Vai trò của ngôn ngữ vai trò của ngón tay chỉ mặt trăng

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 81 - 85)

Tôn chỉ của Phật giáo thiền tông là:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật

(Không bày đặt chữ nghĩa Trao truyền ngoài giáo điển Chỉ thẳng vào tâm người

Thấy được tánh mà thành Phật)

Khẩu lệnh đó được Bồ Đề Đạt Ma đề xướng. “Khẩu lệnh của Bồ Đề Đạt Ma là

một tiếng sấm sét khiến giới Phật giáo tỉnh giấc mơ khảo cứu lý luận để trở về với

tinh thần thực chứng nội tỉnh của đạo Phật.” [18, 28]. Tu thiền là chỉ thẳng vào tâm,

thấy được tánh tức là giác ngộ được Phật tính thì sẽ thành Phật. Thế nên những thuật

ngữ “bất lập văn tự”, “ly ngôn thuyết tướng”, “bất khả thuyết” trở thành những

thể hiện sự bất lực của ngôn ngữ trước viễn cảnh của thực tại. Vì ngôn ngữ mang tính chất tĩnh, trong khi thực tại thì luân lưu, vận hành bất tuyệt.

Thế nhưng ngôn ngữ không vì thế mà không cần thiết. Không có ngôn ngữ, lấy gì để chuyên chở và lưu giữ những tư tưởng triết lý, những bài học thiền sống động trong những lời đối đáp của các bậc danh tăng xưa, trong lời giáo huấn kinh điển của đức Phật. “Nếu không có ngôn ngữ, khái niệm thủ vai như những dấu hiệu, biểu tượng, chỉ dẫn,… thì cuộc đối thoại giữa Phật và chúng sinh, giữa phàm phu và

thánh trí chẳng khác gì dã tràng xe cát. Do vậy, viện đến ngôn ngữ, khái niệm, luận

lý,… là một trong những phương pháp triết học Phật giáo; nhưng cái đích đến của nó

không phải những gì được diễn tả bởi ngôn ngữ, mà chính là những gì nằm đằng sau

ngôn ngữ, cảnh giới thực tại” [58, 13].

Vai trò của ngôn ngữ ví như vai trò của ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay chỉ

mặt trăng vốn là một thành ngữ được dùng để thí dụ cho những giáo huấn của Đức

Phật. Ngón tay tức giáo huấn nhà Phật. Mặt trăng là chân lý cứu cánh. Trên bình diện

kết cấu văn pháp, ngón tay là chủ thể, mặt trăng là đối tượng được liên kết với nhau

bởi hành động chỉ. “Ngón tay không thể dùng để chỉ hay diễn đạt về ngón tay chính nó, mà được dùng để chỉ đến một đối tượng khác nó, ở đây là “mặt trăng”. Ngón tay

không thể mô tả hay diễn đạt chính xác về mặt trăng, mà nó chỉ đóng vai trò của sự

chỉ dẫn, hướng tầm nhìn về mặt trăng” [58, 8]. Quan hệ giữa ngón tay và mặt trăng

cũng giống như quan hệ giữa ngôn ngữ và giáo lý nhà Phật. Ngón tay là phương tiện giúp ta có thể nhận ra đối tượng mặt trăng. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở giáo lý nhà Phật. Ta không để ngón tay che lấp mặt trăng, không để ngôn ngữ che lấp giáo lý.

Vai trò của ngôn ngữ là vai trò của phương tiện. “Ngôn ngữ của Nhị đế trong

giáo thuyết của Phật là ngôn ngữ ly niệm, chứng lý của nó không phải ở khả năng

diễn đạt mà là ở khả năng chỉ dẫn”. Đạo Phật rất huyền vi, ngôn ngữ không bắc nổi

chiếc cầu để người học đạo vin vào đó đến được bờ giác ngộ. Kẻ hành thiền hành đạo vẫn phải tự mình giác ngộ thân tâm. Nếu chỉ trông chờ vào phương tiện, không tự sức mình vượt qua thì mãi mãi họ chỉ đứng bên này sông nhìn theo bóng con đò tách bến. Nếu quá lệ thuộc vào phương tiện, họ giống như người qua sông, thuyền đã cập bến

mà không chịu rời thuyền, thì cũng không thể tới nơi được. Hai kiểu người ấy hãy còn cách xa, chưa đạp lên đất thật của thiền.

Chính vì xem ngôn ngữ là phương tiện như cái bè qua sông cho nên lời nói, cách truyền giảng của các vị thiền sư đối với học trò cũng khác so với lối thuyết giảng của nhà Nho. Khi các thiền sư lập văn tự, họ rất kiệm lời. Các vị thường không cắt nghĩa, giảng dạy một cách chi tiết, đầy đủ. Chỉ là những câu ngắn gọn, vừa đủ, dành khoảng lặng cho trò tự giác ngộ. Từ đó hình thành nên các đặc trưng ngôn ngữ trong những đoạn ngữ lục, thơ kệ của các vị thiền sư.

Đức Phật, 49 năm truyền giảng thuyết pháp ở cõi thế, trước khi mất người đã khẳng định: “49 năm qua ta chưa thuyết pháp một lời”. Lời nói ấy như bức tâm thư in dấu trong tâm thức của những thế hệ tiếp sau, hình thành nên truyền thống vô ngôn của thiền. Các nhà sư trong Thiền uyển tập anh luôn thể hiện thái độ khinh miệt đối với ngôn ngữ và văn tự. Sư Cảm Thành khẳng định với đệ tử Thiện Hội: “cổ nhân

nói nếu tìm văn để làm chứng thì càng thêm ngưng trệ”. Sư Quảng Nghiêm, Huệ

Nghiêm cùng khẳng định với học trò mình là Thường Chiếu, Thanh Biện: “Nếu nói Như Lai có thuyết pháp điều gì tức là bài báng Phật?”

Có người hỏi ni sư Diệu Nhân:

- Không nói là thế nào?

Sư đáp:

- Đạo vốn không lời.

Có người hỏi sư Viên Chiếu:

- Các tổ truyền cho nhau là truyền cái gì?

Đáp:

- Bụng đói kiếm cơm ăn

Lạnh mình lo áo mặc.

Vua hỏi sư Thiền Lão:

- Hàng ngày hòa thượng làm gì?

Đáp:

- Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

(Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh Trăng trong mây trắng rõ toàn chân)

Hai câu trả lời của sư Viên Chiếu và Thiền Lão có vẻ chẳng liên quan gì đến câu hỏi. Vì điều họ muốn nói nằm phía sau câu chữ. Nếu cứ bám theo câu, duyên theo lời mà phân tích chữ nghĩa, chia chẻ dở hay thì muôn đời vẫn không rõ được nghĩa lý. Câu trả lời của sư Viên Chiếu thì gần gũi, giản dị thông tục; câu trả lời của sư Thiền Lão thì xa xôi, văn chương hoa mỹ. Nhưng mục đích của hai nhà sư là một, đó là khai ngộ và truyền đạo cho đệ tử, đưa người học đạo trở về thực tại hiện tiền. Người tu thiền không cần câu chấp, suy tính, chỉ cần hòa mình vào thực tại, vì thực tại cũng chính là niết bàn. Buông bỏ là con đường đi đến cõi Niết bàn, sự an lạc thân tâm. Sự trao truyền đó là tâm truyền tâm nên không thể nào diễn tả bằng lời được. Lời đáp trên chẳng phải để trả lời câu hỏi, chỉ nhằm bác bỏ thái độ băn khoăn, câu chấp của người học đạo, bởi “đạo vốn không lời”.

Những gì Đức Phật thuyết giáo trong suốt cuộc đời được ví như nắm lá trong lòng bàn tay còn cảnh giới thực chứng, trí tuệ siêu việt của Đức Phật được ví như lá trong rừng. Phật dùng ngôn ngữ để khai thị giải minh thực tướng, người nghe xem ngôn ngữ là phương tiện chỉ dẫn để tri nhận và thể nghiệm thực tướng. Còn thực tướng không nằm ở chỗ nói và nghe, không nằm ở ngôn ngữ mà chính ở đằng sau ngôn ngữ, trong sự im lặng kỳ vĩ của đức Phật, sự im lặng đã mang lại cho Ca Diếp giây phút đạt ngộ. Bức tường Phật pháp cao thâm được nhìn xuyên qua, được thấu suốt trong những phút giây kỳ diệu như thế. Tì – ni– đa – lưu – chi “gặp Tăng Xán,

thấy phong độ phi phàm, ông đem lòng kính mộ, liền chắp tay ba lần nhưng Tăng

Xán vẫn ngồi yên không đáp. Trong lúc chờ đợi, Tì – ni – đa – lưu – chi đứng suy tư,

thấy trong lòng rạng rỡ như có điều sở đắc liền sụp xuống lạy tạ ba lạy”. “Sư (Thanh

Biện) nghĩ ngợi, còn định hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm phất trần đánh vào miệng.

Sư đột nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.” Trước cửa thiền, ngôn ngữ dừng lại bên ngoài,

như thuyền không thể chạy trên bờ. Nói nhiều cách đạo càng xa. Đạt ý phải quên lời. Chỉ có bản thân con người tự ngộ mới thông đạt như người uống nước, lạnh hay ấm tự mình biết, không thể nói ra.

Tuy thế nếu không nhờ văn tự bát nhã đi đến quán chiếu bát nhã, thì làm sao chứng được thực tướng bát nhã. Cũng như không mượn ngón tay để chỉ mặt trăng thì không thấy trăng. Thế nên người ta vẫn mượn ngôn ngữ để chở thiền và khi nhuộm hương thiền ngôn ngữ mang sắc hương riêng.

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 81 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)