Vẻ đẹp của con người nhập thế

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 60 - 64)

Khác với nhân vật chính trong Việt điện u linh, những con người thế tục, nhân vật chính trong Thiền uyển tập anh là những con người thoát tục. Thế nhưng họ không tách mình ra khỏi cõi hồng trần. Họ là người nhà Phật nhưng mang nặng tư tưởng nhập thế của nhà Nho. Khi tu hành đắc đạo, họ không ngại chống gậy xuống núi hòa vào cuộc sống sôi động ở bên ngoài.

Nhà sư cũng là bậc hộ quốc công thần hết lòng vì nước vì vua. Với tài năng xuất chúng, họ là những cánh tay đắc lực của vua, được vua tin dùng. Với sự tin tưởng đó, họ hết lòng phục vụ, khẳng định tài năng và bản lĩnh vững vàng của một nhà chính trị. Từ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý (và cả thời Trần), trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không lúc nào vắng bóng hình ảnh tăng lữ và tín đồ Phật giáo. Họ

trở thành lực lượng chủ yếu trong việc kiến thiết nước nhà, vừa đóng góp sức lực vừa đóng góp trí tuệ cho đất nước. Một số gương mặt thiền sư tiêu biểu tham gia vào hoạt động chính sự: Khuông Việt, Viên Chiếu, Mãn Giác, Không Lộ, Giác Hải…(phái Vô Ngôn Thông), Pháp Thuận, Ma Ha, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Viên Thông, Huệ Sinh, Chân Không…(phái Tì ni đa lưu chi). Sư Khuông Việt “đặc biệt được vua kính trọng,

phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự”. Sư Mãn Giác “được dự

bàn chính trị, ngang hàng với các quan tam ti”, sư Pháp Thuận “có tài phò vua, hiểu

rõ thế cuộc đương thời (…) trong buổi đầu, khi nhà Tiền Lê mới sáng lập, sư có công

dựng bàn hoạch định sách lược”. Họ trở thành công thần, lập nhiều công trạng, lưu

danh trong sử sách. Sư Khuông Việt và sư Pháp Thuận được cử đi tiếp sứ nhà Tống là Lý Giác, lập công lớn dưới triều vua Lê Đại Hành. Pháp Thuận vâng chiếu lệnh của vua cải trang thành người chèo đò. Nhờ tài đối đáp nhanh nhạy, được Lý Giác hết sức thán phục. Sư Khuông Việt thay vua tiễn Lý Giác có bài từ Ngọc lang quy thắm thiết tình ly biệt nhưng ẩn sâu bên trong là lòng tự hào dân tộc, khẳng khái khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Những cuộc đón tiếp như thế có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ yên biên cương bờ cõi. Được vua tin cẩn, quý trọng cùng với lòng thiết tha với vận mệnh đất nước nên họ sẵn sàng nhập thế. Sư Vạn Hạnh cũng là hình ảnh tiêu biểu cho con người nhập thế ấy.

Từ làng quê Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh kỳ

Sư Vạn Hạnh vừa có công giúp nhà Lê chống Tống chinh Chiêm thành vừa có vai trò khuông phò nhà Lý, kết thúc triều Lê với ông vua tàn ngược độc ác Lê Ngọa Triều. Những lời sấm ngữ của sư, những sự biện giải về điềm Lê suy Lý hưng là sự chuẩn bị cần thiết cho “một phen thay đổi sơn hà”, một triều đại mới mở ra huy hoàng và rực rỡ trong lịch sử các triều đại phong kiến. Những lời bàn về vận nước vừa thể hiện sự nhận xét chính xác về tình hình đất nước với niềm tự hào, vừa là lời khuyên vua tha thiết và nhân ái. Đó là tấc lòng của một người hết mình vì dân vì nước, quan tâm đến vận mệnh quốc gia, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn khi đối phó với giặc hoặc lúc bàn về vận nước.

Nhà sư cũng là bậc “dân chi phụ mẫu” có tấm lòng tha thiết vì dân. Bấy giờ, quý tộc tăng lữ thuộc tầng lớp trên. Thế nhưng, họ luôn biết cúi xuống, quan tâm lo lắng cho công cuộc an sinh của dân, sống chan hòa với quần chúng lao động. Vì vua vì nước trước nhất cũng là vì dân. Quan tâm đến đời sống nhân dân, sư Viên Học

“quanh năm chỉ một manh áo nẹp, đeo bình bát đi du phương khai hóa. Các việc làm

cầu, sửa đường, không việc gì sư không tự mình đứng ra làm trước.” Giúp cho mọi

người hướng thiện, sư Trí Thiền dụ bảo mọi người trở về làm ăn lương thiện. Sư Tịnh

Thiền “khảo cứu thiền luật, còn dư thì giờ thì nghĩ việc mưu lợi dân sinh”.Sư Y Sơn

“tùy phương hành hóa, có chí làm điều lợi cho mọi người”. Họ không tách mình ra

khỏi cuộc sống thế tục, cuộc sống của những người dân nghèo. Bởi một số nhà sư vốn xuất thân từ tầng lớp dưới, nghèo khó, cực khổ như sư Tịnh Giới “xuất thân nhà

nghèo”, sư Không Lộ “nhà mấy đời làm nghề đánh cá”.Hơn nữa, với tấm lòng bác

ái của người nhà Phật, họ không chỉ nghĩ đến riêng mình mà còn nghĩ đến mọi người xung quanh với chí hướng thiện và tình đoàn kết đại đồng. Khi đeo bình bát đi du phương, họ nhìn rõ cuộc sống người dân hơn những vị tướng quốc ở triều đình. Hiểu, cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ vừa thể hiện lòng bác ái của người theo Phật vừa thể hiện tư tưởng nhập thế của họ.

Các vị thiền sư luôn chủ động nhập thế. Họ sẵn sàng đặt mình vào thử thách để có thể đứng chân vào hàng ngũ quan lại, giúp nước giúp vua. Sư Đạo Hạnh trúng tuyển kỳ thi tăng quan. Sư Thiền Nham đỗ đầu kỳ thi kinh Pháp Hoa, Bát Nhã do triều đình tổ chức. Quốc sư Viên Thông “Năm Hội Phong thứ 6 (1097), sư đỗ đầu

khoa thi Tam giáo, được sung chức Đại Văn. Năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 8

(1108) triều đình mở khoa thi Hoành từ để chọn người bổ giữ chức tăng quan (…) sư

lại đỗ đầu”. Như vậy, trước sau họ đều là những bậc kỳ tài trong tư thế sẵn sàng nhập

thế. Họ không ngần ngại bước chân vào môi trường chính trị, sống và cống hiến sao cho tốt đời đẹp đạo. Khi tham gia vào chính sự, họ lấy tinh thần vô ngã, vị tha làm đầu, không tham trước nơi danh lợi và địa vị. Khi triều đình cần, họ tận tâm tận lực phò vua giúp nước, dâng kế sách nhằm tạo dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc cho người dân. Đặc biệt là các thiền sư không câu nệ vào tư tưởng “trung thần bất sự nhị quân” như Nho sĩ. Họ có thể cộng tác với bất kỳ vương triều nào nếu vương triều ấy

có cùng chung mục đích là làm an lạc dân sinh. Điển hình là sư Vạn Hạnh. Ông từng giúp nhà Lê chống Tống chinh Chiêm Thành. Thế nhưng, khi Lê Ngọa Triều thực hiện những chính sách bạo ngược đối với đạo pháp, tàn hại dân sinh thì ông sẵn sàng ủng hộ Lý Công Uẩn, để nhà Lý thay thế nhà Lê. “Triết lý hành động vô trụ, vô trước,

vô ngã – vị tha, của sư là tiêu biểu cho thái độ chung của các thiền sư khi họ tham

gia vào chính sự ở các vương triều.” [15, 28]

Vì sao các vị thiền sư thời này có thể để lại hình ảnh tuyệt đẹp như thế? Trước nhất, nhà Phật hướng đến tư tưởng từ bi bác ái. Cống hiến cho nước cho dân, đem lại cuộc sống yên bình cho dân, đó chính là đỉnh cao nhất của đạo từ bi. Bên cạnh đó, phải kể đến sự rộng mở của đất Phật. Đạo Phật là đạo giác ngộ ngay trong lòng cõi ta bà này. Xưa nay, người ta vẫn nghĩ đạo Phật là đạo xuất thế, xa lánh cõi đời. Tuy vậy, xuất hay nhập là tùy con đường tu của mỗi con người. Đạo Phật không khuôn khổ trong con đường tu, hành giả có thể đi bất kỳ con đường nào miễn sao cuối cùng tìm về đúng đích giác ngộ, tới cõi niết bàn. Hơn nữa, các vị thiền sư đều có biết qua Nho học hoặc xuất thân từ dòng dõi nhà Nho. Thế nên, quan niệm xuất xử của nhà Nho ảnh hưởng không nhỏ đối với họ. Cùng với đường lối tu hành uyển chuyển rộng mở của nhà Phật, họ có thể phá chấp, tự do dấn thân vào con đường hoạn lộ. Bản thân các vị thiền sư có tiểu truyện đều là những bậc anh tú kỳ tài, có năng lực giúp vua xây dựng đất nước, quan hệ ngoại giao với lân bang, giữ yên bờ cõi. Do tài năng, đức độ nên được tin dùng, được mời ra giúp nước. Một điều quan trọng hơn nữa là giai cấp thống trị, từ vua, thái hậu, hoàng hậu, công chúa đến vương tôn, quan lại đều rất tôn sùng Phật học, quý trọng sư tăng. Vua chúa thường sắp đặt cho tăng lữ tham gia vào hoạt động chính sự, tôn xưng làm thầy, tham vấn kế sách, thọ học để lĩnh hội yếu chỉ. Vua phong chức tước, ban lễ rất hậu, hết lòng ân sủng, mời mọc các nhà sư có tài ra giúp nước. Vua Lý Nhân Tông còn có lời khuyến khích: “Bậc chí nhân thị hiện tất

phải làm việc cứu giúp chúng sinh, không hạnh nào không cần có đủ, không việc gì

không phải chăm lo, không phải chỉ có sức định huệ, mà cũng có công phò tá”. Phải

chăng lời nồng nhiệt mời gọi của vua chúa chính là sự mở đường cho tư tưởng nhập thế vốn sẵn có trong các thiền sư?

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 60 - 64)