Giải pháp đối với nhân tố khoảng cách

Một phần của tài liệu Triển vọng ký kết đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt Nam – Australia (Trang 71 - 72)

(1) Khoảng cách địa lý

Như đã phân tích ở trên, khoảng cách địa lý ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu theo hai khía cạnh đó là chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển. Điều này đặt ra yêu cầu cho Nhà nước và doanh nghiệp cần có những biện pháp cụ thể để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ nhân tố này, cụ thể:

- Nhà nước cần nâng cao chất lượng giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông đường biển, hệ thống cảng biển, lưu kho, lưu bãi, công nghiệp đóng tàu... nhằm mục đích giảm thiểu thời gian vận chuyển trong chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – Australia. Việc đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải cần được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, tránh tình trạng trì trệ làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu;

- Các doanh nghiệp cần chủ động giành quyền vận chuyển hàng hóa quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa chủ động trong việc

nhận quyền vận tải trong mua bán hàng hóa quốc tế, điều này đã làm chi phí vận tải tăng lên tương đối so với việc tự bản thân doanh nghiệp chủ động đàm phán, thuê phương tiện vận tải trong nước thay vì nhập khẩu dịch vụ vận tải. Việc giành quyền vận tải sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội thỏa thuận giá cả, tận dụng được nguồn lực vận tải giá rẻ hơn nước ngoài qua đó giảm nhẹ gánh nặng về chi phí vận tải.

(2) Khoảng cách văn hóa

Để khắc phục sự xa cách về văn hóa nói chung, sự khác biệt về phong cách kinh doanh, ngôn ngữ sử dụng nói riêng với Australia, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu văn hóa của nước đối tác, để có những ứng xử, hành vi phù hợp trong quan hệ thương mại với nước đó. Bên cạnh đó, phía Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu nét văn hóa Australia cũng như quảng bá hình ảnh, văn hóa của Việt Nam tới thị trường này, cụ thể:

- Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hóa trong thương mại quốc tế thông qua các buổi tập huấn, bổ sung kiến thức tổ chức thường xuyên cho khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu;

- Đẩy mạnh giao lưu văn hóa hai nước như tổ chức các hội thảo giới thiệu văn hóa hay gửi các phái đoàn đại diện doanh nghiệp Việt Nam sang Australia để có cơ hội tiếp xúc trực tiếp nền văn hóa nước này;

- Cung cấp thông tin có hệ thống về thị trường và văn hóa của Australia để hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường nước này;

- Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở Australia trong công tác thu thập thông tin để có được những thông tin cần thiết. Những thông tin này có thể truyền tải đến doanh nghiệp theo phương thức truyền thống dưới dạng các ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành hoặc hiện đại hơn là thông qua các website với nội dung sống động, tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.

Một phần của tài liệu Triển vọng ký kết đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt Nam – Australia (Trang 71 - 72)