái quát vừa giàu chất thơ. Dường như nó đưa ta vào một thế giới với bao điều mới lạ, khác thường. Điều kì diệu của thơ ca là đánh thức trong ta những cảm quan nghệ thuật hằng ấp ủ và làm cháy sáng ngọn lửa thiêng sẵn có trong mỗĩ người. Phải nói tới sức mạnh ngôn từ mà ẩn dụ tu từ đem lại cho thơ ca.

Ẩn dụ bổ sung (còn gọi là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác) đem lại cho thơ bao cảm xúc thẩm mỹ. Thính giác tinh nhạy với cái nghiêng tai kì diệu của người nghệ sĩ đã đem tới bao ngỡ ngàng cho người đọc:

Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức

(Tâm tư trong tù)

Nghe âm thanh cuộc đời ngưng kết trong "tiếng đời" là chuyện rất đỗi bình thường: tiếng chim reo, gió xối, tiếng lạc ngựa và tiếng guốc từ bên ngoài vọng tới. Thế nhưng,"nghe tiếng đời lăn náo nức" thì quả là bất thường, lạ lẫm. Cái điều tưởng trái quy luật ấy chính là cách nói đẹp của nhà thơ

nhằm thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận. Âm thanh cuộc sống bên ngoài như đọng lại thành khối, thành hình và lăn chuyển rạo rực qua các giác quan luôn thức trực để đón nhận cuộc sống. Ở đây, mọi giác quan được mở ra tới vô cùng. Không chỉ là thính giác đơn thuần để nghe mà còn là thị giác để thấy, hơn nữa, phải kể đến cái giác quan tinh nhạy và huyền diệu nhất của con người là trái tim yêu thương, là tấm lòng rộng mở để cảm nhận được tiếng đời lăn náo nức. Sự chuyển đổi cảm giác cứ mở dần, mở dần từ cụ thể đến trừu tượng, từ cái dễ nắm bắt đến cái điều mơ hồ, khó nắm bắt mà chỉ có thể cảm nhận được mà thôi. Đó chính là điều thú vị trong việc khám phá vẻ đẹp của từ ngữ và ý thơ.

Ngoài ra, Tố Hữu còn có nhiều lần "nghe" thú vị như thế. Ví dụ: Tiếng

rao sao ướt lạnh tê lòng (Một tiếng rao đêm), Nghe mênh mang sức khỏe của

trăm loài (Tâm tư trong tù) hay Nằm bên em nghe má ấm trong tay (Sợ). Nghe âm thanh mà lại nhận biết bằng sự cảm nhận của các giác quan khác.

Nghe mênh mang, nghe má ấm, nghe hồn …là cảm nhận bằng giác quan nào

vậy? Có phải sự cảm nhận bằng xúc giác và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ? Âm thanh đo được là nhờ nghe thấy cường độ, trường độ và cao độ… Vậy mà, Tố Hữu lại nhận ra nó nhờ một vị giác giác nữa: Ngọt tiếng …(Có thể nào yên). Cái thứ có thể cảm nhận bằng mắt nhìn, tai nghe thì lại nhờ tới khứu giác thật lạ lẫm:

Đường thơm tho như mật bộng trưa hè (Hy vọng) Khi ta đã say mùi hương chân lí

(Như những con tàu) Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày

(Tâm tư trong tù) Hương tình nhân loại bay man mác

Như vậy, đường thơm tho, mùi hương chân lí, hương tự do, hương tình nhân loại đã đem tới những điều thú vị trong cảm nhận. Hấp dẫn bởi chính những liên tưởng khác trường ngữ nghĩa nhưng lại đáp ứng được xúc cảm thẩm mỹ của nhà thơ và độc giả. Tố Hữu muốn biến tất cả vạn vật quanh mình nhập hòa vào thế giới của ánh sáng và hương thơm. Vạn vật lên sắc và tỏa hương. Đó là thế giới của tình yêu và niềm tin với lý tưởng và tương lai tươi sáng của cuộc đời. Đó cũng là tâm hồn tinh nhạy và tài năng thơ ca bậc thầy của người nghệ sĩ.

Giữ vai trò đắc lực trong việc tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cho thơ, không chỉ có ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mà các loại ẩn dụ khác cũng góp mặt:

Ngày mai gió mới ngàn phương Sẽ đưa cô đến một vườn đầy xuân

(Tiếng hát sông Hương)

Hình ảnh gió mới ngàn phươngvườn đầy xuân trong ẩn dụ hình tượng làm bừng sáng tứ thơ đem tới cho người đọc những rung cảm sâu sắc và thấm thía. Ẩn dụ gió mới ngàn phương chỉ những cơn gió mát lành của thời đại mới. Những cơn gió đủ sức tung hê cái chật chội, tù túng, hôi hám và nhơ nhớp của cuộc đời cũ. Đó là cơn gió của cuộc sống trong tương lai mà Tố Hữu đã đón nhận bằng cảm quan của nhà thơ cách mạng. Ông truyền cơn gió mát lành ấy đến cho quần chúng lao khổ, truyền cho họ niềm vui sống và hi vọng. Hình ảnh vườn đầy xuân cũng là một ẩn dụ chỉ vẻ đẹp căng tràn sức xuân, tỏa ngát hương sắc mùa xuân. Đó là biểu tượng của cuộc sống mới tốt đẹp mà cách mạng sẽ đem tới cho cô gái từng phải sống một đời ô nhục.

Cách nói nhân hóa với khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư và nhằm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi cũng tạo cho thơ sức biểu đạt thẩm mỹ cao. Tâm hồn con người dịu lại trước những khoảnh khắc thơ mộng khó quên trong đời:

Trăng tươi mặt ngọc trên trời Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng

(Bài thơ trăng - III)

Trăng tươi tắn, sáng trong và rạng rỡ mặt ngọc. Trăng có vẻ đẹp hấp dẫn đến mê hồn. Trăng đưa con người vào thế giới riêng đầy mê hoặc. Nàng trăng cũng có phút ngẩn ngơ,nhìn ngó…Cái thần thái của trăng được bộc lộ, chất đa tình cố hữu của Hằng nga cũng phát lộ trong ý thơ. Nhân hóa đã đem lại cho trăng và cho thơ Tố Hữu vẻ đẹp thẩm mỹ ấy. Người đọc rung cảm trước vẻ đẹp của trăng hay bị hấp dẫn trước vẻ đẹp ngôn từ ? Có lẽ là cả hai !

Quê mẹ lúc nào cũng làm trái tim nhà thơ run rẩy. Tố Hữu dành nhiều tình cảm cho Huế trong những dòng thơ ân tình thiết tha:

Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi ! Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên

Mưa từ biển nhớ mưa lên Hay mưa từ núi vui trên A Sầu ?

Nặng lòng xưa giọt mưa đau Mát lòng nay trận mưa mau quê nhà

(Nước non ngàn dặm)

Huế ơi !, biển nhớ, núi vui, giọt mưa đau…là những nhân hóa đem lại

cho khổ thơ những đợt sóng tâm trạng. Xưa là nhớ, là sầu, là đau. Giọt mưa ấy chất chứa bao tâm trạng. Tác giả đã thổi hồn sống cho những hạt mưa xứ Huế. Nặng lòng với Huế, nặng lòng với những giọt mưa đau. Khi Huế còn trong máu lửa thì tâm hồn người con xứ quê sao có thể yên tĩnh được ? Vẫn là hạt mưa đó thôi, ngàn đời trước vẫn vậy và ngàn sau vẫn thế. Cái hay của thơ Tố Hữu là nằm trong sự cảm nhận đó. Giọt mưa nay đã khác xưa nhiều lắm ! Cái khác ấy là do tâm trạng mát lòng khi đón nhận "trận mưa mau quê nhà". Điều gì đã tạo nên sự biến đổi diệu kì ấy ? Trạng thái cảm xúc của nhà thơ đã

tạo nên sắc điệu độc đáo. Chất giọng ngọt ngào, dịu êm của Huế đã thấm sâu trong tâm hồn và phong cách của Tố Hữu. Nó góp phần làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của thi ca. Cũng là điều dễ hiểu khi ông viết nhiều về Huế, gọi Huế nhiều lần suốt chiều dài thời gian cũng như chiều dài những trang thơ. Huế là quê mẹ, Huế là miền đất đẹp và thơ, Huế lại chìm trong đau thương khói lửa…Yêu thương, mong đợi và khao khát đến cháy lòng là vì lẽ đó.

Chức năng thẩm mỹ của ẩn dụ trong thơ Tố Hữu còn được thể hiện rất nhiều trong tiếng thơ hướng về cội nguồn với những ẩn dụ tu từ đặc sắc. Là nhà thơ của những tình cảm lớn, Tố Hữu bắc nhịp cầu tri ân với người xưa qua tiếng thơ đồng vọng. Nhà thơ xót xa, tê tái khi nghĩ về đại thi dân tộc Nguyễn Du trong niềm cô đơn tìm kiếm tri âm. Nhớ về Nguyễn Du, Tố Hữu nhớ về người con gái tài hoa bạc mệnh trong kiệt tác Truyện Kiều:

Hỡi lòng tê tái thương yêu

Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh

(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Ẩn dụ giữa dòng trong đụccánh bèo lênh đênh nhằm chỉ cuộc sống và thân phận trôi nổi của nàng Kiều trong xã hội phong kiến xưa. Thân phận người con gái thật bấp bênh, như cánh bèo lênh đênh trôi dạt. Nói về Kiều cũng là cách để Tố Hữu nói về Nguyễn Du. Cuộc đời Nguyễn Du cũng thăng trầm và đau khổ không kém. Người nghệ sĩ của thời đại xưa tự thấy mình cũng là tài tử, cùng hội cùng thuyền với "khách phong lưu". Tiếng thơ của Tố Hữu gợi thương cảm trong lòng người về thân phận con người và nhất là người phụ nữ trong xã hội xưa.

Nhà thơ cũng không quên ghi lại cảm xúc của mình trước những điều thiêng liêng:

Nghe gió hú Trường Sơn nghìn dặm Tưởng quân đi rầm rập chiến trường

Gió hú Trường Sơn hay tiếng vọng của bao linh hồn liệt sĩ nằm lại với cây rừng, mây núi Trường Sơn. Các anh đã hóa thân trong dáng hình xứ sở để cho đất nước nở hoa chiến thằng. Cách nói kín đáo mà đầy tình ý của Tố Hữu đã đem tới cho người đọc bao xúc động suy ngẫm về cuộc đời. Sự liên tưởng thật gần gũi và tự nhiên: Nghe gió hú - Tưởng quân đi rầm rập… Cái này gọi cái kia về trong tiềm thức sâu xa là nhờ trường liên tưởng sâu kín của nhà thơ chiến sĩ. Đã từng tâm nguyện mỗi thây rơi sẽ là một nhịp cầuvui vẻ chết

như cày xong thửa ruộng nên Tố Hữu hiểu hơn ai hết về ý nghĩa của sự hi

sinh. Ồng nhắc gọi tâm linh của tất cả chúng ta khi nhớ về Trường Sơn, nhớ về một thời máu lửa chiến trận oai hùng của dân tộc. Tiếng nói ân tình thủy chung và đạo lí "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc thức dậy trong mỗi người từ hình ảnh thơ bình dị ấy.

Một trong những chức năng của nghệ thuật là thanh lọc tâm hồn con người, giúp con người hướng đến những giá trị của cái CHÂN, THIÊN, MĨ. Là một trong những biện pháp tu từ chủ đạo, có thể nói ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu cũng đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang ấy của nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu (Trang 78 - 84)