3.2.1. Vẻ đẹp của con người đạt đạo
Các vị thiền sư xuất hiện trong tập truyện đều là bậc thầy, bậc tổ sư, những người đã thắp và giữ ngọn đuốc sáng của Thiền tông nước Việt. Nhờ nhân duyên, họ sớm được đến với con đường thiền chân chính. Họ đã vào trong cửa thiền rất sâu và là người có chân tu thực học. Họ đã bước qua những ranh giới, vượt qua con đường đầy gian lao để đến Niết bàn, hân thưởng nguồn ánh sáng của trí tuệ bát nhã. Sư Khuông Việt “đọc rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chỉ thiền học”, sư Minh
Trí “thông hiểu tôn chỉ các kinh Viên giác, Nhân vương, Pháp hoa”, sư Ngộ Ấn
“nghiên cứu tinh thông cả hai kinh Viên giác và Pháp hoa”.Đường vào cõi thiền với
họ không còn là con đường hẹp và xa vợi. Nương mình trong ánh sáng của trí tuệ bát nhã, nhà sư nhìn thông suốt mọi cõi. Họ nhận ra, “vạn pháp giai không” (sư bảo Giác), “hoa điệp bản lai giai thị huyễn” (sư Giác Hải), “Sinh lão bệnh tử/ Tự cổ
thường nhiên” (ni sư Diệu Nhân), “đạo vô ảnh tượng” (sư Nguyện Học), “đạo bản
vô nhan sắc”(sư Thường Chiếu), “hà sa cảnh thị bồ đề đạo” (sư Đạo Hạnh). Nhìn ra
bản thể của sự vật, gốc của đạo nên được an nhiên hân thưởng niềm an lạc trong cõi tinh thần “Trí giả do như nguyệt chiếu thiên” (sư Bảo Giám). Không chỉ một mình trong ánh sáng bát nhã ấy, họ còn dìu dắt các hành giả. Họ giúp thiền sinh khai mở huệ nhãn, đẩy trí tuệ đi xa hơn, cao hơn tiến vào một cảnh giới bất tri, ngoài khả năng diễn đạt của ngôn ngữ. Vua Lý Thái Tông thường đến thăm và tham vấn những điều yếu chỉ của đạo thiền với thiền sư Thiền Lão ở núi Thiên Phúc. Những lời chỉ giáo của thiền sư như mũi kim, mũi dùi, vừa châm vào, vua liền thấy trí não thông sáng. Có người hỏi “Thế nào là Phật, Pháp và Thiền?” Sư (Ngộ Ấn) đáp: “Đấng Vô thượng pháp vương ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ở tâm là Thiền. Tuy là ba nhưng quy lại chỉ là một, cũng ví như nước ở ngã ba sông, tùy chỗ mà đặt tên. Tuy
tên gọi không giống nhau nhưng tính nước thì không khác”. Thầy chỉ lối đưa đường,
soi ngọn đèn tỏ rạng. Nguồn ánh sáng ấy chiếu rọi soi đường cho trò về đúng nẻo. Trò nhờ tiếp nhận những điều uyên áo nơi thầy nên lòng bừng sáng. Có khi chỉ một lời thầy nói, một câu thầy giảng hoặc một thái độ của thầy cũng là cách giúp trò đại ngộ như trường hợp sư Quảng Trí “chỉ nghe một câu nói của Thiền Lão, sư lãnh hội
được yếu chỉ thiền tông”, sư Hiện Quang “gặp thiền sư Trí Thông ở chùa Thánh Quả,
Tăng Xán, thấy phong độ phi phàm, ông đem lòng kính mộ, liền chắp tay ba lần nhưng Tăng Xán vẫn ngồi yên không đáp. Trong lúc chờ đợi, Tì ni đa lưu chi đứng suy tư, thấy trong lòng rạng rỡ như có điều sở đắc”.
Trong nguồn ánh sáng của trí tuệ bát nhã, con người rũ sạch lòng dục, như cây ngay từ gốc, nước trong từ nguồn. Lòng đạo sáng suốt, lại thêm tài học cao minh, cho nên anh hoa phát tiết ra ngoài, thấy rõ ở từng cử chỉ, câu nói, bài kệ. Cả thầy và trò, họ cùng dưới một nguồn ánh sáng để đi đến cõi:
Hạo hạo Lăng Già nguyệt
Phân phân Bát Nhã liên
(Trăng Lăng Già vằng vặc Sen Bát Nhã thơm huyền)
Và ánh trăng Lăng Già, hương sen Bát Nhã còn sáng và thơm mãi đến nghìn sau. Đến được với ánh sáng bát nhã, nghĩa là họ đã giải thoát tri kiến.
Giải thoát tri kiến
Có những chuyện thế tục lại mang thiền ý. Ta có thể tìm thấy kinh nghiệm giải thoát tri kiến qua truyện ngụ ngôn “Người đánh xe bị sa lầy” của La Fontaine. Truyện kể rằng: một bác đánh xe chở đầy rơm rạ bị sa vào vũng lầy mà không ai giúp đỡ. Hoảng hốt, bác giơ tay múa chân nguyền rủa. Bác nguyền rủa cái ổ gà, cái lũ
ngựa, cái xe và cả chính mình. Sau cùng, bác đành xin thần Hercule giúp đỡ. Từ trên
không, thần Hercule cất giọng:
- Người hãy cố gắng hết sức mình đi đã, rồi ta sẽ giúp sau. Hãy nhìn xem, vì
duyên cớ nào mà xe bị nghẽn bánh. Xung quanh bánh xe, kìa! Một lớp bùn đang bám
chặt đến tận trục, hãy gạt sạch nó đi. Hãy lấy cái búa chim đập vỡ cục đá đang chận
nghẽn bánh xe. Hãy lấy đá san bằng cái ổ gà to tướng kia…
Người đánh xe làm đúng như lời mách bảo. Thần Hercule tiếp:
- Người hãy cầm chiếc roi đi!
- Tôi đã cầm roi trên tay.Ồ! Cái gì thế này?Chiếc xe ba gác của tôi chạy được
rồi! Tạ ơn thần Hercule!
Chiếc xe đã chạy thong dong sau khi gạt đi cục đá chận phía trước và những lớp bùn lầy đang bám chặt vào bánh xe. Tri kiến thuộc về sở tri, cái ta nhận biết về
thế giới sắc tướng. Giải thoát tri kiến là dứt sự chướng ngại của cái biết như gạt lớp bùn bám chặt vào bánh xe. Gạt bỏ mọi vướng mắc, vén bức màn tri kiến để đạt đến niềm an lạc và hiển lộ sức mạnh nội tại bên trong. Đó chính là tinh thần thiền, tinh thần của người đạt đạo.
Trong tam học (giới, định, tuệ), tuệ là bước cao nhất. Đạt đến tuệ nghĩa là đã hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm, đã đặt chân đến cõi niết bàn. Đạt đến trí tuệ bát nhã, tức là họ đã được giải thoát khỏi tri kiến của thế giới sắc tướng để đi đến tri kiến của thiền. Thế nên họ dễ dàng buông bỏ, không vướng mắc. Sư Vô Ngôn Thông “bỏ
gia sản đến thụ nghiệp tại chùa Song Lâm ở Vụ Châu”, sư Bảo Giám “xin thôi việc
quan đi xuất gia”, sư Mãn Giác “dâng biểu xin xuất gia”¸ ni sư Diệu Nhân “dốc tư
trang, gia sản bố thí cho dân chúng, rồi cạo tóc xuất gia”. Trong khi đó, các vị danh
sư khác như Thông Biện, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Giác Hải,… về triều tham gia việc triều chính, giúp vua rất nhiều trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Vì sao lại có những nghịch lý như thế? Đó không phải là nghịch lý, việc họ làm gì ở đâu không quan trọng vấn đề là họ không câu chấp, luôn an trụ chân tâm trong khi ở triều đình cũng như lúc tu trên núi.
Trước khi thị tịch, sư Cứu Chỉ gọi học trò đến bảo rằng: “Trói buộc, phiền não,
tất cả đều không. Tội phúc, thị phi, tất cả đều ảo. Chẳng cái gì không phải là quả,
chẳng cái gì không phải là nhân. Chớ có phân biệt báo từ trong nghiệp, chớ có phân
biệt nghiệp từ trong báo. Nếu phân biệt là không thể tự tại”. Sư Ma Ha một hôm
đang ngồi dịch kinh lá bối, thấy Hộ pháp thiên thần bảo rằng: “Dùng kiến thức ngoại
học thì không thể thông nghĩa lý được đâu”. Sau đó sư bị mù và rất lấy làm hối.
Không thể dùng tri kiến để đến với thiền. Không thể dùng cái tâm phân biệt để thấu suốt thiền. Thế nên, trước những câu hỏi: “Thế nào là Phật?” “Thế nào là tâm?”
“Thế nào là đại đạo?” các thiền sư thường yên lặng không đáp hoặc đưa ra câu trả
lời chẳng liên quan gì đến vấn đề được hỏi. Những câu trả lời ấy nhằm đẩy thiền sinh đến đường cùng, để họ không còn gì để tìm kiếm, bám víu. Giúp họ thoát ra khỏi cái nhìn nhị nguyên, thoát ra khỏi ràng buộc của tri kiến.
Tri kiến thiền là “một loại tri kiến hoàn toàn tự do, hoàn toàn tự tại, không
không, không vừa có vừa không… Đó là tri kiến không còn đối tượng không còn chủ
thể, một tri kiến của thế giới bất nhị, của ‘bờ – bên – kia”. Nó không rời khỏi thế giới
nhị nguyên này, không phủ nhận cảnh giới “liễu xanh hoa biếc” này… Nhưng “trong
suốt” “không vướng mắc”…” [35, 9]. Tri kiến thiền mang lại cho người đạt đạo
niềm an lạc và sức mạnh bên trong tâm hồn.
Niềm an lạc và sức mạnh bên trong
Điều quý nhất trên cõi đời này, cái người ta mải miết đi tìm là niềm an lạc trong thân tâm. Có người đã đổi cái quý nhất, sinh mệnh, để mong tìm được niềm an lạc ấy. Bởi tiền tài vật chất rốt cuộc chỉ là vật ngoài thân, chỉ có niềm an lạc là báu vật trong nhà, là cái của mình thật sự. Sự giàu có về vật chất sao bằng sự giàu có của tâm hồn. Niềm an lạc thân tâm ấy là điểm đến của thiền. Diệt nỗi lo lắng để cho bể thảm vơi bớt đi, người đời được vui tươi hơn là vấn đề mà cả nhân loại quan tâm.
Trần Nhân Tông trong bài phú nổi tiếng của mình, Cư trần lạc đạo phú, đã chỉ ra con đường tìm đến cõi “lạc đạo”
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Tôn chỉ đó bắt đầu từ truyền thống của thiền đã có từ trước. Cõi thiền là cuộc sống tự do, nơi vui sống hết mình, không vướng mắc. Mỗi nhà sư trong Thiền uyển
tập anh là một ông chủ của ngôi nhà chứa đầy niềm an lạc đó.
Người tu thiền có thể tức thì được ánh sáng chiếu rọi trong tâm, có thể trải qua thời gian dài góp nhặt từng cánh hoa rơi trước sân thiền. Khi đã ngộ đạo họ hân nhiên sống trong niềm an lạc và sức mạnh nội tâm cùng hình thành.
Người đạt đạo luôn giữ phong thái trầm tĩnh, yên lặng, ung dung. Trước bạo lực, cường quyền, họ vẫn bình tĩnh không sợ hãi. “Bấy giờ Nam Khang công chúa có
ý muốn lìa tục, ngầm xin sư (sư Tịnh Không) cho làm lễ xuống tóc xuất gia. Triều
đình biết chuyện hạ chiếu bắt sư vào triều. Sư đến cửa khuyết nét mặt vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. Vua thấy vậy tỏ ý kính trọng, phong là “thạc đức danh tăng”. Sư Đại Xả được nhiều người đến tham thiền học đạo nên bị nghi ngờ là có yêu
thuật, “thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt sư về giam ở thành nội, quở trách nặng nề, nhưng sư không hề tỏ ý sợ hãi.” Sư Vạn Hạnh bị mưu hại, bèn đưa cho kẻ mưu hại
một bài thơ nói rõ mình đã đoán biết ý đồ của hắn khiến hắn vô cùng sợ hãi. Bạo lực cường quyền, âm mưu hiểm ác đều không làm họ rúng động. Bậc có trí thấu rõ quy luật thịnh suy ở đời nên không có gì sợ hãi như sư Vạn Hạnh từng nói:
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như thảo lộ đầu phô
Đặc biệt, khi đối diện với cái chết họ vẫn giữ được trạng thái bình tĩnh, ung dung như thế. Người đời nhìn cái chết bằng cái nhìn kinh hãi, gọi đó là phút sinh li tử biệt. Biết bao người ao ước tìm được thuốc trường sinh để thoát vòng sinh tử, trường thọ vĩnh hằng. Thế nhưng các nhân vật trong Thiền uyển tập anh lại xem cái chết như con đường đi chợ. Họ bình tĩnh đón nhận. Các nhà sư đều rất thản nhiên khi chuẩn bị cho “chuyến đi”: “tắm rửa”, “thay quần áo”, “thắp hương”, “dặn bảo đệ tử”, “đọc
bài kệ”…trước khi viên tịch. Có khác đôi chút là sư Bảo Tính – Minh Tâm cùng ngồi
thiền phát ra lửa, thiêu cháy thân xác, sư Đại Xả “uống thuốc độc mà qua đời”, sư Giới Không “đọc kệ xong, cười lớn một tiếng, rồi chắp tay mà viên tịch”. Tuy có khác nhau nhưng đó đều là cái chết của bậc minh triết, của sự bừng sáng giải thoát thân xác, sự bình tĩnh trở về sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng cho “chuyến đi”.
Hạnh phúc chẳng phải là cái gì quá xa xôi, đó chính là thực tại hiện tiền. Câu chuyện về thằng Bờm là một câu chuyện dân gian hóm hỉnh, vui đùa nhưng nhìn bằng con mắt thiền ta thấy trong đó chứa đựng thiền vị. Thằng Bờm chẳng lấy ba bò chín trâu, chẳng lấy ao sâu cá mè, chẳng lấy bè gỗ lim,… mà lại mỉm cười với nắm xôi của lão phú ông. Bởi trong những thứ mà phú ông đưa ra để đổi chiếc quạt mo, chỉ có nắm xôi là thực tại hiện hữu mà Bờm có thể sở hữu và thưởng thức. Tác giả dân gian hẳn không định nói chuyện thiền ở đây, nhưng nếu nhìn với con mắt thiền thì trong đó có ánh sáng thiền, ánh sáng của thực tại sáng ngời. Câu chuyện kết thúc bằng nụ cười của thằng Bờm, một niềm vui bình dị mà chan chứa. Phật dạy, con người ta phải “tri túc” (biết đủ). Khi biết đủ, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, vui một niềm vui bình dị mà đong đầy. Sư Trí Bảo từng nói: “Nếu biết tri túc thì ngoài
người ta không cho, mình cũng không nên lấy, huống gì là vật khác? Của cải của người, nếu ta mơ tưởng đến thì cuối cùng không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ sinh lòng
trộm cắp. Đến như vợ cả, vợ lẽ của người, nếu ta mơ tưởng thì cũng không dừng ở đó
mà sẽ sinh lòng tà tâm”. Biết đủ thì bao nhiêu cũng đủ. Khi cảm thấy “đủ” người ta
sẽ coi thường mọi thứ của cải vật chất, phú quý vinh hoa. Nên con người đạt đạo không quan tâm đến chuyện hơn thua được mất. Sư Tịnh Không trụ trì chùa Khai Quốc, người bốn phương dâng phẩm vật cúng dường. Có lần kẻ trộm đến rình ngoài cửa, sư bèn gọi vào chỉ cho mà lấy. Họ có thể từ bỏ gia sản, danh vọng, chức tước đi tìm đạo. Sống đạm bạc, ăn rau mặc lá. Giữ lòng yên tĩnh, dứt hết mọi ham muốn.
Trong cuộc sống bình đạm ấy, họ cảm nhận được niềm an lạc thân tâm như lời sư Tịnh Không:
Thân cước cao ngọa khách
Hề thức ngụy kiêm chân
(Duỗi chân nằm nghỉ khỏe Chân ngụy chẳng chi cần)
Đó không phải là thái độ buông xuôi, bỏ mặc tất cả, xa lánh cuộc đời trần thế. Đó chính là niềm an lạc thân tâm được tìm thấy ngay trong cuộc sống trần thế này, nơi ngự trị của hạnh phúc mà không phải ai cũng chiếm lĩnh được. Tìm được niềm an lạc trong cuộc sống bình đạm, đó là cõi phúc vĩnh hằng.
3.2.2. Vẻ đẹp của con người nhập thế
Khác với nhân vật chính trong Việt điện u linh, những con người thế tục, nhân vật chính trong Thiền uyển tập anh là những con người thoát tục. Thế nhưng họ không tách mình ra khỏi cõi hồng trần. Họ là người nhà Phật nhưng mang nặng tư tưởng nhập thế của nhà Nho. Khi tu hành đắc đạo, họ không ngại chống gậy xuống núi hòa vào cuộc sống sôi động ở bên ngoài.
Nhà sư cũng là bậc hộ quốc công thần hết lòng vì nước vì vua. Với tài năng xuất chúng, họ là những cánh tay đắc lực của vua, được vua tin dùng. Với sự tin tưởng đó, họ hết lòng phục vụ, khẳng định tài năng và bản lĩnh vững vàng của một nhà chính trị. Từ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý (và cả thời Trần), trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không lúc nào vắng bóng hình ảnh tăng lữ và tín đồ Phật giáo. Họ
trở thành lực lượng chủ yếu trong việc kiến thiết nước nhà, vừa đóng góp sức lực vừa đóng góp trí tuệ cho đất nước. Một số gương mặt thiền sư tiêu biểu tham gia vào hoạt động chính sự: Khuông Việt, Viên Chiếu, Mãn Giác, Không Lộ, Giác Hải…(phái Vô Ngôn Thông), Pháp Thuận, Ma Ha, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Viên Thông, Huệ Sinh, Chân Không…(phái Tì ni đa lưu chi). Sư Khuông Việt “đặc biệt được vua kính trọng,
phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự”. Sư Mãn Giác “được dự
bàn chính trị, ngang hàng với các quan tam ti”, sư Pháp Thuận “có tài phò vua, hiểu
rõ thế cuộc đương thời (…) trong buổi đầu, khi nhà Tiền Lê mới sáng lập, sư có công
dựng bàn hoạch định sách lược”. Họ trở thành công thần, lập nhiều công trạng, lưu