Sự nâng cao về nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Thực tế áp dụng hoạt động Marketing giác quan (Sensory marketing) trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống trên thế giới và phương hướng áp dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam (Trang 68 - 71)

DỊCH VỤ ĂN UỐNG TẠI VIỆT NAM

3.1.1.3.Sự nâng cao về nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng.

Gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã và đang trong tiến trình hội nhập ngày một sâu rộng vào xu thế toàn cầu hóa. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhận thức và đời sống của người dân Việt Nam ngày một nâng cao. Hơn nữa, hiện nay, nhu cầu đối với các dịch vụ ăn uống của người Việt Nam là khá cao. Để có cái nhìn gần hơn về điều này, tác giả đã tiến hành một cuộc khảo sát bằng cách phiếu điều

tra (Xem phụ lục 6 – Mẫu phiếu điều tra) trên địa bàn thành phố Hà Nội – một trong ba trung tâm lớn của Việt Nam. Cuộc điều tra được tiến hành với quy mô 300 phiếu được phát ra, trong đó thu về được 280 phiếu hợp lệ. Đối tượng chủ yếu là học sinh – sinh viên, nhân viên văn phòng vì đây là bộ phận dân cư chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số của Hà Nội. và cũng là nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ ăn uống ở mức cao nhất. Sau đây là 1 số kết luận rút ra từ cuộc điều tra:

Hình 3.1:Tần suất sử dụng dịch vụ ăn uống của người tiêu dùng Hà Nội

Nhu cầu của người tiêu dùng tại Hà Nội đối với dịch vụ ăn uống là khá cao: Có tới 43% số người được hỏi ý kiến có tần suất sử dụng các dịch vụ ăn uống từ 5 -10 lần/ tuần. Với tần suất trên 10 lần/ tuần, con số này cũng không nhỏ (16,6%).

Khi trả lời về lý do, mục đích sử dụng dịch vụ ăn uống, 53,7% số người được điều tra có câu trả lời là “Tiết kiệm thời gian nấu nướng, đi lại”, hầu hết thuộc nhóm 25 – 31 tuổi. Bên cạnh đó, cũng có tới 41% số người được hỏi chọn lý do “Thưởng thức, giải trí”, điều này chứng tỏ rằng cuộc sống bận rộn đã làm tăng nhu cầu ăn uống bên ngoài của người tiêu dùng, và nhu cầu của họ cũng không chỉ dừng lại ở sản phẩm, dịch vụ đơn thuần.

Hình 3.2: Yếu tố ấn tượng nhất của địa điểm ăn uống đối với người tiêu dùng Hà Nội

Khá trùng khớp với các nghiên cứu về giác quan ở chương I & chương II, yếu tố thị giác (thiết kế nội thất, ngoại thất) và mùi hương chiếm tỷ lệ lớn (34,6% và

19%) về yếu tố gây ấn tượng nhất đối với người tiêu dùng. Còn các yếu tố về biển hiệu, khẩu hiệu & logo chiếm tỷ lệ khá nhỏ (7,3% và 6,2%). Thực tế này có thể xuất phát từ thực tế là ngày nay, người tiêu dùng đã bão hòa bởi vô số biển quảng cáo, vậy nên họ những công cụ này dần trở nên kém hiệu quả. Như vậy, rõ ràng là các công cụ trong Marketing giác quan tỏ ra rất hiệu quả đối với các chủ thể kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội trong việc thu hút khách hàng.

Mỗi phong cách nhà hàng có những gam màu chủ đạo thích hợp, cụ thể là:

- Phong cách cổ điển, sang trọng với gam màu trầm như: nâu, ghi, tím

- Phong cách ấn tượng, khác biệt với gam màu đối lập như: trắng/đen, đỏ/đen

- Phong cách hiện đại, trẻ trung với gam màu ấm nóng như: đỏ, vàng, cam

- Phong cách đơn giản, thoải máu với gam màu trung tính, nhẹ nhàng như: hồng, xanh lá cây.

Theo kết quả điều tra, có đến 71,5% số người được điều tra có sự lựa chọn tương ứng phù hợp giữa phong cách và gam màu ưa thích như trên. Điều này chứng tỏ rằng, người tiêu dùng tại Hà Nội cũng rất quan tâm đến phong cách của địa điểm ăn uống khi đưa ra quyết định và thị hiếu của họ về phong cách, màu sắc cũng khá tương đồng với những kết luận của các cuộc nghiên cứu đã đưa ra. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng các lý thuyết về Marketing giác quan vào kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội.

Đối với các yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn địa điểm dịch vụ ăn uống, nhìn chung, ba yếu tố: chất lượng sản phẩm (món ăn, đồ uống); không gian, bầu không khí xung quanh (thiết kế, bài trí, âm thanh, màu sắc, mùi hương,…); và giá cả có ảnh hưởng nhất. Trong đó, không gian xung quanh là yếu tố chiếm tỷ lệ được lựa chọn cao nhất (34%). Điều này một lần nữa chứng minh các kích thích giác quan thuộc không gian nhà hàng có tác động đáng kể tới cảm xúc và trí nhớ của người tiêu dùng tại Hà Nội.

Hình 3.3:Yếu tố ảnh hưởng nhất tới sự lựa chọn địa điểm dịch vụ ăn uống của người tiêu dùng tại Hà Nội

Đối tượng lựa chọn “giá cả” là yếu tố quan trọng nhất cho sự lựa chọn của mình chủ yếu rơi vào nhóm những người có thu nhập trung bình không cao (dưới 5 triệu đồng/tháng), còn nhóm những người có thu nhập khá và cao (trên 5 triệu đồng/tháng) thì hầu như họ không lựa chọn yếu tố này, mà chủ yếu lựa chọn yếu tố “không gian xung quanh”. Như vậy, với một lượng dân không nhỏ có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng thì chắc chắn các chủ thể kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ phải quan tâm đến hoạt động Marketing giác quan trong chiến lược kinh doanh của mình nếu muốn có chỗ đứng trên thị trường màu mỡ này.

Tóm lại, dù còn hạn chế về không gian và quy mô, nhưng cuộc điều tra đã phần nào đem lại một cái nhìn tổng quan về nhu cầu và nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với ngành dich vụ ăn uống. Và qua đó, có thể thấy rằng, trong tương lai đây tiếp tục là một lĩnh vực đầy tiềm năng, đầy hứa hẹn để vận dụng Marketing giác quan.

Một phần của tài liệu Thực tế áp dụng hoạt động Marketing giác quan (Sensory marketing) trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống trên thế giới và phương hướng áp dụng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam (Trang 68 - 71)