Lê lựu, Ma Văn Kháng trong giai đoạn này có ý nghĩa “tiền trạm” cho nền văn học mới...
1.2.2. Vài nét về sự đổi mới tƣ duy nghệ thuật có ý nghĩa “tiền trạm” của Nguyễn Minh Châu Nguyễn Minh Châu
Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh là một phạm trù thẩm mỹ trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Vì vậy, muốn tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh trong tập truyện trên, chúng ta cần tìm hiểu những nét cơ bản về tư duy nghệ thuật mới của Nguyễn Minh Châu sau 1975.
GS Hà Minh Đức đã nhận xét: “Khi những biến động xã hội luôn luôn tác động đến cuộc sống, số phận con người đổi thay, những vấn đề thế sự nhân sinh luôn đặt ra câu hỏi và giày vò lương tâm của mỗi con người thì người viết cũng phải suy nghĩ và có thái độ thích hợp” [13. 111]. Với tài năng và cảm quan nghệ thuật nhạy bén, sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã có sự vượt mình trong tư duy nghệ thuật. Trước 1975, người đọc bắt gặp một
Nguyễn Minh Châu dọc những con đường Trường Sơn để phát hiện và ngợi ca những “sợi chỉ xanh óng ánh” của tâm hồn con người Việt Nam (khi văn học đảm đương sứ mệnh phục vụ có hiệu qủa cho sự nghiệp cách mạng tác phẩm của Nguyễn Minh Châu không thể nằm ngoài dòng chảy đó). Những tác phẩm của ông trong giai đoạn này đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu cách mạng. Nhân vật thường là những con người anh hùng, mang vẻ đẹp tinh khiết, sáng trong, lí tưởng (Nguyệt, Bân, Kinh...). Mặc dù nhân vật được đặt trong hoàn cảnh chiến tranh - hoàn cảnh đau thương và vô cùng khốc liệt - nhưng hình ảnh những con người luôn làm chủ và chiến thắng hoàn cảnh. Viết về chiến tranh, nhưng các tác phẩm của ông không mang không khí chết chóc, thê lương mà tràn đầy lạc quan và cảm xúc lãng mạn (Hình ảnh Nguyệt - Mảnh trăng cuối rừng - bị thương trên cánh tay, không để lại dấu ấn khủng khiếp của sự hủy diệt mà in sâu vào tâm trí người đọc lại là nụ cười của cô lúc ấy chói ngời vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng)... Cảm hứng và giọng điệu bao trùm các sáng tác của ông lúc đó là trân trọng, ngợi ca một chiều. Bởi con người chỉ được nhìn nhận ở một chiều tích cực nhất “luôn được bao bọc trong bầu không khí vô trùng” (Niculin) và hiện thực thì được “tráng lên một lớp men trữ tình” (Nguyễn Minh Châu). Chính cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn khiến Nguyễn Minh Châu chưa có điều kiện đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật và những góc cạnh của đời sống chiến tranh. Nhà văn đã từng thừa nhận rằng: “Những điều viết ra trên trang giấy thì vẫn còn trơn tru, bằng phẳng và nhất là chưa phát hiện ra được cái quy luật chi phối cả quá trình cách mạng và tâm lí đa dạng của con người” [8.76]. Chính vì vậy, ngay trong những ngày chưa ngớt hẳn tiếng bom đạn, ông đã ấp ủ cho mình nhiệm vụ của người nghệ sĩ trong cuộc sống hòa bình: “Bây giờ ta phải chiến đấu cho cuộc sống của Dân tộc, sau này ta phải chiến đấu cho cuộc sống của từng con người, làm sao cho con người ngày càng tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài” [15. 390].
Đất nước hòa bình, nhưng cuộc sống mới lại đặt ra “một trường diện mới gay gắt và phức tạp” (Phong Lê). Nhà văn Nguyễn Minh Châu một thời mải mê ca ngợi vẻ đẹp của con người trong chiến đấu, nay dũng cảm “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Hiện thực và ý thức xã hội mới trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cuộc khám phá mới của Nguyễn Minh Châu. Từ tấm lòng chân thành đối với cuộc sống, Nguyễn Minh Châu đã in đậm dấu vết bản sắc tư tưởng cùng tiếng nói nghệ thuật của riêng mình ở cả hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975. Những tác phẩm văn học của ông trước 1975 được sáng tác theo lí tưởng đấu tranh đòi quyền sống cho cả dân tộc, còn sau 1975 là đấu tranh cho quyền sống của từng con người. Trong những tiểu thuyết xuất hiện ở giai đoạn giao thời: Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra, Lửa từ những ngôi nhà, Mảnh đất tình yêu tác giả đã khắc họa cuộc sống và con người sau chiến tranh với tất cả hạnh phúc và đau thương. Khó có nhà văn nào có thể khắc hoạ những đau thương, bi kịch, éo le… của chiến tranh hằn in trong từng số phận con người (sau chiến tranh) một cách đau đớn, xúc động như vậy. Đặc biệt, những truyện ngắn của ông sau này (in trong Chiếc thuyền ngoài xa), chú ý tới những vấn đề rất bình thường của cuộc sống nhân sinh. Những con người trong tập truyện không phải là những cá nhân kiệt xuất, đại diện, nhân danh một tư tưởng chính trị nào. Nhân vật sống với đúng nghĩa CON NGƯỜI, trong những mối tương quan nhằng nhịt, những trường diện mới. Ông đã quan niệm: “văn học và con người là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” [9. 21]. Trong những tác phẩm này, ông vẫn ca ngợi vẻ đẹp chân chính của con người (Vì đó vẫn là đối tượng và là đích đến của mọi tác phẩm văn học trong tương lai), nhưng đồng thời, nhà văn cũng rất nhạy cảm và dũng cảm dự báo những thói xấu của con người đương đại có thể làm xói mòn, thoái hoá các giá trị đạo đức truyền thống, cái ác có thể đến một cách hồn nhiên, không chủ
định khi con người luôn ích kỉ, vô tâm. Con người nhiều khi bị đẩy vào những ranh giới rất mong manh giữa lí trí và bản năng, thiện và ác, cao cả và thấp hèn, bao dung và thù hận… Ông trăn trở, đau đáu vì: “con người luôn luôn có một cuộc đấu tranh bản thân giữa cái thiện và cái ác, lí trí và dục vọng, cái riêng và cái chung ở bên trong từng con người... Người ta cứ phải luôn luôn giữ mình để khỏi lầm lỡ một cái gì xấu, ác” [15. 244]. Nhà văn quyết định xông vào “cái mặt trận đạo đức này”, nhưng đây không chỉ là cuộc chiến đấu lâu dài mà còn đầy trắc trở, chông gai. Bởi vì nếu trước kia, trong sự đối lập ta và địch rất rõ ràng thì nay trong đời thường cái ác bao giờ cũng mạnh mẽ, lẫm liệt, mưu ma chước quỷ còn cái thiện thì ngu ngơ, ngây thơ, cả tin. Dù vẫn mải miết đi tìm cái đẹp nhưng Nguyễn Minh Châu đã rất nhanh nhạy nhận ra cái đa sự, đa đoan của cuộc sống hiện tại: cuộc sống có cả ánh sáng và bóng tối, bản chất con người hoàn toàn không đơn giản... (Ngay sau sự mở đường của Nguyễn Minh Châu, có sự tiếp nối hào hứng của các nhà văn Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Hoàng Minh Tường, Chu Lai… Những sáng tác của họ mang đến cho văn học sau 1986 của ta những màu sắc mới…). Nhà phê bình văn học Nga Biêlinxki đã từng nói “Thơ trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật” (Thơ ở đây cũng chính là văn chương nói chung), cái đẹp chính là cuộc sống… Mải mê trong “vương quốc tình đời”, Nguyễn Minh Châu đã trở thành người có công khơi nguồn dòng sông văn học trở về với đời sống thường nhật vốn có. Những trang văn của ông được mở rộng ra “hứng lấy những vang động của đời” (Nam Cao). Với quyết tâm “Tôi muốn dùng ngòi bút tham gia tự lực vào cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày và trên khắp mọi lĩnh vực đời sống” [15. 245], ngòi bút của ông đã trầm tĩnh hơn để len lỏi vào các ngõ ngách đời sống tinh thần của con người với bao uẩn khúc, éo le, với bao xúc cảm phức tạp... Nhà văn có ý thức làm “một cuộc đối chứng”
lại với những quan niệm bảo thủ, những cái nhìn một chiều giản đơn về con người và cuộc đời. Nhân vật trong những tác phẩm sau này của ông không còn là sự cá thể hoá những phẩm chất chính trị của một thành phần xã hội nào đó mà thật sự là con người với số phận và những nét tính cách riêng biệt độc đáo và mang ý nghĩa khái quát lớn. Ngòi bút của nhà văn đã áp sát vào cuộc sống, đi sâu vào số phận cá nhân của con người để khám phá những “quy luật vĩnh hằng của gía trị nhân bản” và ông trở thành “một trong số người hiếm hoi chạm được vào những vỉa quặng lớn của đời sống” (Phong Lê) [31. 93], làm phong phú thêm nền văn hoá tinh thần của dân tộc.
Giả thử Nguyễn Minh Châu dừng sáng tác từ năm 1975, thì với những tiểu thuyết hấp dẫn, hoành tráng trong chiến tranh chống Mỹ cũng đủ để xác định một chỗ đứng vẻ vang của ông trên văn đàn dân tộc thế kỉ XX... Cuộc sống như một dòng sông không ngừng chảy, những nhà văn có tài năng và lương tâm nghề nghiệp cũng không bao giờ bằng lòng với những gì đã có mà luôn muốn tìm kiếm những bản sắc mới cho mình trong mỗi nhân vật, mỗi tác phẩm... Đổi mới tư duy nghệ thuật là hành trình không mệt mỏi, đầy bản lĩnh của nhà văn Nguyễn Minh Châu (Một hành trình gian nan, đầy mạo hiểm khi tư duy chung của cộng đồng còn e dè trước những cái mới lạ, đôi tai cộng đồng còn đang quen nghe những dàn đồng ca hùng tráng, con mắt của cộng đồng còn đầy định kiến “vừa ngây thơ vừa nghiệt ngã của một thời” (Tô Hoài) thì “một nốt trầm xao xuyến” cũng dễ bị tan biến trong dàn hợp xướng đó…).
Trước 1975 là những trang văn trữ tình, lãng mạn, đầy ắp trong đó là cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng lí tưởng của một thời. Sau 1975 (nhất là thời kì sau 1986), Nguyễn Minh Châu bước ra văn đàn với “khuôn mặt” mới với những nỗi dằn vặt, băn khoăn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và “tận chín tầng đất sâu” của cuộc sống. Cảm hứng lịch sử chuyển sang cảm hứng thế sự nhân sinh. Giọng văn lạc quan chuyển sang suy tư,
ngẫm ngợi, lắng vào chiều sâu. Đặc biệt những trang viết cuối cùng của ông trên giường bệnh là những thông điệp phức điệu đa thanh đến mức điêu luyện. Nó giống như những sợi tơ vàng, những giọt tinh hoa cuối cùng mà Nguyễn Minh Châu vội vàng từng giây phút dâng tặng cho cuộc đời...
Nhìn lại quá trình vận động của quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu qua hai thời kì trước và sau 1975, người đọc cảm phục sự nỗ lực vượt mình không mệt mỏi của nhà văn. Những thể nghiệm và kiếm tìm đầy dũng cảm trên hành trình nghệ thuật văn chương đã tạo nên cho ông một tiếng nói nghệ thuật, phong cách nghệ thuật độc đáo.
Được sống trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, lại sẵn mang trái tim nghệ sĩ mẫn cảm, Nguyễn Minh Châu đã ghi lại những trang đời sinh động, hấp dẫn... Chính tư duy nghệ thuật nhạy bén và luôn được bồi đắp những sắc diện mới đã tạo nên một sự nghiệp văn chương đẹp như chính cái tên của nhà văn.
Chƣơng 2