Trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa, mâu thuẫn giữa tính cách và hoàn cảnh nhiều khi được phản ánh thông qua mâu thuẫn, xung đột trong tâm hồn mỗi nhân vật. “Văn xuôi hiện thực nhìn nhận xã hội trong quan hệ với số phận và ứng xử cá nhân. Hoàn cảnh là đối tượng ưu tiên của chính nó, nhưng con người vẫn là điểm tựa để nhìn vào hoàn cảnh. Văn học hiện thực xem con người là sản phẩm của hoàn cảnh, là tiêu bản của hoàn cảnh. Mổ xẻ con người là khám phá tác động của hoàn cảnh lên con người” [43. 229]. Nếu như trong sáng tác của những nhà văn Chu Lai, Hoàng Minh Tường, Ma Văn Kháng… thường xuất hiện những mâu thuẫn rất dễ nhận ra, thì mâu thuẫn, xung đột trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu không dễ nhận ra. Nhà văn Nguyễn Minh Châu thường miêu tả những mâu thuẫn, xung đột diễn ra trong thế giới nội tâm sâu kín của con người. Có thể nói, Nguyễn Minh Châu nhập rất sâu vào những suy tư của con người, sống rất sâu trong tâm hồn nhân vật để không chỉ miêu tả, mà còn phân tích, lí giải nó. “Ngòi bút của ông luôn
hướng tới những biến động của các quá trình tư tưởng, tình cảm, tâm lí để nắm bắt cái con người đích thực ở trong con người. Nhân vật của Nguyễn Minh Châu không bao giờ đồng nhất với bản thân. Về phương diện này Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc truyền thống văn xuôi tâm lí được hình thành trong sáng tác của Nam Cao” (Lã Nguyên) [39. 365]. Nhiều nhân vật trong tập truyện rơi vào những mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực: Gặp lại người yêu sau bao năm xa cách, muốn ôm chầm lấy, muốn tâm sự bao điều vậy mà không thể (Hạnh - Bên đường chiến tranh). Người hoạ sĩ (Bức tranh) luôn bị giằng xé trong những mâu thuẫn: không muốn đến cái quán ấy nhưng cứ đến, muốn nói ra nhưng không nói được, muốn trả ơn mà không trả được, muốn chạy trốn quá khứ nhưng không thể trốn tránh… Muốn tìm kiếm thánh nhân nhưng cuộc đời không có những thánh nhân (Quỳ -
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), muốn đi đến bến sông thơ mộng ngay sát nhà mình mà cũng không thể thực hiện (Nhĩ - Bến quê) muốn che giấu mọi người về đứa con, nhưng sự thật thì không thể phủ nhận (Lão Khúng - Khách ở quê ra), muốn lấy tình thương cảm hoá loài vật, nhưng không thể chiến thắng bản năng hoang dã của chúng (Một lần đối chứng), Ông Thông (Sống mãi với cây xanh) muốn sống mãi với cây xanh, nhưng không thể thực hiện vì cuộc sống đã đổi thay, văn minh đô thị đang tràn vào cái ngõ hẻm cũ kĩ, những hàng cây xanh đang được thay thế bằng những con đường trải bêtông... … Chính những mâu thuẫn đó dẫn tới xung đột trong thế giới nội tâm của nhân vật, tạo ra sức hấp dẫn và chiều sâu nhân bản của những trang văn.
Thụy (Bên đường chiến tranh), suốt ba mươi năm bận bịu với những cuộc hành quân, những trận đánh, lúc rảnh rỗi là nhớ về Hạnh, vậy mà giây phút đầu gặp gỡ, Hạnh tỏ ra là một người đàn bà hoàn toàn xa lạ. Điều đó khiến cho anh “hẫng đi vì thất vọng”. Bên ngoài vẫn chào hỏi bình thường, nhưng trong tâm hồn Thuỵ “ gần như không thể nào chịu được cái sự thăm
hỏi và lời đáp xã giao đầy xa cách ấy” [6. 145], thậm chí anh còn rất bực bội vì những lời ăn tiếng nói đều ngược với ý nghĩ và tình cảm trong lòng mình… Còn Hạnh, cũng trong suốt ba mươi năm bà mong chờ sự trở về của người yêu mà bặt vô âm tín. Lấy chồng, có con nhưng bà chỉ dành cho ông Phái “một nửa trái tim” mặc dù bà vẫn chăm sóc ông ấy nhiều. Hơn ba mươi năm gặp lại người yêu, bên ngoài lặng lẽ, kín đáo còn trong trái tim bà bao thổn thức, bao giằng xé: “Anh hãy cùng em sống đôi phút trong mộng tưởng rồi lại trở về cõi thực. Anh có biết trong cái lúc này em đau đớn vì sự mất mát tình yêu của chúng ta đến nhường nào không ?” [6. 166]. Muốn gục đầu vào lòng người yêu mà khóc cho thật to nhưng bà không thể, cuộc đời bà từ lúc đầu xanh cho đến khi tóc bạc lúc nào cũng khắc khoải trông chờ. Những mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực đã làm nổi bật sự nghiệt ngã của hoàn cảnh. Chiến tranh đã qua, nó không lấy đi sự sống của con người nhưng cái quý giá nhất là tình yêu tuổi trẻ thì họ không được hưởng. Với họ, tình yêu mãi mãi chỉ là kỉ niệm, dang dở…
Từ phương diện hoàn cảnh nghệ thuật, những mâu thuẫn, xung đột trong mỗi tính cách góp phần thể hiện hoàn cảnh. Nhân vật hoạ sĩ từ sau khi gặp lại người chiến sĩ năm xưa đã phải trải qua những giằng xé nội tâm căng thẳng. Những mâu thuẫn trước hết thể hiện trong ý thức của anh ta: “ít hôm tôi lại đạp xe trở lại ngôi quán đó, nhưng vừa chớm đến nơi thì tôi đã cắm cổ đạp thật nhanh, cố giấu mặt đi. Mỗi lần vượt qua khỏi cái quán cắt tóc ấy tôi phóng hẳn sang một đoạn phố khác, cứ sợ đôi mắt người thợ cắt tóc nhìn theo, nhưng trong bụng lại cảm thấy thất vọng” [6. 187]. Người hoạ sĩ đã từng có ý định vay muợn gom góp một ít tiền để gửi cho người thợ cắt tóc nhưng rồi lại thấy làm như vậy là không được. “Tôi vẫn không cho phép mình lấy đồng tiền để thay cái mặt mình” [6. 191]. Mâu thuẫn trong thế giới nội tâm này còn được thể hiện thông qua sự phân thân của nhân vật. Có hai con
người cùng tồn tại trong anh. Một người của sự trung thực thẳng thắn dám gạt bỏ thói sĩ diện, thói đạo đức giả, một người muốn lẩn tránh trách nhiệm. Cả hai con người này đều đấu tranh, lên tiếng đưa ra những lí do cho riêng mình, tạo thành những xung đột nội tâm sâu sắc, sự phân vân, bối rối trong hành động. Một người trong anh đi qua quán cắt tóc “cắm cổ đạp thật nhanh, cố giấu mặt đi”, còn một người kia trong anh “lại cảm thấy thất vọng”. Nhiều lần anh đưa ra những lí do để tẩu thoát nhưng rồi “chính tôi lại bắt giữ tôi lại”. Không thể trốn tránh… Đúng như lời tự thú của nhân vật “trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kể xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” [6. 195]. Và kết thúc tác phẩm là hình ảnh “đôi mắt mở to, khắc khoải bồn chồn đang nhìn vào nội tâm [6. 198] như là những lời tự thú của nhân vật, có sức ám ảnh lớn đối với người đọc.
Quỳ là kiểu nhân vật khá tiêu biểu cho những phức tạp, mâu thuẫn chứa đựng bên trong. Cuộc đời Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) là một chuỗi mâu thuẫn. Trong con người của Quỳ luôn có sự trỗi dậy của những điều bất thường. Như một nàng công chúa của rừng Trường Sơn, là tâm điểm chú ý của bao chàng trai và còn rất kiêu hãnh… Vậy mà tình yêu đã đến với cô đầy bất ngờ khi “lòng tự ái bị xúc phạm”. Trong lúc yêu, có lúc Quỳ tôn xưng “anh ấy” và tình yêu của “anh ấy” như một thứ tôn giáo. “Chúng tôi sống xa nhau nhưng mãi mãi tôi còn đứng đằng xa để ngưỡng mộ anh như một con chiên ứa lệ chiêm ngưỡng một bức tượng thánh” [6. 224]. Cô có thể băng qua nửa ngày đường rừng để về gặp anh, trông thấy anh rồi đi luôn. Nhưng tình yêu thiêng liêng ấy đã bị rạn vỡ vì những điều rất vô cớ: “sống gần kề hầu như ngày nào cũng gặp nhau tôi mới có dịp được thấy anh ấy cũng mừng rỡ hí hửng khi được thăng chức, mới có dịp trông thấy anh ấy ăn ngủ đi lại cũng chăn một đàn gà riêng, đánh một cái quần xà lỏn… [6. 224]. Quỳ không thể chịu đựng được những mặt đời thường của anh ấy vì chị
muốn anh ấy là một thánh nhân. Quỳ đã bỏ người yêu “Mọi người đều biết tôi đã rời bỏ anh ấy, tôi đá anh ấy”… vì “tôi không chịu nổi tật ra mồ hôi tay của anh ấy” [6. 226]. Nhưng khi gặp lại người yêu trong hoàn cảnh bị thương dập nát cả hai bàn tay và đang ở trên ranh giới cận kề cái chết, thì Quỳ lại cháy lên một tình yêu thống thiết. Lúc đó chị “Ngồi ôm chặt lấy hai bàn tay quấn đầy bông băng của anh ấy trước ngực” [6. 231] với niềm thương tiếc khôn cùng, với sự ân hận bao nhiêu. Chính lúc đó chị mới nhận ra giá trị của đôi bàn tay dấp dính mồ hôi ấy “Dù có phải xông vào lửa đạn, dù có phải dùng hai bàn chân trần dậm lên vách đá tai mèo, dù có phải lặn xuống tận đáy biển khơi hay băng qua sa mạc cháy bỏng, dù có phải đi khắp cùng trời cuối đất, thì tôi cũng không từ nan, tôi cũng xông đi, nếu được để trả lại cho anh ấy đôi bàn tay dấp dính mồ hôi” [6. 231-232]… và chị cứ ngồi ngẩn ngơ thương tiếc “hai bàn tay tài giỏi của anh ấy…hai bàn tay không chỉ có ích trong chiến tranh mà cả cho hoà bình mai sau, hai bàn tay của một người đánh giặc và xây dựng đất nước” [6. 232]. Khi mọi người bàn tán thương tiếc, kể ra bao nhiêu công đức, thành tích và nết tốt của người yêu thì Quỳ lại “chỉ nghĩ đến những tật xấu của anh ấy. Vì chỉ có nghĩ đến những tật xấu, thì anh ấy mới lại hiện ra và đi về phía tôi như là một con người thật, bằng xương bằng thịt” [6. 236]. Quả thực, cuộc đời Quỳ chồng chéo những mâu thuẫn. Nhiều lúc cô trả giá cho những lỗi lầm này thì lại vô tình tạo ra những lỗi lầm khác. Khi đang mải mê suy nghĩ đau khổ vì mang những món nợ tinh thần với những người liệt sĩ đã thầm yêu cô thì vô tình Quỳ lại đẩy Hậu vào chỗ chết. Trong lần trở lại hậu phương, cô đã dành thời gian quý giá đến thăm mẹ Hậu và nhận là người yêu của anh ấy. Song, tự trong tâm hồn Quỳ đặt ra câu hỏi nếu Hậu còn sống thì liệu rằng cô có thể yêu được một con người chỉ có tài đeo đá và không có gì ấn tượng?. Cũng yêu thương và cảm phục bác sĩ Thương, nhưng cô lại từ chối tình yêu chân thành của con người “lịch sự ấy”
để đến với Ph, đây cũng chính là một điều thật mâu thuẫn trong con người Quỳ. Hành trình cuộc đời Quỳ là hành trình trải qua muôn vàn những điều đối nghịch mâu thuẫn. Yêu một người lại lấy một người khác, khi yêu lúc hờ hững ruồng bỏ, lúc chạy theo van vỉ, cầu xin tình yêu. Những điều đối nghịch chồng chéo làm cho cô không thể thoát khỏi tâm trạng phiêu du, lang thang, không ra khỏi cuộc hành trình tìm kiếm những điều hư vô…Nhân vật Thăng trong Cơn giông, khi gặp lại Hân, trong lòng anh cũng nảy sinh bao điều mâu thuẫn thật khó diễn tả “Căm giận, khinh bỉ, thương xót, và một điều thật trớ trêu, hình như Thăng vẫn còn yêu Hân, một thứ tình yêu dai dẳng qua ngày tháng như một vết thương không bao giờ lành” [6. 318]… Lão Khúng (Khách ở quê ra) là cũng là một bức chân dung đa diện, đa chiều. Góp phần làm nên sự đa diện đó chính là sự tồn tại của các mâu thuẫn trong tính cách nhân vật, ta có thể nhận thấy những mặt đối lập của tính cách người nông dân được kết hợp một cách tự nhiên trong con người lão Khúng: vừa ngây thơ vừa láu cá, vừa nhỏ nhen vừa quảng đại, ngờ vực và cả tin, tự tin liều lĩnh nhưng cũng mặc cảm, tự ti, vừa phóng khoáng nhưng cũng tính toán chi li… Lão Khúng dám “phỉ báng cả thần linh” khi dựng nhà trên nền ngôi đền thiêng, vậy mà yếu đuối khi tiễn con đi bộ đội. Lão vừa vinh dự, sung sướng khi trao thằng Dũng cho bộ đội nhưng lại “tiếc và nhớ nó lắm”, lão khúm núm trước anh bộ đội cấp thượng uý để xin cho thằng con “ đừng để nó phải khổ” rồi lão y như một mụ đàn bà lẩn thẩn, quanh quẩn bên cái toa tàu thằng con đang ngồi… Khi nó bước lên xe thì lão cứ quýnh cả lên… Thực sự sau đó trong tâm hồn lão chứa đựng bao mâu thuẫn, trăn trở: “Trong đàn con cái đông đúc mà mụ Huệ đẻ ra cho lão như một nguồn lao động trời cho ấy duy chỉ có một đứa chính là cái thằng Dũng ấy lão không biết là con cái nhà ai, lão không được phép hỏi mụ vợ, cũng không được phép hỏi người khác. Suốt đời lão không hề bao giờ lão hắt hủi và bằng tất cả tấm lòng thành thực, lão yêu thương nó,
nhưng không bao giờ lão thoát ra được cái nỗi ám ảnh rằng nó mang dòng máu xa lạ với lão. Thằng con ấy, nó là đứa đẹp trai nhất nhà, một mình nó một khuôn mặt, từ con mắt, cái mũi đều như được chạm trổ tinh vi hơn. Nhưng đấy lại chẳng là cái vết thương sâu nhất của đời lão - suốt đời lão mang tiếng lấy vợ thừa người khác chẳng là vì nó ?” [6. 573]. Vì những đứa con như thằng Dũng, thằng Khoan, Lão Khúng sẽ không bao giờ có được một đời sống tinh thần yên ổn. Chúng ta vừa cảm động trước tình thương con của lão, vừa thương một tình cảnh tội nghiệp, éo le như vậy. Nhà văn T trong
Sắm vai là một người “quyết đoán”, khá sắc sảo nhưng trước những tình huống đời thường lại cứ băn khoăn “không biết xử trí thế nào”. Từ khi đón vợ về, anh luôn sống trong trạng thái mâu thuẫn giữa con người thật và con người giả của mình. Một con người bên ngoài tỏ ra trẻ trung, vui vẻ, chiều chuộng vợ, còn trong lòng lại ngượng nghịu, mệt mỏi. Anh tham gia một cách thụ động, miễn cưỡng vào vở hài kịch do vợ đạo diễn...
Khi tìm hiểu về những mâu thuẫn, xung đột nội tâm của nhân vật, chúng ta nhận thấy; những mâu thuẫn, xung đột nội tâm ấy là kết qủa của quá trình tự ý thức của các nhân vật, thể hiện hoàn cảnh và tạo không khí căng thẳng cho hoàn cảnh, gửi gắm thông điệp của nhà văn “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình” [6. 198]… Nói như Bakhtin: “Không thể biến con người sống thành một khách thể câm lặng, khách thể của một nhận thức vắng mặt, một nhận thức hoàn kết, ở con người bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hoạt động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể nào xác định được từ bên ngoài, từ “sau lưng” con người” (Dẫn theo Trịnh Thu Tuyết [48. 77] ).
Đi vào con người bên trong của con người đòi hỏi nhà văn phải có “một cái đầu lạnh, một trái tim nóng”. Với cảm quan nhạy bén, tinh thần lao động
nghệ thuật nghiêm túc, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện thành công những chân dung bên trong của con người với muôn vàn sắc thái. Những vận động tế vi trong thế giới tâm hồn con người đầy mâu thuẫn là kết quả của sự tác động của hoàn cảnh đồng thời cũng tạo ra hoàn cảnh, giúp cho hoàn cảnh được thể hiện một cách nghệ thuật. Nguyễn Minh Châu cùng với Lê Lựu, Ma Văn Kháng là những nhà văn “tiền trạm” trong việc khám phá con người mới trong những chiều sâu nhân bản thông qua những mâu thuẫn nội tâm… để rồi sau này các nhà văn Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo… kế thừa và phát triển làm cho văn học hiện đại Việt Nam tiệm tiến dần với văn học đương đại trên thế giới…