Giá trị nhân văn trong những vẻ đẹp của hình tượng nhân vật

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 64 - 68)

Chảy quanh vườn thiền là một dòng suối trong trẻo, ngọt ngào lấp lánh vẻ đẹp nhân văn.

“Thiền là sự sống trực tiếp trong lòng thực tại” [18, 207]. Không ai có thể

“sống giúp” thiền giả. Ngôn ngữ giáo lý kinh điển, sự chỉ dẫn của thầy chỉ là phương tiện có thể giúp hành giả hiểu về thiền nhưng không thể đẩy hành giả vào lòng thực tại thêm một ly tấc nào. Chính hành giả phải tự trải nghiệm. Giá trị nhân văn, vì thế, trước nhất là đề cao vai trò cá nhân con người. Về phương diện này, Thiền uyển tập anh còn lưu lại những công án đáng được xem là bài học cho kẻ học đạo của muôn đời. Đó là chuyện giữa Kiều Trí Huyền và Đạo Hạnh:

Nghe nói Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, sư (sư Đạo Hạnh) tìm đến tham

vấn. Sư đọc bài kệ hỏi về chân tâm:

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm

Bất tri hà xứ thị chân tâm

Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện

Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.

(Lẫn với bụi đời tự bấy lâu

Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu?

Cúi xin rộng mở bày phương tiện

Thấy được Chân Như sạch khổ sầu.)

Trí Huyền đọc kệ đáp:

Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm

Cá trung mãn mục lộ thiền tâm

Hà sa cảnh thị Bồ Đề đạo

Nghĩ hướng Bồ Đề cách vạn tầm.

(Mình ngọc vang đưa tiếng ảo huyền

Ở trong vẫn lộ, tấm lòng thiền

Cát sông là cõi Bồ Đề đó

Mà tưởng còn xa mấy dặm nghìn.)

Một hôm, sư (Định Hương) hỏi Đa Bảo:

- Làm sao thấy được chân tâm?

Đa Bảo đáp:

- Chính ngươi phải tự phát hiện lấy!

Dù hình thức khác nhau nhưng nội dung trong hai mẩu chuyện là một. Đó là những lời kinh điển của các thiền sư, dạy đệ tử phải biết quay về với chính mình. Trước thái độ thành khẩn của học trò, họ quát nạt hoặc im lặng hoặc trả lời chẳng liên quan gì đến câu hỏi. Họ khiến cho thiền sinh thất vọng, từ thất vọng này sang thất vọng khác. Họ dồn thiền sinh đến một thử thách tuyệt cùng. Mục đích của họ là để dạy cho thiền sinh cầu ở mình hơn cầu ở người. Chính lúc bị đẩy đến đường cùng và bí lối, không còn đặt hy vọng ở phía trước, ta trở về với chính ta. Khi ta trở về được với chính ta thì ta bừng sáng. Thách thức đó là ranh giới khắc nghiệt nhất mà cũng là ranh giới nhân văn nhất. Đó là màng lược để giữ lại tinh chất, gạn đi tạp chất. Đó là dấu chấm hết cho những kẻ nản chí buông tay gục ngã và là nơi vinh danh cho người thật sự có khát vọng vượt lên bản thân đi đến chiến thắng vĩ đại nhất, chiến thắng chính mình. Trong quan hệ thầy trò, dường như luôn có một phép thử như thế. Sư Trí Bảo sau sáu năm chuyên chú tu tập thiền định, chợt nhận ra rằng: “Ta tuy có lòng

xuất gia mà chưa hiểu thấu tông chỉ cũng ví như người đào giếng sâu đến chín nhẫn

mà không gặp nước, còn đợi gì mà không bỏ cái giếng ấy đi!” Sư Hiện Quang

thường bị người khác bắt bẻ khi biện luận những điều tâm yếu nên hối tiếc: “Ta nay cũng ví như đứa con nhà giàu, khi cha mẹ còn sống thì kiêu lười vô độ, sau khi cha

mẹ chết thì cô độc, mê muội, không biết của quý trong nhà cất giữ ở đâu, rốt cuộc trở

thành nghèo khó.” Thiền đánh đổ những kẻ “túy sinh mộng tử” (sống say chết mộng),

kéo họ quay về, thắp sáng hiện hữu. Từ đó phát huy nội lực, sống hết kích thước. Khi tự điều chỉnh được mình, tự cầm lái tư tưởng của mình, đó là lúc chiến thắng chính mình, đặt chân lên bục vinh quang dành cho “người chiến thắng tối thượng”. Nếu các con chiên luôn cầu Chúa ban phúc lành thì người hành thiền không thể cầu ở thầy, ở Phật hay ở một đấng tối thượng nào. Họ luôn phải quay về với chính mình, tin ở mình, cầu ở mình trước khi cầu ở người, tự thắp sáng hiện hữu như lời thiền sư Đa Bảo “Chính ngươi phải tự phát hiện lấy!”

Trong các công án thiền nổi tiếng, người ta thường nhắc đến chuyện thiền sư Đơn Hà chẻ tượng Phật để đốt lò, thiền sư Vân Môn gọi Phật là que cứt khô. Những cách nói như thế nhằm bác bỏ việc quá chú trọng đến hình thức, bác bỏ niềm tin mù quáng vào một đấng tối cao. Để qua cửa thiền, người ta phải nhìn bằng cái tâm vô phân biệt. Chính vì vậy, trước cửa thiền, mọi người đều bình đẳng. Giá trị nhân văn cũng khởi phát từ đó.

Trong thiền học, không có một chế độ giáo dục riêng cho kẻ bề trên. Với trò, dù người đó ở cương vị nào, thầy cũng đối xử không phân biệt. Kể cả với vua, Thiền Lão cũng đáp: “Nhiều lời vô ích!”. Ai cũng có thể đến cửa thiền nếu như họ có lòng

quyết tâm và có cơ duyên giác ngộ. Sư Thông Thiền khi truyền tâm ấn cho Tức Lự, bảo rằng: “Nếu ngươi dùng được đất lòng ấy thì dù có phạm vào năm điều tội ác, bảy

điều phải xấu hổ thì cũng vẫn thành Phật.” Thiền phá bỏ mọi chấp trước, kể cả về

thiện ác để đạt tới giác ngộ. Không phân biệt sang hèn, thiện ác. Thế nên, các vị anh tú được nhắc đến ở đây, có vua quan, vương tôn thế gia lệnh tộc đứng cùng với những người xuất thân làm nghề đánh cá, gia đình nghèo khó, bị bỏ rơi, thậm chí từng phạm tội thiếu thuế như sư Tịnh Giới, từng giết người để trả thù cho cha như sư Đạo Hạnh. Có thành Phật hay không là do cái tâm, là ở đất lòng. Không phải là họ đã từng làm gì mà là thực tại họ nghĩ gì và làm gì. Như câu chuyện nhà sư cõng cô gái đẹp qua vũng nước vậy.

Giá trị nhân văn còn thể hiện qua vẻ đẹp tâm hồn. Vẻ đẹp vẫn lung linh khi đứng trước thử thách tuyệt cùng. Dường như mọi nhà sư đều trải qua thử thách, sáng lên từ thử thách. Truyền đăng lục kể rằng: Phật tổ từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý tu hành khổ hạnh, Triệu Châu Tùng Thẩm đi tham học đến 80 tuổi, Huệ Trung ẩn tu trong rừng một mình đến 40 năm, Trùng Khánh ngồi thiền suốt 20 năm mòn hết 7 tấm tọa cụ. Các vị anh tú trong vườn thiền Đại Việt cũng công phu chẳng kém. Sư Đạo Huệ “chuyên tu thiền định, trong vòng 6 năm lưng không bén chiếu”, sư Tịnh Không “khoảng 5 đến 6 năm sư tu hạnh đầu đà, mỗi ngày chỉ ăn một nhúm hạt vừng

hay hạt mạch, lưng không bén chiếu, chỉ ngồi thiền, mỗi lần nhập định suốt mấy ngày

liền mới đứng dậy”, sư Chân Không “tu trì giới luật suốt 20 năm không bước chân

công phu, biết bao là chuyên cần hy sinh trong lối chuyên tu của các thiền gia xả thân cầu đạo. Nhìn ở phương diện sức mạnh tinh thần, ta thấy họ quả là những người kiên trì, nghị lực, thể hiện công phu tuyệt đỉnh mà không phải ai cũng đạt được. Thế nhưng, đó không phải là những tâm hồn khô cứng với khối băng tuyết lạnh giá vô cảm. Bên trong họ chất chứa một tâm hồn thi sĩ với hồn thơ phóng khoáng, tự do. Nhiều bài kệ đầy chất thơ thể hiện tâm hồn thi sĩ chẳng kém gì những thi nhân nổi danh thời ấy. Vẻ đẹp của nghị lực phi thường bên cạnh một tâm hồn thi sĩ lãng mạn là vẻ đẹp đầy chất nhân văn. Qua đó, cho thấy bên trong các thiền sư là một thế giới tâm hồn phong phú, với những đặc tính dường như đối lập nhau nhưng lại góp phần làm nên vẻ đẹp con người và nhân cách của họ.

Giá trị nhân văn còn thể hiện ở sự ca ngợi vẻ đẹp diện mạo và tư chất. Sư Khuông Việt “dáng mạo khôi ngô tuấn tú”, sư Đạo Huệ “tướng mạo đoan chính,

giọng nói trong trẻo”, sư Hiện Quang “dáng mạo thanh tú, giọng nói êm nhẹ”, Sùng

Phạm “dáng mạo cao lớn, tai dài đến vai”, sư Bản Tịch “cốt tướng phi phàm”. Thế

nhưng, vẻ bên ngoài ít được chú trọng hơn so với tư chất bên trong. Chỉ có vài nhân vật được phác họa với những nét ngoại hình như thế. Đặc biệt được chú ý là vẻ đẹp của phong thái, tư chất với hai nét cơ bản được nhắc đến nhiều nhất là thông minh và hiếu học (một thuộc về thiên tư một thuộc về tính cách). Một số nhân vật như sư Viên Chiếu, sư Cứu Chỉ, sư Bản Tịnh nổi tiếng hiếu học. Sư Viên Chiếu, sư Thông Biện, sư Minh Trí, sư Tức Lự, sư Vạn Hạnh, sư Viên Thông nổi tiếng thông minh. Tư chất thông minh luôn được giới thiệu như là bẩm tính, cái vốn có từ thuở nhỏ. Ngoài ra, một số nhân vật được chú ý bởi “tính tình phóng khoáng” (sư Khuông Việt), “có tiết

tháo thanh cao” (sư Quảng Trí), “trung thực thuần hậu” (sư Tịnh Giới), “thiên tư

thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang” (ni sư Diệu Nhân). Những chi tiết miêu tả ngoại

hình tư chất chỉ được giới thiệu ngắn gọn nhưng cũng đủ để vẽ lại diện mạo nhân vật khá đặc sắc. Những chi tiết ấy khá sơ lược nhưng là những chi tiết không thể thiếu để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật. Một lời giới thiệu ngắn gọn cũng đủ để làm nhân vật đẹp hơn và lưu lại ấn tượng trong lòng độc giả lâu dài hơn.

Thời Lý Trần là thời đại của sự phục hưng và tinh thần nhân văn cao đẹp. Tinh thần nhân văn ấy thể hiện trên từng phương diện của đời sống và đặc biệt trong văn

học. Hòa trong dòng chảy đó, Thiền uyển tập anh cũng đậm đà chất nhân văn. Vẻ đẹp đầy chất nhân văn ấy làm cho nhân vật đẹp hơn, giàu sức sống, và những câu chuyện thêm đậm chất văn chương.

Một phần của tài liệu thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương (Trang 64 - 68)