Phong cách thơ Tố Hữu

Một phần của tài liệu Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu (Trang 28 - 32)

Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho

khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Tố Hữu là một chiến sĩ - thi sĩ. Với ông,

làm thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, cho lí tưởng của Đảng. Ông có khả năng thơ hóa các vấn đề chính trị. Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên trình độ là thơ rất đỗi trữ tình. Ông là người đầu tiên mang vào thơ Việt Nam một phẩm chất mới: chất trữ tình riêng tư của người cộng sản. Trong thơ ông, dù đề tài và nội dung cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ lấy lý tưởng cách mạng, quan điểm chính trị làm hệ quy chiếu cách nhìn

nhận và xúc cảm về mọi phương diện, mọi hiện tượng của đời sống, kể cả đời sống riêng tư của chính nhà thơ: "Tả cảnh hay tả tình, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về câc vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ, đối với anh là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi" [66, tr. 193].

Nội dung trữ tình trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là cái tôi chiến sĩ, về sau trở thành cái tôi nhân danh cộng đồng, nhân danh Đảng và dân tộc. Nhân vật trữ tình là con người thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa. Cảm hứng chủ đạo trong thơ ông là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng.

Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Cái giọng "hờn dịu ngọt" của người Huế, cái giọng hò man mác thiết tha trên sông Hương và cái giọng thầm thì của chính con sông rất đỗi thơ mộng và trữ tình.

Có được giọng điệu ngọt ngào ấy là bởi nhà thơ được thừa hưởng từ điệu tâm hồn con người xứ Huế.Đồng thời, nó còn xuất phát từ quan niệm của Tố Hữu về thơ: "Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí"[38, tr.51]. Nhà thơ đặc biệt dễ rung động với nghĩa tình cách mạng, luôn hướng đến đồng bào, đồng chí mà giãi bày tâm sự, trò chuyện, kêu gọi, nhắn nhủ.

Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Hiện thực đời sống cách mạng, những tình cảm chính trị, đạo lí cách mạng qua sự cảm nhận và thể hiện của Tố Hữu đã gắn bó, hòa nhập với truyền thống tinh thần tình cảm và đạo lí của dân tộc, làm phong phú thêm cho truyền thống ấy. Tố Hữu "tắm đẫm các ý tình cách mạng hiện đại trong

những hình thức tư duy cổ truyền thấm thía, đậm đà" [51, tr. 194]. Ông sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ) và có những sáng tạo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này. Những lối ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt được nhà thơ vận dụng một cách sáng tạo.

Trong số các biện pháp nghệ thuật đặc sắc được Tố Hữu sử dụng, có thể nói, biện pháp ẩn dụ là một trong những biện pháp chủ đạo. Điều đó được khẳng định ngay từ nhan đề của mỗi tập thơ: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra

trận, Máu và Hoa, Một tiếng đờn, Ta với Ta. Mỗi cái tên là một ẩn dụ gợi

những ý tưởng sâu xa để người đọc hướng đến nội dung tư tưởng của toàn tập. Và trên mỗi trang thơ ông, ta luôn bắt gặp những hình ảnh ẩn dụ biến ảo. Do đó, việc tìm hiểu ẩn dụ trong thơ Tố Hữu cũng là một cánh cửa để mở ra thế giới nghệ thuật rộng lớn của thơ ông.

TIỂU KẾT

Ở chương này, người viết đã trình bày một số vấn đề lý thuyết cơ bản về ẩn dụ như: khái niệm về ẩn dụ, phân loại ẩn dụ, đặc điểm của ẩn dụ tu từ (so sánh ẩn dụ với một số biện pháp tu từ khác). Ẩn dụ là cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có nét tương đồng hay giống nhau. Bản chất của ẩn dụ là sự thay thế tên gọi dựa trên sự đồng nhất hóa cá sự vật, hiện tượng, tính chất khi tư duy liên tưởng của con người phát hiện ra ở chúng ít nhất cùng có một nét hay một đặc điểm nào đó.

Ẩn dụ tu từ không chỉ có giá trị gợi hình, là phương tiện xây dựng hình tượng mà còn hàm chứa sức mạnh biểu cảm. Bởi vậy, nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều phong cách ngôn ngữ, đặc biệt là thơ ca nghệ thuật.

Ẩn dụ tu từ thể hiện rõ nét phong cách tác giả, phong cách thời đại và phong cách dân tộc. Ẩn dụ của ca dao khác ẩn dụ của Truyện Kiều, của thơ

Hồ Xuân Hương, của Lục Vân Tiên… ẩn dụ của Huy Cận khác Chế Lan Viên, Chế Lan Viên khác Tố Hữu… Mỗi nhà thơ có một phong cách riêng cũng như mỗi thời đại có cách cảm nhận và phản ánh thế giới theo cách riêng. Thơ trữ tình thực sự là vương quốc của các ẩn dụ. Đây có thể là địa hạt khai phá nghệ thuật không bao giờ cũ mòn của người nghệ sĩ. Bởi mỗi bài thơ là một tâm trạng và có những mã riêng của nó. Nghiên cứu ẩn dụ tu từ trong tác phẩm văn học, ta sẽ có những trường phong cách khác nhau và có thể bao quát được thế giới nghệ thuật của họ. Vì lẽ đó, người viết đã chọn khảo sát ẩn dụ trong thơ Tố Hữu, cây đại thụ của thơ ca cách mạng Việt Nam để từ đó có thể tìm một trong những điểm cốt lõi của phong cách một nhà thơ lớn.

Chương 2

Một phần của tài liệu Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu (Trang 28 - 32)