Nhịp điệu dàn trả

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 113 - 124)

Xét trên bình diện hình thức nghệ thuật bên trong của văn học thì nhịp điệu là một thành tố quan trọng. Nó thể hiện sự nhạy cảm, khả năng tái hiện sự vận động cuộc sống một cách thẩm mỹ, ấn tượng của người nghệ sĩ. Trong chương 1 chúng tôi đã lưu ý về sự phân biệt nhịp điệu của tổ chức câu văn với nhịp điệu với tư cách là yếu tố nằm trong cấu trúc của hoàn cảnh… Tìm hiểu tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, chúng tôi nhận thấy nhịp điệu cơ bản là dàn trải, chậm chạp. Trong những sáng tác của nhà văn trước năm 1975, nhịp điệu trần thuật thường nhanh, gấp, gắn với sự kiện, hành động bên ngoài nhân vật (Trong tiểu thuyết Dấu chân người lính người đọc luôn bị hút theo những sự kiện dồn dập, liên tục của chiến dịch Khe Sanh. Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là những hành động, sự kiện bên ngoài của những người lính Khuê, Kinh, Lượng, Lữ…Những truyện ngắn như Mảnh trăng cuối rừng, Nguồn suối, Người mẹ xóm nhà thờ… cũng đầy những sự kiện dồn dập, bất ngờ)… Nhưng từ sau 1975, nhịp điệu trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã trở nên chậm rãi, chùng xuống gắn với sự vận

động của thế giới nội tâm của nhân vật. Nhịp điệu dàn trải, chậm chạp trong nhiều truyện ngắn của ông toát lên từ một phương thức thể hiện quen thuộc. Đó là sự miêu tả quá khứ qua những dòng hồi tưởng của nhân vật. Hoài niệm như là nhu cầu sống của nhân vật. Nhiều khi chỉ từ một sự việc rất bình thường, ngẫu nhiên của cuộc sống mà nhân vật hồi tưởng suy nghĩ rất nhiều, rất lâu về quá khứ. Sự hồi tưởng được biểu lộ bằng các từ ngữ trực tiếp: hồi ấy, nhớ lại, dạo trước, khi ấy… xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm. Những từ ngữ thể hiện sự hồi tưởng trực tiếp ấy khiến người đọc có cảm giác quá khứ mới là môi trường tồn tại của nhân vật. Mỗi sự kiện trong hiện tại bị chêm xen liên tục bởi những sự kiện, ấn tượng, cảm giác trong quá khứ. Sự hồi cố liên tục trong tác phẩm khiến nhịp điệu truyện bị chậm chạp, kéo giãn, người đọc có cảm giác thời gian quay vòng trở lại.

Trong Bức tranh, sự kiện chính là cuộc gặp gỡ tình cờ của người hoạ sĩ với người chiến sĩ năm xưa sau tám năm. Mạch trần thuật bị chậm lại bởi những suy nghĩ, hồi tưởng, độc thoại và đối thoại nội tâm của nhân vật hoạ sĩ về sự việc xảy ra trong tám năm về trước. Trong tác phẩm có nhiều đoạn văn hoàn toàn miêu tả tâm trạng người hoạ sĩ khiến cho mạch kể giãn ra, nhân vật tự bộc lộ cảm xúc. Chính những lúc đó, người đọc có những khoảng dừng cần thiết để đi vào “con người bên trong con người” của nhân vật, cảm nhận rõ được cái không khí sống của nhân vật lúc đó.

Đến với truyện ngắn Bên đường chiến tranh, ta thấy nhịp điệu trần thuật nhiều lần bị chậm lại vì thời gian không nhất quán. Những hồi tưởng của nhân vật chính về quá khứ hơn ba mươi năm về trước làm cho thời gian như cứ kéo dài ra, nhịp điệu chậm chùng mang không khí lặng lẽ. Ngay cả khi Thuỵ và Hạnh gặp lại nhau sau ba mươi năm, thời gian cũng như ngừng trôi để họ cùng sống về quá khứ: “Người đàn bà chủ nhà trong một phút cứ để

mặc cho tất cả nỗi xao động về mối tình đầu từ thuở còn xa lắc trong quá khứ và không bao giờ quên được tự do chiếm lấy tâm hồn mình” [6. 161]…

Ở truyện Sắm vai, nhịp điệu truyện được đan xen bởi nhiều đoạn suy nghĩ của nhân vật Tôi khi diễn tả quá trình nhà văn T đánh mất mình rồi lại tỉnh ngộ tìm lại được con người thật của mình… Trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, tác giả không nhằm miêu tả các biến cố hay tiến trình sự kiện của đời sống chiến tranh. Nhà văn giống như một vị thám tử khi tìm hiểu những biến động tinh vi trong nhận thức, chiêm nghiệm về cuộc sống của người phụ nữ Quỳ. Hiện dần lên trong tác phẩm là gương mặt tinh thần của Quỳ đầy đa đoan, sóng gió. Thời gian cốt truyện chỉ là mấy ngày giáp tết ngắn ngủi trong bệnh viện, nhân vật Tôi chờ đợi gặp Quỳ để nghe chị kể chuyện. Những kí ức của chị hiện lên bắt đầu từ những câu hỏi xã giao về sức khoẻ, về tình yêu, quan niệm sống của nhân vật Tôi. Vì vậy, nhịp điệu trần thuật bị giãn cách và chậm rãi. Câu chuyện cuộc đời Quỳ được chị kể một cách lộn xộn, không theo diễn biến của dòng thời gian tuyến tính. Hơn thế, mỗi sự việc diễn ra lại khiến cho chị có bao xúc cảm, day dứt khôn nguôi. Một đêm thức trắng chăm sóc người yêu mà trong tâm hồn chị bao cảm giác đan xen: hồi hộp, mệt mỏi, căng thẳng, đau đớn, ân hận, hi vọng, luyến tiếc, tuyệt vọng... Chính những dòng tâm trạng ấy làm cho nhịp điệu trần thuật trở nên dàn trải. Trong Một lần đối chứng, bao trùm lên toàn bộ cốt truyện là dòng độc thoại nội tâm của nhân vật Tôi. Những sự kiện biến cố xảy ra chỉ là duyên cớ khơi gợi, kích thích năng lực ý thức của nhân vật. Vì vậy, nhịp điệu tác phẩm dàn trải trong dòng suy ngẫm, quan sát và đối chứng giữa cái thiện và cái ác, giữa lí trí và bản năng, vẻ đẹp của tình yêu hoang dã và thú tính…

Ở tác phẩm Cơn giông, thời gian cốt truyện chỉ có mấy tiếng đồng hồ trong một buổi chiều đến tối của một ngày cuối tuần, nhịp điệu cũng dàn trải, chậm rãi khi hai nhân vật Quang và Thăng cùng có những hồi tưởng về quá

khứ của mỗi người. Trên chuyến tàu cuối tuần về gặp người yêu, nhìn thấy cảnh vật hai bên đường Thăng lại nhớ về những kỉ niệm trong quá khứ chiến đấu gian khổ “mỗi thước đất trước mặt lại gợi nhớ một trận đánh”… Anh chìm đắm trong “những mẩu kí ức đầy nặng nề”, rất nhiều lần anh “sực nhớ, chợt nhớ”… về những điều đã xảy ra… Còn Quang trong khi chờ tàu, bất ngờ gặp một người con gái giống vợ y và y đã “âm thầm nhớ lại” quãng đời đã qua của mình… Khi Quang và Thăng gặp lại nhau tình cờ trong nhà Phận, người đọc tưởng rằng sẽ có sự kiện gay cấn nào đó diễn ra, nhưng nhà văn đã đi sâu miêu tả những suy nghĩ trong tâm tư của Thăng về Quang. Thời gian hiện tại như ngưng đọng, căng thẳng khi Quang ngôì im lặng và Thăng lại chìm vào hồi tưởng…

Tác phẩm Bến quê chỉ miêu tả một phần đời cuối cùng của Nhĩ. Nhưng nhịp điệu trần thuật cũng chậm chạp theo những suy nghĩ một cách buồn thương của Nhĩ về cuộc đời của con người. Nhịp điệu chậm chạp theo giây phút chờ đợi đứa con thực hiện ý định của Nhĩ. Sự chờ đợi trong những giây phút ấy quả thực trở thành một hành trình mệt nhọc khó khăn, sốt ruột, hồi hộp nhất trong cuộc đời Nhĩ.

Dòng suy nghĩ của nhân vật nhà văn và người thủ thành trong Dấu vết nghề nghiệp cũng trở thành một nhân tố kéo dãn mạch trần thuật của truyện. Những ngày cuối cùng của đời ông thủ môn triền miên trong những hồi ức, ăn năn về quả bóng thứ năm. Dòng tâm trạng ấy làm cho cảm giác thời gian chậm lại và xoáy vào chiều sâu tinh thần nhân vật, tạo nên sự căng thẳng, nặng nề...

Câu chuyện trong bữa cơm của Định và lão Khúng (Khách ở quê ra) kéo dài lê thê theo những kỉ niệm của hai người.(Mở đầu truyện là cảnh lão Khúng ngồi ăn cơm, khề khà uống rượu và đến khi lão buông đũa nói “cháu đủ” thì đã kéo dài 37 trang văn!). Từ câu chuyện về lão chắt Hoè đến chuyện

thằng Dũng đi bộ đội, lão Khúng nhớ đến mụ Huệ, thằng Mới... Trong khi quan sát lão Khúng kể chuyện, Định cũng hồi tưởng lại những lần anh đến thăm gia đình người cháu này như thế nào. Nhịp điệu truyện trở nên dàn trải vì những dòng hồi cố đan xen như vậy...

Nhịp điệu dàn trải có thể là do nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật (Nguyễn Minh Châu luôn chú ý xây dựng độc thoại nội tâm. Điều này khác với Nguyễn Khải thường sử dụng đối thoại trong xây dựng nhân vật, Ma Văn Kháng lại sở trường trong việc sử dụng giai thoại, huyền thoại với những đoạn trữ tình ngoại đề làm chậm nhịp trần thuật...) cũng có thể là nhịp điệu chậm chùng theo diễn biến của dòng đời thực. Đó là các tác phẩm Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp, Một người đàn bà tốt bụng, Hương và Phai… Trong những tác phẩm này, nhà văn thường hay xen vào mạch kể những triết lí về thế sự, chiêm nghiệm về nhân tình thế thái… tạo điều kiện cho người đọc vừa đánh giá về nhân vật vừa soi vào bản thân… Nhịp điệu trần thuật chậm theo sự chảy trôi chậm chạp của dòng đời sống “Sự đời cứ diễn ra như thế”

(Bandắc), ở các truyện này đã góp phần thể hiện không khí của hoàn cảnh nghệ thuật…

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những biểu tượng trong các tác phẩm cũng trở thành một yếu tố làm cho nhịp điệu trần thuật trở nên chậm chạp, thư giãn... Những biểu tượng như là nơi dồn nén của cảm xúc, tư tưởng, tình cảm, sự kiện, tình huống làm cho mạch truyện đi vào chiều sâu, tạo không khí cho hoàn cảnh nghệ thuật... Hình ảnh giếng nước mát trong (Bên đường chiến tranh) luôn đi suốt cuộc đời hai người yêu nhau (Thuỵ và Hạnh). Hình ảnh này tạo nên ấn tượng đặc biệt cho những người đã đến ngôi nhà ấy, nó như tấm lòng trong sáng của chủ nhà, làm dịu đi cảm giác mệt mỏi của con người trong xa cách, éo le. Sự xuất hiện trở lại của hình ảnh này trong lúc hai người gặp nhau sau ba mươi năm tạo ra điểm nhấn tâm trạng, tạo ra vòng xoáy của

dư âm nuối tiếc và nhịp điệu truyện như ngưng đọng trong giây phút bên giếng nước đó... Trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, các biểu tượng: đoàn tàu mộng du, nụ cười bí ẩn, khi thì tạo thành những cảm giác xa xăm, hư hư thực thực, khi thì như những vòng xoáy cuốn con người vào dòng nội tâm sâu thẳm, bí mật của con người. Vì thế, sự vận động của cuộc sống hiện tại như ngưng đọng, chỉ có mạch tâm trạng chảy trôi (thời gian trong tâm hồn được kéo dài). Những biểu tượng này đã làm cho mạch trần thuật dàn trải và qua đó cũng góp phần tạo nên cho tác phẩm không khí huyền thoại... Tấm

gương soi trong quán cắt tóc, bức tranh chân dung tự hoạ (Bức tranh) cũng như một phương tiện để soi chiếu bộ mặt thật của con người hoạ sĩ. Những dằn vặt, hối hận, sự đối chứng của lương tâm liên tục diễn ra khiến cho sự kiện ngồi cắt tóc bị nhoè đi mà nổi bật lên là những suy nghĩ của người hoạ sĩ... Biểu tượng cơn giông trong Cơn giông như một sự dồn nén, tích tụ những xúc cảm hiện tại, mở ra thế giới hồi ức với “những mẩu ký ức nặng nề”... Trong Khách ở quê ra là hình ảnh chiếc xe cút kít gắn liền với cuộc đời Huệ và Khúng, nó là cái thanh âm cuộc sống nhọc nhằn gian khó, quê mùa, luôn là tác nhân gợi lại những quãng đời, kỉ niệm trong dĩ vãng xa mờ...và làm cho Huệ có những trường liên tưởng: hồi hộp, âu lo, thảng thốt trong hoàn cảnh thực tại... Chính vì sự xuất hiện của những biểu tượng này tạo nên những ám ảnh đặc biệt với người đọc, đồng thời nó khiến cho mạch trần thuật bị chậm lại...

* * *

Trong tác phẩm văn chương, toàn bộ những hệ thống chi tiết nghệ thuật với những mối liên hệ của nó tạo nên tổng thể cấu trúc nghệ thuật của hoàn cảnh. Chính vì vậy, khi tìm hiểu hoàn cảnh nghệ thuật trong tập truyện chúng ta phải có cái nhìn tổng thể hệ thống tín hiệu nghệ thuật... Hoàn cảnh trong tác

phẩm văn học luôn gắn liền với việc thể hiện tính cách và chỉ có ý nghĩa thực sự khi thể hiện được tính cách, số phận nhân vật. Như vậy, cấu trúc của hoàn cảnh nghệ thuật trong tập truyện là một chỉnh thể bao gồm nhiều hệ thống yếu tố. Các hệ thống yếu tố này tồn tại không đơn lẻ mà có những mối quan hệ qua lại với nhau. Chính từ những mối quan hệ này mà nổi bật lên cấu trúc hoàn cảnh. Hoàn cảnh đã được xây dựng một cách nghệ thuật và đã tạo được không khí. Không khí của hoàn cảnh đã có tác động truyền cảm mạnh mẽ tới người đọc với những ấn tượng sâu sắc. “Đọc nó (tác phẩm) người ta buộc phải nhìn nhận, soi ngắm lại mình, buộc phải có một thái độ giận hờn, yêu ghét, trước những phải - trái, hay - dở, thiện - ác của đời sống” [37. 27]. Tạo ra được sự đối thoại như vậy giữa tác phẩm và công chúng là một thành công không nhỏ của người nghệ sĩ văn chương đích thực, tài hoa. Nguyễn Minh Châu từng viết về cảm nhận của mình khi đọc văn Nam Cao: “Chao ôi, đọc Nam Cao... tôi thấy ông thực nhân bản quá, thấu hiểu đời quá, lòng ông gần kề lòng mọi người quá. Cái việc như chẳng đâu vào đâu mà lại như một tảng đá cứ đè trĩu lên lòng người đọc mãi” và “Ngòi bút ông lôi ra, làm sáng tỏ trước mắt người đọc không biết bao nhiêu những điều thuộc về lương tâm và đời sống tinh thần của con người, những cái điều thực sự hằng ngày vẫn giáp mặt với người đọc đương thời nhưng lại rất sâu xa và lâu bền, vĩnh hằng, mà lại rất chung, rất phổ biến ở mọi người, mọi nơi, mọi thời” [9. 194]. Giờ đây, chúng ta thấy những lời đồng cảm đó về Nam Cao cũng tương ứng với những cảm nhận của người đọc về văn chương Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Minh Châu có sự tiếp nối và phát triển kiểu văn xuôi tâm lí của Nam Cao. Trong thiên chức khám phá vào chiều sâu con người và hoàn cảnh, những trang văn Nguyễn Minh Châu không chỉ tạo nên phong cách riêng của nhà văn, mà đã mang tư cách “tiền trạm” trong phong trào đổi mới văn xuôi hiện đại.

KẾT LUẬN

Kiệt tác văn chương bao giờ cũng hàm ẩn một khả năng đối thoại, một cấu trúc mở và bao hàm trong nó tính vừa cụ thể vừa là ẩn số đa tầng, không dễ một lần khai thác hết... Với độ lùi thời gian hơn ba mươi năm, bạn đọc hôm nay có nhiều điều kiện khách quan, dân chủ trong việc đánh giá về giá trị các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là những truyện ngắn sau 1975 của ông (Truyện ngắn sau 1975 đã được đánh giá là sự thành công của Nguyễn Minh Châu trên hành trình đổi mới tư duy nghệ thuật. Chính nhà văn cũng đã tự chiêm nghiệm “Mình viết văn, cả đời tràng giang đại hải có khi chỉ còn lại vài cái truyện ngắn” [52.82] ). Trong cả cuộc đời lao động nghệ thuật say mê, nghiêm túc, nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn đau đáu, trăn trở tìm ra những mạch nguồn cuộc sống và những phương thức nghệ thuật biểu hiện mới... Với những đóng góp mới mẻ trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu đã có một vị trí xứng đáng trong nền văn học hiện đại Việt Nam... Vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã được rất nhiều các bài báo, các công trình khoa học đề cập, nghiên cứu. Luận văn “Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh trong tập truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa” là một đóng góp nhỏ bé của chúng tôi vào việc khẳng định sự “tiền trạm” của Nguyễn Minh Châu ở chặng đầu đổi mới văn học. Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh được thể hiện thông qua cấu trúc nghệ thuật của hoàn cảnh. Tìm hiểu cấu trúc hoàn cảnh nghệ thuật trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 113 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)