CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 96 - 103)

Trong phần lịch sử vấn đề, chúng tôi đã điểm lại một số ý kiến của các nhà nghiên cứu về không khí trong các tác phẩm thuộc tập truyện này, song, đó chỉ là những nhận xét, cảm nhận còn mang tính cảm tính, chưa hệ thống. Ở đây, chúng tôi muốn tìm hiểu không khí như một yếu tố nằm trong cấu trúc của hoàn cảnh. Không khí được hiểu là trạng thái tinh thần, là không khí xã hội toát ra từ toàn bộ tác phẩm, được thể hiện một cách nghệ thuật... vì thế nên tất cả những yếu tố nằm trong cấu trúc hoàn cảnh của các tác phẩm được nghiên cứu, khảo sát trên đây như: hệ thống nhân vật, mâu thuẫn xung đột, cơ chế, đều có tác dụng tạo không khí cho hoàn cảnh. Song, không chỉ có những yếu tố nằm trong hệ thống cấu trúc của hoàn cảnh ấy mà còn có một số hệ thống tín hiệu thẩm mỹ khác góp phần vào việc tạo không khí cho hoàn cảnh. Khi tìm hiểu không khí trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa, chúng tôi thấy nổi bật lên một số kiểu không khí sau.

3.2.1. Không khí căng thẳng, hồi hộp

Không khí căng thẳng, hồi hộp thể hiện trước hết ở những tình huống. Có nhiều tác phẩm chứa đựng các tình huống căng thẳng, hồi hộp. Đó là tình huống người hoạ sĩ (Bức tranh) quyết định quay trở lại quán cắt tóc để cho

người chiến sĩ năm xưa có thể “chỉ vào cái mặt tôi” để trách móc. Chính nhân vật hoạ sĩ cũng nhận thấy sự hồi hộp của mình lúc đó: “Tôi có cảm giác của anh bộ đội giữa trận đánh đồn vừa vượt qua lớp hàng rào để bám được vào cái đột phá khẩu” [6. 195]. Căng thẳng nhất là khi anh hoạ sĩ nằm trên ghế cắt tóc, đối diện trực tiếp với người chiến sĩ năm xưa: “Rồi người thợ cắt tóc một tay nâng ngửa cái mặt tôi lên, một tay cầm lấy con dao nhỏ sáng loáng. Tôi khẽ liếc mắt thấy lưỡi dao sắc lẹm, vậy mà anh vẫn đem mài đi mài lại trên một tấm da” [6. 195]. Quả thực, đó là những giây phút nghẹt thở với người hoạ sĩ. Anh không thể đoán trước được khi cái mặt thật của mình đã lộ ra rất rõ (anh nhìn thấy mặt thật của mình qua tấm gương soi) thì người chiến sĩ kia có định trừng phạt anh không? ...

Trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành có những khoảnh khắc làm tim người đọc se thắt lại, vô cùng hồi hộp căng thẳng… không khí căng thẳng, hồi hộp thể hiện trong cảnh ngộ Quỳ cố giành giật sự sống cho Hoà trong từng giây từng phút, trong tình huống Quỳ bắt gặp những trang nhật kí của những người lính liệt sĩ, của Hậu, giây phút cô từ chối tình yêu của bác sĩ Thương, giây phút cô đến tìm Ph… Tình huống cô Hoằng (Một người đàn bà tốt bụng) đem về khu tập thể cái tin con cún nhị thể bị điên… Người đọc cảm thấy nín thở trong khoảnh khắc Quang (Cơn giông) chạy “giữa hai làn đạn”. Càng căng thẳng và hồi hộp hơn khi Thăng trong tình thế đơn côi, bị thương nặng nhiều lần ngất đi trên con đường bò về hàng ngũ. (Ở đây nhà văn đã khéo léo sử dụng một loạt các câu đơn, ngắt dòng để diễn tả từng chặng lết đi của Thăng và tạo ấn tượng đặc biệt cho người đọc:

Anh đã vượt xa được chỗ đám người đứng được ba trăm thước. Rồi năm trăm thước.

Lần thứ hai anh ngất đi.) Rồi tiếp theo đó là hành động điên cuồng của giặc “chúng bắn như đổ đạn, như băm vằm một cách tuyệt vọng một cái chấm nhỏ xíu - một người chiến sĩ của ta đang bò về hàng ngũ” [6. 340]. Cảnh ngộ đó của Thăng thực sự căng thẳng… Người đọc khó có thể quên được hình ảnh của Thăng trong những giây phút mà “thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu). Có thể thấy cả đoạn văn miêu tả tình huống cam go của Thăng mang đầy màu sắc điện ảnh, hấp dẫn, hồi hộp... Tình huống cậu bé Phác (Chiếc thuyền ngoài xa) chạy vút về phía bố nó, vung chiếc thắt lưng đánh cha, tình huống hai chị em nó vật nhau để giành lấy con dao găm, tình huống người đàn bà vùng biển nằng nặc xin toà không bỏ chồng… Tình huống lão Khúng bỏ chạy vội vàng khỏi nhà tình địch (Khách ở quê ra). Tình huống con mèo cái trườn khỏi vòng tay đứa trẻ để đi theo gã mèo hoang “kẻ sát nhân” (Một lần đối chứng). Tình huống ông Thông treo cổ tự tử (Sống mãi với cây xanh)

Tất cả những tình huống ấy đều chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột, bất ngờ lôi cuốn người đọc. Có lẽ cũng vì thế mà Tác giả Bùi Việt Thắng đã từng nhận định “Tình huống trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang “sức nổ” còn truyện ngắn Nguyễn Minh Châu là “sức xoáy”” [15. 264]. Góp phần tạo nên cái bất ngờ, hồi hộp, còn có sự xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm những từ ngữ: bỗng, chợt, ngạc nhiên, không ngờ, chẳng thể ngờ, không thể tưởng tượng nổi… Những cái bỗng, chợt, không ngờ diễn ra không chỉ trong hành động, mà còn thể hiện trong suy nghĩ và hoạt động nói năng của các nhân vật, làm cho những câu chuyện có nhiều sắc thái và các nhân vật luôn được đặt vào những tình huống giao tiếp bất ngờ với chính mình. Nhân vật Hạnh (Bên đường chiến tranh), sau hành động hất gàu nước vào mặt đối thủ “bỗng khóc oà lên trên con đường hạnh phúc tình yêu mảnh nhỏ như sợ chỉ, lổn nhổn sỏi gan gà” [6. 148]; An trong khi đặt chân lên vùng chiến trường khác “bất ngờ nổi lên một nỗi nhớ cồn cào và da diết”, Thuỵ “không ngờ thế

mà Phái đã phỏng đoán được hết mọi chuyện”… anh “không ngờ đời Hạnh tiếp sau đó cho đến ngày lấy chồng đã phải lưu lạc khắp nơi…” [6. 169]. Người hoạ sĩ (Bức tranh)bỗng thấy tự ái” khi người chiến sĩ tha thiết thỉnh cầu vẽ một bức chân dung. Chính anh “không ngờ” người chiến sĩ ấy, hôm sau lại là người thồ tranh cho mình. Chính anh đã “không thể nào lường hết được quy luật đào thải của thời gian”. Nhân vật tôi (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) cũng trải qua những trạng thái cảm xúc: “không thể ngờ, bỗng giật thót, bỗng phát hoảng lên, chợt hiểu, chợt nghĩ, bỗng phỏng đoán,…còn trong tâm hồn người phụ nữ thông minh của Quỳ đã bao lần phải ngỡ ngàng: “bỗng như sực tỉnh, chợt khám phá ra, chợt thấy, chợt như có linh tính báo, bỗng khóc oà lên, chợt nghĩ ra, bỗng run rẩy, chợt tự nhiên khám phá thấy, bỗng hoảng hốt, chợt tìm ra, “không thể nào ngờ, chính Hậu cũng yêu tôi”, chợt nhớ lại giấc mơ của một chú bé (Trong tác phẩm này từ bỗng

xuất hiện 19 lần, từ chợt 17 lần)… Trong Một người đàn bà tốt bụng, những người trong khu tập thể cũng trải qua những tình huống không ngờ: “Cả dãy K chẳng ai ngờ thằng côn đồ trở thành một người lương thiện thực” [6. 457]. Biết được chuyện này “mọi người trong dãy K đều đột nhiên nhiễm tính hài hước” [6. 458]... Thăng (Cơn giông) “Chẳng hề bao giờ nghĩ có lúc anh lại yêu Phận; không ngờ Hân già và xấu đi đến mức thế” [6. 318] và anh cũng không hiểu sao lại không bóp cò súng khi Quang đã nằm trọn trong vòng ngắm của mình?và khi bọn giặc quyết định thả anh, Thăng mới chợt hiểu

rằng mình đang bị thương nặng, mới thấy sự thâm độc của chúng… Nhiều khi trước những sự việc bất ngờ, trước các nghịch lí đời sống, các nhân vật trong tập truyện không thể lí giải. Vì vậy, có rất nhiều nhân vật có cảm giác sững sờ, ngạc nhiên. Nhân vật Tôi (Sắm vai) khi thấy người hàng xóm của mình thay đổi đã “bắt đầu ngạc nhiên quá…một lần nữa anh lại làm tôi ngạc nhiên quá” [6. 388]… Nhân vật tôi (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) đã

hết sức ngạc nhiên” khi Quỳ cũng trở thành một bệnh nhân… Nhân vật nghệ sĩ (Chiếc thuyền ngoài xa) khi chứng kiến cảnh người chồng hành hạ người đàn bà vùng biển đã “khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn” [6. 500]… Khi người đàn bà chạy theo lão đàn ông, bãi cát trở về với vẻ im lặng hoang sơ, chỉ còn tôi và thằng Phác thì “hai chúng tôi ngơ ngác nhìn”… Nhân vật Tôi (Một lần đối chứng) khi nhìn thấy thi thể bốn con mèo con bị gã mèo hoang bị cắn chết đã không thể ngờ được nên “đứng thừ ra”… Khi chợt nhìn thấy thằng Dũng đang ngồi trong nhà tình địch, lão Khúng (Khách ở quê ra) đã “sửng sốt, rụng rời cả chân tay”, rồi sau đó trong lòng lão “tự nhiên” dâng lên “nỗi niềm cô độc”… Nhiều nhân vật (cả nhân vật động và nhân vật tĩnh) đều có những lúc có cảm giác sững sờ như vậy… Những cảm giác, tâm trạng ấy là do sự tác động của tình huống, của hoàn cảnh, chính vì thế nó cũng là những yếu tố thể hiện hoàn cảnh, một hoàn cảnh luôn có những điều không ngờ, không thể lường trước. Con người không còn đơn trị mà đa trị, lưỡng diện, luôn gặp những điều bất ngờ trong cuộc sống, trong những quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp…

Tìm hiểu những tình huống căng thẳng trong các tác phẩm của tập truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, chúng ta thấy không phải tác giả muốn phê phán một tính cách nào đó một cách gay gắt (điều này Nguyễn Minh Châu gần gũi với cây bút Nguyễn Khải) mà cuộc sống đa sự vốn tồn tại tự nhiên, phức tạp như vậy. Đúng như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nhận xét “ đây các tình thế đời sống được đưa ra như là thể hiện một sự chiêm nghiệm lẽ đời hơn là để phê phán một lối sống nào đó” [15. 263]. Nhìn từ phương diện hoàn cảnh nghệ thuật, những tình huống bất ngờ đó tạo không khí cho hoàn cảnh, giúp người đọc cảm nhận không khí đời sống được tái hiện tự nhiên thành không khí nghệ thuật, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ trong tác phẩm…

Khi tìm hiểu những tín hiệu thẩm mỹ có tác dụng tạo không khí căng thẳng, chúng tôi nhận thấy nhà văn thường miêu tả hình ảnh ánh nắng. An (Bên đường chiến tranh) trong khi vết thương mới gần khỏi đã “chống gậy tập tễnh đi bộ suốt cả ngày giữa trời nắng chang chang” [6. 150]. Quỳ trong lần đầu đến gặp Ph, chờ đợi hai tiếng đồng hồ “khi cơn nắng gắt của một ngày giữa hè đã chiếu xói vào một cái khuôn cửa sắt han gỉ và vạt áo quân phục sau lưng tôi đã nóng rực lên, tôi mới trông thấy một người đàn ông tiều tuỵ…” [6. 283]. Thăng trong Cơn giông bị trói, bị thương và bị đẩy đến bên lỗ huyệt “dưới nắng trưa cứ lấp lánh”. Sau đó, anh phải lết đi trên những gò đất tha ma, máu tươi ứa ra ngoài lần bông băng “dưới nắng trưa đầy gay gắt” anh bò đi trong cảnh những bông hoa dại đang “ héo quắt dưới trời nắng”. Định trong Khách ở quê ra về làng “trong cái nắng đến ngộp thở có pha lẫn mùi thuốc bom…trong cái nắng chiều ong ong, ngột ngạt, không lúc nào ngớt tiếng máy bay phản lực Mỹ…” [6. 554]. Những hình ảnh ánh nắng xuất hiện trong những tình huống ấy, đã trở thành hệ thống tín hiệu thẩm mỹ tạo ra cảm giác căng thẳng, ám ảnh...

Bên cạnh hình ảnh ánh nắng là hình ảnh ban đêm. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện nhiều trong tập truyện góp phần tô đậm thêm không khí căng thẳng, hồi hộp, những tình huống bất ngờ… Đêm đêm khi những người lính lặng lẽ bí mật vượt sông Đáy thì Hạnh cũng luôn thao thức trong đêm để lo lắng cho bố, cho An “đêm đêm nghe tiếng súng Hạnh lại hồi hộp chờ đợi”. Gia đình của Hạnh, dù ở gần hay xa đường cái, thì cũng thường có thói quen

thức rất khuya để lắng nghe bước chân của những đoàn bộ đội, dân công ra hoả tuyến. Đó là những đêm “mưa dầm trời tối. Cũng như mọi đêm khác” Hạnh không ngủ mà lắng nghe mọi âm thanh đang khuấy động lên trong lòng biết bao kỉ niệm không thể quên (Bên đường chiến tranh). Nhân vật hoạ sĩ sau khi từ chối vẽ chân dung cho người chiến sĩ, lại cùng anh ấy ở giữa rừng

sâu “rừng đêm tối mò và đầy hăm doạ” (Bức tranh). Nhân vật Tôinửa đêm thức giấc tôi bỗng phát hoảng lên vì những tiếng kêu rùng rợn ở phòng bên” [6. 199]. Quỳ thức suốt mấy đêm cuối cùng của đời Hoà để mong ghành lấy sự sống cho anh. Và đêm cuối cùng “gần suốt đêm hôm ấy” cô không dám rời mắt khỏi khuôn mặt của người yêu. (Cũng là một đêm có ca mổ dài suốt bốn tiếng đồng hồ, một ca mổ căng thẳng và mệt mỏi đối với bác sĩ Thương – tìm cách cứu sống người yêu của người mình yêu). Rồi “đêm đêm trong cái hang đá lạnh ngắt và tối om”, Quỳ trở dậy thì thầm gọi tên những người lính liệt sĩ đã từng yêu thầm, nhớ trộm cô. Cô “ngồi thâu đêm trong không khí im lặng” để suy nghĩ những giá trị con người, đất nước…Quỳ quyết định đến thăm mẹ Hậu và nhận là người yêu của Hậu cũng “vào một đêm trong chuyến đi xa nhất ấy” (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành).Đó là đêm mưa Thăng gặp lại Quang, Thăng đang vui vẻ bỗng ít nói hẳn đi. Khi chỉ còn hai người ngồi đối diện nhau thì Quang với cái “dáng ngồi khó khăn” còn Thăng thấy khó nói chuyện…(Cơn giông). Người nghệ sĩ nhiếp ảnh (Chiếc thuyền ngoài xa) có những đêm cùng với cậu bé Phác nằm cạnh nhau “mắt nhìn đăm đắm vào khoảng mờ trắng của sương đêm, cùng hồi hộp chờ một tiếng vạc rất nhỏ kêu thảng thốt trong bầu sương tít trên cao” [6. 492]… “những đêm” người nghệ sĩ khoác máy ảnh “đi lang thang” trong cảnh phá nước “trống trải”,

trong cơn bão đột ngột, chứng kiến cuộc mưu sinh thầm lặng, bấp bênh của con người vùng biển… Đó là những “đêm trăng sáng”, “đêm mùa đông”,

nhà văn (Tôi) trong Một lần đối chứng không thể nào ngủ được vì con mèo, vì những tiếng gào ầm ĩ hoang dã của nó. Thậm chí “trong một đêm tất cả mọi người trong khu tập thể của tôi lại chợt bàng hoàng, rùng mình ớn lạnh đến tận xương sống, bởi lại nghe tiếng “tên sát nhân” trở về gào ầm ĩ” [6. 548]… Trong đêm khuya, ông lão thủ thành day dứt và quyết định viết những dòng “suy đi nghĩ lại trong suốt mười năm” vào cuốn hồi kí … Đó là những đêm

giao thừa cô bé Loan (Sống mãi với cây xanh) lặng lẽ, hồi hộp bỏ vào thùng thư treo trên thân cây một chiếc lá… Loan và Huân trong những ngày đầu mới quen đã “ngồi thức bên nhau trắng một đêm vừa mưa vừa gió”. Huân cũng nói với Loan về việc mình phải đi chiến đấu trên biên giới trong “một đêm khuya”… Đó là “đêm khuya”, ông Thông chạy sang nhà bà Ngan rồi trở về định treo cổ tự tử…đó là “một đêm mát mẻ và hơi se lạnh”, bà Loan hồi tưởng lại cuộc sống trong cái hẻm ngày xưa với những con người lặng lẽ và chợt trông thấy hình ảnh bà Ngan lẩm cẩm ôm chiếc áo ba-đờ-xuy đứng chờ tiếng lọc cọc của bánh xe gỗ… Những không gian “đêm khuya” ấy là sự lựa chọn có dụng ý rất rõ của nhà văn. Không gian ấy làm nền cho chiều sâu tâm trạng của nhân vật được bộc lộ. Vì thế, nó trở thành yếu tố thẩm mỹ có hiệu quả tác động tới tâm lí của người đọc khá sâu sắc.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 96 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)