Thủ pháp phác diễn

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 77 - 81)

Người Trung Quốc rất yêu tranh thủy mặc. Một lối vẽ tranh khá đặc biệt. Ít đường nét, ít gam màu nhưng gợi cho người xem biết bao sự tưởng tượng phong phú. Những nét vẽ đơn sơ nhưng ý tưởng được gởi gắm trong đó, sự tưởng tượng được gợi ra từ đó thật vô cùng phong phú. Với những nét đặc biệt như thế, tranh thủy mặc trở thành món ăn tinh thần yêu thích không chỉ của người Trung Quốc mà cả người phương Đông.

Trong văn học nghệ thuật, “đạm” – đơn sơ, giản dị luôn là tiêu chuẩn hàng đầu được các nhà văn rất chú trọng khi thể hiện tác phẩm của mình. Chỉ qua vài nét phác họa bằng ngôn ngữ nhưng đủ để người đọc hình dung một thế giới phong phú giàu đường nét, hình sắc. Văn chương luôn cần những khoảng trống, đó là khoảng trống dành cho trí tưởng tượng của độc giả. Những khoảng trống đó vừa thể hiện tài năng của người viết, vừa là nơi để trí tưởng tượng của độc giả thăng hoa.

Khi tái hiện bức chân dung nhân vật, những nét ngoại hình ít được chú ý miêu tả. Có lẽ do tính chất vô phân biệt của tư tưởng phá chấp trong đạo Phật. Khi ngoại

hình được chú ý miêu tả, bút pháp ước lệ, tượng trưng luôn thể hiện được ưu điểm của nó. Sư Khuông Việt “dáng mạo khôi ngô tuấn tú”. Sư Đạo Huệ “tướng mạo

đoan chính, giọng nói trong trẻo”.Sư Hiện Quang “dáng mạo thanh tú, giọng nói êm

nhẹ”. Sư Pháp Hiền “thân cao bảy thước ba tấc”.Sư Sùng Phạm “dáng mạo to lớn,

tai dài đến vai”. Sư Huệ Sinh “tướng mạo khôi vĩ”. Sư Thiền Nham “thần thái tinh

anh, sáng láng, tiếng nói trong vang”. Sư Bản Tịch “từ nhỏ đã có tướng mạo khác

thường, một vị sư lạ trông thấy khen rằng: “Cậu bé này cốt tướng phi phàm, nếu xuất

gia ắt trở thành giống pháp chân chính”. Sư Pháp Dung “khôi ngô tuấn tú, giọng nói

trong trẻo”.Ni sư Diệu Nhân “thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang”.Sư Y Sơn

“tư thái phong nhã”.

Mỗi nhân vật chỉ được tái hiện bằng những nét vắn tắt như thế. Tác giả dùng ước lệ, cách điệu làm công cụ để phác diễn chân dung nhân vật. Chỉ vài nét đã làm bật lên vẻ đẹp của tướng mạo, thần thái tinh anh.

Khi phác họa chân dung nhân vật, ngoại hình ít được chú ý hơn so với phong thái, tư chất. Mỗi nhân vật, trước khi kể về cuộc đời tác giả luôn có vài dòng giới thiệu về tư chất, phong thái của nhân vật đó. “Tính sư cẩn trọng, trầm lặng, nói ít

hiểu nhiều, thông đạt sự lý, vì thế người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông” (sư Vô

Ngôn Thông); “từ nhỏ có chí vượt lên thế tục” (sư Tì ni đa lưu chi). Ngoài ra, nhân

vật còn được chú ý bởi sự thông minh mẫn tuệ, hiếu học, có tiết tháo thanh cao, tính tình phóng khoáng, có chí khí cao xa, biện luận lưu loát, có tài văn chương từ phú, có tài viết chữ đẹp,… Tuy chỉ được giới thiệu trong một câu hoặc một vế câu nhưng vẫn tạo ấn tượng đẹp về nhân vật. Tài năng của tác giả thể hiện ở chỗ bằng một lượng chất liệu rất nhỏ nhưng vẫn nói đủ những điều mình muốn thể hiện và để lại ấn tượng trong lòng độc giả.

Khi kể về cuộc đời, quá trình hành thiền hành đạo của nhân vật, người biên soạn chú ý đến sự kiện hơn chi tiết. Nguồn gốc xuất thân được giới thiệu với ba yếu tố: họ, hương, huyện; vài nhân vật được ghi lại cả hoàn cảnh xuất thân, thành phần gia đình. Để thấy được họ là những người mộ đạo, kiên trì tu thiền tác giả chú ý đến việc tìm thầy học đạo hoặc chuyên chú tự học: “từng vân du nhiều nơi để cầu học

làm đệ tử thân tín, có dịp hỏi han những điều huyền vi” (sư Vân Phong); “suy

nghiệm thiền na…đeo bình bát đi vân du tìm đạo hữu…đọc kinh Đại Tạng, đạt được

tri thức không phải nhờ thầy” (sư Mãn Giác); “sư đến ẩn cư ở núi Vệ Linh, chuyên

chú tu tập phạm hạnh. Ròng rã mười hai năm trời, mỗi lần tọa thiền nhập định, ngồi

liền ba ngày mới đứng dậy” (sư Nguyện Học). Để thấy cốt cách, phong thái của

người đạt đạo thì dùng những câu chuyện thâm trầm ý vị. Ví dụ như chuyện giữa sư Minh Trí và tăng khách:

Một hôm sư (Minh Trí) đang cắt cỏ, có vị tăng khách khoanh tay đến đứng bên

cạnh. Sư nhanh tay vung liềm về phía tăng khách, cắt một bụi cỏ. Tăng khách hỏi:

- Người xưa nói: Hòa thượng cắt được cái gì đấy?

Sư giơ cái liềm lên. Tăng khách đỡ lấy rồi vung tay làm một động tác như cắt cỏ. Sư nói:

- Còn nhớ câu nói sau của ngươi không? Ngươi chỉ cắt được cái kia chứ không

cắt được cái này.

Tăng khách thôi hỏi, bỏ đi.

Hay chuyện giữa sư Không Lộ và đệ tử:

Một hôm, người hầu đến thưa với sư:

- Đệ tử từ khi đến đây chưa được hòa thượng chỉ giáo tâm yếu. Nay có bài kệ

xin trình hòa thượng:

Rèn luyện thân tâm tựa nước thanh

Sân thênh cổ thụ tỏa sum cành

Có người thỉnh giáo nguồn pháp Phật Lưng dựa bình phong, bóng tựa hình. Sư xem xong nói:

- Ngươi đem kinh đến, ta nhận, đem nước đến, ta uống, sao bảo ta không

truyền tâm yếu?

Chỉ là những mẩu chuyện nhỏ, nhưng qua đó làm bật lên phong thái của nhà sư, ung dung, tự tại, đầy minh triết. Trước những lời bắt bẻ của khách, những lời trách vừa đầy ẩn ý vừa tha thiết của trò, họ vẫn điềm đạm trả lời, giản dị nhưng thâm trầm, đầy sức gợi mở, tạo điều kiện cho người nghe tức thì trực ngộ.

Phác diễn không có nghĩa là qua loa, sơ lược. Để có thể phác diễn, người viết phải am hiểu, thấy và biết nhiều, rồi chọn lựa trong đó những nét đặc trưng cơ bản nhất để chỉ nhìn từng ấy, người ta cũng có thể thấy tất cả. Cũng như tranh thủy mặc, giản đơn nhưng không phải ai cũng có thể vẽ và cảm nhận. Giản đơn là cái đẹp trên cả cái đẹp, cái đẹp của trí tuệ, thần thái tư phong.

Thủ pháp nghệ thuật là những cách biểu hiện mà tác giả vận dụng trong sáng tác nghệ thuật để xây dựng hình tượng, bộc lộ cảm xúc. Thủ pháp nghệ thuật là con đường chuyển hóa từ thứ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ văn chương. Trong

Thiền uyển tập anh, thủ pháp phác diễn và thủ pháp tương hỗ đã phát huy tối đa tác

dụng của mình trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Thêm vào đó là những yếu tố đậm chất kỳ ảo. Nhân vật vì thế, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, có sức sống lâu bền hơn.

Chương 4: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ

Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là chất liệu xây dựng tác phẩm. Phan Kế Bính khi luận về nguyên lý văn chương đã xác định ba cái căn nguyên trước nhất đóng vai trò nguyên nhân sinh ra văn chương, đó là tính tình, tư tưởng và ngôn ngữ văn tự. Nếu người ta có tính tình, có tư tưởng mà không có ngôn ngữ văn tự thì không thể tạo thành văn chương được. Con người có văn chương còn loài vật không có là cũng vì thế.

Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ đã qua sự gia công trau chuốt của người nghệ sĩ “trăm lần luyện mới thành chữ, nghìn lần nấu mới thành câu”.

Thiền uyển tập anh có sự phối hợp ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học,

truyện và thơ, văn chương và thiền. Chính vì thế, ngôn ngữ cũng mang nhiều vị, người ở tầng lớp nào, tông phái nào cũng có thể thưởng thức được. Tuy nhiên, dòng chủ âm chi phối ngôn ngữ của toàn bộ tác phẩm mang đặc trưng của ngôn ngữ thiền.

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 77 - 81)