Ẩn dụ tượng trưng

Một phần của tài liệu Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu (Trang 46 - 48)

Ẩn dụ tượng trưng là sự kết hợp của một khái niệm trừu tượng với một khái niệm về cảm giác. Ẩn dụ tượng trưng được hình thành trên cơ sở tính không đồng loại của hai khái niệm: một khái niệm trừu tượng và một

khái niệm cụ thể. Những khái niệm về cảm giác trong ẩn dụ tượng trưng đã có hiện tượng chuyển nghĩa từ trường nghĩa vật chất sang trường nghĩa tinh thần. Thế giới tâm hồn, cung bậc cảm xúc của con người vốn vô hình, phức tạp và khó gọi tên. Nhờ ẩn dụ tượng trưng, thế giới tinh thần ấy vẫn hiện lên rõ ràng với những sắc thái cụ thể:

Dậy lên, hỡi những linh hồn thép

(Dậy lên thanh niên)

Linh hồn thép là sự kết hợp giữa hai khái niệm khác loại. Linh hồn chỉ

thế giới tinh thần, cái thuộc về tâm linh, vô hình, khó nắm bắt. Thép vốn là khái niệm cụ thể, vật hữu hình, nhìn ngắm, sờ mó và định đoán được. Nhờ có sự kết hợp này mà ta hình dung được tinh thần, nghị lực và bản lĩnh của người cộng sản. Linh hồn thép ấy được hun đúc bởi khối căm hờn của người chiến sĩ. Cách nói khối căm hờn cũng được kết hợp theo kiểu trên.

Trong lòng anh hun lại khối căm hờn (Châu Ro)

Khối là khái niệm thuộc về vật chất, nhìn thấy hình thù, thấy được kích thước nhỏ to…Căm hờn thuộc về tinh thần, chỉ trạng thái cảm xúc của con người. Ẩn dụ khối căm hờn trong câu thơ đặc tả nỗi hờn căm được cô nén lại, hiện lên thành khối, thành hình. Đây là cách nói lạ nhằm cụ thể hóa nỗi căm hờn của nhà thơ. Ẩn dụ tượng trưng đã phát huy được thế mạnh của nó trong việc biểu đạt thế giới tinh thần của con người. Tố Hữu nhìn thấy "Cả tương lai ngào ngạt vị thơm bùi" trong niềm tin yêu cuộc đời:

Giàu đức tin nên vẫn thấy đời vui Cả tương lai ngào ngạt vị thơm bùi

(Nhớ người)

Tương lai là một khái niệm trừu tượng, chỉ những dự định của con người ở phía trước.Vị thơm bùi lại tác động trực tiếp tới giác quan của con

người. Hương thơm ngào ngạt lan tỏa trong không gian tác động tới khứu giác và vị bùi ngậy mà con người cảm nhận được bằng vị giác. Hương vị ấy gắn với thế giới vật chất hiện hữu xung quanh ta. Như vậy, ẩn dụ tượng trưng ở đây đã có sự kết hợp của hai khái niệm khác loại tạo nên những liên tưởng lạ. Cũ và mới, quen và lạ luôn có sức hút đối với mỗi người. Nhà thơ nhìn thấy ở phía trước những điều mới lạ đầy hấp dẫn:

Vượt muôn trùng sóng lớn đường xa Ta sẽ đến, những chân trời mới

(Chân trời mới)

Chân trời mới là ẩn dụ nói tới bao điều mới mẻ trong cuộc sống mà

con người đang khao khát hướng tới. Đó cũng là miền đất lạ, hứa hẹn tương lai tươi sáng, rạng ngời. Miền đất ấy mời mọc và giục giã con người hướng tới.

Như vậy, ẩn dụ tượng trưng là sáng tạo độc đáo, mới lạ của nhà thơ và sự sáng tạo ấy phù hợp với thói quen sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng. Do đó, khi tiếp cận các ẩn dụ tượng trưng, ta có cảm giác vừa như lạ, như quen. Trong thơ Tố Hữu, ẩn dụ loại này xuất hiện 28 lần với những kết hợp từ độc đáo, bất ngờ.

Một phần của tài liệu Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu (Trang 46 - 48)