Cho đến nay, tại Mỹ có 9 Sở giao dịch chứng khoán lớn. Trong đó có 2 sở chứng khoán có phạm vi toàn quốc với trụ sở chính tại thành phố New York. Đó là Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (AMEX). Thị trường TPCP Mỹ là một thị trường vay nợ lớn nhất trên thế giới. Mục tiêu của thị trường này là huy động vốn để bù đắp thiếu hụt NSNN và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này. TPCP Mỹ bao gồm các loại tín phiếu kho bạc, kỳ phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính quyền địa phuơng và trái phiếu do các cơ quan Chính phủ phát hành. Trái phiếu kho bạc được bán theo phương thức đấu thầu do kho bạc Mỹ tổ chức; còn các loại trái phiếu do các chính quyền liên bang hoặc các loại trái phiếu do cơ quan Chính phủ phát hành thường được bán dưới hình thức bảo lãnh phát hành. TPCP được giao dịch qua thị trường giao dịch OTC trực tiếp giữa các thành viên hơn là giao dịch qua Sở giao dịch chứng khoán. Các nhà giao dịch trái phiếu thường thực hiện các giao dịch trực tiếp với các nhà đầu tư như các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các nhà môi giới; các nhà đầu tư nhỏ và dân chúng mua bán TPCP thông qua các ngân hàng, các nhà môi giới hoặc các nhà kinh doanh trái phiếu.
- Tại thị trường TPCP sơ cấp: TPCP Mỹ thường được phát hành theo hình thức đấu thầu, trong đó Cục dự trữ liên bang làm đại lý cho kho bạc trong việc tổ chức các đợt đấu thầu, phân phối TPCP thông qua hệ thống của mình. Đối với đợt phát hành mới lãi suất được xác định giá (theo lãi suất coupon) đảm bảo người đầu tư
được hưởng mức lợi suất như mức lợi suất của các đợt phát hành trên thị trường thứ cấp có thời hạn tương đương.
Để xác định mức lợi suất trái phiếu đấu thầu, ở Mỹ áp dụng hình thức đấu thầu một giá và đấu thầu nhiều giá. Cách thức đấu thầu một giá được áp dụng đối với TPCP ngắn hạn, người đặt thầu nhận được trái phiếu theo mức lợi suất cao nhất của đặt thầu cạnh tranh được chấp nhận. Các loại TPCP còn lại được áp dụng theo hình thức đấu thầu nhiều giá và những người đặt thầu ở mức lợi suất thấp nhất sẽ nhận được trái phiếu theo giá đặt thầu của họ; còn những người đặt thầu thành công ở mức lợi suất cao hơn chỉ có được trái phiếu theo mức giá đặt thầu của họ cho đến khi tổng giá trị chào bán được xác định; mức lợi suất cao nhất được coi là mức lợi suất trần, những nhà đặt thầu ở mức lợi suất này sẽ nhận được một tỷ lệ trong tổng giá trị trái phiếu phát hành bằng đấu thầu; mức giá nhà thầu không phải cạnh tranh phải trả được coi là giá cạnh tranh bình quân.
- Thị trường TPCP thứ cấp: Ở Mỹ thị trường TPCP thứ cấp chính là thị trường OTC, đó là nơi các nhà đầu tư và kinh doanh TPCP, đặt mua và chào bán các loại TPCP; đặc điểm của thị trường này là có tính thanh khoản cao. Trên thị trường này có một bộ phận TPCP được giao dịch trước khi kho bạc phát hành, thị trường này giao dịch cả tín phiếu kho bạc và trái phiếu coupon Chính phủ kể từ ngày được công bố đấu thầu cho đến ngày phát hành và việc chuyển giao trái phiếu được diễn ra vào ngày phát hành trái phiếu đó.
TPCP giao dịch giữa các tổ chức kinh doanh phần lớn được thực hiện thông qua các nhà môi giới Chính phủ; giá yết trên màn hình của tổ chức kinh doanh Chính phủ là giá thị trường nội bộ giữa họ, họ luôn tìm cách hạn chế công chúng đầu tư tiếp cận với bảng giá này. Tuy vậy, vào cuối 1991 trước áp lực từ phía cơ quan tài chính quốc gia và Quốc hội buộc các nhà môi giới Chính phủ phải công khai thông tin cho các nhà kinh doanh bên ngoài.
Các loại trái phiếu địa phương được phát hành rộng rãi, bởi việc huy động nguồn vốn này có lãi suất thấp hơn đi vay các tổ chức khác do được miễn thuế thu nhập. Trái phiếu dành cho các dự án nhà ở do địa phương phát hành để trợ giúp các đối tượng có thu nhập thấp, khoản tiền thu được từ cho thuê nhà được dùng để trả nợ. Các trái phiếu địa phương dành cho mục đích công cộng do chính quyền địa phương
phát hành ở Mỹ được miễn thuế liên bang; do vậy, lợi tức trái phiếu chính quyền địa phương thường cao hơn trái phiếu kho bạc Mỹ.
Trái phiếu địa phương được giao dịch trên thị trường phi tập trung, thông thường các nhà đầu tư lớn, các ngân hàng thương mại là người nắm giữ loại trái phiếu này. Giao dịch trái phiếu địa phương là không nhiều, việc xây dựng giá của nó trên thị trường thứ cấp có thể gặp khó khăn; chênh lệch giữa giá mua và giá bán thường rất lớn, do đó các nhà tạo lập thị trường có thể gặp nhiều rủi ro khi định giá cho các đợt phát hành trái phiếu địa phương.
1.5.3. Thị trường trái phiếu Chính phủ Trung Quốc
Trong một vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã chú trọng đến việc phát triển thị trường TPCP. Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng chiến lược tài trợ thiếu hụt NSNN bằng cách phát hành TPCP ở thị trường vốn trong nước. Qua nghiên cứu thị trường TPCP Trung Quốc, cho phép rút ra những nhận định cơ bản sau:
- Về loại trái phiếu: Trung quốc có các loại trái phiếu kho bạc; trái phiếu doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước; trái phiếu của các định chế tài chính.
- Về quy mô theo đánh giá của ADB (2001)- Government Bond Market Development in Asia thì đầu những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu phát hành TPCP dưới nhiều hình thức khác nhau; đến năm 1991 phát hành TPCP theo hình thức tổ hợp bảo lãnh phát hành; đến năm 1994 áp dụng kết hợp hài hòa giữa hình thức bảo lãnh phát hành với các hình thức phát hành truyền thống nhằm thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu của người đầu tư trái phiếu. Trong năm 1998 quy mô thị trường trái phiếu Trung Quốc là 776 tỷ USD, chiếm 30% GDP, trong đó TPCP chiếm khoảng 72%.
- Lãi suất TPCP Trung Quốc được quy định bởi cơ quan quản lý, mặc dù trong năm 1998 có cho phép thực hiện biên độ là 20% và biên độ này được nâng lên 30% từ năm 1999. Trung Quốc mới áp dụng tự do hoá lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn còn vay trung hạn và dài hạn thì vẫn quy định tỷ lệ lãi suất cố định
- Lưu ký và thanh toán bù trừ: Trong năm 2000, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán và chuyển giao trái phiếu được nhanh gọn và thuận tiện.
- Về thị trường sơ cấp: Tín phiếu kho bạc ngắn hạn được phát hành theo phương thức chiết khấu; phương pháp phát hành truyền thống là đấu thầu qua hệ
thống điện tử kết nối giữa cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ với các nhà buôn bán trái phiếu được chỉ định hoặc là các nhà tạo lập thị trường. Đối với phương pháp bảo lãnh việc bán trái phiếu cho các nhà đầu tư được thực hiện qua các tổ chức bảo lãnh phát hành thực hiện.
- Về thị trường thứ cấp: Thị trường thứ cấp chính là thị trường OTC, mọi giao dịch được thực hiện qua các nhà kinh doanh trái phiếu sơ cấp và các nhà môi giới chứng khoán được cấp giấy phép. Ở Trung Quốc chưa có một thị trường thứ cấp thực sự, vì hầu hết các nhà đầu tư có khuynh hướng mua trái phiếu và giữ chúng cho đến khi tới hạn thanh toán; nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thị trường thứ cấp chưa phát triển đó là thiếu các yếu tố quan trọng đối với thị trường lãi suất; hệ thống tài chính và hệ thống thanh toán bù trừ chưa phát triển.