Cùng với xu thế phát triển của ngôn ngữ, việc làm phong phú cách diễn đạt, việc mở rộng phương thức chuyển nghĩa theo phép ẩn dụ đã đáp ứng phần lớn nhu cầu biểu đạt cảm xúc thẩm mỹ tinh tế của con người. Ẩn dụ tu từ có khả năng làm "mềm hóa" những vấn đề được coi là khó diễn đạt. Nó là công cụ để diễn đạt tình cảm một cách kín đáo và tế nhị, thể hiện nhận thức sâu sắc về đối tượng. Do đó mà ẩn dụ không chỉ có giá trị hình tượng, là phương tiện để xây dựng hình tượng mà còn hàm chứa sức mạnh biểu cảm lớn [32, tr. 196].
Là nhà thơ của những tình cảm lớn, Tố Hữu đã thể hiện tình yêu đối với lý tưởng, với nhân dân, đất nước trên những trang thơ. Ông không khỏi nghẹn ngào, xót xa khi nói về những đau thương của dân tộc trong chiến tranh qua những hình ảnh ẩn dụ: lửa cháy, máu lửa, biển máu, máu và hoa... Nhà thơ dõng dạc khẳng định nhân phẩm và tầm vóc Việt Nam trong thời đại bằng những liên tưởng đẹp: vàng nhân phẩm, hoa cương, cẩm thạch, bạc vàng,
ngọn lửa …trong thơ.
Ẩn dụ là phương tiện đắc lực giúp nhà thơ thể hiện được những điều mong manh tinh tế trong đời sống tình cảm của con người. Những cung bậc cảm xúc như buồn - vui, sướng - khổ, đau thương - hạnh phúc… được hiện lên trong Tố Hữu một cách sống động. Ông đã dùng cách nói ẩn dụ tu từ để thể hiện tình yêu đối với nhân dân, đất nước, với lý tưởng cách mạng.
Tố Hữu ca hát về mình, ca hát về nhân dân, về đất nước qua những hình ảnh thơ chan chứa cảm xúc. Cũng như các hình ảnh nói chung trong thơ Tố Hữu, hình ảnh ẩn dụ của thơ ông không chỉ có giá trị tạo dựng hình tượng mà còn có giá trị biểu cảm mạnh mẽ. Chẳng hạn như tâm hồn của nhà thơ rạo rực, ngây ngất khi bắt gặp lý tưởng cách mạng được ngân rung hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ gợi cảm như: say mùi hương chân lí, mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa, …
Đang say sưa hoạt động cách mạng, người cộng sản trẻ tuổi bị bắt giam trong nhà lao đế quốc. Nỗi buồn thương của nhà thơ được gửi trong tâm trạng của con hổ bị giam trong cũi sắt:
Khi con hổ thênh thang trong rú rậm Say hương cây bỗng mắc cạm giăng thầm Nằm dài lưng trong cũi sắt trăm năm Nó có nhớ buồn chăng, xa bóng núi ?
(Nhớ người)
Dự cảm về cảnh ngộ của con hổ khi bị giam cầm phải xa rừng, xa hương cây, sắc hoa, gió ngàn. Nhân hóa: nó, có nhớ làm cho hình ảnh có hồn và sống động. Mượn chuyện hổ cách li "bóng núi" để nói chuyện bản thân mình khi phải xa đồng chí, anh em là cách sử dụng ẩn dụ nhằm nói những điều tinh tế, khó nói trong tâm hồn. Cách nói kín đáo và tế nhị đã giúp Tố Hữu thể hiện được nỗi buồn nhớ, cô đơn của mình trong những ngày bị bắt giam tại nhà lao Thừa Thiên - Huế. Thử hỏi, có cách nói nào tế nhị và khéo léo hơn thế. Ẩn dụ tu từ đã giúp cho người nghệ sĩ bộc lộ được những điều khó nói một cách ý nhị nhất.
Không chỉ nói về nỗi buồn nhớ, nhà thơ còn nói tới nỗi đau đớn khi quê hương bị giặc chiếm đóng và hủy diệt:
Giặc về giặc chiếm đau xương máu Đau cả lòng sông, đau cỏ cây
Nỗi đau quê mẹ bị hủy diệt không còn chỉ là nỗi đau của mỗi cá nhân mà cảm xúc ấy đã lan tỏa và trùm sang cả lòng sông, ngọn cỏ, cành cây. Hình ảnh đất nước hiện lên như một cơ thể sống, bà mẹ Tổ quốc quằn quại trong khói lửa chiến tranh đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người, gợi nỗi xót đau nhức nhối và lòng căm hờn tột độ quân xâm lược. Ở đây, ẩn dụ tu từ đã trở thành một thủ pháp hữu hiệu để nhấn mạnh những sắc thái cảm xúc mãnh liệt.
Căm thù kẻ xâm lược tới bầm gan, tím ruột, Tố Hữu đã dùng ẩn dụ vật hóa một cách tài tình để chỉ mặt, gọi tên chúng. Chỉ cần gọi tên bầy lang sói cũng đủ thấy thái độ của nhà thơ đối với lũ giặc. Ông gọi chúng là bầy chó
Mĩ; bầy ma quỷ; bầy hùm sói hay lũ sói beo,…Gọi kẻ thù là bầy, là lũ gắn với
bản chất của loài thú dữ ăn thịt người không tanh. Không cần nhiều lời, tác giả vẫn đanh thép kết tội và nguyền rủa lũ chúng một cách thích đáng. Đó chính là quy luật kiệm lời mà ẩn dụ đem lại cho thơ ca được Tố Hữu đã khai thác một cách triệt để.
Điều gì đem lại cho ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu sức biểu cảm lớn lao đến vậy ?
Thứ nhất, việc hình thành những đối lập về ngữ nghĩa giữa các đơn vị ngôn từ trong phép ẩn dụ đã tạo nên sắc thái biểu cảm. Tố Hữu đã sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ tu từ trong sự đối lập về nghĩa.
Đối lập giữa ta - địch cũng là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái cao cả với cái thấp hèn…Qua sự đối lập ấy, nhà thơ muốn khẳng định ngợi ca vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của cái cao cả:
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người (Sáng tháng năm)
Ẩn dụ mặt trời cách mạng chỉ nguồn sáng rực rỡ, chói chang và có sức thiêu đốt mạnh mẽ, kì diệu. Bác được hiểu như nguồn sáng thiêng liêng, cao quý đó. Nguồn sáng rực rỡ có sức tỏa chiếu tuyệt diệu. Nó làm cho cuộc sống đẹp hơn, ngời sáng hơn. Đồng thời, nguồn sáng ấy làm cho cái thấp hèn, xấu xa phải hiện nguyên hình như nó vốn có. Đối lập với thứ ánh sáng rực rỡ đó là đêm tàn mà bè lũ đế quốc hiện lên một cách thảm hại. Nó chính là "loài dơi hốt hoảng" hỗn loạn bay trong đêm tàn, bóng tối không biết đâu là phương hướng. Qua hình ảnh thơ, Tố Hữu đã miêu tả đúng cái thần thái và vẻ đẹp tỏa rạng của vị Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của cuộc kháng chiến.
Đối lập giữa hai mảng sáng - tối cũng nhằm để khẳng định sự tỏa sáng của chân lí:
Đảng của ta tinh hoa dân tộc
Phủ bụi mờ, hồng ngọc tươi nguyên Rồng muốn bay, trừ ngay rắn độc Hạnh phúc chung, xã hội người hiền
(Chào xuân 99)
Hình ảnh hồng ngọc là ẩn dụ chỉ vẻ đẹp sáng trong, tinh khiết và rạng ngời của Đảng. Từ một thứ vật chất đẹp, sáng, có màu đỏ hồng, có vẻ đẹp lung linh và vô cùng quý giá, nhà thơ đã xây dựng ẩn dụ về Đảng. Liên tưởng tương đồng giúp cho Tố Hữu tạo nên hình tượng thơ đẹp. Bụi mờ và tươi nguyên xuất hiện trong trạng thái đối lập nhằm khẳng định vẻ đẹp của thứ ngọc quý giá, vẻ đẹp ngời sáng của Đảng. Báu vật quý giá đó không một tỳ vết, không cái gì làm cho nó biện dạng, mất màu được. Cách nói vừa mềm mỏng vừa rắn rỏi trên làm nên sức hấp dẫn của ý thơ. Hình ảnh rồng và rắn độc là hai ẩn dụ trong thế đối lập giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn, giữa thiên thần và ác quỷ…nhắc nhở mọi người phải đấu tranh để có cuộc sống hạnh phúc, để xã hội thực sự là xã hội người hiền. Kết hợp từ ngữ trong thế đối lập
nhằm đem tới cho người đọc những hứng thú tìm tòi và khám phá thế giới hiện hữu. Điều đó chứng tỏ nhà thơ phải là người am hiểu tường tận điều mình muốn diễn tả. Đồng thời, ông cũng rất sắc nhọn trong việc lựa chọn ngôn từ để thâu tóm được cái thần thái của sự vật, hiện tượng.
Ẩn dụ máu và hoa cũng nằm trong thế đối lập triệt để. Máu là hình ảnh ẩn dụ chỉ những hi sinh, mất mát mà dân tộc ta phải gánh chịu trong chiến tranh: Máu đổ trên đồng ruộng, bờ kênh, máu đổ trên chiến trường, bên mâm pháo, máu đổ trên sân trường, sân ga, bến tàu…Máu tụ dồn thành suối, thành sông, thành bể đau thương.Một dòng máu đỏ lên trời trong Bà
má Hậu Giang hay một dòng máu tươi trong Lượm. Hình ảnh ẩn dụ máu
biểu tượng của đau thương chiến tranh đã gây hiệu ứng mạnh mẽ tới xúc cảm của con người. Cảm xúc ấy như được chảy ra từ trong huyết quản, từ vết thương của một trái tim đang rỉ máu. Không chỉ là cách diễn đạt sự hi sinh của người dân đất nước mà còn là sự tố cáo tội ác tày trời mà đế quốc đã gieo rắc trên đất nước ta. Đối lập với máu là hoa - biểu tượng của chiến thắng, niềm vui và hạnh phúc ngọt ngào. Hai hình ảnh đối lập lại xuất hiện liền kề trong một thể thống nhất. Cái này là kết quả của cái kia, không thể khác trong hoàn cảnh "lửa cháy" của dân tộc:
Máu của anh chị, của chúng ta không uổng Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Và:
Tự do đã nở hoa hồng
Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Ôi ! Đất anh hùng dễ mấy mươi Chìm trong khói lửa vẫn xanh tươi Mưa bom bão đạn, lòng thanh thản Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười
(Theo chân Bác)
Những cụm từ đối nhau về ý ở các ẩn dụ: khói lửa -xanh tươi, mưa
bom bão đạn- lòng thanh thản, nhạt muối, vơi cơm - miệng vẫn cười. Qua thế
đối lập ấy, tác giả muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Dân tộc của những người con anh hùng, cháy sáng niềm lạc quan cách mạng. Họ có một phong thái ung dung, thanh thản đến lạ kì. Đó là tư thế đứng trên đầu thù, tư thế của người chiến thắng. Không đao to búa lớn, không hô hào khẩu hiệu, những ẩn dụ trên đã giúp Tố Hữu nói được một cách trọn vẹn và thấm thía vẻ đẹp của dân tộc mình. Tôn vinh, ngợi ca để khẳng định tư thế của dân tộc Việt Nam trong thời đại vả nhân loại. Trong thơ Tố Hữu còn nhiều ẩn dụ được xây dựng trong thế đối lập như thế. Chỉ xin nêu một vài dẫn chứng để làm căn cứ khẳng định cách kết hợp ngôn từ trong phép ẩn dụ đã tạo nên sắc thái biểu cảm.
Nguyên nhân thứ hai làm nảy sinh tính biểu cảm của phép ẩn dụ trong thơ Tố Hữu là việc hình thành thế bổ sung về nghĩa giữa các đơn vị ngôn từ thuộc cùng một phạm trù. Chẳng hạn: thuyền - bể, xuân - trời hồng, huyết
quản - máu, cạn máu - tàn hơi…trong các câu thơ góp phần biểu đạt ý tưởng
của tác giả.
Hình ảnh mùa xuân với trời hồng có sự gắn kết về ý nghĩa trong câu thơ:
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới Bạn đời ơi vui lắm cả trời hồng !
Sự gắn kết ấy có tác dụng bổ sung cho nhau tạo nên trường liên tưởng rộng và sâu. Ẩn dụ nhân hóa xuân bước nhẹ cho thấy bước đi của mùa xuân nhẹ nhàng và thanh thoát, đẹp trẻ trung và tươi mới. Nó gợi những cảm xúc phơi phới, phấn chấn, lạc quan và yêu đời. Ẩn dụ trời hồng đã vượt ra ngoài nghĩa gốc vốn có của nó để chỉ tương lai xán lạn đang chờ con người trong niềm lạc quan vô bờ. Hai hình ảnh thơ cùng nằm trong trường liên tưởng về thiên nhiên, vũ trụ với cái đẹp, sức sống và niềm vui.
Những từ ngữ: dòng khe - tre lau, núi - vách đá, cây lá - ngàn sâu
trong cách nói nhân hóa tài tình đã góp phần bổ trợ cho nhau trong việc thể hiện nội dung, ý tưởng. Thiên nhiên Việt Bắc - quê hương cách mạng năm xưa với cây rừng, hương núi, gió ngàn ùa về làm xốn xang lòng người. Hình ảnh thơ không chỉ gợi về không gian đất nước mà còn gợi những cảm xúc ấm áp, thân thương, tình cảm thủy chung trước sau trọn vẹn. Nhừng từ: hỏi -
nghiêng đầu - nghe - hát mà tác giả gán cho vạn vật đã đem đến cho thế giới
thiên nhiên vẻ đẹp đầy hấp dẫn. Nhà thơ trò chuyện với thiên nhiên và để thiên nhiên tự trò chuyện về một con người vĩ đại - linh hồn của kháng chiến. Tố Hữu đem đến cho thiên nhiên Việt Bắc một không khí sống động và tình tứ:
Hỏi dòng khe ấy, hỏi tre lau
Những tháng ngày xưa Bác ở đâu ? Núi vẫn nghiêng đầu nghe vách đá Hát cùng cây lá gió ngàn sâu
(Bác ơi !)
Tính biểu cảm của phép ẩn dụ tu từ đã góp phần cho thơ Tố Hữu có sức hấp dẫn đặc biệt. Nội dung tư tưởng tan chảy trong ngôn từ để tạo nên thế giới hình tượng đem tới những rung cảm sâu xa cho người đọc.