Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu Triển vọng ký kết đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt Nam – Australia (Trang 67 - 68)

Như đã phân tích ở chương 2, một trong những khó khăn cản trở thương mại Việt Nam và Australia là các thủ tục nhập khẩu của Australia rất rườm rà và phức tạp, bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến quan liêu, tham nhũng, thuế, chính sách... của Chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật là rất cần thiết. Đó là nền tảng cơ sở pháp lý vững vàng để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào kinh doanh với Australia, đồng thời tạo niềm tin vào môi trường ổn định cho các nhà kinh doanh Australia.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam nhằm loại bỏ những văn bản luật hoặc dưới luật đã lỗi thời, đã bất cập, các cơ chế, chính sách không còn phù hợp cũng cần được thay đổi như cơ chế xuất nhập khẩu, nên tiến tới có quy định điều hành dài hạn trong một kỳ thay vì mỗi năm có một quyết định riêng. Đặc biệt, cần lưu ý tới hệ thống thuế, đặc biệt là thuế xuất khẩu, nhập khẩu để hội nhập và hợp tác thuế quan với các nước ASEAN. Bên cạnh đó, pháp lệnh đưa việc thu phí và lệ phí thống nhất cần được ban hành, công tác quản lý cần được đưa vào nề nếp, tránh tình trạng nhiều phí và lệ phí không hợp lý gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam cũng cần thực hiện minh bạch hóa luật lệ, thực hiện các cam kết đã đưa ra về minh bạch hóa pháp luật. Việc minh bạch hóa là hết sức cần thiết không những giúp các doanh nghiệp trong nước kinh doanh thuận lợi mà còn giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn khi kinh doanh tại Việt Nam.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đòi hỏi sự đầu tư lớn của Nhà nước về kinh phí nhân lực và thời gian. Tuy nhiên, nếu đầu tư không thích đáng, nửa vời thì sẽ mang đến ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến các thủ tục luật lệ ngày càng rườm rà và

phức tạp, tạo bước cản lớn trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Chính vì vậy, Nhà nước cần sát sao trong công tác đầu tư và hoàn thiện hệ thống pháp luật để việc đầu tư được thích hợp và đúng đắn mang lại hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Triển vọng ký kết đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt Nam – Australia (Trang 67 - 68)