trên thế giới
Dưới tác động của toàn cầu hóa những năm đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến sự phát triển của quá trình tự do hóa thương mại. Các rào cản từng là những công cụ để kiểm soát hoặc hạn chế hoạt động thương mại giữa các quốc gia và khu vực dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, đồng thời với việc xóa bỏ những rào cản thương mại cũ, các quốc gia nhất là những nước phát triển hiện nay, lại đang dựng lên những rào cản thương mại mới nhằm bảo hộ lợi ích của họ, đánh dấu sự hình thành của chủ nghĩa bảo hộ mới trong thời đại toàn cầu hóa. Theo đúng tinh thần hội nhập, hầu hết các nước đều tuyên bố ủng hộ và thúc đẩy tự do hóa thương mại nhưng thực tế cho thấy, các biện pháp bảo hộ đang được sử dụng rộng rãi và có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển và nước phát triển.
1. Rào cản thuế quan và phi thuế quan có xu hướng giảm dần
Về lý thuyết, WTO và các định chế thương mại khu vực thường chỉ thừa nhận thuế quan là công cụ bảo hộ hợp pháp duy nhất, nhưng thực tế các nước không ngừng sử dụng các biện pháp phi thuế quan mới, vừa đạt được mục đích bảo hộ, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Nếu biết kết hợp hài hòa hai công cụ này, sản xuất trong nước sẽ được bảo hộ, hỗ trợ có thời hạn để nâng cao sức cạnh tranh, từng bước thích nghi với các định chế và nguyên tắc chung của môi trường thương mại quốc tế. Điểm chung của thuế quan và phi thuế quan là đều nhằm mục tiêu bảo hộ các hàng hóa sản xuất trong nước, nhưng thuế quan lại ít bóp méo thương mại thế giới, dễ quản lý và thuế quan được WTO khuyến khích sử dụng. WTO chỉ thừa nhận thuế quan là công cụ
bảo hộ hợp pháp duy nhất để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước và yêu cầu phải dỡ bỏ hàng rào bảo vệ phi thuế quan. Vì vậy thuế quan hóa các hàng rào phi thuế, trong đó có thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ đã được các thành viên của WTO ủng hộ mạnh mẽ, được các quốc gia sử dụng phổ biến thời gian gần đây.
Chủ nghĩa bảo hộ mới được hình thành một cách tự giác tại các nước phát triển từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đặc biệt là khi vòng đàm phán Urugoay (1986 - 1994) kết thúc, tạo tiền đề thành lập tổ chức thương mại thế giới WTO và tổ chức này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1995 thay thế cho Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT).
Thể chế WTO đã góp phần vào sự xuất hiện của một trật tự thương mại thế giới mới vượt ra ngoài phạm vi của những vấn đề thương mại truyền thống. Theo đó, các rào cản thương mại cũ như thuế quan và phi thuế quan sẽ dần bị dỡ bỏ. Trong nội dung chính của Hiệp định về thương mại hàng hóa, WTO quy định:
WTO thừa nhận thuế quan (thuế nhập khẩu) là biện pháp bảo hộ thị trường nội địa duy nhất được áp dụng vì đây là biện pháp bảo hộ mang tính minh bạch cao, ít bóp méo thương mại nhất. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch phi thuế quan như: Hệ thống giấy phép, hạn ngạch và các biện pháp hạn chế mậu dịch khác cần được bãi bỏ.
Các nước thành viên WTO phải giảm thuế quan và không tăng thuế nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, các nước công nghiệp phát triển cắt giảm bình quân 36% các dòng thuế và mỗi dòng cắt giảm 15% mức thuế. Với các nước đang phát triển, các con số tương ứng là 24% và 10%. Thời gian thực hiện cắt giảm là 10 năm bắt đầu từ 1/1995. Trong lĩnh vực công nghiệp, các nước phát triển cắt giảm 40% thuế và đưa mức thuế nhập khẩu hàng công nghiệp từ 6,3%
bình quân xuống còn 3,8%. Thời gian cắt giảm đối với hàng công nghiệp đến 1/2000 phải thực hiện xong.
2. Gia tăng bảo hộ bằng các biện pháp phi thuế quan như rào cản kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trong thương mại
Biện pháp thuế quan thì rõ ràng, ổn định, dễ dự đoán, dễ đàm phán cắt giảm mức bảo hộ nhưng lại không tạo được rào cản nhanh chóng, tức thời. Biện pháp phi thuế quan thì đa dạng, đa dụng nhưng lại không rõ ràng và khó dự đoán, khó khăn tốn kém trong quản lý, Nhà nước không hoặc thu được ít lợi ích tài chính. Một xu hướng chung trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế để bảo hộ sản xuất trong nước là chuyển từ các biện pháp hạn chế số lượng sang các biệp pháp tinh vi hơn như: rào cản kinh tế, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trong thương mại; tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về xuất xứ, nhãn hiệu, môi trường lao động...
Hoa Kỳ - một cường quốc kinh tế, một sáng lập viên của GATT (WTO ngày nay) - vẫn áp dụng các biện pháp phi thuế để bảo hộ sản xuất trong nước. Ví dụ theo Hiệp định Dệt may (ATC) của vòng đàm phán Urugoay, Hoa Kỳ phải loại bỏ hạn ngạch đối với các sản phẩm của ngành này vào năm 2005 theo một lộ trình gồm 3 giai đoạn, nhưng Hoa Kỳ tìm mọi cách trì hoãn, rất nhiều sản phẩm chỉ loại bỏ hạn ngạch vào giai đoạn cuối của Hiệp định. Ngoài biện pháp hạn ngạch nhập khẩu, Hoa Kỳ còn sử dụng khá tinh vi quy tắc xuất xứ để hạn chế nhập khẩu sản phẩm dệt may của Trung Quốc và Ấn Độ. Hoa Kỳ có sức cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả của sản phẩm nông nghiệp nhưng nước này cũng dùng biện pháp hạn ngạch thuế quan và hỗ trợ giá để bảo hộ ngành sữa và đường; sử dụng mạnh mẽ biện pháp chống bán phá giá để bảo hộ ngành công nghiệp thép, tìm cách gây sức ép để những nước chưa phải là thành viên WTO hạn chế xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ. Năm 1999, Nga đã buộc phải ký thỏa thuận tự nguyện hạn chế xuất khẩu một
số loại thép sang Hoa Kỳ; tìm mọi cách áp dụng gắn với môi trường, tiêu chuẩn lao động, an ninh quốc gia...
Với lập luận để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các nước phát triển đã liên tục xây dựng những hàng rào kỹ thuật hết sức ngặt nghèo, với những quy định khắt khe về tiêu chuẩn sinh học, vật lý, hóa học và những tiêu chuẩn này luôn được đổi mới theo hướng tinh vi, phức tạp hơn trước. Ví dụ trong lĩnh vực nông sản, các nước phát triển đưa ra các quy định về dư lượng các chất hóa học trong sản phẩm. Chỉ thị số 96/23/EC ngày 29/04/1996 của EU quy định về các biện pháp giám sát một số hoạt chất và dư lượng của chúng trong động vật sống và sản phẩm động vật, theo đó các nước đang phát triển bao gồm cả Việt Nam phải tuân thủ các biện pháp giám sát một số hoạt chất và dư lượng của chúng trong nuôi trồng thủy sản và gia súc, gia cầm thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU. Hàm lượng các chất hóa học tồn dư trong nông phẩm, ví dụ dioxathion không được vượt quá 0,0015 mg/kg hoặc như chất fenamiphos không thể vượt quá 0,0008 mg/kg, tương tự như thế, chất phosamidon hàm lượng không thể vượt quá 0,005mg/kg nông phẩm nếu muốn vào thị trường EU.
Bên cạnh những quy định về hàng rào kỹ thuật, các nước phát triển còn áp dụng cơ chế chống bán phá giá. Các nước này lập luận rằng, quy định chống bán phá giá dẫn chiếu theo thể chế của WTO và vì thế đây là biện pháp hợp pháp, không vi phạm những nguyên tắc của thương mại quốc tế. Đây là một hình thức bảo hộ ở cấp độ cao và tinh vi. Số lượng các trường hợp kiện chống bán phá giá tập trung cao nhất vào các nước có thu nhập cao.
Cùng với các công cụ trên, hiện nay các biện pháp bảo hộ nhưng chống trợ cấp và tự vệ trong thương mại quốc tế cũng ngày càng có xu hướng gia tăng. Bởi đây là những công cụ được ra đời trên cơ sở các quy định của WTO và chúng được sử dụng hết sức tinh vi để vừa bảo hộ được nền sản xuất trong nước vừa không vi phạm các quy định của thương mại quốc tế.
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ HỢP LÝ SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY