Những mâu thuẫn, xung đột tồn tại nhƣ những nghịch lí đời sống có giá trị thể hiện hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 76 - 81)

có giá trị thể hiện hoàn cảnh

Đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa, có thể thấy hầu như tất cả các tác phẩm đều có yếu tố nghịch lí, tuy nhiên có thể đậm nhạt nhiều ít khác nhau, khi thì ở các tình thế, các chi tiết, khi thì ở cách xây dựng nhân vật… và nhìn từ phương diện hoàn cảnh nghệ thuật nó có tác dụng tạo không khí, thể hiện hoàn cảnh.

Những điều mâu thuẫn luôn tồn tại trong cuộc sống con người. Những cái bất thường cận kề những cái bình thường. Con người có thể rất cưng chiều bao dung con mình nhưng lại khó tính, khắt khe với mẹ đẻ (Mẹ con chị Hằng). Nằng nặc đuổi người ta đi bằng được nhưng trong giờ phút chia tay lại bịn rịn, lưu luyến. (Đứa ăn cắp)… Bức kí hoạ vội vàng trong nửa tiếng đồng hồ lại là cái “đinh” đem lại vinh quang cho người hoạ sĩ: “thành công của nghệ thuật đôi khi lại là một cái gì rất cầu ơ” (Bức tranh). Ph không chủ động, không tán tỉnh, không yêu Quỳ từ đầu, vậy mà anh đã trở thành chồng của Quỳ. Biết rằng trên đời không có những thánh nhân, vậy mà Quỳ lại

muốn làm một thánh nhân. Con người có thể vượt qua mọi trắc trở, nguy hiểm để đến được với tình yêu. Những rồi chính người đó lại có thể rũ bỏ tình yêu thiêng liêng ấy vì những điều rất nhỏ nhoi và vớ vẩn. (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành). Truyện Hương và Phai dựng lại phép tính hoán vị đầy bất công và vô lí. Trong cuộc sống nhiều khi việc tối hệ trọng của một đời người này lại có lẽ bắt đầu bằng trò gán ghép của hai đứa trẻ “giàu tưởng tượng ở cái tuổi mà tất cả mọi cái gì lọt được vào bộ óc của chúng đều bị khúc xạ đi thành những ý nghĩ tinh quái” [6. 404]… từ trò chơi thành thật - thành nghịch cảnh: Gia đình cái Hương vốn khá giả hơn nay lại được chị Phấn biết thu vén, còn gia đình cái Phai đã khó khăn lại càng khó khăn hơn và cái Hương thì rảnh rỗi đi chơi còn cái Phai thì lại phải thành người lớn quán xuyến việc gia đình.

Nhĩ (Bến quê) là một người đã từng đi không xót một xó xỉnh nào trên trái đất nhưng lại chưa hề đi sang bờ bên kia sông quê mình. Đó là chân trời “gần gũi mà lại xa lắc”. Con người có khả năng làm được những điều lớn lao phi thường, nhưng nhiều khi lại bất lực trong những việc hết sức đơn giản. Sự trễ muộn chuyến đò trong ngày đối với người con chỉ là chuyện vô tình ngẫu nhiên, nhưng đối với người cha lại là nỗi lo lắng khắc khoải vì cuộc hành trình bị bỏ dở. Những mâu thuẫn nghịch lí thể hiện ngay trong sự nhận thức của Nhĩ “Hoạ chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới thấy hết được sự giàu có lẫn vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong vẻ tiêu sơ và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm say mê pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết” [6. 486]. Hoàn cảnh nghịch lí trong tác phẩm mở ra không phải đơn thuần chỉ là nhận thức ra những điều quý gía lớn lao trong những cái bình dị thường ngày.

Vì hạnh phúc của gia đình, những người đàn bà vùng biển chấp nhận “ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng”… đứa con gái đẹp như nàng tiên cá lại được sinh ra từ một người đàn bà thô kệch, xấu xí. Toà án muốn bênh vực thuyết phục “mụ” nhưng “mụ” lại van xin, thuyết phục lại các “vị chánh án” để được không bỏ chồng. Đôi bàn tay người chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ, giải phóng cả vùng đất này, nhưng laị không thể giải thoát cuộc sống của một người đàn bà khỏi cảnh khốn khổ, nghiệt ngã… Hoàn cảnh trớ trêu, không có lối thoát nào khả dĩ hơn là phải chấp nhận nghịch cảnh cuộc sống đó (Chiếc thuyền ngoài xa). Nhà văn T là người ưa sự yên lặng đơn giản, dạy người khác không được đánh mất mình, nhưng chính anh ta lại đánh mất mình, phải tham gia vào cuộc sắm vai bi hài (Sắm vai). Người thủ thành nổi tiếng bắt được bao quả hiểm hóc, lại để chui qua háng một quả mà trẻ con cũng bắt được (Dấu vết nghề nghiệp)…Tình thân và sự âu yếm cưng chiều của con người không thể làm mất được dấu vết hoang dã của loài vật (Một lần đối chứng). Con người hôm nay có thể cùng đứng trên một chiến tuyến, chung một mục đích lí tưởng nhưng ngày mai có thể trở thành kẻ thù. Một kẻ miệng có thể tuyên truyền phê phán, bộc lộ quan điểm lập trường cách mạng rất cứng rắn nhưng lại có thể “lộn sòng” ngay được (Quang trong Cơn giông)…

Như vậy, hệ thống những nghịch lí đã góp phần đan dệt nên hoàn cảnh nghệ thuật của tác phẩm. Qua hoàn cảnh nghệ thuật ấy, người đọc tìm thấy quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: Sự tác động nghiệt ngã của hoàn cảnh đã không chỉ ảnh hưởng tới đời sống vật chất, mà còn ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của con người. Hoàn cảnh đầy nghịch lí ấy đã tạo nên sức ám ảnh, day dứt trong lòng người đọc. Đồng thời, hoàn cảnh nghệ thuật ấy đã thể hiện được cảm nhận của nhà văn về cuộc sống; Cuộc sống luôn chứa đựng những đa dạng, phức tạp, bất ngờ với ý thức chủ quan của con người. Có lăn lộn, trăn trở, đi sâu vào thực tế

mới thấy được sự đa chiều của cuộc sống con người. Đằng sau vẻ thơ mộng có sự tàn bạo, đằng sau sự yên tĩnh có bão giông, đằng sau ánh sáng là bóng tối, đằng sau cái lãng mạn lấp lánh có hiện thực phũ phàng... Đó là những nghịch lí cuộc sống đang tồn tại quanh chúng ta, buộc chúng ta phải nhận thức để có những suy nghĩ và hành động hướng tới hoàn cảnh tốt đẹp hơn... (Nguyễn Khải cũng là nhà văn đã thể hiện thành công những nghịch lí đời sống, làm cho chính nhân vật cũng ngơ ngác không lí giải nổi: Đàn ông, Đàn bà, Người ngu, Bạn viết cũ…) và người đọc thấy thú vị, hấp dẫn đồng thời cũng thấy một xúc cảm chua chát bởi đó là những dáng dấp và nhịp sống thực, những nghịch lí đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta như “Một câu hỏi lớn, không lời đáp” (Huy Cận). Nhìn nhận hoàn cảnh còn đầy nghịch lí như vậy là một sự “dũng cảm rất điềm đạm”, sự trung thực của Nguyễn Minh Châu trước cuộc đời. “Con người lúc nào cũng đau đáu một niềm ham mê ấy, một khao khát ấy - viết sao cho chạm được vào các tầng sâu, vào tận đáy sâu những sự thật, về quê hương, đất nước, dân tộc mình. Không một niềm khắc khoải lớn, không một băn khoăn lật trở lớn không thể nào chạm được vào các tầng sâu ấy của sự thật” [31. 92-93]. Trước đây, nhà văn Nam Cao cũng từng viết “văn chương không thể là ánh trăng lừa dối” (Giăng sáng). Thực tế, cuộc sống của chúng ta cho đến ngày hôm nay vẫn còn chưa hết những đau đớn, nhọc nhằn. Trong cuộc mưu sinh thường nhật, con người vẫn tất tả, ngược xuôi...

Sao bây giờ lắm tiếng rao đêm Có tiếng trẻ thơ nghe như tiếng khóc, Có tiếng người già như tiếng nấc, Sao bây giờ lắm tiếng rao đêm?”

Sinh thời, Nguyễn Minh Châu là một trong số ít nhà văn mở đường rất coi trọng sự tiếp nhận của độc giả. Tư tưởng cách tân đó của ông được thể hiện một phần thông qua việc nhà văn miêu tả những xung đột, mâu thuẫn tạo dệt nên hoàn cảnh nghệ thuật… Khi chỉ ra những mâu thuẫn đời sống, Nguyễn Minh Châu không “giải quyết” nó theo kiểu “kết thúc có hậu” mà nhà văn muốn mở ra một khoảng trống lớn để người đọc có thể bước vào hiện thực bên trong trang sách cùng tham gia tranh luận với nhà văn, nhập vào nhân vật, thở chung bầu không khí xung quanh nhân vật, chìm đắm trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Như vậy, hoàn cảnh đã được nhà văn xây dựng một cách nghệ thuật, có chiều sâu, có sức hút, tạo nên “bản sắc” văn chương riêng của nhà văn…

Chƣơng 3

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về hoàn cảnh của Nguyễn Minh Châu trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)