Nhận xét về cách thức sử dụng từng kỹ thuật thu thập bằng

Một phần của tài liệu Kỹ thuật thu thập bằng chứng trong kiểm toán tài chính năm đầu tiên tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.DOC (Trang 83 - 86)

Kiểm toán viên đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ khi kiểm toán tài chính năm đầu tiên. Vì là năm đầu tiên thực hiện kiểm toán nên những hiểu biết về khách hàng còn rất hạn chế. Khâu tìm hiểu khách hàng đóng một phần quan trọng trong việc đánh giá rủi ro, xác định bản chất và quy mô những khoản mục kiểm toán. Kiểm toán viên đã tiến hành tìm hiểu khách hàng thông qua phỏng vấn Ban Giám đốc, nhân viên, liên hệ với kiểm toán viên tiền nhiệm và quan sát để mô tả hệ thống kế toán, công tác quản lý hàng tồn kho, quá trình mua hàng- ghi nhận hàng mua…Quá trình tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ cũng phụ thuộc phần nào vào việc báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm trước hay chưa. Tuy nhiên, việc thu thập bằng chứng kiểm toán thông qua phỏng vấn khách hàng chưa được thống nhất trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Kiểm toán viên thường chỉ sử dụng Bảng câu hỏi để thu thập những thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, ít sử dụng lưu đồ.

b, Thu thập bằng chứng thông qua xác nhận

Việc gửi thư xác nhận được kiểm toán viên áp dụng đối với các khoản mục: tiền, phải thu khách hàng, phải trả người bán, hàng gửi bán. Khi sử dụng phương pháp này, kiểm toán viên chỉ quan tâm tới việc gửi thư xác nhận cho số dư của các khoản mục này vào thời điểm 30/11, mà không gửi thư xác nhận đối với số dư tại thời điểm 31/12. Ngoài ra, việc xác định mẫu các khoản gửi thư xác nhận là do phần mềm Microstart của EY toàn cầu thực hiện. Dựa vào đó, kiểm toán viên thường sẽ chọn những tài khoản có số dư lớn để yêu cầu khách hàng gửi thư xác nhận cho bên thứ ba (các ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp). Việc lựa chọn những khoản gửi thư xác nhận có thể dẫn tới rủi ro do kiểm toán viên bỏ qua những tài khoản có số dư nhỏ hơn, vì có thể nếu xảy ra sai sót nhỏ, nhưng tổng hợp và lũy kế của sai sót này có thể ảnh hưởng trọng yếu đến Báo cáo tài chính được kiểm toán.

Khi kiểm toán Công ty A, kiểm toán viên không tiến hành gửi thư xác nhận đối với hàng tồn kho do bên thứ ba nắm giữ do tại Công ty A thì tài khoản 157- Hàng gửi bán không có số dư. Tuy nhiên, tại Công ty B, tài khoản này còn số dư. Việc kiểm toán viên chỉ gửi thư xác nhận số dư tài khoản này tại thời điểm 30/11 có thể có

những rủi ro nhất định. Kiểm toán viên sẽ không chứng kiến và quan sát được những hàng tồn kho này, và do vậy, có thể một số cơ sở dẫn liệu liên quan đến hàng tồn kho này bị trình bày lệch lạc (tính hiện hữu, tính giá và đo lường). Chính vì vậy, loại thư xác nhận hàng tồn kho được nắm giữ bởi bên thứ ba có thể không có độ tin cậy cao.

c, Thu thập bằng chứng thông qua kiểm kê

Khi kiểm toán Công ty A và Công ty B, kiểm toán viên đều không thực hiện kiểm kê tiền mặt tại quỹ và kiểm kê hàng tồn kho. Kiểm toán viên chỉ tiến hành thu thập các Biên bản kiểm kê tiền và Biên bản kiểm kê hàng tồn kho của khách hàng vào thời điểm 30/11 và 31/12. Sau đó, căn cứ vào các chứng từ tăng giảm liên quan đến các tài khoản tiền và hàng tồn kho từ thời điểm 30/11 đến 31/12, kiểm toán viên sẽ xác định được số dư của các tài khoản này tại thời điểm 31/12. Có thể nhận thấy, kiểm toán viên đã không tham gia vào quá trình kiểm kê tại khách hàng, do vậy, sẽ khó chắc chắn được là số dư trên Biên bản kiểm kê có chính xác hay không. Mặt khác, có một rủi ro nữa có thể xảy ra đối với kiểm toán viên là việc tồn tại những sai sót và gian lận đối với những tài liệu, chứng từ hạch toán từ 30/11 đến 31/12 (liên quan đến tính hiện hữu và trọn vẹn của những nghiệp vụ tăng giảm tiền mặt và hàng tồn kho).

d, Thu thập bằng chứng thông qua điều tra, tính toán lại tài liệu

Phương pháp này thường được áp dụng đối với khoản mục Tài sản cố định, Khấu hao tài sản cố đinh. Thông thường, kiểm toán viên sẽ kiểm tra đối với số dư tài khoản tại thời điểm 30/11 và cũng dựa vào các chứng từ hạch toán liên quan đến các nghiệp vụ tăng giảm từ 30/11 đến 31/12 để tính ra số dư của tài khoản 31/12. Đối với các nghiệp vụ tăng, giảm trong năm, kiểm toán viên thông thường sẽ lựa chọn những nghiệp vụ có số phát sinh lớn để tiến hành kiểm tra chi tiết, phục vụ cho công tác tình toán lại. Việc lựa chọn những khoản này cũng có rủi ro giống như phần lựa chọn những khoản để gửi thư xác nhận. Kiểm toán viên đã bỏ qua nghiệp vụ có số phát sinh nhỏ, và nếu xảy ra sai phạm đối với những nghiệp vụ này thì sai sót tổng cộng hoặc lũy kế có thể ảnh hưởng tới Báo cáo tài chính đang được kiểm toán.

Thủ tục phân tích được sử dụng đối với hầu hết các chu trình và khoản mục. Đây là phương pháp thu thập bằng chứng đơn giản, tốn ít thời gian nhưng hiệu quả. Thông qua phân tích các thông tin trên báo cáo tài chính liên quan, kiểm toán viên có thể dễ dàng nhận thấy những biến động bất thường liên quan đến khoản mục đang phân tích. Từ đó, tìm hiểu nguyên nhân và giải thích cho những biến động bất thường đó. Thông thường, đầu tiên, kiểm toán viên sẽ tiến hành phân tích biến động chung đối với Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh, sau đó sẽ sử dụng thủ tục phân tích đối với tất cả các tài khoản chi tiết liên quan đến khoản mục hay chu trình đó (dựa trên việc đối chiếu khớp đúng với sổ cái và báo cáo tài chính). Những biến động mà kiểm toán viên tìm hiểu được thông qua thủ tục phân tích này sẽ làm căn cứ để kiểm toán viên lựa chọn những tài khoản chi tiết quan trọng để thực hiện những thủ tục kiểm toán khác. Nhìn chung, kiểm toán viên sử dụng cả phân tích ngang, phân tích dọc, phân tích tỷ suất. Trong đó, phân tích ngang là chủ yếu (so sánh số liệu năm này với cùng kỳ năm trước, so sánh số liệu cuối tháng này với cuối tháng trước).

Một phần của tài liệu Kỹ thuật thu thập bằng chứng trong kiểm toán tài chính năm đầu tiên tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.DOC (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w