Cơ chế tạo hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 26 - 28)

Trong hệ thống cấu trúc nghệ thuật của hoàn cảnh còn có yếu tố cơ chế. Cơ chế là nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, sự vận động của nhiều nhân vật. Theo tác giả Phạm Mạnh Hùng, cơ chế của hoàn cảnh, bao gồm ba loại.

- “Cơ chế hành động: Những nguyên tắc chỉ đạo, tổ chức hành động của hệ thống các nhân vật” trong tác phẩm.

- Cơ chế tâm lí xã hội: Những nguyên tắc chỉ đạo, chi phối quá trình tâm lí của các nhân vật.

- Cơ chế đạo đức, phong tục: Những nguyên tắc đạo đức phong tục tập quán, thói quen... chi phối tới tâm lí và hành động của các nhân vật” [17. 93].

Cũng theo tác giả Phạm Mạnh Hùng, trong hệ thống cấu trúc nghệ thuật của hoàn cảnh, cơ chế là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ, rõ rệt tới số phận tính cách nhân vật. Trong các tác phẩm văn xuôi thuộc trào lưu hiện thực phê phán, nhân vật thường được xây dựng theo hai tuyến chính diện và phản diện nên việc nhận ra cơ chế trong tác phẩm không phức tạp như trong các tác phẩm văn học sau 1975, nhất là văn học đương đại. Bởi văn học sau 1975 (trong đó có các truyện ngắn thuộc tập truyện chúng tôi đang nghiên cứu) đã có sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người. Con người không nguyên phiến, không trùng khít với địa vị xã hội của nó mà rất đa diện trong cuộc sống đa sự, đa đoan. Song, dựa trên những cơ sở lí thuyết: “Cũng phong phú đa dạng như chính cuộc đời, trong một hoàn cảnh nghệ thuật có thể có nhiều cơ chế, trong đó nổi lên một cơ chế chủ đạo. Và mỗi nhà văn, có thể thường chú ý đến một loại cơ chế khác nhau, kết quả của sự cảm nhận, khám phá riêng” [17. 93], chúng ta có thể xác định được trong một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu có cơ chế “Sám hối”: (Quỳ - Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) trong câu chuyện với nhân vật Tôi luôn day dứt ăn năn về những sai lầm của mình trong tình yêu với Hòa... Người họa sĩ (Bức tranh)

không thể yên ổn về tinh thần trong thực tại vì những hành động vô tâm trong quá khứ)... Hay trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái) có cơ chế “thực dụng, hận thù”, trong “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) là cơ chế “lạnh lùng, tàn nhẫn”...

Việc phản ánh những cơ chế hoàn cảnh không giống nhau cho dù cùng chung một trào lưu văn học trong một thời kì (ví dụ trong trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945, tác giả Phạm Mạnh Hùng đã phát hiện ra: Tắt đèn

(Ngô Tất Tố) chú ý khắc họa cơ chế trấn áp bạo lực, Giông tố (Vũ Trọng Phụng) làm nổi bật cơ chế dâm lọan, Sống mòn (Nam Cao) thể hiện cơ chế sống mòn, lạnh lùng...)... góp phần tạo nên bức tranh phong phú của văn học thời kì này. Tìm hiểu được cơ chế hoàn cảnh trong tác phẩm giúp chúng ta nhận rõ năng lực, sở trường, vốn hiểu biết, nhận thức, khám phá, lí giải hiện thực, thái độ của nhà văn.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)