Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Thực tế áp dụng hoạt động Marketing giác quan (Sensory marketing) trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống trên thế giới và phương hướng áp dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam (Trang 83 - 85)

DỊCH VỤ ĂN UỐNG TẠI VIỆT NAM

3.2.3. Đối với cơ quan quản lý nhà nước

3.2.3.1.Thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch tại Việt Nam

Như đã phân tích ở trên, ngành du lịch có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống của người tiêu dùng. Vì vậy, việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch sẽ tạo động lực cho sự phát triển của ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hơn nữa, thị trường khách du lịch thường là những người có thu nhập khá trở lên, vì vậy tiêu chuẩn của họ đối với các địa điểm dịch vụ ăn uống là khá cao. Để cạnh tranh, các chủ thể kinh doanh buộc phải có sự đầu tư nghiêm túc không chỉ vào chất lượng của món ăn, đồ uống mà còn vào chất lượng không gian của cửa hàng. Một khi ngành dịch vụ ăn uống phát triển, để lại ấn tượng tốt đối với du khách thì đó cũng chính là một phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh quốc gia, từ đó tác động tích cực trở lại cho sự phát triển của ngành du lịch.

3.2.3.2.Cải thiện nguồn cung cấp thông tin, số liệu thống kê

Tuy hiện nay tại Việt Nam đã có một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường nhưng đối với các chủ thể kinh doanh vừa và nhỏ, nguồn tài chính hạn hẹp thì chi phí cho việc thuê các công ty này là quá cao. Do đó, phần lớn các chủ thể kinh doanh đều tự mình thực hiện việc nghiên cứu thị trường dựa trên các nguồn thông tin, số liệu có sẵn. Do vậy, vai trò của các cơ quan thống kế nhà nước là rất quan trọng. Để tránh tình trạng các số liệu, thông tin không khớp nhau giữa các đơn vị, hoặc số liệu đã quá cũ, cơ quan thống kê cần nâng cao, cải thiện chất lượng cả cơ sở vật chất kĩ thuật lẫn đội ngũ nhân lực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành có liên quan để có thể đưa ra những con số, thông tin chính xác và kịp thời nhất cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tránh tình trạng một số tổ chức, phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp cố tình đưa ra những thông tin sai lệch, gây bóp méo thị trường, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đưa ra những hình thức xử lý thích hợp đối với các tổ chức, doanh nghiệp này. Đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước, luôn cần

phải minh bạch hóa thông tin để tạo ra một hệ thống thông tin liên tục, đáng tin cậy, làm cơ sở để các doanh nghiệp đối chiếu với các nguồn thông tin không chính thống khác.

3.2.3.3.Thiết chặt quản lý trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống

Để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng cường niềm tin của khách hàng, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng dịch vụ tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các cơ quan cần có chế tài xử phạt nghiêm túc đối với những vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là sự cạnh tranh không lành mạnh của một số chủ thể kinh doanh, ví dụ như tình trạng bắt chước mô hình, hình thức kinh doanh của chủ thể khác. Ngoài ra, do các công cụ Marketing giác quan có thể phần nào ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam, vì vậy các cơ quan cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đặc biệt là các quán café, quán bar, tránh những ảnh hưởng tiêu cực do việc sử dụng Marketing giác quan sai hướng của một số chủ thể kinh doanh.

Tóm lại, để Marketing giác quan có thể phát huy được tiềm năng cho ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Việt Nam, không chỉ cần đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà còn cần đến sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức Marketing, và từ các ngành kinh tế, kĩ thuật khác. Các chủ thể kinh doanh vừa và nhỏ cần biết phát huy lợi thế của mình khi thực hiện Marketing giác quan là sự thông thạo, hiểu biết về văn hóa, về con người Việt để đưa ra một chiến lược hiệu quả, tạo chỗ đứng vững chắc trước sự cạnh tranh gay gắt của các chủ thể kinh doanh nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trong thời buổi tràn ngập các hình ảnh, âm thanh quảng cáo như hiện nay thì với các ưu thế của mình, Marketing giác quan đã, đang và sẽ là một công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp khác biệt hóa thương hiệu của mình. Lý luận Marketing giác quan được xây dựng từ những quan sát, điều tra và trải nghiệm thực tế về cảm giác, tâm lý, hành vi con người. Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy mối quan hệ mật thiết

của Marketing giác quan với những ngành khoa học khác như: Tâm lý học, Hành vi người tiêu dùng, Kiến trúc-thiết kế,…được tiếp cận dưới góc độ marketing. Marketing giác quan thực hiện đầy đủ chức năng của marketing nói chung và được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực: từ sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, thậm chí là sản xuất ô tô, đồ công nghệ điện tử cho đến các loại hình dịch vụ.

Với đặc thù riêng, có thể thấy Marketing giác quan thực chất đã được áp dụng trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống từ lâu nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở thị giác và thính giác. Sự phát triển của kinh tế, tiêu chuẩn xã hội ngày một nâng cao, tình trạng cung vượt quá cầu tất yếu đã dẫn đến sự hoàn thiện của Marketing giác quan đối với cả 5 năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống như hiện nay là một thách thức lớn cho các chủ thể kinh doanh trong việc định vị thương hiệu trên thị trường. Và Marketing giác quan trong tương lai sẽ vẫn là công cụ hữu ích để cá biệt hóa sản phẩm, dịch vụ và giúp các chủ thể kinh doanh xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững trong tâm trí người tiêu dùng.

Với nhiều yếu tố thuận lợi về văn hóa lẫn kinh tế, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc phát triển Marketing giác quan trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống. Để khai thác những tiềm năng, thuận lợi đồng thời khắc phục những khó khăn, trở ngại đòi hỏi phải có sự chủ động, tích cực từ nhiều phía: Các cơ quan quản lý, các tổ chức marketing chuyên nghiệp, và đặc biệt quan trọng là chính các chủ thể kinh doanh trong ngành. Đối với một thị trường đa văn hóa, nhu cầu thị hiếu của con người rất đa dạng như Việt Nam, đòi hỏi các nhà làm marketing không chỉ nắm rõ lý thuyết về Marketing giác quan mà còn phải luôn học hỏi, năng động, sáng tạo, và nắm rõ tâm lý người tiêu dùng. Điều này sẽ tạo cơ sở vững chắc, đảm bảo cho sự phát triển của Marketing giác quan tại Việt Nam trong tương lai.

Một phần của tài liệu Thực tế áp dụng hoạt động Marketing giác quan (Sensory marketing) trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống trên thế giới và phương hướng áp dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(98 trang)
w