II. Giải pháp hoàn thiện các biện pháp bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước
1. Nhóm các biện pháp liên quan đến thuế và phi thuế
1.1. Nhóm các giải pháp liên quan đến thuế
Thứ nhất, trong điều kiện cho phép phù hợp với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam về lộ trình giảm thuế nhập khẩu, chúng ta vẫn tiếp tục bảo hộ bằng thuế đối với một số ngành hàng cần được hỗ trợ. Việc điều chỉnh mức thuế suất cần phải có thời gian chuyển đổi và công bố rộng rãi trước khi áp dụng để các doanh nghiệp có thể có sự chuẩn bị và chủ động trong những kế hoạch kinh doanh của mình, tránh sự lúng túng khi Nhà nước ban hành biểu thuế mới.
Thứ hai, các biện pháp tính thuế phải được áp dụng một cách linh hoạt, chủ yếu áp dụng thuế phần trăm để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế áp dụng thuế tuyệt đối. Nếu một dòng thuế nhập khẩu được chuyển đổi sang thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, phải đảm bảo có mục đích rõ ràng, và mức thuế suất mới không vượt quá mức Việt Nam đã cam kết.
Thứ ba, Việt Nam cần bảo vệ sản xuất trong nước tránh khỏi những cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu bằng cách áp dụng một cách có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Các pháp lệnh về chống bán phá giá và chống trợ cấp đã được ban hành từ lâu, nhưng cho đến
nay nước ta vẫn chưa tiến hành một cuộc khởi kiện nào đối với hàng nhập khẩu được bán phá giá hoặc trợ cấp vào thị trường nội địa mà luôn là đối tượng bị kiện. Điều đó tạo nên sự bất bình đẳng đối với hàng hoá sản xuất trong nước. Việt Nam cần áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng vào thực tiễn trong thời gian tới để bảo vệ hàng hoá trong nước và quy trình áp dụng phải dựa trên cơ sở quy định của WTO.
Thứ tư, nước ta cũng cần nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến thuế của các nước thành viên WTO và chuyển hoá một cách hợp lý vào điều kiện của Việt Nam. Nhà nước phải phối hợp với các doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, mặt khác, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với Nhà nước để ngăn chặn nguy cơ bị cạnh tranh không công bằng bởi các hàng hoá nhập khẩu.
Hệ thống thuế của Việt Nam về cơ bản không có mâu thuẫn hay trái ngược với các quy định liên quan của WTO. Để việc triển khai trên thực tế được khả thi và tuân thủ đúng các nguyên tắc của WTO, hệ thống này còn cần được hoàn thiện hơn nữa, chủ yếu theo hướng bổ sung quy định chi tiết cho các quy định khung hiện đại.