II. Thực trạng sử dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất ở Việt Nam hiện
2. Các biện pháp phi thuế
2.2.1. Xác định giá trị hải quan
Trước khi gia nhập WTO, nước ta xác định giá trị hải quan theo giá mua tại cửa khẩu nhập khẩu để tính thuế nhập khẩu, trong nhiều trường hợp còn áp dụng bảng giá tối thiểu và giá tham khảo đối với một số mặt hàng. Hầu hết các loại mặt hàng này đều là những mặt hàng thuộc diện quản lý và cần sự bảo hộ của Nhà nước. Xét về góc độ chống gian lận thương mại qua giá, thì cách làm này đã có lúc phát huy tác dụng. Song xét một cách tổng thể thì việc tính áp dụng theo “Bảng giá” đã làm triệt tiêu sự linh hoạt và quyền chủ động của các nhà kinh doanh nhập khẩu trong quá trình đàm phán. Hơn thế, cách tính thuế trên cơ sở một bảng giá “xơ cứng” không phản ánh đúng trị giá giao dịch thực tế ảnh hưởng đến giao lưu thương mại giữa chúng ta với thị trường quốc tế. Trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế và xu hướng toàn cầu hoá, hệ thống xác định giá tính thuế theo Bảng giá tối thiểu trở nên không còn phù hợp.
Tuy nhiên, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam phải áp dụng Hiệp định về Xác định trị giá hải quan của WTO (ACV), lấy giá trị giao dịch thực tế để tính giá trị hải quan và bỏ bảng giá tối thiểu. Ngày 06/06/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2002/NĐ-CP về việc xác định trị giá tính thuế đối
với hàng hóa nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.
Theo Thông tư số 87/2004/TT-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2004 ( về sau đã được thay thế bằng Thông tư số 113/2005/TT-BCT tháng 12 năm 2005), trị giá hải quan tối thiểu đã được bãi bỏ và Việt Nam đã chuyển tải toàn bộ các quy định của ACV và các Phụ lục diễn giải Hiệp định vào các văn bản quy phạm pháp luật của mình, cụ thể là Thông tư 113/2005/TT-BCT và Nghị định số 155/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng áp dụng lần lượt tất cả 6 phương pháp tính trị giá hải quan theo quy định của WTO.