Kiểu nhân vật dị thƣờn g một hệ thống thẩm mỹ thể hiện quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của nhà văn

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 60 - 67)

niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của nhà văn

Khi nhắc đến kiểu nhân vật dị thường, người đọc thường nhớ tới một số nhân vật trong các tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Nguyễn Minh Châu là nhà văn thuộc thế hệ sau cũng vận dụng thành công thủ pháp nghệ thuật này và tạo dấu ấn riêng trên văn đàn Việt Nam thế kỉ XX. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã từng khẳng định: “nhân vật của anh độc đáo nhưng hơi cá biệt” [15. 243].

Ngay từ những truyện viết trước 1975, Nguyễn Minh Châu cũng đã xây dựng kiểu nhân vật dị thường. Đó là nhân vật bác Thỉnh (Cửa sông): là người đàn bà nhưng “chuyên ở trần, tính nóng như lửa không biết chiều lòng ai” chính nhân vật này cũng tự nhận mình giống như một “búi cỏ lông chông”

Phong (Lửa từ những ngôi nhà) không thích trở về hậu phương vì “Mua gì cũng phải xếp hàng. Làm gì cũng gặp những luật lệ…” nên anh thích quay lại những cánh rừng “những khung cảnh chiến tranh đầy phóng khoáng và dữ dội” [5. 69]. Phong yêu Lan nhưng khi yêu “anh không nghĩ đến tương lai ra sao…anh không băn khoăn, lo lắng trước hạnh phúc tương lai của anh và Lan” [5. 121]. Chính cái tính dị thường đó của Phong khiến cho Lan không hiểu anh ấy có yêu mình không và cô phải nói lời chia tay anh trong đau khổ…

Sau 1975, nhiều nhân vật của Nguyễn Minh Châu được xây dựng với một số nét dị thường về ngoại hình, tính cách. Người hoạ sĩ trong Bức tranh

đã tự hoạ mình với một khuôn mặt thật dị thường: “cái mặt người rất lớn: Những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: Dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng chỉ thấy một vệt màu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng” [6.198]. Cái khuôn mặt ấy “thật xấu xí và lạ lùng”. Để cho hình ảnh mặt người ấy xuất hiện ở đầu và cuối truyện không phải là một sự vô tình mà là một dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả.

Nhân vật Quỳ là người có cá tính mạnh mẽ, khác thường với khuôn mặt “luôn thay đổi sắc thái”. Là người con gái có thể làm rất nhiều nghề: diễn viên văn công, đánh máy, cấp dưỡng, in li tô, giao liên dẫn đường, chụp ảnh, vác súng đi lùng biệt kích, gác nghĩa trang liệt sĩ, làm phóng viên “tờ tin”, lái xe, tài vụ, quân y… đi đến đâu cũng có người yêu say mê…Trong cảnh chiến trường ác liệt, cô vẫn luôn đi tìm chân trời của những giá trị hoàn mỹ (điều mà ngay cả trong cuộc sống hoà bình cũng khó xuất hiện). Quỳ không bao giờ có cảm giác thanh thản mãn nguyện vì chị có “quá nhiều ham hố”.

Dưới cái nhìn của Quỳ, con người hiện thực bao giờ cũng trần trụi và quá đỗi tầm thường. Chị mang ảo vọng quá lớn, nên suốt đời chị như con tàu mộng du luôn chạy về quá khứ với những nuối tiếc, day dứt, hay huyễn hoặc mình cho tương lai với những điều chẳng có thật trong đời. Khi nhận ra “cuộc đời không có những thánh nhân” vậy mà chị vẫn muốn làm thánh nhân. Chính vì vậy, chị đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với một người mình không yêu (thậm chí lúc đó Ph còn chưa mãn hạn tù, đã có một đời vợ). Lí do cuộc hôn nhân ấy theo chị là để cứu vớt một con người có khả năng thực hiện hoài bão không bao giờ còn thực hiện được của bao người đã ngã xuống vì chiến tranh… Ngay cả nhân vật Tôi trong truyện cũng cảm nhận về chị “Những người đàn bà như Quỳ, tôi nghĩ trộm trong bụng, đối với cái đám đàn ông, chỉ có thể hoặc là cướp đoạt lấy người ta hoặc là bị người ta cướp đoạt, hoặc thống trị đàn ông hoặc bị đàn ông thống trị, thì mới tìm được sự yên ổn. Chứ khó có thể tìm đến với nhau bằng một thứ tình yêu thường tình được…suốt đời cho đến giờ sẽ là một cuộc săn tìm hư vô, trong con người sẽ luôn luôn có một phần ma quỷ nhập vào, và có lẽ, rồi cuối cùng chỉ có ý thức về trách nhiệm và bổn phận mới đánh chết được cái ý thức ma quỷ đó” [6. 213]. Khi tìm hiểu nhân vật Quỳ, đã có nhà nghiên cứu khẳng định khó mà tin được trong cuộc sống thực tại lại có một con người như thế (?).

Đến với tác phẩm Khách ở quê ra, người đọc có ấn tượng thật đặc biệt với nhân vật lão Khúng. Về nhân vật này, GS Hà Minh Đức có nhận xét: “lão Khúng có một cái gì rất tượng trưng, từ hình thù bên ngoài đến tính cách…” . Lão Khúng (cái tên gọi cũng chẳng giống ai) có đôi bàn tay xù xì “ như một tòa rễ cây”, còn cái mặt “màu da tai tái và dám nâu như da thuộc, với những đường nét gẫy khúc đầy khắc khổ, với những khoảng lồi lõm y như những tảng đất cày dắp lên, và từ sau hàng lông mày rậm rì và cứng, lúc nào cũng chiếu ra chung quanh một cái nhìn ngang bướng và đầy ngờ vực” [6. 589].

Cái dị thường về hình thức của lão cũng phản ánh hoàn cảnh sống và tính cách “tính nết trật trưỡng, đầy trái khoáy”. Mọi người có thể dè bỉu trai tân lại lấy nạ dòng nhưng lão cho đấy là sự nổi tiếng (vì “mụ Huệ” là người thành phố). Chỉ mình lão dám làm nhà trên nền ngôi đền khiến cả làng phải sợ. Lão thích sự đông con “ ở nhà quê mình nhà nào đông con mới có uy thế được”

[6. 567]. Lão quan niệm về hàng xóm “có thêm người là có thêm sự ganh ghét” [6. 568]. Lão không sợ cả làng, không sợ thần linh, nhưng lại ngoan ngoãn chấp hành yêu cầu của vợ không bao giờ được hỏi về cha của thằng Dũng là ai. Lão yêu thương tất cả những đứa con, dù có đứa lão biết chắc không phải là con mình. Nhân vật lão Khúng là một sáng tạo độc đáo, hấp dẫn trong thế giới nhân vật của Nguyễn Minh Châu. Nhân vật này có sức ám ảnh lớn với chính tác giả. Vì vậy, nhà văn đã tiếp tục để cho Lão Khúng trở lại trong tác phẩm Phiên chợ Giát - một kiệt tác của văn học hiện đại Việt Nam. Cho đến hôm nay, nhân vật này như đã bước ra khỏi trang sách, đang sống với cuộc đời rất sinh động của chúng ta.

Những nhân vật có ngoại hình dị thường trong tập truyện này còn phải kể đến Quang (Cơn giông) khi hắn chạy sang phía địch “cả cái mặt hắn vàng như trát nghệ, và tròng con mắt cũng vàng rực và trở nên long lanh như mắt một con mèo hoang” [6. 319]. Nửa năm sau, dù được ăn uống sung sướng hơn nhưng cái hình thức của hắn làm cho Thăng ác cảm “so với ngày xưa bây giờ hắn như một khối hồng huyết cầu, đặc biệt những ngón tay và cái cổ béo múp míp” [6. 328]. Con người mà trông “như một khối hồng huyết cầu” thì quả thực không thể có ấn tượng tốt đẹp, thậm chí còn cảm thấy ghê ghê…

Hai vợ chồng người đàn bà vùng biển (Chiếc thuyền ngoài xa) xuất hiện với những đường nét thô kệch “Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ. Người đàn ông đi sau. Tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi

chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ…” [6. 499]… Những nét ngoại hình ấy của họ, ngay từ đầu, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhà nhiếp ảnh đang đi săn tìm vẻ đẹp trên bãi biển thơ mộng...

Ông Thông (Sống mãi với cây xanh) cũng là nhân vật dị thường. Nhiều người thấy ông là một kẻ “hơi dở tính”, nhưng đối với các loài cây, ông là một người rất đáng kính, người có thể hiểu và trò chuyện thân mật với cây cối. Cả đời ông sống gắn bó thầm lặng với các loài cây, yêu cây như máu thịt của mình “vẫn lấy việc trò chuyện với cây cối làm niềm vui duy nhất, nguồn sống duy nhất” [6. 670]. Vật quý báu nhất của ông là chiếc xe bò chở cây lọc cọc và chiếc ba-đờ-xuy, thích ăn mặc giống như một vị nguyên soái trước các loài cây... Ông đã tìm cách tự tử khi người ta chặt đi cấy sấu già… Cô Hoằng (Một người đàn bà tốt bụng) già rồi mà đồng bóng, hấp tấp, hồn nhiên như tính nết trẻ con… Người thủ thành (Dấu vết nghề nghiệp) đã ở tuổi tám mươi ba, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời “cho đến cả con cháu ông cũng đã nói lẫn lộn, nhưng ông lại nhớ rành rọt hình dáng và tên từng cầu thủ tiền đạo đã từng dắt bóng vào trước mặt ông để sút.” [6. 465]. Rồi trước khi chết còn yêu cầu vợ dìu ra sân vận động, để kể lại sai sót của mình khi bắt cái quả bóng thứ năm và triết luận về bóng đá, về con người một cách sâu sắc rành rọt…

Nguyễn Minh Châu cũng có điểm gần gũi với Nam Cao trong khi miêu tả nhân vật ông thường sử dụng lối so sánh ví von con người với con vật, đồ vật (và thường so sánh nhiều chiều ở nhiều góc nhìn). Hậu “như một cái máy thu mà không phát” (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành). Cô Hoằng “y như một cái giỏ hoa thơm phức”, thằng Hùng “như một chiếc rây thần, những mẩy vàng nằm lại còn rác rển, bùn dơ lọt xuống” (Một người đàn bà tốt bụng). Hai con nhóc “y như hai con ma xó vậy” (Hương và Phai). Lão Khúng được miêu tả “y như một con bọ hung vừa dưới đất chui lên…y như

một toà rễ cây…y như tảng đất cày đắp lên”. Lão Khúng và mụ Huệ như “một chiếc cốc pha lê bên cạnh một chiếc cối giã cua”. Thằng Dũng “như một cái máy cực tốt”… Lão chắt Hoè “y như đít cái nồi đất kho cá”(Khách ở quê

ra). Quang có con mắt “như mắt một con mèo hoang…hắn y như một con cú đậu trong bóng tối”. Hân bây giờ “như một bông hoa bị gãy cuống”(Cơn giông).Vợ nhà văn T “ như một đoá hoa, như một con chim…như một hòn đá

(Sắm vai). Lão chồng “tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền… như một con gấu”, thằng Phác như “ con sói con… con hổ con… như viên đạn”, đứa con gái “mềm mại và nhanh nhẹn như một con vượn đen tuyền”(Chiếc thuyền ngoài xa). Bà Ngan “cứ y như một hòn đá tảng kê cột nhà” (Sống mãi với cây xanh)… Điều lí thú là nhà văn thường so sánh nhân vật với những gì gần gũi xung quanh môi trường sinh hoạt của họ vì vậy nó có bản sắc riêng, ấn tượng riêng với bạn đọc.

Quan niệm về cuộc đời và con người của nhà văn thường được thể hiện trong việc xây dựng những nhân vật... Nguyễn Minh Châu miêu tả những nhân vật có vẻ dị thường và nhân vật có vẻ ngoài xấu xí, thô kệch không có nghĩa là nhà văn miệt thị con người, mà nó như là một phương tiện thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Nguyễn Minh Châu quan niệm cái xấu xí, dị thường như là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa con người và hoàn cảnh. Qua chân dung con người có thể cảm nhận được tính cách và hoàn cảnh sống của họ như thế nào. Trước đây, Nam Cao xây dựng những nhân vật có sự dị thường về ngoại hình, tính cách là để nhằm mục đích tố cáo gay gắt sự tác động nghiệt ngã của hoàn cảnh xã hội lên số phận của con người. Xã hội thực dân nửa phong kiến áp bức, huỷ hoại, làm biến dạng con người cả về nhân hình, nhân tính, biến người lương thiện thành quỷ dữ... Còn Nguyễn Minh Châu xây dựng các nhân vật dị thường như “một dạng tồn tại tự nhiên,

hình thái tự nhiên” (Lã Nguyên) của cuộc sống. Hệ thống những nhân vật ấy cũng là yếu tố tạo không khí cho hoàn cảnh, thể hiện hoàn cảnh nghệ thuật.

Khi tìm hiểu thế giới nhân vật của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện này, ta thấy; có nhiều lần nhà văn miêu tả hình ảnh những bà già, những em bé, những phụ nữ đẹp cả về ngoại hình và tính cách. Trong các sáng tác trước 1975, đó là hình ảnh những con người có nhiều phẩm chất tốt, nhưng gặp thiệt thòi vì chiến tranh; Y Khiêu (Nguồn suối), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng), Lan (Lửa từ những ngôi nhà), Nết (Dấu chân người lính)… đều là những cô gái đẹp, tâm hồn trong sáng, nhưng thiệt thòi trong tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình…Bây giờ, trong tập truyện này, những cô gái: Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Hạnh (Bên đường chiến tranh), Phấn (Hương và Phai), Loan (Sống mãi với cây xanh), Liên (Bến quê)…

vẫn là những người tình, người vợ tảo tần, chung thuỷ nhưng cũng gặp biết bao mất mát, thiệt thòi vì chiến tranh, vì cảnh sống còn nhiều lam lũ… Những bà già; bà Việt (Bên đường chiến tranh) mất chồng nên hoá điên dại, bà mẹ người thợ cắt tóc (Bức tranh) tưởng con trai hi sinh nên khóc mù cả hai mắt, bà mẹ của Hậu có “cặp chân đen đúa và nứt nẻ”, cô đơn vì mất con, bà mẹ Hoà vất vả lam lũ với “đôi bàn tay đầy những vết sẹo từ bao đời, đôi bàn tay đầy những u chai sạn từ bao đời” (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), bà Thanh “bị ung thư, mặt gầy rạc” (Một người đàn bà tốt bụng), bà mẹ chị Hằng (Mẹ con chị Hằng) hiện lên với vẻ lật đật, tội nghiệp, lăn lộn hi sinh vì các cô con gái nhưng nhiều khi lại nhận được những lời giận dỗi, trách cứ. Các con dường như chỉ biết hưởng thụ từ bà chứ không biết đền đáp công lao ấy… Còn những đứa trẻ, dường như cái phần hồn nhiên ít hơn xưa. Đó là những em bé gái sớm có tính cách người lớn. Đó là Phai (Hương và Phai) sớm phải là lao động chính trong gia đình. Cô con gái (Chiếc thuyền ngoài xa) có suy nghĩ tỉnh táo, khéo léo như một phụ nữ thực sự trong môi trường

sống nhiều nghiệt ngã, Lan (Một lần đối chứng) có tình yêu loài vật dịu dàng, có trái tim nhân hậu. (Trước 1975, Nguyễn Minh Châu cũng từng miêu tả những em bé gái với nhiều ấn tượng tốt đẹp, như là những phiên bản về tính cách của những người bà, người mẹ: Hà (Lửa từ những ngôi nhà), Lý (Cửa sông), Hoa, Lan (Mảnh đất tình yêu))… Những cậu con trai có đứa thì lì lợm, ích kỉ ( Hùng trong Mẹ con chị Hằng), đứa thì cục tính, liều lĩnh (Phác trong Chiếc thuyền ngoài xa), đứa thì vô tâm (Tuấn trong Bến quê), chỉ có những đứa trẻ hàng xóm xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, nhưng thực sự hồn nhiên, vô tư (Bến quê, Một người đàn bà tốt bụng)… Tất cả những hệ thống nhân vật ấy là những yếu tố đan cài, dệt nên hoàn cảnh, là chất xúc tác đem lại những cung bậc tâm lí cho nhân vật chính. Thông qua đó, nhà văn muốn thể hiện những chiêm nghiệm, trăn trở về cuộc sống đa đoan. Chiến tranh chấm dứt nhưng những nỗi đau của nó vẫn còn hằn in trong biết bao gia đình, bao con người không mất mạng sống trong chiến tranh nhưng lại mất những cái họ có thể có trong hoà bình. Bi kịch cuộc đời hiện tại không phải chỉ có những cái chết, những chuẩn giá trị dường như đang có sự thay đổi, quy luật nhân - qủa phải chăng không có gía trị vĩnh hằng? …

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 60 - 67)